Những khó khăn, vướng mắc

12/07/2012 18:12

(Baonghean) - Thực hiện chủ trương bàn giao lưới điện nông thôn của Chính phủ, đến thời điểm này, Công ty Điện lực Nghệ An đã tổ chức tiếp nhận bàn giao lưới điện ở 299 xã, với hơn 6.000 km đường dây trung và hạ áp, 360.000 khách hàng; 115 xã đang thực hiện lộ trình bàn giao; 8 xã chưa thống nhất bàn giao.

Nhìn chung, sau khi bàn giao lưới điện, người dân nông thôn được đảm bảo các lợi ích, như hưởng giá điện theo quy định của Chính phủ, không phải mua giá cao qua các tổ chức trung gian; được hưởng các dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành mà không phải đóng tiền. Mặt khác, ở một số địa phương, sau khi bàn giao, chất lượng điện được cải thiện tốt hơn rất nhiều, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng nông thôn do ngành điện đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện. Tính từ thời điểm bàn giao đến nay, từ nguồn vốn của mình, ngành điện đã đầu tư hơn 182,4 tỷ đồng để đầu tư cải tạo tối thiểu, bao gồm thay thế công tơ, thay thế dây và cột điện ở những nơi xung yếu, mất an toàn lưới điện; triển khai xen dắm các trạm hạ áp chống quá tải (hơn 200 trạm điện được dắm thời gian qua). Tuy nhiên, sau bàn giao lưới điện nông thôn đã có nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra trong việc hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn cho người dân và nâng cao chất lượng điện năng.



Sửa chữa lưới điện nông thôn sau khi bàn giao. Ảnh: Phan Toàn

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được ông Bành Hồng Hiển – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết: Chất lượng hạ tầng lưới điện hạ áp nông thôn khi bàn giao về cho ngành điện nhìn chung đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn 5% giá trị tài sản đạt tiêu chuẩn sử dụng. Mặc dù, sau tiếp nhận, ngành điện đã tập trung cải tạo tổn thiểu, cải tạo nhỏ, song việc cải tạo đó còn quá ít, quá nhỏ so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Mặt khác, điện năng tiêu thụ trong mấy năm gần đây đều có sự gia tăng từ 15 đến 20%/năm, trong khi đó hạ tầng lưới điện nông thôn cũ nát, tiết diện đường dây nhỏ, dẫn đến các hộ gia đình ở cuối đường dây thông thường chất lượng điện thấp. Riêng việc hoàn trả vốn đầu tư lưới điện trung áp đã được thực hiện qua 2 đợt và đang tiến hành chi trả số còn lại gồm 6,3 tỷ đồng vào quý III/2012 này. Đối với hạ áp nông thôn, thông qua thống nhất và đánh giá khối lượng bàn giao giữa ngành điện và chính quyền các địa phương trên cơ sở đơn giá của Sở Công thương và Sở Tài chính, thì giá trị còn lại của tài sản là 98 tỷ đồng, trong đó giá trị hoàn trả vốn đầu tư lưới điện cho người dân dự kiến là 78 tỷ đồng (trừ nguồn ngân sách đầu tư không phải hoàn trả). Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là theo Thông tư 06, ngày 3/2/2012 của liên Bộ Công thương – Bộ Tài chính về hướng dẫn giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới diện hạ áp nông thôn, yêu cầu phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục gốc đầu tư công trình điện, như quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt, biên bản nghiệm thu công trình và các chứng từ, giấy tờ liên quan khác. Thực tế, ở các địa phương đã bàn giao trong tỉnh đều không có đầy đủ hồ sơ gốc theo Thông tư 06 do hạ áp điện nông thôn chủ yếu là người dân tự đầu tư xây dựng, không có thiết kế, không có chứng từ gốc, cho nên việc xác định nguồn gốc tài sản, giá trị tài sản rất khó khăn để thực hiện hoàn trả vốn cho người dân. Hiện tại tỉnh đã thống nhất phương án áp dụng và căn cứ vào hiện trạng khối lượng tài sản bàn giao để đánh giá thực tế của tài sản trình UBND tỉnh xem xét và quyết định việc hoàn trả vốn đầu tư hạ áp nông thôn cho người dân.

Giám đốc Sở Công thương Phan Thanh Tịnh, khẳng định: Nghệ An là 1 trong 4 tỉnh của cả nước được hưởng dự án của Ngân hàng tái thiết Đức cho vay 746 tỷ đồng để cải tạo, mở rộng lưới điện phân phối trung áp, trạm biến áp và lưới điện hạ áp ở các khu vực nông thôn mới tiếp nhận. Song hành với gần 100 xã đã được hưởng dự án RE2 gốc và RE2 mở rộng thì nguồn vốn Ngân hàng tái thiết Đức đầu tư ở 274 xã sẽ góp phần cải thiện bức tranh hạ tầng lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Hiện tại Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đang ủy quyền cho Công ty Điện lực Nghệ An tổ chức đấu thầu và dự kiến khởi công dự án vào cuối quý III/2012 này. Tuy nhiên do thời gian thực hiện dự án rất ngắn, chỉ trong vòng gần 2 năm, nếu tỉnh ta không triển khai nhanh để hoàn thành vào tháng 6 năm 2014 thì sẽ bị rút vốn. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, nhất là chính quyền các địa phương cần vào cuộc để tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, tập trung giải phóng mặt bằng nhanh để dự án thực hiện đúng tiến độ.

Được biết, hiện Sở Công thương đang tích cực chỉ đạo Công ty Điện lực Nghệ An tiếp tục làm các thủ tục để tiếp nhận bàn giao lưới điện ở 115 xã đã thống nhất bàn giao và 8 xã chưa thống nhất bàn giao để quản lý một cách có hệ thống và khoa học hơn; tăng cường nguồn vốn đầu tư, cải tạo lưới hạ thế, thay thế công tơ bán điện đến tận các địa phương được tiếp nhận còn lại.


Hữu Nghĩa, Mai Hoa

Mới nhất
x
Những khó khăn, vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO