Những điểm mới trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
(Baonghean) Toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được công bố, có lời nói đầu, 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) giảm 1 Chương, 23 điều. Trong 11 chương có 1 Chương mới hoàn toàn (Chương X: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước); trong 124 điều của dự thảo có 11 điều viết hoàn toàn mới, 102 điều sửa đổi bổ sung.
(Baonghean) Toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được công bố, có lời nói đầu, 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) giảm 1 Chương, 23 điều. Trong 11 chương có 1 Chương mới hoàn toàn (Chương X: Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước); trong 124 điều của dự thảo có 11 điều viết hoàn toàn mới, 102 điều sửa đổi bổ sung.
Dự thảo sửa đổi, khẳng định Quốc hội là cơ quan lập pháp; Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt về đối nội, đối ngoại; Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất, thực hiện quyền hành pháp; Toà án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch nước trong hoạt động lập pháp, thống lĩnh các LLVT, chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh...; xác định rõ trách nhiệm của tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên; quy định về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân theo định hướng cải cách tư pháp.
Dự thảo sửa đổi, thêm 1 điều (Điều 120): Quy định về Hội đồng Hiến pháp với chức năng là bảo vệ Hiến pháp, là cơ quan do Quốc hội thành lập (gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các Ủy viên) đây là vấn đề rất mới đối với Việt Nam để đáp ứng yêu cầu thực tiễn là nhằm kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp, đồng thời kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế đã được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thể hiện phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hình thức dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp và quyền lập hiến bằng việc đóng góp ý kiến trực tiếp vào văn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trước khi Quốc hội thông qua; nhân dân có quyền bãi nhiệm các đại biểu Quốc hội do họ bầu ra, đồng thời có quyền biểu quyết về những vấn đề trưng cầu dân ý. Khẳng định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; bổ sung thêm các quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân như: quyền được có quốc tịch, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền được thụ hưởng giá trị văn hoá, được bảo vệ trong tiêu dùng... Khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam XHCN; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN; giữ vững hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội; công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; bổ sung thêm việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 còn bổ sung thêm địa vị pháp lý của kiểm toán Nhà nước (Điều 122); nêu rõ nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện CNH, HĐH đất nước gắn với phát triển nền kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết nền kinh tế thông qua các chính sách cụ thể chứ không can thiệp sâu vào nền kinh tế... tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật, Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh; tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hoá và trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường, thể thức trưng mua, trưng dụng theo luật định.
Là văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước, Hiến pháp phản ánh ý chí chung của toàn xã hội về những vấn đề quan trọng của một quốc gia... Mặc dù đã được chuẩn bị công phu, nhưng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 rất cần có sự đóng góp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và toàn xã hội.
Hoàng Tùng (Bộ CHQS Nghệ An)