(Baonghean) - Dồn điền, đổi thửa, khuyến khích tích tụ ruộng đất là đòi hỏi từ thực tiễn, cũng là giải pháp mang tính lâu dài, nhằm phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, đưa nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần xây dựng Nông thôn mới (NTM). Qua hơn 1 năm thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi ruộng đất theo tinh thần Chỉ thị 08 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Kết quả bước đầu
Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện chuyển đổi ruộng đất, theo tinh thần Chỉ thị số 02-CT/TU ngày 5/4/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Quá trình chuyển đổi ruộng đất đã hình thành các thửa đất có diện tích lớn hơn so với trước đây; nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, quy mô diện tích thửa đất sau chuyển đổi còn nhỏ; bình quân số thửa/hộ còn cao (bình quân trên 5 thửa/hộ), chưa liền vùng, liền thửa, chưa hình thành được vùng chuyên canh lớn có hiệu quả kinh tế cao.
Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 08-CT/TU ngày 8/5/2012 nhằm đẩy mạnh vận động nông dân tiếp tục “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp. Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay đã có 91 xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa, với gần 100.000 hộ dân tham gia trên 24.000 ha đất nông nghiệp. Sau khi chuyển đổi, quy mô bình quân thửa đất từ 800 - 1.600 m2; trung bình số thửa/hộ là từ 1 - 3 thửa; trung bình số vùng/hộ là từ 1 - 3.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở TN-MT) đánh giá: Nhìn chung, kết quả thực hiện dồn, đổi thửa tại thực địa, cơ bản phù hợp với mục đích, tiến độ của đề đán dồn điền, đổi thửa đã được phê duyệt. Dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện để sản xuất hàng hóa phát triển, cụ thể, đã xây dựng được 15 mô hình cánh đồng mẫu lớn, đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, tăng năng suất, sản lượng từ 10-15% so với đại trà, tăng thu nhập cho người nông dân và góp phần xây dựng NTM.
Trong số 19 huyện, thành, thị tổ chức dồn điền, đổi thửa, thì Anh Sơn, Yên Thành, Thanh Chương và Quỳnh Lưu được đánh giá là những địa phương làm tốt. Đây là những huyện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa trước khi có Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương tổ chức thực hiện còn đạt kết quả thấp. Công tác phê duyệt các loại quy hoạch ở cấp xã tại các huyện như Con Cuông, Quế Phong, Qùy Châu, Thái Hòa... còn chậm, có nơi chưa thực hiện. Ngay như một số xã điểm, trong kế hoạch là xong trước năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Kinh nghiệm hay
Tường Sơn là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Anh Sơn. Sau khi hoàn thành chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị số 02-CT/TU năm 2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ruộng đồng của Tường Sơn vẫn manh mún, nhỏ lẻ. Bình quân một hộ còn sử dụng từ 4 - 7 thửa ruộng, 3 - 5 xứ đồng. Sau khi Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy ra đời, xã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện kế hoạch để đảm bảo theo tiêu chí của tỉnh. Sau hơn 1 năm chuyển đổi, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã thở phào nhẹ nhõm: Đến nay, xã đã hoàn thành chuyển đổi ruộng đất trên toàn bộ diện tích canh tác của 12 thôn. Sau chuyển đổi, bình quân 1,97 thửa/hộ (trong đó, đất ruộng là 1 thửa/hộ và đất màu là 1 thửa/hộ). Toàn xã đã sửa chữa, làm mới được 11.675 m đường giao thông nội đồng, 11.736 m kênh mương thủy lợi. Tình trạng manh mún, nhỏ lẻ được xóa bỏ, đất công ích được quy hoạch theo vùng quản lý và sử dụng có hiệu quả.
Theo ông Linh và các thành viên trong Ban chỉ đạo xã thì, có được kết quả đó là do, họ đã dựa vào sức dân, được người dân đồng tình, ủng hộ. Ban đầu, khi triển khai, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, xã đã gặp phải sự không đồng tình của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ của xã đã xác định, chủ trương thì ban hành từ trên xuống, nhưng thực hiện lại phải từ dưới lên. Theo đó, Ban cán sự xã Tường Sơn kiên trì thực hiện công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân, với phương pháp tổ chức đối thoại hội nghị và trực diện.
Ông Linh chia sẻ: Để làm cho dân hiểu, dân làm, xã Tường Sơn đã phải tổ chức đến 180 cuộc họp lớn, nhỏ, từ cấp xã đến cấp xóm. Cụ thể như xóm 5, ban đầu một số hộ dân chưa hiểu hết được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của việc đồn điền, đổi thửa nên không tham gia. Tôi đã về trực tiếp cùng với ban cán sự xóm tổ chức họp dân bằng phương pháp đối thoại. Những thắc mắc của người dân được giải quyết ngay lúc đó, không quanh co, cuối cùng thì dân hiểu và thực hiện rất tốt.
Để tăng tính dân chủ, bám sát thực tiễn, xã yêu cầu các xóm dựa trên tình hình thực tế đất sản xuất của xóm để xây dựng phương án chuyển đổi. Tại xóm 5, ruộng đồng manh mún, có tới 9 xứ đồng, hóc chọ, men khe. Có thời điểm, huyện cũng như xã xác định, xóm 5 sẽ không làm được dồn điền, đổi thửa. Với tinh thần dân chủ, công bằng, minh bạch, cuối cùng người dân trong xóm đã ủng hộ và tham gia nhiệt tình. Sau khi xây dựng kế hoạch xong, xã tiến hành đo đạc, phóng tuyến trên tất cả các xứ đồng.
Ông Trần Ngọc Long, xóm trưởng xóm 5 cho biết: Để tạo sự công bằng, xóm chia các thửa ruộng có vị trí gần bờ để người dân thuận tiện trong sản xuất, những xứ đồng nào khó thì làm trước, dễ làm sau. Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm, ông Long cởi mở: Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu và không được tư lợi. Trong quá trình thực hiện phải làm đến đâu, chắc đến đó thì người dân sẽ đồng tình.
Không giống với Tường Sơn, xã Tào Sơn (Anh Sơn) lựa chọn, tổ chức một cách làm khác mà vẫn đảm bảo được tính dân chủ, công khai, lấy sức dân là chính trong cuộc vận động dồn điền, đổi thửa. Ngay sau khi có Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ huyện về dồn điền, đổi thửa, xã đã triển khai lấy ý kiến của người dân, rồi tập hợp để đóng góp vào dự thảo đề án chung của toàn huyện. Sau đó, xã tiếp thu và sửa đổi để hình thành đề án riêng phù hợp với đặc điểm, tình hình sản xuất của địa phương. Và mục tiêu đặt ra, mỗi hộ sẽ được nhận 1 - 2 thửa đất lúa, 1 thửa đất màu (trước chuyển đổi bình quân 6 thửa/hộ), gắn với quy hoạch giao thông nội đồng và xây dựng NTM.
Ông Hoàng Đình Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ban đầu thực hiện, một số người dân không đồng tình và muốn được nhận 4 thửa/hộ. Trước tình hình đó, xã đã tổ chức 8 cuộc họp từ xã đến xóm để vận động nhân dân, với quan điểm: Lấy thiểu số, phục tùng đa số, và Đảng lãnh đạo, chính quyền thực hiện. Diện tích đất sản xuất của người dân được chia theo nghị Định 64 sẽ giữ nguyên và phải hoàn thành trong năm 2012.
![]() |
Gia đình anh Đào Văn Tứ, xóm 5, xã Tào Sơn (Anh Sơn) chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng bí cho hiệu quả kinh tế cao.
Cách làm của xã Tào Sơn cho thấy, sự quyết tâm lớn của lãnh đạo chính quyền địa phương với phương châm tập trung, đồng nhất cao từ trên xuống dưới. Sau khi đã thống nhất phương án đề ra, xã chỉ đạo họp dân 12 xóm triển khai trong 1 đêm. Trong phương án dồn điền, đổi thửa của xã được xây dựng có 10 bước, được triển khai từ trên xuống dưới. Từ bước tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, thu thập số liệu... Đến giao đất thực địa cho người dân sản xuất, tất cả được quán triệt, thống nhất với tinh thần tập trung cao. Vì thế, kết quả dồn điền, đổi thửa của Tào Sơn sau chuyển đổi đã đạt chỉ tiêu đề ra. Bình quân diện tích 1 thửa là 1.200 m2; trung bình 2,7 thửa/hộ (trong đó: Đất lúa bình quân 1,7 thửa/hộ; đất màu bình quân 1 thửa/hộ); trung bình 2,5 xứ đồng/hộ.
Xã Phúc Thành (Yên Thành) được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác dồn điền, đổi thửa của cả tỉnh. Trước khi chuyển đổi, ruộng đồng của Phúc Thành còn manh mún, không tập trung, mỗi hộ trung bình có 3 thửa trở lên, giao thông thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu. Để khắc phục tình trạng trên, Đảng ủy - HĐND xã đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch chuyển đổi, phục vụ đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và xây dựng NTM. Xã đã xây dựng đề án chuyển đổi và hướng dẫn cho từng xóm tự xây dựng phương án chuyển đổi riêng. Chỉ trong vòng 3 tháng, xã đã hoàn thành và tiến hành giao đất thực địa cho nhân dân. Mỗi hộ hoặc nhóm gia đình chỉ có 1 - 2 thửa đất tại 1 xứ đồng.
Nhờ những kết quả đó mà Phúc Thành được lựa chọn là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm, ông Đinh Văn Dương, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong quá trình thực hiện, xã đã gắn việc quy hoạch ruộng đồng với quy hoạch xây dựng NTM. Đây vừa là căn cứ, tiền đề vừa là biện pháp để xã huy động sự đóng góp của người dân và nguồn lực tài chính bên ngoài. Muốn nhân dân đồng tình cao thì phải đảm bảo được lợi ích, thuận lợi trong sản xuất. Vì thế, khi xây dựng kế hoạch chuyển đổi, xã quy hoạch xứ đồng nào thì sát với khu dân cư của xóm đó. Khuyến khích cha con, anh chị em ruột hoặc nhóm gia đình quy tụ về một vùng tập trung. Đây là những tiền đề để xã quy hoạch được những vùng có diện tích lớn, trong đó những hộ có cùng tập quán canh tác, cùng nguồn giống để xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho thu nhập cao.
Giá trị từ thực tiễn
Không khó để nhận ra những thay đổi tích cực sau khi các địa phương hoàn thành cơ bản công tác dồn điền, đổi thửa trên thực địa. Đứng giữa cánh đồng rộng hơn 20 ha của xóm 5, xã Tường Sơn, toàn cảnh như một bức tranh với những ô bàn cờ vuông vắn, thẳng tắp. Hệ thống đường giao thông nội đồng được đắp bằng đất ruộng với đất đồi, rộng 5m, 2 bên có mương thủy lợi rộng 1m. Xe ô tô đã đi ra đến từng chân ruộng, cánh đồng mà không gặp một trở ngại nào. Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhờ quy hoạch được vùng rộng lớn, xã Tường Sơn có điều kiện xây dựng được 4 mô hình cánh đồng mẫu (2 mô hình ngô lai và 2 mô hình lúa) với diện tích 40 ha/mô hình. Kết thúc mô hình, năng suất lúa, ngô của xã tăng gấp 1,5 lần. Riêng vụ đông xuân năm 2013, sản lượng lúa và ngô của toàn xã đạt 6.300 tấn trên kế hoạch 7.135 tấn của cả năm, đạt 84,4%.
Nhờ dồn điền, đổi thửa mà xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhiều giống ngô, lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Năm nay là năm đầu tiên, xã triển khai trồng ngô vụ hè thu trên diện tích đất bãi, đang phát triển tốt. Hiện xã đã quy hoạch được vùng trồng mía rộng 25 ha tại xứ đồng Dừa. Diện tích này là đất cao cưỡng, trồng ngô nhưng hiệu quả thấp. Vừa rồi, người dân thu hoạch mía được 1,8 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với trồng ngô. Xã còn quy hoạch vùng đất rộng 5ha để xây dựng mô hình với mong muốn để người dân học tập, làm theo.
Gia đình anh Đặng Thanh Hiền (xóm 5) có 5 sào đất, nhưng có đến 7 thửa trên 5 xứ đồng. Sau khi dồn điền, đổi thửa nhà anh chỉ còn 2 thửa cả lúa và màu. Ruộng đất được tích tụ thành thửa lớn, gia đình anh thuê máy san ủi mặt ruộng và có điều kiện đầu tư thâm canh nên năng suất lúa tăng từ 6 tạ lên đến 9 tạ/mùa. “Trước, lúa chỉ đủ 7 khẩu ăn nhưng nay đã có để bán. Thời gian nông nhàn, tôi đi phụ hồ, ngày thu nhập được 170 ngàn đồng nên cuộc sống của gia đình đã khá hơn”, anh Hiền chia sẻ.
Ngược sang Tào Sơn, một xã điểm về xây dựng NTM của huyện Anh Sơn. Sau khi chuyển đổi, tâm lý, tư duy sản xuất của người dân thay đổi rõ rệt. Hiện toàn xã đã có 10 chiếc máy cày đa chức năng, mỗi hộ có 1 chiếc máy gặt cầm tay, điều mà trước chuyển đổi ruộng đất chưa hề có. Cùng với việc đưa các giống lúa, ngô năng suất, chất lượng cao vào sản xuất thì Tào Sơn đang vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Định hướng sắp tới, xã sẽ khoanh vùng để xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn rộng 50 ha, áp dụng phương pháp phân viên nén rải chậm để nâng cao năng suất cho cây lúa. Đây là những điều kiện quan trọng để xã xây dựng NTM, trong đó có 2 tiêu chí quan trọng là thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Xác định cây sắn và cây bí là những cây trồng thế mạnh. Xã vận động người dân chuyển đổi đất màu trồng dưa hấu sang trồng sắn và bí xen kẽ ở những thửa đất khô cằn, đồi vệ. Anh Đào Văn Tứ, xóm 5 vui vẻ cho biết, từ khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, người dân trong xã rất yên tâm và tin tưởng vào những chủ trương của xã đề ra. Trên thửa ruộng rộng 2,5 sào, chuyển từ trồng lúa sang trồng bí.Trung bình, mỗi sào gia đình thu về khoảng 20 triệu đồng/sào/vụ.
Thay đổi rõ nét nhất sau khi dồn điền, đổi thửa phải kể đến xã Phúc Thành (Yên Thành). Trước chuyển đổi, toàn xã có 86 chiếc máy cày đa chức năng, sau chuyển đổi, số lượng máy là 327 chiếc. Người dân trong xã còn đầu tư mua 2 chiếc máy đập liên hoàn, mỗi chiếc hơn 500 triệu đồng, hơn 100 chiếc máy gặt cầm tay. Trước, xã phải mất gần 20 ngày để gieo cấy, thu hoạch. Nay thời gian đã giảm còn một nửa. Nhờ quy hoạch được diện tích rộng lớn, xã xây dựng được 1 mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa lai F1 thuộc dự án cạnh tranh với 35ha. Tổng giá trị của mô hình đạt 140 triệu đồng/ha/năm.
Xã cũng hình thành được cánh đồng rộng 100 ha để sản xuất lúa giống Khang dân, bình quân thu nhập 80 - 90 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, xã Phúc Thành đã đạt 16/19 tiêu chí của NTM. Trong đó, tiêu chí thu nhập đã đạt bình quân 22 triệu đồng/người/năm. Ông Ngô Trí Trưởng, xóm trưởng xóm Xuân Sơn cho biết: Khi triển khai dồn điền, đổi thửa, nhân dân trong xóm ai cũng ủng hộ và tham gia nhiệt tình. Nhờ đó mà số thửa được giảm xuống, bình quân 2 thửa/hộ, 1 xứ đồng. Công lao động giảm, năng suất tăng lên, nên ai cũng vui mừng. Người dân trong xóm đang tham gia mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa lai và hứa hẹn sẽ cho năng suất cao.
Thực tế trên đã khẳng định, chủ trương dồn điền, đổi thửa của Nhà nước, cụ thể ở tỉnh được cụ thể hóa bằng Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là hết sức đúng đắn, phù hợp và đang mang lại những hiệu quả, giá trị thiết thực trong phát triển nông thôn, nông nghiệp. Tuy nhiên, công tác này còn cả một quá trình dài phía trước, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương và cả người dân cần chung tay để tạo sự đồng lòng, đồng lực phấn đấu đạt được kế hoạch đã đề ra. Một khó khăn nảy sinh sau khi dồn điền, đổi thửa là công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, có hiệu quả tại nhiều địa phương đang còn lúng túng, thiếu định hướng. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần thể hiện vai trò của mình, kịp thời hướng dẫn các địa phương có hướng đi phù hợp, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất, giúp người nông dân yên tâm bám ruộng, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần xây dựng nông thôn mới.