Những đóng góp của đồng chí Trần Châu – Bí thư Huyện ủy lâm thời Can Lộc trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Trần Quốc là dòng họ lớn của vùng đất Ích Hậu, có truyền thống hiếu học, yêu nước và có cống hiến to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đồng chí Trần Quốc Châu hay còn gọi là Trần Châu (1908 – 1993), (bí danh Kính, Thọ), quê ở ở thôn Cải Lương, làng Ba Xã, huyện Can Lộc (nay là xóm Ích Mỹ, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà), Hà Tĩnh. Ông Trần Quốc Quỳnh và bà Nguyễn Thị Châu, cha mẹ của đồng chí là những người nông dân hiền lành, chất phác và có tinh thần yêu nước tiến bộ.
Sinh ra trong dòng họ Trần Quốc có truyền thống yêu nước của quê hương Lộc Hà, lại được cha mẹ cho ăn học từ sớm nên đồng chí Trần Châu đã nhanh chóng tiếp thu các tư tưởng yêu nước tiến bộ và dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng.
Năm 1927, đồng chí Hoàng Khoái Lạc (người làng Đỉnh Lự, nay là thuộc xã Tân Lộc, Lộc Hà) xuống bắt liên lạc với đồng chí Trần Châu và một số thanh niên yêu nước tại Ba Xã. Các đồng chí đã lập ra Tiểu tổ Tân việt Ba Xã để cùng nhau tuyên truyền những tư tưởng yêu nước tiến bộ đến các tầng lớp nhân dân Ba Xã.
Tháng 7/1929, nhận thấy xu thế phát triển của phong trào cách mạng, đồng chí Trần Châu và Tiểu tổ Tân Việt Ba Xã đã thống nhất giải tán tổ chức. Đến đầu năm 1930, đồng chí Trần Châu, Trần Ninh và Lê Bính thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn Cải Lương, do đồng chí Trần Châu làm Bí thư.
Cuối tháng 2/1930, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Trần Hữu Thiều về Hà Tĩnh, bắt liên lạc với đồng chí Trần Châu và các chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thông báo về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 3/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều, Trần Châu và các đồng chí ở Can Lộc đã thống nhất chuyển các chi bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn Can Lộc thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và thành lập thêm hai chi bộ mới là Nguyệt Ao và Phù Lưu Thượng.
Tháng 4/1930, trên cơ sở 7 chi bộ cộng sản Can Lộc, đồng chí Trần Hữu Thiều đã chỉ đạo triệu tập một hội nghị tại nhà đồng chí Trần Đóa ở thôn Yên Vinh, xã Trảo Nha. Sau khi thảo luận phương hướng hoạt động, hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời Can Lộc gồm 5 đồng chí. Đồng chí Trần Châu được hội nghị tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư.
Thực hiện Nghị quyết hội nghị tháng 4/1930, đồng chí Trần Châu đã chỉ đạo Huyện ủy triển khai công tác tuyên truyền, phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ và các tổ chức đoàn thể quần chúng yêu nước tại các địa phương. Nhà của đồng chí Trần Châu là một trong những cơ sở hội họp, in ấn quan trọng của Huyện ủy. Từ nhà của đồng chí, những chỉ thị, truyền đơn, tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền và công tác đấu tranh của Nhân dân đã được in ấn và bí mật chuyển giao cho các chi bộ.
Cuối tháng 7/1930, đồng chí Trần Châu đã triệu tập cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc (1/8) nhằm phát huy ảnh hưởng của Đảng và cổ vũ phong trào đấu tranh. Đồng chí Trần Châu và Huyện ủy chủ trương chỉ đạo các chi bộ tiến hành cuộc biểu tình kéo đến huyện đường đưa các yêu sách đòi quyền lợi kinh tế.
Sáng sớm ngày 1/8/1930, Huyện ủy cùng các chi bộ đã lãnh đạo quần chúng tổng Phù Lưu và Lai Thạch tập hợp tại bến đò Hạ Vàng, giương cao cờ Đảng, tiến về huyện đường. Trước uy thế của quần chúng, Tri huyện Trần Mạnh Đàn không dám cho lính đàn áp mà dùng kế hoãn binh, thuyết phục đoàn giải tán. Sau khi Tri huyện nhận lời sẽ báo cáo lên quan tỉnh mười yêu sách của mình, đoàn biểu tình đã được hướng dẫn giải tán, rút lui.
Đây là cuộc biểu đầu tiên của nhân dân Can Lộc và cũng là cuộc biểu tình đầu tiên của nhân dân Hà Tĩnh kéo lên huyện đường đấu tranh và giành thắng lợi. Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đánh giá cao ý nghĩa của cuộc biểu tình này: “… nó mở đầu cho phong trào đấu tranh của nông dân Hà Tĩnh, chứng tỏ sức mạnh phi thường của dân cày buộc bọn đế quốc và phong kiến phải bó tay, Tri huyện phải khúm núm nhận yêu sách…”.
Để tiếp tục đưa phong trào đấu tranh của nhân dân Can Lộc tiến lên, tháng 9/1930, đồng chí Trần Châu và Huyện ủy tiếp tục chủ trương và lãnh đạo các chi bộ biểu tình với quy mô toàn huyện, kéo về huyện đường chất vấn Tri huyện chậm trễ trong việc trả lời yêu sách của cuộc biểu tình ngày 1/8/1930.
Sáng ngày 7/9/1930, hơn 1.000 nông dân của 5 tổng Phù Lưu, Nội Ngoại, Đoài, Nga Khê, Lai Thạch theo sự chỉ đạo của Huyện ủy, chi bộ Đảng đã mang theo cờ búa liềm, vừa hô vang khẩu hiệu, vừa rầm rập từ các ngả đường kéo về huyện lỵ. Khi các đoàn biểu tình vào tới huyện đường thì Tri huyện và nha lại đã khiếp sợ bỏ trốn.
Thừa thắng, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy và các đảng viên, quần chúng xông lên đập phá huyện đường, đốt cháy sổ sách, giấy tờ và mở nhà lao giải phóng cho các tù nhân. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi, làm cho chính quyền địch tạm thời bị tê liệt, đã góp phần khẳng định vai trò, đóng góp của đồng chí Trần Châu – Bí thư Huyện ủy lâm thời Can Lộc.
Tháng 3/1931, khi phong trào cách mạng Can Lộc đang phát triển mạnh mẽ, đồng chí Trần Châu được Tỉnh ủy tín nhiệm cử ra Nghi Xuân để giúp đỡ huyện gây dựng lại phong trào cách mạng.
Ngày 27/4/1931, cuộc họp Huyện ủy mở rộng được tổ chức tại đền Nhà Ngai (Xuân Viên) nhằm nhận định tình hình và vạch kế hoạch phát động cuộc đấu tranh toàn huyện nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1931.
Sáng ngày 1/5/1931, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Châu và Huyện ủy Nghi Xuân, gần 2.000 quần chúng trống giong, cờ thúc tiến về huyện lỵ, hô vang các khẩu hiệu đấu tranh. Hoảng sợ trước uy lực của quần chúng, Tri huyện Nghi Xuân đã vội vàng lẩn trốn.
Để duy trì phong trào đấu tranh của quần chúng, đồng thời tăng cường thêm vai trò lãnh đạo của Đảng, ngày 22/5/1931, Huyện ủy Nghi Xuân họp hội nghị mở rộng để bầu đồng chí Trần Châu và một số đồng chí khác bổ sung Ban Chấp hành. Dưới sự điều hành của đồng chí Trần Châu và Huyện ủy, toàn huyện lúc này đã có 9 chi bộ với số lượng 71 đảng viên, các tổ chức quần chúng yêu nước không ngừng được củng cố, mở rộng.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều tay sai đã dùng nhiều chính sách nhằm khủng bố, dập tắt hoạt động đấu tranh của Nhân dân. Từ tháng 7/1931, kẻ địch đã tiến hành nhiều đợt truy tầm, lùng bắt khiến cơ quan Huyện ủy Nghi Xuân ở Xuân Viên, rồi đến Tiên Bào lần lượt bị lộ. Đồng chí Trần Châu cùng nhiều đồng chí cốt cán của phong trào cách mạng Nghi Xuân lần lượt sa vào tay giặc.
Vì bị xác định là Bí thư Huyện ủy Can Lộc, là thành viên chủ chốt của phong trào cách mạng Nghi Xuân nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, kẻ thù đã dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc và tra tấn. Không lung lay được ý chí của người tù cộng sản Trần Châu, ngày 21/4/1932, kẻ địch đã kết án đồng chí kết án 5 năm tù và 2 năm quản thúc (không rõ bản án).
Trong thời gian đồng chí bị địch bắt tù đày, nhà của đồng chí Trần Châu vẫn là cơ sở nuôi giấu cán bộ Đảng. Mẹ của đồng chí là bà Nguyễn Thị Châu không quản ngại nguy nan, rình rập của mật thám tay sai, đã phục vụ cho các cán bộ cấp trên mỗi khi các đồng chí về địa phương hội họp, chỉ đạo phong trào cách mạng.
Sau khi được trả tự do, đồng chí Trần Châu trở về quê hương, tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí đã tham gia mặt trận Việt Minh, cùng với Nhân dân Ba Xã phất cao ngọn cờ, tổ chức thành công cuộc đấu tranh giành chính quyền vào tháng 8/1945.
Năm 1945-1948, đồng chí Trần Châu là cán bộ tích cực hoạt động trong công tác bình dân học vụ xã Ngột Sơn.
Năm 1956-1957, đồng chí Trần Châu tiếp tục được tín nhiệm bầu là Bí thư Đảng ủy xã Hậu Lộc.
Sau khi nghỉ hưu, đồng chí Trần Châu chuyển vào Gia Lai sinh sống cùng con trai.
Là một trong những thế hệ đảng viên đầu tiên của quê hương Can Lộc nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung, đồng chí Trần Châu – Bí thư Huyện ủy lâm thời Can Lộc năm 1930 đã có nhiều đóng góp trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí và Huyện ủy, Nhân dân Can Lộc đã anh dũng đứng lên đấu tranh với thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai, góp phần làm nên mốc son chói lọi của phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1930-1931.
Với những đóng góp của mình cho phong trào cách mạng quê hương, đồng chí Trần Châu đã được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và Huân chương Độc lập hạng Nhì (1985). Bà Nguyễn Thị Châu, mẹ của đồng chí, cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tặng Bằng có công với nước (1967).
_____________________
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh tập I (1930-1954), NXB Chính trị Quốc gia, 1993;
- Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Can Lộc 1930-2000, NXB Chính trị Quốc gia, 2005;
- Lịch sử Huyện đảng bộ Nghi Xuân (1930-1945).
- Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Ích Hậu (1930-2005), NXB Văn hóa – Thông tin, 2008;
- Tài liệu mật thám Pháp về đồng chí Trần Quốc Châu;
- Tư liệu do gia đình đồng chí Trần Quốc Châu cung cấp.