Những điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

10/03/2016 16:37

(Tiếp theo kỳ trước)

(Baonghean) - Luật BHXH sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 gồm 09 Chương, 125 Điều. Trong đó có một số điều khoản được sửa đổi nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho các đối tượng tham gia, đảm bảo quyền về an sinh xã hội của người dân, bổ sung một số chế độ cho phù hợp và xác định địa vị pháp lý của BHXH Việt Nam là: cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thanh tra việc đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật. Có thể cụ thể hóa những điểm mới của Luật BHXH sửa đổi như sau:

III. Về các chế độ BHXH:

1. Chế độ BHXH bắt buộc:

1.1 Chế độ ốm đau:

+ Đối với bệnh cần chữa trị dài ngày, không quy định thời gian hưởng lặp lại hằng năm như hiện nay mà quy định tối đa hưởng 180 ngày, sau đó nếu tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn; đồng thời quy định thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH;

+ Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày (hiện nay chia cho 26 ngày);

+ Quy định một mức hưởng chung đối với nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (quy định hiện hành hai mức: 25% đối với nghỉ tại gia đình và 40% đối với nghỉ tập trung).

Đầu tư hệ thống các trạm y tế chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong ảnh: cán bộ y tế xã Nghĩa Hòa khám bệnh cho nhân dân
Đầu tư hệ thống các trạm y tế chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trong ảnh: cán bộ y tế xã Nghĩa Hòa khám bệnh cho nhân dân

1.2 Chế độ thai sản

+ Bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, đẻ dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày nếu sinh đôi và thêm 3 ngày/01con nếu sinh 3 trở lên; 14 ngày nếu sinh 2 trở lên mà phải phẫu thuật;

+ Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần đảm bảo điều kiện đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;

+ Sửa đổi thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; bổ sung trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng BHXH giống như lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi;

+ Sửa đổi quy định trong trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ; trường hợp mẹ đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH theo quy định mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi;

+ Bổ sung quy định trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không có đủ sức khỏe để chăm sóc con có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi;

+ Bổ sung trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH khi vợ sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con;

+ Tăng thêm 01 tháng cho thời gian lao động nữ nghỉ thai sản trong trường hợp con chết sau khi sinh;

+ Bổ sung quy định chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.

Toàn cảnh lễ trao thẻ bảo hiểm y tế.
Lễ trao thẻ bảo hiểm y tế.

1.3 Chế độ hưu trí

- Sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động như sau: Từ ngày 01/01/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi thì nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định.

Từ ngày 01/01/2016 trở đi, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi, có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn do nghỉ hưu trước tuổi quy định.

- Mở rộng điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu (tuy nhiên, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì không được bù bằng mức lương cơ sở).

- Về tỷ lệ % hưởng lương hưu:

+ Sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu theo lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH đối với lao động nam để được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng như sau:

Nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi mỗi năm tăng thêm 01 năm cho đến khi 20 năm đóng BHXH tương ứng với 45% (năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm); đối với nữ 15 năm đóng BHXH tương ứng với 45% và sau đó cả nam và nữ đều tính thêm 2% cho mỗi năm, mức tối đa bằng 75%. Như vậy, để đạt được mức hưởng tối đa là 75% thì nam phải đóng BHXH ít nhất 35 năm và nữ ít nhất 30 năm.

+ Tăng tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

- Bổ sung quy định cụ thể về thời điểm hưởng lương hưu.

+ Đối với người đang đóng BHXH bắt buộc, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

+ Đối với người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, thời điểm hưởng lương hưu được tính bắt đầu từ tháng liền kề sau tháng người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

+ Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu: Đối với người thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, Luật quy định.

Tham gia trước năm 1995: Tính bình quân 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

Tham gia trong thời gian từ ngày 01/01/1995 đến 31/12/2000: Tính bình quân của 6 năm cuối;

Tham gia trong thời gian từ ngày 01/01/2001 đến 31/12/2006: Tính bình quân của 8 năm cuối;

Tham gia trong thời gian từ ngày 01/01/2007 đến 31/12/2015: Tính bình quân của 10 năm cuối;

Tham gia trong thời gian từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2019: Tính bình quân của 15 năm cuối;

Tham gia trong thời gian từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2024: Tính bình quân của 20 năm cuối;

Tham gia BHXH từ ngày 01/01/2025 trở đi thì tính bình quân của toàn bộ thời gian.

- Về BHXH một lần:

+ Sửa đổi quy định điều kiện hưởng BHCH một lần để hạn chế tối đa việc hưởng BHXH một lần nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, cụ thể: (1) Chỉ giải quyết BHXH một lần đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc (2) ra nước ngoài để định cư hợp pháp; (3) bổ sung quy định giải quyết BHXH một lần đối với người mắc bệnh hiểm nghèo. Riêng đối với lực lượng vũ trang thực hiện như quy định hiện hành, được giải quyết ngay khi phục viên, xuất ngũ, nếu không có đủ điều kiện để hưởng lương hưu và người lao động có nhu cầu:

+ Tăng mức trợ cấp BHXH một lần từ 1,5 tháng lên 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi (tương ứng mức đóng BHXH là 22% cho quỹ hưu trí, tử tuất).

Ngày 22/6/2015 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách BHXH một lần đối với người lao động, quy định: Người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

- Về điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH: Sửa đổi với người tham gia BHXH từ trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH vẫn thực hiện như quy định cũ. Đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt khu vực nhà nước hay ngoài nhà nước.

- Về tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng: (1) Bỏ quy định trong trường hợp Chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo; (2) Bổ sung trường hợp Có căn cứ xác định việc hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật.

Khoa khám bệnh,bệnh viện Sản - Nhi đông đúc người nhà, bệnh nhân chờ tới lượt khám
Khoa khám bệnh, bệnh viện Sản - Nhi.

1.4 Chế độ tử tuất

- Bổ sung điều kiện phải có đủ 12 tháng đóng BHXH bắt buộc trở lên đối với người đang tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH mới được hưởng trợ cấp mai táng (trừ trường hợp chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).

- Bổ sung đối tượng giải quyết chế độ tử tuất đối với người hưởng lương hưu nhưng đang chấp hành hình phạt tù mà bị chết trong tù;

- Bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp có thân nhân là con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Bổ sung quy định trường hợp người lao động không có thân nhân theo quy định của Luật BHXH thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế;

- Tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với trường hợp người lao động đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH chết từ 1,5 tháng lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.

1.5. Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc:

Quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được thiết kế theo hướng:

Từ 01/01/2016 đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.

Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

2. Chế độ BHXH tự nguyện:

Sửa đổi quy định cho phép người lao động đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH được đóng cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu (không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện như hiện hành.

(Còn nữa)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Những điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO