Những chuyển biến tích cực

29/04/2014 20:14

(Baonghean) - Luật Di sản văn hóa ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2002. Qua hơn 10 năm thực hiện, công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bất cập cần được điều chỉnh...

Chuyển biến từ nhận thức

Đền Quy Lĩnh tọa lạc trên ngọn núi Quy Lĩnh, lưng tựa núi, mặt hướng biển, lâu nay là nơi linh thiêng trong đời sống tâm linh của cư dân làng biển Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Đền được xây dựng từ thời nhà Trần, là nơi thờ, tưởng niệm những người có công giúp dân, giúp nước; là nơi phát tích thờ “tứ vị thánh nương”. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, kiến trúc cổ của ngôi đền bị hư hỏng.

Hát ví giao duyên.  Ảnh: Xuân Nhường
Hát ví giao duyên. Ảnh: Xuân Nhường

Năm 2006, bằng nguồn ngân sách địa phương kết hợp kêu gọi con em xa quê và các doanh nghiệp ủng hộ được gần 4 tỷ đồng, xã Quỳnh Lương đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, khôi phục ngôi đền này, trong đó chú trọng bảo vệ và giữ gìn gốc tích cũ, đảm bảo đúng Luật Di sản. Sau khi hoàn thành, ngôi đền vẫn giữ được những kiến trúc cổ xưa, gồm tòa nhà thượng điện, hạ điện, hậu cung... Gắn với trùng tu, tôn tạo, địa phương cũng đã quan tâm phát huy giá trị của di tích thông qua tuyên truyền, quảng bá. Vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, nhân dân trong xã và các vùng phụ cận, con em xa quê về đều lui tới đền để cầu an, cầu lộc, góp công đức tu bổ đền.

Không riêng đền Quy Lĩnh, mà trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, thời gian qua đã có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được khôi phục, trùng tu, bảo tồn theo hướng “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó huy động nguồn lực xã hội hóa từ nhân dân đóng vai trò then chốt. Ông Trần Đức Dũng - Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳnh Lưu khẳng định: Các di tích lịch sử - văn hóa đã hoặc đang có chủ trương khôi phục, trùng tu, tôn tạo đều được tiến hành đầy đủ hồ sơ, thủ tục, xin ý kiến từ Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh và thực hiện theo Luật Di sản. Riêng về nguồn kinh phí phục vụ công tác khôi phục, trùng tu, phần lớn dựa vào sức dân, huy động nhân lực và vật lực từ dân. Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa nguồn lực để khôi phục, trùng tu, tôn tạo, đến nay, toàn huyện Quỳnh Lưu đã có 23 di tích được xếp hạng và hiện có thêm 8 di tích đang trình hồ sơ để được xếp hạng.

Cùng với Quỳnh Lưu, ở các địa phương Yên Thành, Thanh Chương, Nghi Lộc, Diễn Châu... cũng đều quan tâm đến công tác khôi phục, trùng tu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích danh thắng trên địa bàn đảm bảo Luật Di sản.

Từ năm 2003 đến nay, số lượng di tích được tu sửa, trùng tu, tôn tạo trên địa bàn tỉnh ta là 184 di tích. Công tác xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo di tích đã phát huy hiệu quả. Toàn tỉnh đã huy động được gần 60 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Nguồn này đã được sử dụng có hiệu quả cho việc phục hồi, tôn tạo 135 di tích. Nhiều di tích được khôi phục nhờ 100% nguồn vốn xã hội hóa, đóng góp công đức của con cháu, các cá nhân, tập thể hảo tâm như đền Diên Cờ, đền Khánh Duệ, đền Yên Lương...

Công tác bảo tồn văn hoá phi vật thể cũng được quan tâm đầu tư với nhiều chương trình, dự án được thực hiện giúp nhiều di sản thoát khỏi nguy cơ mai một do những tác động cả về mặt chủ quan và khách quan. Từ tỉnh xuống huyện, xã đều đã thành lập được Ban Kiểm kê, xây dựng được kế hoạch kiểm kê của mình. Có nhiều di sản quý, tiêu biểu được kiểm kê như: dân ca ví dặm, chữ Thái Lai Pao, hát nhuôn, xuối...

Đối với công tác bảo tàng, qua nhiều năm tích cực nghiên cứu, sưu tầm, đến nay đã có trên 30 vạn tài liệu, hiện vật đang được bảo quản, trưng bày và phát huy tác dụng tại các bảo tàng, di tích. Trong đó, có nhiều hiện vật có giá trị như: Bộ sưu tập vũ khí tự vệ đỏ, trống Xô Viết, vật dụng nuôi giấu bảo vệ Đảng, Bác Hồ với Xô Viết Nghệ - Tĩnh… Không chỉ trưng bày tại chỗ, các bảo tàng đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức trưng bày lưu động, hội thảo khoa học, giao lưu văn hóa trong học sinh, sinh viên với các chứng nhân lịch sử, tổ chức thi tìm hiểu về các danh nhân, về lịch sử quê hương... góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa đối với công chúng, nhất là với học sinh, sinh viên. Tiến độ xây dựng hồ sơ, xếp hạng di tích ngày càng được đẩy nhanh. Trung bình mỗi năm xếp hạng được 17 - 18 di tích. Hệ thống các di tích - danh thắng, các bảo tàng trong tỉnh là những địa chỉ du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, hàng năm đón tiếp hàng vạn lượt khách.

Cần một giải pháp đồng bộ

Tuy nhiên, thực tế thi hành Luật Di sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đoàn Văn Nam - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VHTT&DL: Nhiều di sản văn hoá phi vật thể, nhất là của đồng bào vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số đã và đang bị mai một nên khó phục dựng. Tình trạng lấn chiếm, vi phạm di tích - danh thắng chưa được khắc phục một cách triệt để. Hiện, di tích nhà thờ họ Trần (Trần Quý Khoáng) ở xóm Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, TP Vinh và di tích nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến, thuộc cụm di tích Làng Đỏ, phường Hưng Dũng, TP Vinh, vẫn còn bị xâm hại, lấn chiếm. Nguyên nhân để nhiều di tích xuống cấp là do nguồn kinh phí chi thường xuyên cho việc chống xuống cấp di tích của địa phương còn hạn hẹp, trong khi đó việc đầu tư ngân sách nhà nước còn quá ít ỏi so với thực tế đòi hỏi. Năm 2014, cả tỉnh chỉ được bố trí 900 triệu đồng phục vụ công tác trùng tu di tích (nguồn ngân sách tỉnh và chương trình mục tiêu quốc gia). So với tổng số di tích và phải trùng tu, tôn tạo trên địa bàn tỉnh thì số tiền này là quá ít ỏi.

Theo ông Nguyễn Đình Cảnh, cán bộ phòng VHTT huyện Hưng Nguyên, hiện nay một số di tích xuống cấp vẫn phải chờ kinh phí như di tích quốc gia đền Rậm (xã Hưng Nhân), di tích xứ ủy Trung Kỳ (xã Hưng Châu), đền Thanh Liệt (xã Hưng Lam), đền Vua Lê (xã Hưng Khánh)... Ngoài ra, hiện nay không gian của một số di tích bị lấn chiếm làm hàng quán, tập trung quá đông người, đốt vàng mã quá nhiều trong mùa lễ hội mà chưa có những biện pháp quản lý bảo vệ cần thiết. Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng cán bộ, các cơ chế chính sách trong lĩnh vực di sản chưa đáp ứng kịp thời. Về cơ chế chính sách đối với người tham gia hoạt động bảo vệ di sản còn bất cập, chưa có chế độ cụ thể cho người trông coi di tích, nghệ nhân dân gian nên chưa động viên được họ dồn công sức, tâm huyết vào công việc. Người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể ngày càng ít đi do phần lớn đã cao tuổi...

Thiết nghĩ, để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích đảm bảo đúng Luật Di sản, đồng thời khai thác nó như một tài nguyên du lịch, trở thành một động lực phát triển kinh tế - xã hội, trước hết cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về vai trò, trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa. Cần quan tâm đến quy hoạch di tích trọng điểm và quy hoạch di tích gắn với quy hoạch du lịch. Gắn di tích, danh thắng với quy hoạch phát triển du lịch, dịch vụ, coi di sản văn hóa vật thể là một tài nguyên du lịch, hình thành các tour, tuyến du lịch để thu hút khách trong và ngoài nước, chẳng hạn: gắn du lịch Cửa Lò - đảo Ngư - đảo Mắt - sông Lam; du lịch Cửa Lò - Vinh - quê Bác; du lịch Cửa Lò - Vinh - Pù Mát; Đền thờ Nguyễn Xí - Quang Trung - Hoàng Mười - Bạch Mã - Quả Sơn - An Dương Vương;...

Cùng với đó, cần ưu tiên đầu tư ngân sách tỉnh và nguồn hỗ trợ Trung ương; tích cực thu hút nguồn đóng góp tài trợ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhân dân để có nguồn kinh phí tu bổ di tích. Mặt khác, cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa vừa có năng lực, trình độ, vừa có tâm huyết với lĩnh vực di sản. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của địa phương trong công tác bảo vệ di tích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm những sai phạm trong quản lý và các hành vi phá hoại, xâm lấn di tích.

Quảng An

Mới nhất
x
Những chuyển biến tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO