Những đơn khiếu nại nào không được giải quyết?

12/08/2014 11:45

(Baonghean) - Hỏi: Những đơn khiếu nại nào không được giải quyết?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011 thì “Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết:

1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục Chính phủ quy định;

2. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

3. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (1) mà không có người đại diện hợp pháp;

4. Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;

5. Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;

6. Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;

7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

8. Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;

9. Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án”.

(1) Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là những người: Chưa đủ 18 tuổi; người nghiện ma tuý hoặc các chất kích thích và những người khác đã bị cơ quan có thẩm quyền tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

(2) Người đại diện hợp pháp theo quy định tại Điều 54 Luật Tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 gồm: người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.

Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính có thể là một trong những người sau đây, trừ trường hợp người đó bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật:

a) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Người giám hộ đối với người được giám hộ;

c) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do được bổ nhiệm hoặc bầu theo quy định của pháp luật;

d) Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình;

đ) Tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác;

e) Những người khác theo quy định của pháp luật.

Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất năng lực hành vi dân sự, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản và được thực hiện toàn bộ các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba.

Điều 54 Luật Tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 cũng quy định những người không được làm đại diện:

a) Nếu họ là đương sự trong cùng một vụ án với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;

b) Nếu họ đang là người đại diện trong tố tụng hành chính cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ án.

Cán bộ, công chức trong các ngành Toà án, Kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án, công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an không được làm người đại diện trong tố tụng hành chính, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.

Phòng Bạn đọc

Mới nhất
x
Những đơn khiếu nại nào không được giải quyết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO