Những kẽ hở trong quản lý xuất khẩu lao động

25/10/2013 21:16

(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, làn sóng xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã lan đến từng nhà, từng thôn xóm trên địa bàn tỉnh ta. Có nhiều gia đình đã phất lên trông thấy, nhưng cũng có những người lâm cảnh nợ nần khi gặp phải công ty “ma”, “cò” lừa đảo. Cơ quan chức năng các cấp, chính quyền địa phương cũng không giải quyết được vì biết sự việc khi đã xảy ra và có nhiều vấn đề nằm ngoài chức năng, nhiệm vụ…

Mất tiền vì công ty “ma”

Chúng tôi tìm về xóm 11, xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu nơi mà cách đây chưa lâu, rất nhiều gia đình đã bị “cò” XKLĐ lừa. Là xóm không có một thước đất nông nghiệp, thu nhập chủ yếu dựa vào đi biển, buôn bán, chăn nuôi nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Cao Xuân Quyền, Xóm trưởng xóm 11 sau chén nước trà đã đội mưa nhiệt tình dẫn chúng tôi tới thăm mấy gia đình bị “cò” lừa tiền.

Biết chúng tôi đến, căn nhà của ông Phạm Văn Báu đã đông đúc, nhộn nhạo tiếng người khác hẳn với ngày thường. Ông Báu cho hay: “Vì vất vả, nghèo khó, muốn con đi Hàn Quốc, Đài Loan lao động để đỡ đi phần nào, thế mà lại bị lừa”. Nhà ông Báu có 3 người con, 2 gái 1 trai. Đầu năm 2012, qua người chị ở Vinh được biết bà Trần Thị Đức, ngụ số 58, đường Trần Quang Diệu, phường Trường Thi, TP Vinh làm đại diện đang cần lao động sang Đài Loan đóng gói bánh kẹo, cơm hộp, lương 27 triệu đồng/tháng. Điều hấp dẫn nữa là tổng chi phí xuất cảnh là 120 triệu đồng, nhưng công ty chỉ thu trước 14 triệu đồng, còn lại sẽ thu 3 triệu đồng/tháng, cho trả trong vòng 3 năm.

Lao động bị lừa đi XKLĐ ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu.
Lao động bị lừa đi XKLĐ ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu.

Cùng làm với bà Đức là con rể Nguyễn Chiêu Dương, người làng, cùng trong xóm 11, xã Sơn Hải nên càng khiến cho ông Báu tin tưởng. Sau khi lo đủ tiền, đầu tháng 7/2012 gia đình vào Vinh gặp bà Đức và Dương để đưa tiền. Đổi lại, hai người đưa cho gia đình ông một phiếu thu, không có dấu, không có cơ quan chủ quản. Thậm chí trên phiếu thu, tên người nhận là bà Nguyễn Thị Đức nhưng Dương lại “thay mặt” bà này… ký tên dù bà Đức lúc đó đang đứng ở bên cạnh.

Tượng tự, để lo cho đứa con trai Lưu Văn Chiến đi Đài Loan, vợ chồng ông Lưu Văn Âu – Vũ Thị Cậy (xóm 11) đã vay vốn ngân hàng dành cho hộ nghèo trong xã để đóng tiền cho mẹ con bà Đức. Nhưng cũng như bao trường hợp khác ở xã Sơn Hải, sau khi đóng tiền cho công ty “ma” này, họ đều nhận được lời hứa suông. “Họ nói sau 15 ngày nộp tiền, công ty sẽ đưa người qua Đài Loan nhận việc. Nhưng chúng tôi chờ ngày này qua tháng khác, cũng chẳng thấy có động tĩnh gì, nóng ruột gọi điện thì họ tắt máy không nghe” - Ông Âu không giấu được bức xúc. Ngoài những gia đình trong xã Sơn Hải đã bị ba mẹ con bà Trần Thị Đức cho ăn “bánh vẽ”, còn có hơn 50 nạn nhân khác ở các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu và Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Ngược lên xã miền núi Quỳnh Châu, chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Hữu Đường (ở xóm 3, xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu), người cũng “vỡ mộng” đưa con trai đi xuất khẩu lao động. Nhưng nếu như các trường hợp trên, công ty XKLĐ chỉ đang ở trên giấy thì ở đây văn phòng của Công ty XKLĐ cổ phần thương mại đầu tư Cửu Long là có thật và trụ sở cách nhà ông chừng 1 cây số. Khi con trai Trần Hữu Cường (SN 1983) mới đi bộ đội về, chưa có việc làm, ông Đường đã nhờ người quen liên lạc với đại diện Công ty Cửu Long cho con trai qua Malaysia làm việc. Mới đồng ý hôm trước thì hôm sau công ty này đã gửi giấy mời anh Cường vào Vinh học tiếng. “Khi thằng Cường học được gần 3 tháng thì công ty thông báo cho chúng tôi ra Ngân hàng Nông nghiệp đóng ở xã Quỳnh Châu vay tiền để đóng phí làm thủ tục xuất khẩu. Sau khi kiểm tra pháp nhân, tài khoản Công ty Cửu Long, tên tuổi, tài sản thế chấp… ngân hàng đã làm thủ tục cho gia đình tôi vay 20 triệu đồng. Số tiền này được chuyển vào cho ngân hàng “mẹ” ở Vinh rồi ngân hàng này chuyển qua cho Công ty Cửu Long chứ chúng tôi cũng không cầm một đồng nào” – ông Đường cho hay.

Cùng đợt này có rất nhiều hộ dân khác ở xã Quỳnh Châu ra làm thủ tục tương tự như gia đình ông Đường. Nhưng sau khi nộp tiền xong cho công ty, con em của họ vẫn không được xuất cảnh. “Khi chúng tôi lên hỏi thì họ bảo cuối năm rồi nên công ty chưa sắp xếp được, hẹn đầu năm sau sẽ “bay”. Nhưng rồi cả năm sau cũng chả thấy động tĩnh gì, lên hỏi thì họ khất lần rồi đột nhiên “tuyên bố” công ty vỡ nợ. Nghe tin, chúng tôi như chết đứng…”, ông Hồ Văn Kiều (xóm 3) tâm sự. Cuối năm 2012, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Châu đã gửi công văn xuống 21 thôn, xóm trong xã lập danh sách những gia đình đã nộp tiền cho Công ty Cửu Long nhưng chưa được hoàn trả để gửi cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý. Nhưng đã nhiều tháng trôi qua, sự việc vẫn chưa được giải quyết…

Thiếu chặt chẽ trong quản lý

Theo tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 40 đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động. Trong đó, chỉ một số ít có văn phòng đóng trên địa bàn Thành phố Vinh còn đa phần là các công ty đóng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác. Trong những năm qua, nhiều đơn vị xuất khẩu lao động đã chủ động phối hợp với các huyện, thành, thị, các xã, phường, thị trấn trong việc tuyển lao động xuất khẩu, trực tiếp về các địa phương để liên kết, tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, hợp đồng tuyển lao động xuất khẩu. Mỗi năm tỉnh ta có hơn 10.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Riêng trong năm 2012, trong tổng số 13.707 lao động xuất khẩu của tỉnh đã có hơn 9.000 lao động được học tập, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và ngoại ngữ do các đơn vị XKLĐ tổ chức tại Nghệ An.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu lao động ở tỉnh ta vẫn đang còn nhiều vấn đề bất cập; vẫn còn có một bộ phận lao động bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng gây thiệt hại trong quá trình đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Một số công ty, đơn vị ngoài tỉnh được giới thiệu, lựa chọn địa bàn tuyển lao động nhưng không hoạt động, hoặc hoạt động kém hiệu quả. Trách nhiệm giải quyết của các đơn vị XKLĐ, các trung tâm dịch vụ việc làm cung ứng lao động xuất khẩu cũng như chính quyền cấp xã đối với những trường hợp vi phạm hợp đồng hoặc rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng chưa thấu lý đạt tình dẫn đến tình trạng người lao động khiếu kiện. Tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp, không được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu việc làm nhưng vẫn tổ chức tuyển lao động xuất khẩu trái quy định nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời. Một số doanh nghiệp đã tổ chức đưa lao động đi làm việc ở một số thị trường bất hợp pháp (Angola, Ôxtraylia) vi phạm quy định, gây thiệt hại cho người lao động.

Về quản lý, Sở LĐ-TB&XH là đơn vị thẩm định và cấp giấy giới thiệu cho các doanh nghiệp xuống các địa phương để tuyển dụng. Nhưng, sau đó, các đơn vị hoạt động như thế nào, hiệu quả hay không thì sở không quản lý được.

Trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều người dân bị lừa khi đi làm thủ tục xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, đến khi gặp vấn đề thì quá trình giải quyết gặp nhiều khó khăn và việc xử lý nằm ngoài tầm kiểm soát của đơn vị quản lý là Sở LĐ-TB&XH. Trường hợp của 5 lao động tại xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn kéo dài từ năm 2009 nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cuối năm 2009, dựa vào giấy giới thiệu số 501/LĐ – TB &XH ngày 1/9/2004 của Sở LĐ-TB&XH, UBND huyện Anh Sơn đã tạo điều kiện cho ông Đào Duy Tùng, Giám đốc chi nhánh Công ty Nibelc tại Ninh Bình về một số xã trên địa bàn huyện để tuyển dụng lao động đi nước ngoài làm việc.

Tin tưởng vì có tỉnh, huyện giới thiệu nên gia đình các ông Nguyễn Cảnh Lợi (thôn Tân Lâm), ông Đặng Đình Quân, ông Trần Hữu Dũng (thôn Hạ Du), ông Vương Đình Quân, Nguyễn Thanh Tài (thôn Hội Lâm) xã Cẩm Sơn đã làm thủ tục vay tiền ngân hàng để chuyển cho chi nhánh công ty với tổng số tiền 168.000.000 đồng. Sau khi nộp tiền, giám đốc chi nhánh đã có thông báo và cam kết từ 10 – 20/3/2010 sẽ có lịch bay cho lao động đi làm việc tại thị trường OMan. Tuy nhiên từ thời điểm đó đến nay, Giám đốc chi nhánh Công ty Nibelc vẫn không thực hiện việc xuất cảnh cho các lao động.

Ông Đặng Khắc Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Khi sự việc được người dân phản ánh lên Sở LĐ-TB&XH thì cơ quan chức năng mới phát hiện ra công ty này tuyển lao động trái với giấy phép đăng ký và trái với giấy giới thiệu của Bộ LĐ-TB&XH và của sở.

Cụ thể, theo đúng chức năng: công ty chỉ được tuyển người lao động đi làm việc tại Macao và UAE (các tiểu vương quốc A rập thống nhất) nhưng đến khi về xã lại tuyển người đi làm việc tại OMan, trái với quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dù sai phạm đã rõ “mười mươi” nhưng thẩm quyền của sở không được phép rút giấy phép, không được xử phạt nên không thể xử lý dứt điểm. Sự việc kéo dài quá lâu và có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đầu năm 2012 đến nay sở đã có văn bản gửi Công an tỉnh yêu cầu phối hợp giải quyết… Về những đơn vị khác, hiện mức quản lý của sở cũng chỉ dừng lại ở việc kiểm tra và xử phạt trong những trường hợp thông thường với mức phạt dưới 20 triệu đồng còn việc tổ chức, giám sát hoặc thẩm định cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Huy Vinh, Phòng Lao động – Việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Thông thường, việc giới thiệu các đơn vị xuất khẩu lao động về các địa phương tuyển dụng cũng chỉ dựa trên cơ sở phiếu thẩm định của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Còn “chuẩn” hay không thì phải đợi thông tin từ người lao động và các địa phương. Cũng theo quy định, sau 3 tháng về tuyển dụng tại các địa phương, các công ty phải báo cáo hoạt động nhưng đến nay chế độ thông tin, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện của nhiều đơn vị xuất khẩu lao động chưa nghiêm túc, thiếu đầy đủ mặc dù sở đã có nhiều công văn đôn đốc, nhắc nhở. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động của tỉnh”.

Ông Kiều Ngọc Thanh, Phó Phòng Sở LĐ-TB&XH huyện Quỳnh Lưu cho biết: Về phía phòng Lao động các huyện, thành thị cũng rất lúng túng, chủ yếu là làm theo hướng dẫn và theo giấy giới thiệu của sở, sau đó huyện giới thiệu với xã. Thời gian qua, tình trạng các công ty, cá nhân không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động về tuyển dụng “chui” cũng khá phổ biến. Những trường hợp này, phòng không thể quản lý được”.

Theo Thượng tá Mai Chiến Thắng - Phó trưởng Công an Thành phố Vinh: Việc ngày càng có nhiều người dân bị lừa đảo đi xuất khẩu lao động do họ thiếu hiểu biết, không tìm hiểu cặn kẽ đơn vị tuyển dụng. Bên cạnh đó việc kiểm soát của các cơ quan chức năng còn quá nhiều sơ hở nên dễ tạo điều kiện cho các công ty không hợp pháp hoạt động.

Hiện các đơn vị tuyển dụng lao động xuất khẩu “muôn hình vạn trạng”, thế nên để kiểm tra chính xác người dân cần đến phòng Lao động các huyện, thành, thị và ủy ban nhân dân nơi cư trú để thẩm định độ tin cậy. Không nên đến các công ty kiêm chức năng giới thiệu việc làm, xuất khẩu vì thực chất họ chỉ là môi giới, dễ bị lợi dụng, lừa đảo. Về phía cơ quan nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm chỉ đạo của các ngành, các cấp, nhất là cấp huyện và xã, phường đối với công tác XKLĐ.

Thường xuyên phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người lao động biết nhằm tránh những thông tin thất thiệt từ các cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động xuất khẩu lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động. Tiến hành rà soát lại toàn bộ đơn vị XKLĐ, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị XKLĐ đã được giới thiệu trên địa bàn tỉnh nhưng không hoạt động, không báo cáo kết quả thực hiện hoặc có vi phạm đã bị nhắc nhở mà không khắc phục, chấn chỉnh; xử lý nghiêm các hoạt động dịch vụ môi giới tuyển lao động xuất khẩu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn mà không đúng pháp luật, không được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép XKLĐ và không được Sở LĐ-TB&XH giới thiệu địa bàn tuyển, bằng các hình thức theo quy định của pháp luật.

Mỹ Hà – Triều Dương

Mới nhất
x
Những kẽ hở trong quản lý xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO