Những "hoá thân cho dáng hình xứ sở"
Chỉ là một dải hình chữ S nhỏ nhoi trên bản đồ thế giới, nhưng để ghi lên đó hai chữ “Việt Nam” kiêu hãnh, suốt mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta “biết trồng tre mà đánh giặc” và chứng kiến bao nhiêu những cuộc lên đường, những cuộc chia tay. Để lại sau lưng mái tranh gầy bóng mẹ, để lại sau lưng vệt khói lam chiều, người vợ tảo tần hay người con gái chưa dám ngỏ lời yêu..., nhẹ nhàng thanh thản một ba lô gói ghém thời trai trên dặm dài chiến trận.
(Baonghean) Chỉ là một dải hình chữ S nhỏ nhoi trên bản đồ thế giới, nhưng để ghi lên đó hai chữ “Việt Nam” kiêu hãnh, suốt mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta “biết trồng tre mà đánh giặc” và chứng kiến bao nhiêu những cuộc lên đường, những cuộc chia tay. Để lại sau lưng mái tranh gầy bóng mẹ, để lại sau lưng vệt khói lam chiều, người vợ tảo tần hay người con gái chưa dám ngỏ lời yêu..., nhẹ nhàng thanh thản một ba lô gói ghém thời trai trên dặm dài chiến trận.
Có bao nhiêu tuổi thanh xuân như thế, đã nằm lại bên một con đường mòn, một dốc núi, chiến trường khốc liệt mùi khói súng và đạn bom, hay ôm lá cờđỏ sao vàng ngã xuống giữa sóng nước biển khơi thăm thẳm. Họ là những anh hùng được ghi danh, và cũng có bao người đã “sống và chết, giản dị và bình tâm, không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng họđã hóa thân cho biển, cho đất Việt Nam được vẹn nguyên cương thổ.
Lòng Mẹ Ảnh: Công Kiên
Hiểu đất nước gian lao là thế, mà vẫn lặng người khi đứng trước bạt ngàn những ngôi mộ chưa tìm thấy tên. Mà vẫn lặng người khi nghe câu hỏi của đứa trẻ thơ ngày đón cha từ chiến trận trở về: “Tay cha đâu rồi?”. Vẫn lặng người trước hình ảnh một ông lão ngồi ôm chiếc ba lô cũ sờn trên chuyến tàu ra Bắc mà trong chiếc ba lô kia là hài cốt con mình... Và không thể không nhắc về mẹ. Những người mẹ phía sau trận mạc, đã có những lần tiễn con đi và những lúc khóc thầm.
Một nhà thơđã viết, trên đời chỉ có ba bài hát đủđể nói hết buồn vui của thế giới tâm hồn. Hay hơn cả là bài ca thứ nhất, chính là lời ru con dịu dàng của người mẹ. Bài hát thứ hai cũng là bài hát của mẹ, lặng lẽ hát khi ôm trên cánh tay già xác con mình tử trận. Còn lại, những bài hát khác trên đời là bài hát thứ ba. Hàng triệu Bà mẹ Việt Nam đã hát hai bài ca hay nhất và đau thương nhất ấy. Bao chàng trai, cô gái mãi mãi ở lại cũng tuổi hai mươi, trên môi còn nguyên tiếng “Mẹ”? Phút các anh nằm xuống, có phải vẫn nghe đâu đây câu Kiều mẹ ru, vẫn thấy bóng mẹ thân cò lặn lội trên những cánh đồng gió nắng,đi về trên con đường làng thủng thỉnh chuông chùa hay tất bật với việc làng, việc họ. Đằng đΩng quãng đời làm vợ, đợi cha trở về từ chiến trận, rồi một ngày mẹ lại tiễn con đi. Những đứa con mẹ dứt ruột sinh thành, mang hình hài, ước mơ của mẹ. Bàn tay, mới ngày nào bé bỏng của con nằm trong lòng tay mẹ, giờđưa lên vẫy chào mẹ lên đường ra mặt trận. Ngăn dòng nước mắt, mẹ dặn con “chân cứng đá mềm” để rồi trên con đường làng quen thuộc trở về, vạt áo mẹướt đầm...
Có ai hiểu nỗi nhớ thương lòng mẹ phút nhìn theo con giữa trùng trùng đoàn quân hướng ra tiền tuyến. Để rồi, thương nhớấy, mẹ thắp thành ngọn lửa mỗi đêm đen, vá từng mảnh áo, kéo lại tấm chăn, che từng căn hầm nhỏ cho những đứa con bộđội qua làng. Có gì bù đắp nổi nỗi đau lòng mẹ, khi chứng kiến ngày non sông thống nhất, trong đoàn quân chiến thắng trở về, thiếu con của mẹ. Nước mắt mẹ lại giấu sau vạt áo lam lũ, lặn sâu vào quầng tóc trắng, in hằn thành những nếp nhăn trên gương mặt. Thẳm sâu trong lòng mẹ vẫn còn nỗi khắc khoải đợi trông và hy vọng, trong tiếng gió, tiếng lá rơi con sẽ về trong ánh cười rạng rỡ…
Có nơi đâu trên trái đất này, lại có nhiều đến thế những nghĩa trang liệt sỹ, có nơi đâu trên trái đất này nhiều đến thế dáng núi Vọng Phu? Nhiều đến thế những Bà mẹ Anh hùng? Một nhà báo nước ngoài từng viết: “Không có bất cứ ai trên thế giới cầu mong mình được nhận danh hiệu Bà mẹ Anh hùng, bởi đó chắc chắn là những người phụ nữđau khổ nhất trần gian. Nhưng lịch sử Việt Nam đã tạo ra những bà mẹ như vậy”. Đất nước của chúng ta đã có những người con anh hùng được sinh ra bởi những người mẹ anh hùng như thế và không ai được phép quên, mỗi hạt cát dưới chân ta, mỗi con sóng vỗ vào bờ bãi quê ta đều thấm đẫm máu đào!
(*) Ý thơ Nguyễn Khoa Điềm
Nghệ An cuối tuần