Những điều trông thấy…

27/06/2015 09:52

(Baonghean) - “Phím đàm” là chuyên mục mới của báo Cuối tuần nhằm “đưa tới độc giả một cái nhìn hài hước về nhân tình thế thái, người và việc… dưới hai góc nhìn, hai mặt của một vấn đề…”. “Mở hàng” cho chuyên mục này là bài “Khóc cây” - đề cập những vấn đề “sốt xình xịch” mà Mít Đặc&Biết Tuốt nêu ra ngay lập tức đã thu hút không ít bạn đọc xa gần. Bài viết cũng được bình chọn bài hay với số phiếu cao thứ 3…

Ngay ở “tôn chỉ” của chuyên mục mới này đã nêu rằng “đưa tới độc giả một cái nhìn hài hước về nhân tình thế thái…”. Nhắc đến cụm từ “nhân tình thế thái” người đọc là tôi lại liên tưởng đến… cụ Nguyễn Du. Bởi cụ có câu thơ mà có lẽ ai cũng ít nhất một lần nghe, đọc: “Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”… Ấy là những câu thơ mang tính dự báo cho cuộc đời nàng Kiều, cũng là tiếng lòng cảm thông của chính Nguyễn Du khóc cho số phận nàng Kiều, cũng là khóc cho cái xã hội thời bấy giờ quá bạc bẽo. Phải chăng Mít Đặc&Biết Tuốt đã tìm thấy những đồng điệu trong tâm hồn “ưu thời mẫn thế” như Nguyễn Du ngày xưa, nên ngày nay mới… khóc cây. Chỉ khác là không khóc bằng thơ, mà là bằng… bàn phím.

Cây xoài đường kính hơn 20 cm, cao hơn chục mét trên đường Nguyễn Xiển, khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ (Hà Nội) bị đổ, trơ bầu gốc còn nguyên cả bọc nilon. Ảnh: VnExpress
Cây xoài đường kính hơn 20 cm, cao hơn chục mét trên đường Nguyễn Xiển, khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ (Hà Nội) bị đổ, trơ bầu gốc còn nguyên cả bọc nilon. Ảnh: VnExpress

Chúng ta hãy “lướt phím”, gõ một vài từ ngữ mà tác giả “Khóc cây” nhắc đến trong bài, sẽ thấy cơ man là những người thật việc thật khiến ta…cười ra nước mắt. Ấy là xoay quanh chuyện cái cây đổ mà độc giả có thể “khui” ra bao nhiêu là vấn đề nhức nhối. Để từ đó người đọc mới nghiệm thấy rằng các cụ xưa nói cấm có sai: Cái kim trong bọc lâu ngày cũng tòi ra; và mọi sự việc đều có nguyên do của nó. Trở lại chuyện cái cây quý vị sẽ thấy ngay. Khi cây đổ, mà là cây mới trồng chưa được bao lâu, mọi người mới té ngửa khi thấy gốc cây vẫn còn nguyên bầu bọc nilon được “nai nịt” chắc chắn. Điều đó cho thấy gì? Cho thấy người trồng cây quá ư cẩu thả, quá vô trách nhiệm, nếu không nói là vô lương tâm. Họ cứ tưởng vùi cái bầu cây xuống đất rồi là hết chuyện, chẳng ai biết. Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, dông lốc nổi lên, thế là… đổ. Cây đổ, thế là “cháy nhà ra mặt chuột”.

Cây đổ không chỉ vạch mặt thói làm ăn gian dối của công nhân công ty cây xanh, mà nó còn giúp các “anh hùng bàn phím” đào tận gốc, trốc tận rễ những nguyên nhân gián tiếp trước đó. Ấy là sự việc gây “bão” dư luận khi “thủ đô xanh-sạch-đẹp” quyết định đốn hạ 6700 cây xanh lâu năm để thay thế bằng…cây mỡ, lại còn “loè” dư luận là vàng tâm. Xanh-sạch-đẹp đâu chẳng thấy, như tác giả nói, chỉ thấy “Hà Nội hào hoa… trụi thụi lụi như gà bị vặt lông”. Ấy là chưa nói đến việc trận dông lốc ngày 13/6 ở Hà Nội mà người dân nơi đây dùng những từ ngữ để miêu tả như: cuồng phong, kinh hoàng, siêu dông… Mà như ta đã biết, trước những cơn thịnh nộ cuồng phong của tự nhiên, cây xanh là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ con người, giảm thiểu thiệt hại. Cho nên, Hà Nội “lãnh đủ” sau trận siêu dông một phần cũng vì trước đó đã thẳng tay đốn hạ hàng loạt cây xanh, trồng cây mới thì gian dối cẩu thả…

Chưa hết. Cũng từ việc cây đổ, tác giả còn cho thấy nhiều nguyên nhân khác nữa, mà “thủ phạm” chính là con người: Cây to ở Thủ đô đổ phần lớn là do vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm, suốt ngày đào lên đào xuống vì cái sự nghiệp “công sự hoá”, “ngầm hoá” đủ trăm thứ bà rằng… rễ cọc thành ra rễ chùm, sâu thành nông, dài thành ngắn, rễ đi đằng rễ, cây đi đằng cây, gặp phải trận lốc lớn, chả bị xơi tái ngay mới lạ”. Nếu gặp sự việc này, các cụ xưa ắt sẽ nói “trăm sự tại thiên”, còn thời nay chắc phải đổi lại là “trăm sự tại…nhân”… Vì thế, “triết lý” của tác giả đưa ra để “khóc cây” rằng “cái cây hay con người nó cũng đều có số…mọc nơi đất lành thì chả sao, gặp phải đất dữ thì bám trụ được là cả một vấn đề” xem ra chưa đúng lắm; bởi nguyên do cây đổ ở đây rõ ràng không phải do đất dữ mà là do… người dữ thì đúng hơn.

Người xây dựng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Những điều trông thấy…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO