Những đồng tiền lẻ
(Baonghean) - Lật giở những trang ghi chép, những file ghi âm, lắng nghe thật kỹ, thật sâu thổ lộ ruột gan của từng nhân vật tôi mới thấm thía rằng, điều đáng nể nhất ở họ chính là nghị lực...
Vũ Văn Tài, năm nay 27 tuổi. Khuôn mặt điển trai, ánh mắt sáng, thẳng thắn và cương nghị. Tài chìa hai tay ra, trên đó là những tệp tăm xỉa răng dán nhãn “VIP”. “Em mời chị mua tăm ạ! 6.000 đồng/ gói lẻ, nếu mua cả tệp 6 gói thì 50.000 đồng thôi.”- Tài mời nhỏ nhẹ. Mãi sau này, khi có dịp được trò chuyện nhiều hơn, tôi vẫn thường thắc mắc tại sao lần gặp đầu tiên ấy, Tài lại mời tôi mua hàng, trong khi giữa căn phòng chờ ám đầy mùi khói thuốc của Bến xe Vinh, có nhiều người đang qua quýt bữa trưa bằng gói xôi, chiếc bánh mỳ, cốc mỳ ăn liền pha sẵn? Tài cười, vì mình thấy bạn… đeo kính giống sinh viên, mà kinh nghiệm bán hàng của mình, người như vậy thì dễ bán!
Vũ Văn Tài trong căn phòng trọ 10 m2. |
Lần ấy, tôi không mua gì cho Tài, chỉ mời nhau chai nước mát. Không hiểu sao, Tài lại dừng những vòng bánh xe lăn lại, bắt chuyện với tôi. Những câu hỏi dò ý tứ và những câu trả lời ngắn gọn đã khởi đầu cho chuỗi những lần gặp gỡ và chia sẻ sau này. Vũ Văn Tài quê ở Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu - miền biển gió cát và những nại muối mặn rát ám ảnh cả trong những giấc ngủ chập chờn giữa cuộc mưu sinh. Dẫu đã ngót 13 năm nay, Tài chẳng mấy khi có điều kiện về thăm quê, dù ký ức về túp nhà ngói cũ dột, người mẹ nghèo lam lũ, cái nắng bỏng da trên đồng muối, ô cửa sổ lấp lóa nắng và màu vàng ruộm của sân ngô - nơi Tài và 4 anh chị em thường ngồi hóng gió vẫn luôn làm Tài đau đáu nhớ. Nhà có 5 chị em, Tài thiệt thòi nhất, bẩm sinh đã khuyết đôi chân. Gia cảnh khốn khó, tất thảy chỉ trông vào vài sào ruộng màu của mẹ và dăm chuyến lộng của cha, những đứa con cứ hồn nhiên lớn như củ khoai, củ sắn và đứt dần những buổi đến trường. “Rứa cũng may rồi, đứa mô cũng biết chữ, biết tính đếm, còn mình thiệt thòi nhất, nỏ có ai chở đi học cả nên đến dừ, nhiều khi thấy người ta đọc sách, đọc báo, nói những chuyện ở mô mô mà thèm!”- Tài bùi ngùi nói nhỏ.
Năm Tài lên 6, bố mất trong một cơn bão biển. Nghe mẹ kể lại, bão đến rất nhanh, mẹ ở nhà ôm radio, vừa nghe dứt tin thì ngoài cổng đã lao xao tiếng người gọi thất thanh. Những ngày sau đó là những ngày chống chếnh, khủng hoảng nhất của gia đình. Món nợ hơn 20 triệu đồng vào thời điểm năm 1993 là khoản tiền quá sức với gia cảnh, và Tài bảo, Tài chưa bao giờ thấy mẹ khóc. Mẹ ít nói hơn, gồng mình qua nỗi đau, làm đủ thứ việc người ta thuê, và đêm đến, mẹ quấn từng điếu thuốc to như sâu kèn để hút. Tài thức trắng đêm đếm từng tiếng bập môi của mẹ, những tiếng bập nghiến vào màn đêm sâu thẳm. Sáng ra, cột xi măng trước nhà vằn vện những ám đen!
Bên cạnh nhà Tài, có một người hàng xóm khuyết tật. “Mình rất ít khi gặp chú, vì chú đi làm ăn suốt. Một hôm, chú trở về từ Bình Dương, đẩy xe lăn sang nhà và nói: “Còn sức thì còn lao động. Nhìn lại mi coi, vẫn bò đi được, mặt mũi sáng sủa, ăn nói rõ ràng, cớ chi cứ ở lì trong nhà mà than thân trách phận?” Câu nói đã thay đổi cả cuộc đời Tài.
Năm 2001, Tài vừa tròn 14 tuổi, thế giới của Tài vẫn chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà và con đường trước ngõ. Thế mà dám liều trốn mẹ, năn nỉ cậu em trai chở ra lộ lớn để bắt xe lên Thành phố Vinh. Lần tha hương đầu tiên ấy, Tài chọn Bến xe Vinh làm chốn dừng chân, và cả những lần sau này, khi đôi mắt của Tài dường như đã chứng kiến đủ những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, không gian bến xe vẫn là nơi Tài bám trụ, dẫu cuộc mưu sinh ở đây luôn ẩn chứa những hiểm họa và phức tạp khó lường. Mãi sau này, Tài mới góp đủ tiền để sắm cho mình chiếc xe lăn, còn gần 6 năm trời, Tài vẫn bò riết trên đường bằng cách quấn vải vào đôi bàn tay. Thế mà mỗi ngày cũng đi được đến 6, 7 km, bán được dăm tệp tăm tre, kiếm cơm qua ngày. Nhiều lần, giữa xa lộ náo nhiệt, Tài nép vào gốc cây cạnh đường mà khóc. Những giọt nước mắt bật ra đầy đau đớn, tủi phận, bất lực. Những giọt nước mắt mặn đắng hơn cả đồng muối quê nhà!
Thế rồi đã lâu, Tài không khóc nữa. Không khóc, ngay cả thời điểm năm 2008, Tài phát hiện mình bị hở van tim bẩm sinh. Không khóc, ngay cả những đêm khuya, Tài mò mẫm đẩy xe lăn về phòng trọ trong ngõ nhỏ sau bến xe Vinh, gặp những kẻ “xin đểu” lột sạch đến đồng cuối cùng trong túi, run lẩy bẩy vì tức giận và xót của. Không khóc, ngay cả bây giờ, Tài biết trái tim mình chỉ còn chịu đựng được vài ba năm nữa, và khoản tiền phẫu thuật là điều quá xa vời. “Khóc mần chi, giải quyết được chi. Còn sống ngày nào là còn lao động. Trước, bệnh chưa phát, ngày nào mình cũng đi bán tăm, còn giờ tháng đi 20 ngày thôi, nghỉ cách ngày để dưỡng bệnh nữa!”- Tài cười nói.
Và Tài có phương châm lao động nghiêm túc của riêng mình: Không nói dối. Không xin xỏ. Không làm phiền người khác. Trong quá trình tìm hiểu những số phận mưu sinh quanh Bến xe Vinh, tôi biết, nhiều người làm nghề như Tài tự nhận mình là người của Hội Người mù, Hội Khuyết tật, bán tăm từ thiện… và đẩy giá lên rất cao. “Tài không làm rứa mô, có tội chết. Mình cứ mời rất lịch sự, và chọn thời điểm để mời. Tài đi đến địa phương nào, đều vào UBND phường, xã, thị trấn đó để xin phép được hoạt động. Mình mưu sinh đàng hoàng, không có gì phải sợ!”
Mưu sinh đàng hoàng và tích cóp từng đồng tiền lẻ để chi tiêu qua ngày, để gửi về cho mẹ và dành cho ngày phẫu thuật tim còn... rất mông lung. Tôi đã từng chứng kiến cảnh Tài trả tiền nhà trọ bằng xấp tiền lẻ 500 đồng, 1.000 đồng dễ dày có đến gang tay người lớn. Mà không chỉ riêng Tài, trong dãy trọ ở khối 4, phường Lê Lợi, hầu như đều có những người khách trọ trả tiền nhà bằng cách đặc biệt như vậy. Như người hàng xóm của Tài, là gia đình 4 người của anh Chế Mân - người dân tộc Chăm đến từ Ninh Thuận. Bao năm nay, gia đình 4 người đeo mang nhau đi khắp chốn cùng nơi, bán thứ thuốc lá gia truyền chữa đau xương, viêm khớp của người Chăm. Từ mảnh đất cát vàng Ninh Thuận, anh Chế Mân và vợ con đã vượt ngót ngàn cây số ra tận cực Bắc Tổ quốc, đến những Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai… để kiếm kế sinh nhai. Rồi lại ngược vào các tỉnh miền Trung, quyết định chọn Nghệ An làm chốn làm ăn lâu dài. Chỉ có vào dịp Tết Katê (Tết của người Chăm, khoảng vào dịp tháng 8, tháng 9 dương lịch), họ mới bắt chuyến xe khách Bắc - Nam hồi hương, mang theo những niềm vui và những lời nguyện ước.
Anh Chế Mân gầy gò, nước da đen cháy và giọng nói đã phai đi nhiều “chất” Chăm Ninh Thuận. Dặm trường gió bụi và gánh mưu sinh đã khắc chạm lên anh phong thái dửng dưng, bình thản trước mọi thứ. Thế nhưng, anh rất hay ví von khi nói chuyện, ánh mắt xa xăm bảo rằng mình chỉ là cánh chim tha phương ước ao trở về quê cũ. Cánh chim cứ thao thiết bay, mỏi gối chồn chân vẫn chưa biết dừng đậu nơi nao? “Muốn về quê lắm rồi, mà ở quê thì biết làm chi mà sống. Có nghề thuốc gia truyền của cha ông để lại, cứ đi xa mà bán cho người cần thôi! Người ta tin mình thì mua, mình cũng không lừa đảo, không nài ép, bán lâu giờ toàn khách quen!” - Anh Chế Mân chia sẻ, bàn tay khẽ đặt lên đầu người con gái tật nguyền. Đó là người con đầu của anh- Chế Bồng Nga. Nga trạc bằng tuổi Tài, cũng một phận đời khiếm khuyết như Tài. Mọi sinh hoạt cá nhân của Nga luôn phải có người giúp đỡ. Trong căn phòng trọ hẹp và tối, chỉ độ mươi mét vuông, gia đình 4 người co duỗi bên nhau...
Tôi đã ngồi cùng họ trong căn phòng đó, và tự hỏi, sức mạnh nào đã giúp con người ta vượt lên tất thảy những nghịch cảnh của cuộc đời? Như Vũ Văn Tài, như anh Chế Mân, như Nga? Chúng ta thường không bằng lòng với cuộc sống của chính mình. Còn họ, những người gánh những nỗi đau và mất mát đến thế, vẫn chấp nhận số phận và luôn tìm thấy mục tiêu hướng tới của cuộc đời mình. Với Tài, là mong mỏi có tiền giúp đỡ mẹ và phẫu thuật cho trái tim. Còn với gia đình anh Chế Mân, là lao động đến cùng để đủ tiền về quê sống những năm tháng yên ổn...
Phương Chi