Những điều cần bàn xung quanh mô hình hoạt động chợ Phong Toàn
(Baonghean) Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của TP.Vinh, diện tích đất nông nghiệp của HTX Phong Toàn (Phường Hà Huy Tập -Thành phố Vinh) bị thu hồi gần hết. Chủ trương chuyển đổi việc làm cho xã viên HTX Phong Toàn được UBND TP.Vinh đặt ra khá sớm. Nhưng chuyển đổi như thế nào là một vấn đề nan giải bởi dân Phong Toàn chỉ quen sản xuất nông nghiệp, một số ít làm nghề tự do hoặc buôn bán lẻ, không ai muốn học nghề.
Trước tình hình đó, tỉnh và thành phố quyết định cấp đất giải quyết mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng để HTX Phong Toàn xây dựng chợ cho các hộ xã viên kinh doanh. Phải mất mấy năm trời xoay xở, đến nay, chợ Phong Toàn mới cơ bản hoàn thành. Trên diện tích đất gần 10 nghìn m2, chợ xây 2 tầng với diện tích đình chính hơn 1400 m2 được chia thành 397 quầy và kiốt kinh doanh. Vốn xây dựng ban đầu hết 18 tỷ đồng đều do các hộ xã viên đóng góp bằng hình thức mua cổ phần và huy động đầu tư. Theo chủ trương đã được thông qua tập thể xã viên thì người mua cổ phần phải đúng là xã viên HTX Phong Toàn, dứt khoát không bán cổ phần cho người ngoài. Để ổn định việc làm lâu dài, HTX Phong Toàn còn quy định: Con em xã viên từ 14 tuổi nếu có nhu cầu thì cũng được mua cổ phần. Tư tưởng xã viên thông suốt nên việc bán cổ phần khá nhanh gọn.
Chợ Phong Toàn cơ bản đã hoàn thành. Ảnh: Công Sáng
Trong tổng số 401 xã viên đã có 393 người mua cổ phần. Đợt đầu bán 317 cổ phần với giá trị mỗi cổ phần 20 triệu đồng, đợt hai bán tiếp 76 cổ phần với giá trị mỗi cổ phần 30 triệu đồng. Sau khi xã viên mua hết cổ phần, một vấn đề đặt ra là có được chuyển nhượng hay không. Có ý kiến cho rằng góp cổ phần là chính sách giải quyết việc làm ổn định lâu dài cho xã viên nên không được chuyển nhượng. Nhưng có ý kiến cho rằng nếu xã viên ôm hết cổ phần thì chợ khó phát triển vì không phải xã viên nào cũng có nhu cầu và biết kinh doanh. Đưa ra tập thể, xã viên bàn bạc đã nhất trí phương án là được chuyển nhượng cổ phần nhưng hộ xã viên chuyển nhượng phải ký giấy cam kết với ban quản lý HTX để sau này khỏi thắc mắc là không được giải quyết việc làm. Kết quả trong tổng số 393 xã viên mua cổ phần chỉ có 200 xã viên giữ lại còn 193 xã viên đã chuyển nhượng cổ phần cho người khác.
Chợ Phong Toàn đã xây dựng xong đang chờ ngày khai trương, nhưng có nhiều vấn đề đang đặt ra cần được giải quyết, xin được góp bàn:
Với 200 xã viên mua cổ phần giữ lại kinh doanh thì vấn đề quan trọng nhất là phải có vốn. Được biết, vốn mua cổ phần của bà con xã viên chủ yếu là tiền đền bù thu hồi đất được tích góp lại. Với xã viên HTX nông nghiệp thì số tiền đó là một tài sản lớn, nhưng để kinh doanh trong chợ thì đây chưa phải là nguồn vốn lâu dài. Ngoài tiền đền bù thu hồi đất, các hộ xã viên còn có nguồn thu từ các nghề tự do và buôn bán lẻ, nhưng nguồn vốn này không đáng kể. Bởi vậy, vấn đề cơ bản của các hộ xã viên vào kinh doanh trong chợ là phải chủ động tạo nguồn vốn làm ăn lâu dài.
Với 193 xã viên đã chuyển nhượng cổ phần cho người khác thì có thể họ không đủ tiền mua cổ phần nên phải chuyển nhượng để hưởng chênh lệch; hoặc họ đã có nghề kinh doanh khác có lợi hơn kinh doanh trong chợ; hoặc có trường hợp chuyển nhượng cổ phần cho con em, người nhà để kinh doanh thuận lợi hơn. Phải hiểu rõ hoàn cảnh của từng gia đình để tránh tình trạng đem tiền chênh lệch chuyển nhượng cổ phần chi tiêu thoải mái rồi nay mai không có việc làm đời sống lại khó khăn.
Chợ Phong Toàn có vị trí khá thuận lợi cho việc kinh doanh, nhưng dân Phong Toàn xưa nay vốn chỉ quen sản xuất nông nghiệp, một số ít làm nghề tự do và buôn bán lẻ, chưa ai có kinh nghiệm kinh doanh chuyên nghiệp. Bởi vậy, phải trang bị cho họ những kiến thức cần thiết về nghề kinh doanh như: văn hóa thương mại, đạo đức kinh doanh, công tác tiếp thị. Ngay từ đầu phải tránh những biểu hiện kinh doanh không lành mạnh như bán không đúng giá, lừa khách hàng, thái độ không niềm nở.
Hiện nay HTX nông nghiệp Phong Toàn đã chuyển đổi thành HTX sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ tổng hợp nhưng vẫn là Ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp gồm 3 người, chưa có Ban quản lý chợ. Ban đại diện cổ đông gồm 3 người thì chưa đủ tư cách pháp nhân để quản lý chợ. Nên chăng bên cạnh Ban chủ nhiệm HTX Phong Toàn do xã viên bầu ra cần có Ban quản lý chợ để giải quyết các công việc hàng ngày khi chợ đi vào hoạt động.
Chợ Phong Toàn vừa là mô hình chuyển đổi việc làm cho nông dân sau khi thu hồi đất, vừa là điểm kinh doanh thương mại của thành phố. Bởi vậy, từ UBND phường Hà Huy Tập đến UBND TP.Vinh và các cơ quan chức năng của tỉnh đều phải tạo điều kiện để chợ hoạt động có hiệu quả. Phải có những cơ chế chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ cho chợ hoạt động, nhất là trong thời kỳ ban đầu. Chợ Phong Toàn do xã viên tự góp vốn xây dựng, nhưng không vì thế mà mọi việc đều bỏ mặc cho xã viên tự lo liệu.
Trần Hồng Cơ