Những điểm mới về thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Dự thảo Luật Đất đaiđã sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất theo hướng quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất thay cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện như Luật hiện hành nhằm gắn trách nhiệm của người đứng đầu, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại địa phương.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất, căn cứ thu hồi, thẩm quyền thu hồi, trách nhiệm tổ chức thực hiện thu hồi đất, trách nhiệm quản lý quỹ đất sau thu hồi, thủ tục thu hồi đất - Ảnh minh họa
Nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng tạo nền tảng cho phát triển kinh tế là rất cần thiết.
Do vậy, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân tiếp tục hoàn thiện các quy định về thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, dự án phát triển kinh tế, xã hội cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất, căn cứ thu hồi, thẩm quyền thu hồi, trách nhiệm tổ chức thực hiện thu hồi đất, trách nhiệm quản lý quỹ đất sau thu hồi, thủ tục thu hồi đất, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 59), lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (Điều 60), các dự án phát triển kinh tế, xã hội (Điều 61), thu hồi đất do vi phạm pháp luật (Điều 63), thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện (Điều 64) để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương;
Thứ hai, bổ sung căn cứ thu hồi đất theo từng trường hợp thu hồi đất (Điều 62, khoản 2 Điều 62, khoản 2 Điều 64) để quản lý chặt chẽ hơn việc thu hồi đất tại địa phương; trong đó, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm, đặc biệt là trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội còn phải căn cứ vào Kế hoạch thu hồi đất hàng năm được HĐND cấp tỉnh thông qua (khoản 4 Điều 43).
Thứ ba, bổ sung quy định trước khi thực hiện thu hồi đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (khoản 2 Điều 50).
Thứ tư, sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất (Điều 65) theo hướng quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền thu hồi đất thay cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện như Luật hiện hành nhằm gắn trách nhiệm của người đứng đầu, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tại địa phương.
Thứ năm, bổ sung các quy định để đảm bảo tính khả thi đối với cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện như:
Giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất quỹ đất sau khi thu hồi để tổ chức việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm tạo quỹ đất “sạch” (Điều 68). Sau đó, Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà không cho chủ đầu tư tham gia vào quá trình thu hồi đất như quy định hiện hành để điều tiết chênh lệch giá đất trước và sau khi thu hồi đất vào ngân sách nhà nước; không giao trách nhiệm quản lý quỹ đất đã thu hồi tại khu vực nông thôn cho UBND cấp xã như hiện hành mà thống nhất giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất để đảm bảo tính thống nhất và chuyên nghiệp trong việc khai thác quỹ đất sau khi thu hồi.
Bổ sung quy định về cơ chế hoạt động của Quỹ phát triển đất để đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện thu hồi đất (Điều 106);
Quy định trách nhiệm của Nhà nước khi xây dựng, mở rộng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị thì phải quy hoạch và tổ chức thu hồi cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này và hỗ trợ người có đất bị thu hồi (khoản 3 Điều 60);
Thứ sáu, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, dự án phát triển kinh tế, xã hội nhằm đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch và hạn chế ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất do tổ chức thực hiện thu hồi đất tại địa phương, gồm trình tự, thủ tục thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất (Điều 69) và trình tự, thủ tục thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư (Điều 70).
Đồng thời dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn bổ sung quy định về cưỡng chế trong bước đo đạc, kiểm đếm để lập phương án bồi thường trước khi có quyết định thu hồi đất (kiểm đếm bắt buộc) và cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (Điều 71).
Thứ bảy, bổ sung quy định về chế tài đối với trường hợp thu hồi đất do chậm đưa đất vào sử dụng như Nhà nước không trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giá trị đã đầu tư vào đất còn lại đối với người có đất bị thu hồi (điểm h khoản 1 Điều 63).
Với những đổi mới cơ bản của Luật Đất đai (sửa đổi) nói chung và nội dung quy định về thu hồi đất nói riêng, hy vọng sẽ góp phần giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; giảm các khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong đất đai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên đất, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế của đất nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế./.
Theo (Chinhphu.vn) - L.T