Những hy sinh lặng thầm!
Lúc Tổ quốc lâm nguy, hàng triệu thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong chiến đấu, dù còn hơi thở cuối cùng, họ vẫn gồng mình đứng dậy "nhằm thẳng quân thù mà bắn", "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"... Lịch sử mãi vinh danh các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống...
1. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã in dấu những thế hệ Anh hùng, những người cộng sản kiên trung vì nước quên thân. Các anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Lê Viết Xuân... của thời đại Hồ Chí Minh đã hiến thân mình cho non sông gấm vóc. Từ trong gian khổ, hàng vạn chiến sỹ vẫn vững vàng tay súng canh giữ đất trời.
Tô thắm thêm trang sử vàng chung của dân tộc còn có lớp lớp những người con Anh hùng sinh ra từ mảnh đất xứ Nghệ dạn dày truyền thống cách mạng.
2. Ở vùng biển Quỳnh Lưu, nhiều người vẫn không quên hình ảnh Anh hùng Nguyễn Bá Vanh bị thương nhưng vẫn cùng đồng độichèo thuyền nan ra bắt giặc lái Mỹ ngoài biển khơi ngày 29/10/1972. Sau trận ấy, anh hy sinh và để lại cho vợ đứa con trai chưa tròn 1 tuổi. Hay gương thanh niên xung phong, liệt sỹ Đinh Thị Vinh ở làng Ngọc Đoài, xã Quỳnh Ngọc đã không tiếc tuổi đôi mươi cùng đồng đội có một Truông Bồn sừng sững thách thức với kẻ thù.
Và còn rất nhiều các Anh hùng của mảnh đất xứ Nghệ qua 2 cuộc kháng chiến đã làm sáng mãi hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Nay, có những con đường, ngôi trường...mang tên các anh, các chị để một lần nữalàm sáng mãi những chiến công. Và, cũng có không ít gia đình chỉ nhận về mình nỗi đau lặng thầm cùng năm tháng.
Anh Nguyễn Bá Luân, con trai độc nhất của Anh hùng LLVTND
Nguyễn Bá Vanh.
Người con trai độc nhất của Anh hùng Nguyễn Bá Vanh bây giờ đang sống trong căn nhà ọp ẹp tại xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) là Nguyễn Bá Luân tâm sự: "Ngày ấy, ông bà nội chưa nguôi ngoai nỗi đau chú tôi - liệt sỹ Nguyễn Bá Bài hy sinh năm 1968 thì 4 năm sau, cha tôi mất. Nỗi đau mất người thân vẫn còn đó. Bây giờ, ông bà nội không còn nhưng phần hương khói cha, chú vẫn được con cháu chu toàn. Cảnh gia đình nghèo nhưng phần thờ phụng, vợ chồng tôi dù làm thuê, làm mướn vẫn gắng gượng lo toan".
Cũng chung nỗi đau ấy, cụ Hoàng Thị Hoa (mẹ liệt sỹ Đinh Thị Vinh) năm nay đã tròn 90 tuổi, thân tàn, sức kiệt nhưng hình ảnh con gái mình phơi phới tuổi thanh xuân hy sinh cho đất nước chỉ có mẹ là thấu hiểu nỗi đau hơn ai hết. Ở làng Ngọc Đoài, xã Quỳnh Ngọc này, mọi người vẫn biết tới cụ Hoa có con gái đầu hy sinh tại Truông Bồn, bây giờ đang được mình mẹ hương khói.
Và cũng còn đâu đó những gia đình có người thân hy sinh nơi chiến trường, đến bây giờ họ vẫn mỏi mòn chờ đợi, lặng thầm nén nỗi đau thương, mất mát. Có những người lính trở về mang trên mình đầy thương tích, có những người mẹ, người vợ đã òa khóc khi chồng mình trở về trong ngày đoàn tụ. Dù đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường nhưng khi trở về, họ vẫn động viên nhau bước tiếp phần đời còn lại.
3. Ở Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn), người dân khắp vùng Phủ Quỳ vẫn không quên câu chuyện cảm động tình nghĩa vợ chồng giữa mẹ VNAH Ngô Thị Tiếp và cảm tử quân Trần Văn Mậu đã từng được truy điệu sống trong thời kỳ chống Pháp. Một nguời lính từng vào sinh ra tử nơi trận địa khói lửa. Một người phụ nữ bặt tin chồng thầm lặng nuôi con lớn lên theo cha vào bộ đội.
Rồi đứa con trai duy nhất mãi mãi không về, một mình mẹ sống khắc khoải trong đợi chờ tia hy vọng về ngày đoàn tụ. Họ gặp lại nhau sau mấy chục năm xa cách - nhờ niềm tin và sự đợi chờ. Hôm chúng tôi đến thăm, mẹ VNAH Ngô Thị Tiếp tâm sự: "Mẹ hồi đó lấy ông đây mới mười tám đôi mươi. Sinh thằng Trinh (Liệt sỹ Trần Duy Trinh - PV) chưa tròn một tuổi thì hay tin chồng hy sinh. Cảnh một mình nuôi con dưới mưa bom lửa đạn, nhiều người cứ giục mẹ đi bước nữa nhưng mẹ đâu có đành lòng. Mẹ ở vậy quen rồi. Như một điều tri ân luôn báo mộng về cho mẹ là chồng mình vẫn còn sống. Mẹ đã đợi cho đến ngày đoàn tụ".
Do điều kiện chiến tranh chia cắt, mãi đến sau ngày giải phóng đất nước, tháng 10/1975 ông Mậu mới thực hiện được ước mong từ Nghệ An trở lại Quảng Nam tìm vợ con và gia đình. Tức là, sau 21 năm xa cách (1954 - 1975) đợi chờ, vợ chồng họ mới gặp lại nhau. Bên cạnh nỗi buồn trong mất mát, ông bà vẫn tự hào về một quá khứ hào hùng, về niềm tin, sự chờ đợi và lòng chung thủy.
4. Câu chuyện chị Nguyễn Thị Mai ở Ngọc Sơn (Quỳnh Lưu) mấy chục năm nay chăm chồng là bệnh binh Nguyễn Kim Đồng tứ chi bất động. Nhưng cao đẹp hơn là sự hy sinh tất cả cho một lời thề xén tóc trước ngày anh lên đường ra trận, cho đến khi người chồng trở về mang trên mình di chứng của chiến tranh. "Ngày ông ấy lên đường nhập ngũ, lúc đó con gái đầuchưa đầy 2 tuổi. Con nhỏ, nhà chồng lại neo người nhưng chị vẫn động viên anh lên đường chiến đấu.Nước mất thì nhà đâu có được yên. Thời của bọn chị khổ lắm. Nhưng phải biết hy sinh hạnh phúc nhỏ để góp nên niềm vui lớn cho non sông, đất nước". Trong căn nhà 2 gian lụp xụp nằm dưới chân dãy núi Khe Mây, chúng tôi nghe bà Mai kể chuyện đợi chờ thời chiến tranh của mình mà cứ như đang được nghe cổ tích. Cái thiên truyện cổ tích ấy không đâu xa mà chính ngay đời thường.
Gần 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Maitận tình chăm sóc bệnh binh Nguyễn Kim Đồng.
Nay, các con của ông, bà cũng đã khôn lớn. Đứa Nam, kẻ Bắc đi làm ăn, những mong kiếm được nhiều tiền để gửi về cho bố dưỡng bệnh. Còn ông Đồng được chi trả tiền hỗ trợ bệnh binh với gần 4 trăm ngàn/tháng, số tiền ấy rất ít ỏi so với cuộc sống bây giờ nhưng người lính Cụ Hồ năm xưa vẫn không một lời ca thán.
5. Chiến tranh, biết bao cảnh phân ly, triệu triệu trái tim căng tràn tuổi thanh xuân hăng hái cầm súng ra trận. Không ít cảnh người vợ phải gồng mình nén nước mắt trong lòng tiễn chồng lúc lên đường nhập ngũ. Đã có những người lính ra đi đến tận 5 năm, thậm chí cả chục mùa xuân mới trở về. Có người vĩnh viễn không về nữa. Những người vợ vẫn chiều chiều ra đầu làng ngóng dài con mắt chờ tin tức người thân nơi chiến trận.
Cụ Hoàng Thị Hoa (90 tuổi) ở Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu) lặng thầm hương khói cho liệt sỹ Đinh Thị Vinh
Người phụ nữ thôn quê như bà Nguyễn Thị Lợi ngày ấy đã chờ chồng là ông Nguyễn Văn Vịnh ở xã Quỳnh Ngọc trong hoàn cảnh như vậy. Ngày về sống bên nhau, mái tóc họ đã điểm sương nhưng tình yêu còn xanh ngát. Nay, họ đã bước sang tuổi 70 nhưng khi nói về những ngày đợi chờ, ký ức cứ hiện về như vừa mới hôm qua. Sau 20 năm phục vụ trong quân đội cho đến khi ông Nguyễn Văn Vịnh được giải ngũ (1982), ngày ấy, ở tuổi 43 nhưng ông cũng chẳng thể sinh nổi với vợ một mụn con cho vui cửa ấm nhà. Người lính năm xưa đã mang trong mình một căn bệnh quái ác: nhiễm chất độc màu da cam.
Sau chiến tranh họ trở về cùng những hi sinh mất mát, nhưng những người lính cụ Hồ ấy đã vượt lên tất cả để dựng xây tiếp cuộc đời còn lại. Cũng có những Anh hùng đã mãi lặng thầm nằm lại nơi đất mẹ. Và, có những người mẹ, người chị chỉ còn nhận lại về mình một chút kỷ vật của người thân đã hy sinh. Bởi tất cả đều hiểu rằng, những hi sinh thầm lặng của họ đã góp phần xây nền độc lập cho Tổ quốc, cho hòa bình, hạnh phúc của nhân dân./.
Ngọc Thái