Những điều ít biết về "miền đất đáng sống" Hưng Tân

Đào Tuấn 11/09/2018 19:55

(Baonghean) - Chỉ cách thành phố Vinh khoảng 7km nhưng cuộc sống chốn thị thành dường như không tác động nhiều đến mảnh đất thuần nông Hưng Tân. Và có những điều đặc biệt ở xã vùng giữa của huyện Hưng Nguyên này nhiều người chưa biết.

Không phải là đơn vị được chọn để làm điểm chương trình nông thôn mới của huyện nhưng cả đảng bộ và nhân dân xã vẫn quyết làm và làm rất thành công. Tiếp đến, cả hệ thống chính trị xã và người dân lại nhất loạt đồng tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu; là xã đầu tiên xây dựng và thực hiện đề án chống lãng phí bằng những việc rất giản đơn nhưng hiệu quả cao; 100% hộ dân của xã có cột cờ trước cổng… và còn rất nhiều điều khác nữa đang diễn ra ở đây khiến nhân dân phấn chấn, tự hào.

Một góc xã Hưng Tân. Ảnh: Đào Tuấn
Một góc xã Hưng Tân. Ảnh: Đào Tuấn

“Miền quê đáng sống”

Mùa thu, trời xanh vắt, nắng như dát vàng trên những cánh đồng. Từ xã tôi dễ dàng nhận ra vùng quê Hưng Tân bởi những lá cờ đỏ sao vàng cao vụt lên trên những tán lá, khóm cây. Tôi dừng xe khi bất chợt thấy một người đàn ông độ ngoài 60, đầu đội mũ cối đang kéo sợi dây ròng rọc để đưa lá cờ lên đỉnh cột.

Thấy khách cầm máy ảnh, đoán thể nào cũng “bị” hỏi chuyện, ông nói luôn: “Tôi thay lá cờ mới cho đẹp”. Ông là Ngô Đức Hoàn, nhà ở xóm 3. Ông Hoàn cho biết cả xã Hưng Tân nhà nào cũng có một cột cờ trước cổng. Đây là chủ trương của Đảng ủy xã và được nhân dân rất đồng tình. Trước đây, mỗi dịp đến ngày lễ, tết, các gia đình đều treo cờ nhưng các gia đình nơi treo thấp, cao, nơi treo trên ngọn cây, bờ rào rất lộn xộn, thậm chí phản cảm.

Ông Ngô Đức Hoàn - xóm 3 Hưng Tân treo cờ dịp kỷ niệm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh 12/9. Ảnh: Đào Tuấn
Ông Ngô Đức Hoàn - xóm 3 Hưng Tân treo cờ dịp kỷ niệm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh 12/9. Ảnh: Đào Tuấn

Để thống nhất bà con, xã đưa ra mẫu cột bằng ống thép cao 9m, chân cột được xây bằng bê tông với tỷ lệ 50x50, cờ được kéo lên hạ xuống bằng ròng rọc. Xã cũng hỗ trợ mỗi hộ dân 100.000 đồng nhằm động viên, khuyến khích bà con. Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, 1050 hộ dân trong xã không có gia đình nào là không dựng cột treo cờ.

“Điều quan trọng hơn là mình tôn vinh quê hương, Tổ quốc sao cho xứng đáng, cho đúng với tinh thần dân tộc” – ông Ngô Đức Hoàn cho biết.

“Miền quê đáng sống” là điều ông Hoàng Văn Lai – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân tự hào khẳng định với tôi khi nói về xã Hưng Tân. “Với nhiều người dân trên địa bàn và cá nhân tôi thì đây là miền quê đáng sống. Vì sao ư? Vì Hưng Tân không chỉ có làng xóm yên bình, môi trường trong lành, con người nhân hậu mà thu nhập bình quân của hộ dân đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Xã không còn hộ nghèo, hộ khá giàu chiếm trên 60%”. Vị Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân còn cho biết, 9/9 xóm của xã đã đạt danh hiệu làng văn hóa từ cách đây 10 năm, trong đó, xóm đầu tiên đạt văn hóa cách đây 17 năm.

Những lá cờ tung bay trên làng quê Hưng Tân. Ảnh: Đào Tuấn
Những lá cờ tung bay trên làng quê Hưng Tân. Ảnh: Đào Tuấn

Nằm ở vùng giữa huyện Hưng Nguyên, xã Hưng Tân có tổng diện tích tự nhiên 480 ha, trong đó diện tích canh tác nông nghiệp 267 ha. Toàn xã có 1.050 hộ dân với 4.000 người sinh sống trên địa bàn 9 xóm dân cư. Đảng bộ xã có 282 đảng viên, sinh hoạt tại 12 chi bộ và đây là đơn vị đạt Trong sạch vững mạnh 15 năm liên tục. Xã Hưng Tân cũng được phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” đầu tiên của huyện Hưng Nguyên vào năm 1998.

Đặc biệt thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới, xã Hưng Tân không được huyện lựa chọn để chỉ đạo điểm nhưng bằng sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã đã cán đích nông thôn mới vào năm 2014, là xã đầu tiên của huyện Hưng Nguyên và thứ hai của tỉnh Nghệ An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Về điều này, Bí thư Đảng ủy xã Hưng tân Hoàng Văn Lai cho biết, chương trình nông thôn mới là nhằm đổi mới diện mạo, đời sống vùng đồng bào nông thôn, phục vụ lợi ích cho người dân nên phải quyết tâm làm. Điều đáng mừng là tất cả bà con Hưng Tân đều đồng lòng thực hiện. Và tự hào hơn khi xã Hưng Tân cán đích nông thôn mới sớm nhất huyện nhưng không nợ ngân sách.

Lễ chào cờ đầu tuần

Ông Hoàng Văn Lai cho rằng, có thể nhiều địa phương đang chọn lĩnh vực kinh tế làm trọng tâm cho mục tiêu phát triển, nhưng ở Hưng Tân “hơi khác”. “Có văn hóa mới có kinh tế và xã thực hiện theo quan điểm này” – người từng 13 năm giữ cương vị Chủ tịch UBND xã, 9 năm là Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân Hoàng Văn Lai quả quyết.

Để hiện thực hóa chủ trương văn hóa tiên phong, Đảng ủy xã xây dựng các nghị quyết chuyên đề và được UBND cùng các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện. Sẽ không có gì lạ nếu vào mỗi sáng thứ Hai hàng tuần tất cả cán bộ, công chức của xã với 80 người cùng tề tựu về sân trụ sở xã để tham gia Lễ chào cờ. Mùa hè 6h45, mùa đông 7h15, tất cả đều nhất nhất tham gia nghi thức đầu tuần. Lễ chào cờ trước hết thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tiếp đến là để lãnh đạo xã kiểm tra kết quả công việc, giao nhiệm vụ trong tuần và theo dõi quân số.

“Khi đã tham gia Lễ chào cờ, tự khắc mỗi người đều tự nhận thức về tinh thần trách nhiệm của mình trước tập thể và nhân dân, qua đó nỗ lực làm việc và cống hiến” – một cán bộ xã Hưng Tân chia sẻ.

Chỉ cho tổ chức cưới tiệc mặn đối với 1 con

“Miền quê đáng sống” Hưng Tân cũng là xã đầu tiên ở Hưng Nguyên xây dựng được Đề án chống lãng phí. Đề án này với những quy định rất thiết thực với đời sống, sinh hoạt vùng nông thôn, trong đó trọng tâm tập trung vào việc cưới, việc tang, lễ mừng thọ…

Đối với việc cưới, đề án quy định, gia đình nào có 2 con thì chỉ cho 1 con được tổ chức dọn mâm cỗ, mời khách trong ngày cưới, đứa còn lại sẽ tổ chức tiệc trà, bánh tiếp khách. Quy định này những tưởng bị nhiều người dân phản đối nhưng thực tế lại rất được ủng hộ. Theo bà con, mỗi ngày, nhất là vào mùa cưới, thiệp hồng khắp các làng trên, xóm dưới gửi mời, không đi thì không được, nếu đi cũng phải mừng một vài trăm ngàn đồng, đời sống nông thôn cũng chẳng dư dả…

Không mang trướng đi viếng đám tang hay mừng thọ

Tiếp đến là việc tang, Đề án chống lãng phí của xã "cấm" cho người dân trên địa bàn mang các bức trướng đi viếng người mất. “Một gia đình có thân nhân qua đời ít nhất cũng nhận được 10, 15 bức trướng, nhiều có khi cả trăm bức. Rất lãng phí. Trong khi theo phong tục tập quán ở nông thôn, các bức trướng phải treo trong nhà đến hai năm rưỡi, rồi thì phải đóng đinh luộm thuộm trên tường, đóng cọc treo trướng. Điều này không làm cho gia đình nguôi phiền lụy lại rất phản cảm. Nếu bạn hữu có tấm lòng, thay vì viếng bằng trướng thì lấy số tiền đó phúng điếu cho khổ chủ để họ gom lại sau này xây cho các cụ phần lăng mộ cho mát mẻ” - ông Hoàng Văn Lai chia sẻ và cho biết, mỗi gia đình có người qua đời chỉ có một bức trướng của dòng họ được treo. Quy định này cũng được áp dụng tương tự đối với lễ mừng thọ ở xã Hưng Tân.

Không chỉ có vậy, ở xã Hưng Tân lâu nay còn xây dựng và thực hiện được các đề án về môi trường và đều đặt vào thứ Bảy hàng tuần, xã phát động toàn thể bà con nhân dân trên địa bàn toàn xã đồng loạt ra quân thực hiện Ngày vệ sinh xanh - sạch - đẹp; xã còn tổ chức cho nhân dân trồng hoa 2 bên lề đường xã và xóm, cho đến nay toàn xã đã trồng được 4.500m2 tương đương với 4,5km

Kinh tế và hơn thế nữa

Từ quan điểm văn hóa đi trước kinh tế theo sau, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Tân đã làm chuyển biến đời sống của một vùng quê thuần nông.

Thực hiện Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy về công tác dồn điền đổi thửa, xã Hưng Tân đã tập trung cho công tác chuyển đổi ruộng đất, đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả nhiều đề án phát triển kinh tế.

Xã đã xây dựng được 5/9 cánh đồng cho thu nhập cao từ 200 -250 triệu đồng/cánh đồng/năm. Bằng đề án nuôi trồng thủy sản, xã đã tận dụng các diện tích hoang hóa, các vùng sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó hiện nay xã Hưng Tân có 170 gia trại hiệu quả cao hơn lúa 2-3 lần.

Bên cạnh đó, từ một vùng đất canh tác nông nghiệp thuần túy, đến nay xã Hưng tân đã quy hoạch 60-70 ha chuyên sản xuất giống nguyên chủng với khoảng 200 hộ dân tham gia. Các giống lúa được trồng chủ yếu là loại chất lượng cao như: AC5, Thiên ưu 9… Cũng từ nguồn lúa gạo sản xuất được, người dân Hưng Tân đã hình thành làng nghề nấu rượu đã được tỉnh công nhận với sự tham gia của khoảng 60 gia đình.

Người dân Hưng Long vào vụ thu hoạch. Ảnh: Đào Tuấn
Người dân Hưng Tân vào vụ thu hoạch. Ảnh: Đào Tuấn

Nói đến phát triển kinh tế ở xã Hưng Tân không thể bỏ qua vai trò của đề án xuất khẩu lao động. Thông qua đề án đến nay đã có 500 lao động ở Hưng Tân đi làm việc ở các nước. Hàng năm bình quân có 45 -50 tham gia xuất khẩu lao động và xã cũng giao cho các ban ngành tìm thị trường để đưa người dân đi nếu có nhu cầu.

Trước khi chia tay Hưng Tân, ông Hoàng Văn Lai còn nói với tôi, xã đã kiến nghị với huyện để “xin” làm chương trình nông thôn mới kiểu mẫu. Ông chia sẻ: “Mới đây người dân nhiều xóm đã yêu cầu nâng cấp đường giao thông. Đường bê tông lâu nay rộng 5m rồi, nhưng bà con nói là phải làm đẹp hơn, đúc nền đường dày hơn. Trước yêu cầu đó, xã đã huy động nguồn, hỗ trợ mỗi xóm 50 triệu đồng, nhiều hộ dân cũng góp tiền, hộ nhiều nhất cũng góp đến 30 triệu đồng. Bà con tự nguyện đấy”.

Những điều ít biết về "miền đất đáng sống" Hưng Tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO