Những đứa trẻ tự bán mình

Phước Anh 28/07/2022 19:01

(Baonghean.vn) - Trước thực trạng mua bán trẻ em tiềm ẩn nhiều phức tạp, diễn ra trong thời gian dài, tiếng chuông báo động cần gióng liên hồi, thôi thúc mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, ban, ngành tự vấn về trách nhiệm của mình.

Một đứa trẻ đáng giá bao nhiêu?

“Chỉ vài chục triệu. Muốn được giá, phải nhờ người môi giới, lúc đó có thể được tầm trăm triệu” - Lữ Thị C. nói.

Cách đây 6 năm, C. chưa tròn 15 tuổi, ở cái bản thuộc dạng nghèo nhất, trong cái xã nghèo của huyện nghèo thuộc tỉnh Nghệ An. Cô kể về chuyến đi Trung Quốc để tự bán mình với giọng điệu bình thản: Lúc đi em đang học dở lớp 8, nhà nghèo quá, chị Mùi là người cùng bản hỏi có đi Trung Quốc lấy chồng không, nếu đi thì chị đưa cho 100 triệu đồng. Thế là em đi!

Hai cháu nhỏ - nạn nhân vụ buôn bán người - được cơ quan Công an giúp đỡ về với gia đình. Ảnh tư liệu: CSCC

Buổi tối vài ngày sau, C. đi theo chị Mùi chờ đón xe xuống thành phố. Từ đó, cô bé 15 tuổi bắt đầu hành trình đi sâu vào nội địa Trung Quốc, với cái đích là ngôi nhà của một người đàn ông goá vợ có tuổi gấp 3,4 lần tuổi C. 6 vạn nhân dân tệ là số tiền mà người đàn ông này bỏ ra để mua cô vợ mới. Số tiền ấy C. chỉ được nhận 100 triệu đồng để gửi về nhà cho bố mẹ, còn lại là phần của môi giới.

Không chỉ C., một số phụ nữ, trẻ em gái người Khơ mú ở một vài bản làng vùng cao miền Tây Nghệ An cũng có quyết định tương tự. Tự bán mình, thậm chí còn bán con mình khi chúng mới chỉ là bào thai trong bụng mẹ… Tưởng như thế đã tột cùng của mông muội? Chưa đâu, còn có “hàng quay” - nhằm chỉ những phụ nữ, trẻ em gái tự nguyện đi theo bọn mua bán người lấy chồng Trung Quốc, trước khi đi cam kết một thời gian sẽ liên hệ với nhau để tổ chức trốn về, sau đó lại đưa đi bán ở vùng khác.

Thường xuyên, trong những lần tiếp xúc với những đứa trẻ tự bán mình và những ông bố, bà mẹ nhận tiền từ việc con đi theo đối tượng mua bán người, tôi tự hỏi điều gì đã dẫn đến quyết định đau lòng ấy? Họ nghĩ gì khi nhận những đồng tiền ấy? Và chúng ta có thể làm được gì để tình cảnh ấy không tái diễn?

Phòng CSHS Công an Nghệ An phát hiện, giải cứu và đưa trở về địa phương 3 phụ nữ mang thai vượt biên sang nước ngoài bán con, tháng 4/2021. Ảnh tư liệu: Trọng Tuấn

Ngày 30/7 hàng năm được chọn là ngày Thế giới phòng, chống mua bán người. Tại Việt Nam, ngày này cũng được chọn là ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người. Nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người là không thể phủ nhận, song, tìm đọc lại những thông tin mà mình và đồng nghiệp đã tìm hiểu, phản ánh về thực trạng buôn bán người, cảm thấy dường như những điều đã viết, đã đăng tải, đã tuyên truyền ngày này qua tháng khác vẫn là chưa đủ. Nghệ An vẫn là một trong những địa phương trọng điểm trong cả nước về tội phạm mua bán người. Địa bàn mà loại tội phạm này thường nhắm tới là vùng nông thôn, miền núi thuộc các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Thanh Chương…

Trong hàng trăm tệp ghi âm những đứa trẻ, những ông bố, bà mẹ, những trưởng bản, chủ tịch hội phụ nữ xã, cán bộ chính sách địa phương…, nhận ra, cái từ mà họ nhắc đến nhiều nhất là “đói nghèo”. Đói nghèo dẫn đến hạn chế về nhận thức. Họ nghĩ ngắn thôi, làm gì để có tiền nhanh nhất. Nhà nghèo quá nên bán mình đi lấy tiền. Nhà nghèo quá nên để con đi kiếm vài chục triệu, mua bò, mua trâu cày cấy. Khi nghèo, người ta chỉ ao ước đủ ăn, đủ mặc. “Đói cho sạch, rách cho thơm” là đạo nghĩa cao đẹp, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu và làm được. Phẩm giá là điều gì đó mông lung và xa xôi so với nồi cơm trong bếp. Thật đau xót! Là đứa con mình rứt ruột đẻ ra, là bào thai mình mang nặng đẻ đau đấy! Chúng chỉ đáng giá vài chục triệu thôi ư? Bán con để lấy tiền mua trâu, mua bò, để uống rượu, để làm nhà… Trời ơi! Dường như ở đây, lý do nhận thức không đủ và không thể dùng để bao biện. Phải là một sự chất vấn về lương tri, nhân phẩm!

Và, chúng ta phải làm gì đi chứ?

Nếu buôn bán người bắt nguồn từ nghèo đói - như UNICEF đúc kết, thì rõ ràng giải pháp căn cơ, trọng tâm nhất vẫn là thực hiện hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chính sách hỗ trợ tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập… cho người dân các vùng có thu nhập thấp. Cùng với đó, lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với việc thực hiện các đề án khác của chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người và các chương trình kinh tế - xã hội khác có liên quan.

Phiên tòa xét xử bị cáo về tội “Mua bán người”. Ảnh: An Quỳnh

Theo Luật Trẻ em 2016, Việt Nam hiện có 17 cơ quan có nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em. Trước thực trạng mua bán trẻ em tiềm ẩn nhiều phức tạp, diễn ra trong thời gian dài, tiếng chuông báo động cần gióng liên hồi, thôi thúc mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, ban, ngành tự vấn về trách nhiệm của mình. Trách nhiệm không chỉ nằm trên những con số thống kê, những giấy tờ thủ tục hành chính, cũng không phải trách nhiệm chỉ nhìn nhận trong phạm vi quy định của các văn bản pháp luật, mà hơn cả, là sự ray rứt nhân văn với những đứa trẻ vô tội.

Mới nhất
x
Những đứa trẻ tự bán mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO