Những điều chưa biết về phó giám đốc “siêu lừa”

16/02/2012 18:11

(Baonghean.vn) - Tính đến sáng ngày 16/2 đã có trên 90 lá đơn tố cáo Bùi Xuân Lâm - nguyên Phó giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Nghệ An hứa chạy dự án và xin việc cho nhiều người. Sự việc diễn biến ngày càng phức tạp khiến cho những người làm việc lâu năm trong ngành điều tra cũng bất ngờ…

Chân dung vị phó giám đốc “siêu lừa”


Dáng người dong dỏng cao, thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ lại có nhiều năng khiếu về âm nhạc nên Bùi Xuân Lâm rất dễ gây lòng tin với người đối diện ngay từ khi mới tiếp xúc lần đầu. Có lẽ cũng vì lợi thế này, nên dù mới ngoài 30 tuổi nhưng Lâm có con đường thăng tiến khá nhanh. Lâm tốt nghiệp trường sư phạm năm 1998, vừa ra trường đã được nhận về dạy cấp 1 tại xã Tường Sơn, rồi về phòng giáo dục huyện. Chưa đầy 10 năm sau Lâm leo lên chức Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Anh Sơn rồi Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh. Trong bản khai lí lịch của Lâm, ngoài những dòng thông tin về cá nhân, nhiều người ấn tượng với giải thưởng sáng tác âm nhạc quốc gia Lâm đạt được khi đang phụ trách công tác đội ở phòng giáo dục huyện và sau đó là cùng với huyện Anh Sơn giành giải Nhất trong cuộc thi Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2009.



Bùi Xuân Lâm

Với những thành tích đó nên khi Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh thiếu một chân phó giám đốc phụ trách mảng Văn hóa quần chúng thì Lâm là một trong những hạt nhân được lựa chọn. Đây quả thực là một bàn đạp hết sức thuận lợi để Lâm lợi dụng vào chức vụ để thực hiện hàng loạt những phi vụ lừa đảo, nhất là khi đối tượng của Lâm phần lớn là những sinh viên nữ mới tốt nghiệp ra trường đang rất khát khao tìm việc. Thủ đoạn của Lâm rất đơn giản, qua tiếp xúc Lâm tự giới thiệu mình là người có nhiều mối quan hệ quen biết và có khả năng xin được việc làm. Những người nhẹ dạ, thấy Lâm là người có chức có quyền, ăn nói khiêm tốn nên chỉ sau vài lời mật ngọt đã sẵn sang đưa hàng chục triệu để nhờ Lâm chạy việc. Bản thân Lâm, tuy nhận tiền nhưng không bao giờ ghi với mục đích chạy việc. Chính vì thế, nhiều người sau khi biết Lâm lừa nhưng không có căn cứ để tố cáo Lâm bởi trên thực tế “giấy trắng mực đen” là giấy vay tiền. Có trường hợp anh N.K.S ở Hưng Nguyên khi đưa tiền cho Lâm lần thứ nhất 20 triệu, lần thứ 2 là 60 triệu để xin cho con vào làm việc ở công ty Viettel với mức lương khởi điểm 10 triệu đồng. Khi Lâm viết giấy ghi vay nợ thì ông hỏi: Tại sao không ghi là nhận tiền xin việc lại ghi vay nợ, Lâm trả lời :”Do Lâm đương chức nên không được phép chạy việc, ghi như vậy cho chú tin tưởng tôi và tôi cũng tránh được phiền phức ở cơ quan.

Đau đớn hơn, nhiều cô gái nhẹ dạ không những để Lâm lừa lấy tiền mà còn lấy cả tình. Sự thật đó, khiến nhiều người khi đến nộp đơn tại cơ quan điều tra đã xin được giấu tên. Thậm chí nhiều người, thấy một số trường hợp bị đưa lên dư luận đã đến xin rút đơn về, chấp nhận mất tiền.

Cho đến thời điểm này, khi số lượng người tố cáo Lâm đã lên đến gần 100 người với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng, câu hỏi được nhiều người đặt ra là Lâm đã dùng số tiền ấy để làm gì. Tìm hiểu tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh (nơi Lâm có 1 năm 3 tháng làm việc) ban lãnh đạo Trung tâm đã khẳng định: Lâm sống khá khép kín, đi làm bằng xe máy, ở nhà thuê, không tiêu pha phung phí như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên có một điều đặc biệt, thỉnh thoảng ở Trung tâm lại thấy một hai cô gái đến tìm. Lâm cũng thường dẫn theo các cô gái mỗi khi đến tụ họp bạn bè, phần lớn những lần đó Lâm thường giới thiệu là em họ hoặc là sinh viên của trường Văn hóa Nghệ thuật. Trong lời khai với cơ quan điều tra, Lâm cũng nói rằng hắn dành khá nhiều tiền cho việc đi lễ lạt, lễ chùa. Chính hắn thừa nhận hắn có căn âm, trong tay hắn có hình năm ngôi sao nên phải chăm đi chùa chiền. Ở Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh có một cây đa, Lâm cũng hay ra đó để cúng bái. Ngoài ra, những người quen biết Lâm cũng kể rằng đi từ nhà riêng ở Tường Sơn xuống cơ quan, Lâm không đi xe khách như những người khác mà thuê hẳn một chiếc xe riêng. “Khám xét phòng trọ của Lâm chúng tôi thực ngỡ ngàng bởi hàng bì tải hoa quả, bánh trái cao cấp được vứt xung quanh nhà. Có vẻ những thứ này đã quá thừa với Lâm” – một cán bộ công an cho biết.

Hành trình đưa Lâm vào trại tạm giam

Ít ai biết rằng, trước khi bị bắt vào trại tạm giam và khởi tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Lâm còn bị đơn vị chủ quản cảnh cáo, phê bình vì tội “thiếu trung thực trong việc báo cáo đi điều trị bệnh”. Đó là thời điểm đầu tháng 01/2012, khi đó biết chắc không thể ở yên tại cơ quan khi số người tìm đến đòi nợ ngày càng nhiều Lâm lấy cớ bị bệnh và xin đi điều trị tại Hà Nội. Để tạo niềm tin với cơ quan, Lâm lấy một cuốn sổ y bạ nộp tại đơn vị trong đó có ghi nơi điều trị là Bệnh viện Đống Đa Hà Nội. Giữa tháng 01 thấy người tìm đến Lâm ngày càng nhiều, không liên lạc điện thoại được cho Lâm, Ban giám đốc Trung tâm mới trực tiếp gọi điện ra bệnh viện Đống Đa, khi ấy mọi người mới tá hỏa biết Lâm dùng cuốn sổ y bạ giả.

Bản thân Lâm khi ấy đã trốn sang Lào, phải bằng rất nhiều phương pháp nghiệp vụ các đồng chí công an của Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ mới liên lạc được với Lâm. Chính thiếu tá Đặng Thái Hoàng, phải mất rất nhiều thời gian nói chuyện, động viên và thậm chí cả dọa nạt Lâm mới chấp nhận về đầu thú. Ngày về Nghệ An, trước cơ quan công an điều tra, Lâm rất bình tĩnh, khai báo rành mạch. Trung tá Hồ Khắc Hùng cho biết thêm: Sự dửng dưng của Lâm khiến chúng tôi bất ngờ. Những tội phạm như Lâm, những kẻ có học hầu như đã lập trình sẵn mọi bước đi, vì thế việc bị bắt chúng dường như cũng lường trước được. Chỉ đến khi bước chân vào phòng tạm giam, cánh cửa tự do đằng sau khép lại Lâm mới khóc nấc lên. Hắn nói “Nếu mà không vì hai đứa con thì em đã tự tử rồi” – trung tá Hùng nhớ lại….

Kèm theo quyết định khởi tố, Lâm sẽ có 4 tháng ngồi trong trại tạm giam để suy nghĩ về hành động của mình. Tuy nhiên, với cơ quan điều tra nhiệm vụ mới bắt đầu phức tạp khi ngoài những lá đơn tố cáo của những người nhẹ dạ bị Lâm lừa đảo xin việc thì đang ngày có thêm nhiều đơn của các công ty, doanh nghiệp tố cáo Lâm lừa đảo chạy dự án. Trong số đó có đơn của ông P.Đ.T Giám đốc Công ty TNHH ở Nghi Liên bị Lâm lừa 600 triệu đồng chạy dự án xây dựng.

Ông T.Đ.V giám đốc Công ty Cổ phần ĐV có địa chỉ tại xã Hưng Lộc- thành phố Vinh được Lâm hứa sẽ chạy xin đất làm văn phòng công ty nên đưa cho Lâm 100 triệu đồng. Ông Đ.A.T ở Hương Sơn - Hà Tĩnh nghe tin Lâm có khả năng chạy việc cho nhiều người với số tiền đặt cọc trước là 30 triệu/suất, sau đó sẽ tùy công việc và mức lương để thống nhất giá chạy việc, ông T đã đưa cho Lâm 390 triệu đồng và 13 bộ hồ sơ, sau đó Lâm giả vờ trả lại 2 bộ hồ sơ và tiền đặt cọc để làm tin... đến thời điểm theo giấy hẹn vay nợ đã ghi, ông T liên lạc qua điện thoại để hỏi thì bị cắt, tìm đến cơ quan thì cửa khóa, Lâm đã biến mất khỏi Trung tâm... Ông L.H.T là giám đốc Công ty TNHH ở Quỳnh Xuân - Quỳnh Lưu đưa cho Lâm 550 triệu đồng tại Công ty để nhờ Lâm chạy vốn và dự án cho công ty. Một công ty khác tại đường Lê Viết Thuật (Thành phố Vinh) đưa cho Lâm 250 triệu đồng để lo đất cho công trình...

Vụ việc đang trong quá trình điều tra, nhưng “Trong vụ việc này, cũng cần phải nói thêm rằng nguyên nhân một phần cũng thuộc về các nạn nhân. Do sức ép việc làm quá lớn nên khi biết người có thể chạy việc cho mình, họ sẵn sàng đưa tiền đến nhờ vả. Lợi dụng điều này, Bùi Xuân Lâm dễ dàng thực hiện trót lọt các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Thậm chí, trong số các nạn nhân của Lâm cũng có người làm trong ngành công an, Viện KSND”. Đại tá Đào Hồng Lập - Trưởng phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm.


Hà Linh, Song Hoàng

Mới nhất
x
Những điều chưa biết về phó giám đốc “siêu lừa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO