Cây sanh dáng thế 'cổ - kỹ - mỹ' ở Nghệ An - kiệt tác thiên tạo
Tại xóm Kẻ Mui, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), có một cây sanh cổ thụ được ví như "mâm xôi con gà" - một kiệt tác "bonsai" thiên tạo. Cây có hình dáng độc đáo, vị thế vững chắc trên những khối đá lớn, là niềm tự hào của người Tân Kỳ.
Biểu tượng giữa đại ngàn
Cây sanh cổ thụ nằm giữa vùng đồi núi trùng điệp của xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, cao khoảng 27m, tán lá xòe rộng gần 40m.
Điều khiến cây trở nên đặc biệt là bộ rễ chằng chịt, buông rủ từ trên cao xuống, ôm trọn 3 khối đá lớn được người dân gọi là Hòn Đá Trời, Hòn Đá Đất và khối đá chìm "khổng lồ" phía dưới.

Từ xa nhìn lại, cây tạo ấn tượng mạnh với những rễ cây tua tủa, như những chiếc cọc chống vững chắc cắm sâu vào lòng đất, giúp thân cây hiên ngang đứng vững giữa bao khắc nghiệt của thiên nhiên và biến đổi của thời gian.

Dáng thế của cây sanh này được nhiều chuyên gia cây cảnh đánh giá là hội tụ đầy đủ các yếu tố “cổ - kỹ - mỹ” và thuộc vào hàng “độc nhất vô nhị”.
Dưới tán cây là khoảng không mát rượi, cành cây đan xen như hình ảnh “phượng múa rồng bay” đầy sống động. Cây mọc trên khu vực cao trình 6,1m so với mặt đất, nhưng nhờ cấu trúc bộ rễ vững chắc nên trải qua cơn bão lớn, lốc xoáy, cây vẫn đứng hiên ngang như thách thức mọi biến thiên của tự nhiên.

Người dân địa phương cho biết, khi họ sinh ra đã thấy cây sừng sững giữa đất trời. Vì thế, người dân xóm Kẻ Mui từ lâu đã coi cây như một phần linh hồn của làng, gọi đó là “cây đoàn kết”. Không ai dám xâm phạm hay chặt tỉa bất cứ nhánh nào trên thân cây.
Từ khi cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2015, nhiều người đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng dáng thế kỳ vĩ mà còn để tìm một chốn an yên, tĩnh tại giữa núi rừng.
Chính quyền địa phương rất coi trọng việc bảo tồn cây sanh cổ thụ này. Từ khi được công nhận là cây di sản, cây sanh đã góp phần hình thành nên một điểm du lịch sinh thái - tâm linh mới của địa phương. Nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh, nhất là những người yêu cây cảnh và văn hóa dân gian, đã tìm về đây để chiêm ngưỡng.
Ông Vũ Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ
Cây sanh cổ thụ với hình dáng kỳ lạ còn được dân gian gọi là cây “mâm xôi con gà” - xuất phát từ việc cây mọc trên các khối đá. Hai khối đá nằm song song, ở giữa có khe hở khoảng 30cm tạo thế ổn định cho khối đá trên cùng. Bộ rễ cây ôm chặt 3 khối đá tạo thành tư thế vững vàng như hình ảnh một “mâm xôi” với chú “gà trống” ngạo nghễ phía trên.

Tiềm năng phát triển du lịch
Hiện tại, một trong những khó khăn để phát huy giá trị du lịch của cây sanh là giao thông chưa thuận lợi. Tuy chỉ cách trung tâm xã khoảng 4 km nhưng tuyến đường dẫn vào vị trí cây sanh là đường đất, đi lại khó khăn vào mùa mưa.

Ông Vũ Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho biết, năm 2023, địa phương đã quy hoạch chung giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035, theo đó cây sanh cổ thụ được quy hoạch với diện tích 15ha, bao gồm các hạng mục: Đường giao thông, bãi đậu xe, đập nước... Trước đó, vào năm 2013, đã có doanh nghiệp đầu tư xây dựng khuôn viên.
Đây là mục tiêu phát triển du lịch của Tân Kỳ cùng với những điểm du lịch tự nhiên - tâm linh khác trên địa bàn như hang Mó (xã Tiên Kỳ), hang Thung Khiển (xã Đồng Văn, Tân Hợp), khe nước nóng, đền Khe Sanh, cột mốc số 0 - đường Hồ Chí Minh... hoàn toàn có thể kết nối thành một chuỗi điểm đến hấp dẫn.

Trong bối cảnh phát triển du lịch bền vững, đây chính là một “mỏ vàng” cần được đầu tư và phát huy hiệu quả - để không chỉ là niềm tự hào của người Tân Kỳ, mà còn là điểm đến độc đáo của xứ Nghệ./.