Thời sự

Những kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh Nghệ An

Mai Hoa (ghi) 08/07/2025 09:12

Trước kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An, cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm, gửi gắm kỳ vọng vào những nội dung được đưa ra thảo luận, quyết nghị, với mong muốn các quyết sách sẽ sát thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An ghi nhận một số tâm tư, kiến nghị của cử tri trong tỉnh gửi đến kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

luquanghung(1).png

Xã Bắc Lý là 1 trong 9 xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bởi địa phương có đủ tiêu chí về diện tích tự nhiên với hơn 109 km2, đạt tỷ lệ hơn 218% theo tiêu chuẩn và quy mô dân số của xã hơn 5.500 người, trong đó có hơn 98% người dân tộc thiểu số, đạt trên 555% tiêu chuẩn về số người dân tộc thiểu số trên địa bàn theo quy định.

Dù không thực hiện sắp xếp, yêu cầu vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp với việc phân cấp mạnh, tăng chức năng, nhiệm vụ, tăng thẩm quyền cho địa phương; trong khi, đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay chưa được bố trí đủ theo chỉ tiêu biên chế được giao. Cụ thể, tổng số cán bộ, công chức xã Bắc Lý hiện có 27/50-55 chỉ tiêu. Việc thiếu cán bộ, công chức dẫn đến nhiều vị trí tại các Ban xây dựng Đảng, Uỷ ban Kiểm tra, các ban của HĐND xã và công chức UBND xã còn thiếu, phải kiêm nhiệm, ảnh hưởng đến hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành và chất lượng phục vụ nhân dân. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tỉnh sớm có giải pháp phân bổ, bố trí bổ sung cán bộ, công chức cho địa phương để đảm bảo bộ máy cấp xã vận hành ổn định, thông suốt và hiệu quả.

 Đường vào bản Phà Coóng, xã Bắc Lý
Đường vào bản Phà Coóng, xã Bắc Lý. Ảnh: CSCC

Cùng với bổ sung cán bộ, đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để làm đường bê tông nối từ trung tâm xã đến 11/13 bản còn lại. Hiện nay, các bản này chưa có đường bê tông, việc đi lại chủ yếu bằng đường đất, nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa. Điều này không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh, mà còn cản trở lớn đối với phát triển kinh tế, vận chuyển nông sản, giao thương hàng hóa của người dân vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tỉnh cần có thêm chính sách hỗ trợ các chương trình phát triển sinh kế, hỗ trợ giống cây con phù hợp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo.

nguyenxuanhoa(3).png

Xã Hùng Chân được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 3 xã: Châu Phong, Châu Hoàn, Diên Lãm cũ (thuộc huyện Quỳ Châu cũ). Sau sáp nhập, địa phương xác định phát triển kinh tế rừng là hướng đi chủ lực: Trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững, khai thác dược liệu dưới tán rừng, phát triển cây - con đặc sản địa phương...

Tuy nhiên, xã Hùng Chân thuộc địa bàn vùng sâu, có tới hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số; điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Tuyến tỉnh lộ 544 – tuyến đường “huyết mạch” dài 30 km nối xã với Quốc lộ 48 đã hư hỏng nặng, xuất hiện dày đặc “ổ trâu”, “ổ voi”. Nhiều tuyến đường kết nối các vùng trên địa bàn xã cũng xuống cấp, lầy lội; một số tuyến phải đi qua cầu tràn, mùa mưa thường xuyên bị chia cắt.

 Thu hoạch cây nguyên liệu giấy tại xã Hùng Chân
Tuyến đường thu hoạch cây nguyên liệu giấy tại xã Hùng Chân. Ảnh tư liệu

Giao thông khó khăn đang cản trở giao thương, gây nhiều trở ngại trong sản xuất, học tập, khám chữa bệnh của người dân, kể cả việc bám cơ sở của đội ngũ cán bộ, công chức xã. Do đó, địa phương kiến nghị tỉnh sớm bố trí nguồn vốn nâng cấp tỉnh lộ 544, làm mới các cầu tràn quan trọng, đảm bảo kết nối thông suốt từ trung tâm xã đến các bản, từ xã đến các vùng kinh tế – xã hội trọng điểm trong tỉnh.

 Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hùng Chân..
Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hùng Chân. Ảnh: MH

Cùng với giao thông, trụ sở làm việc sau sáp nhập hiện nay của xã được đặt tại hai địa điểm cách nhau hơn 10 km: nơi làm việc của UBND xã đặt tại xã Châu Phong cũ, còn Đảng uỷ và HĐND đặt tại xã Diên Lãm cũ. Việc chia tách trụ sở khiến công tác lãnh đạo, điều hành bị ảnh hưởng; khó khăn trong phối hợp công việc, sinh hoạt Đảng, giải quyết thủ tục hành chính. Chính quyền xã Hùng Chân đề xuất tỉnh sớm có chủ trương quy hoạch và bố trí vốn xây dựng trụ sở mới đồng bộ, tạo điều kiện để bộ máy sau sáp nhập hoạt động ổn định, hiệu quả hơn.

hovanson.png

Kinh tế biển là 1 trong 4 hành lang kinh tế quan trọng của tỉnh Nghệ An, đã được Bộ Chính trị xác định và định hướng rõ trong Nghị quyết số 39, ngày 18/7/2023, với trọng tâm là phát triển đô thị, công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển. Đồng thời, trong chiến lược phát triển kinh tế biển cũng được tỉnh xác định tập trung khai thác tiềm năng du lịch, công nghiệp, dịch vụ và nuôi trồng, khai thác hải sản gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Phường Quỳnh Mai, đơn vị hành chính mới sau sắp xếp có chiều dài bờ biển khoảng 6,5 km, gồm phần bờ biển phường Quỳnh Phương và xã Quỳnh Liên cũ. Đây là khu vực có vị trí trọng yếu trong cụm du lịch biển Quỳnh, với tổng chiều dài từ xã Quỳnh Lập đến xã Tiến Thủy cũ khoảng 26,5km. Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Hoàng Mai đến năm 2045, Quỳnh Mai được xác định là một trong những bộ phận quan trọng của hành lang kinh tế biển.

 bna_ Bến cá tại phường Quỳnh Mai...
Bến cá tại phường Quỳnh Mai. Ảnh: Mai Hoa

Tuy nhiên, để hiện thực hóa được định hướng quy hoạch, địa phương kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ hiện đại hóa đội tàu thuyền, khuyến khích ngư dân bám biển, vươn khơi đánh bắt xa bờ, tăng giá trị sản lượng khai thác và giữ vững chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh thu hút đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển và logistics, trong đó cần ưu tiên nâng cấp cảng cá Quỳnh Phương (cũ) đạt chuẩn cấp vùng, xây dựng trung tâm logistics hải sản và hệ thống kho lạnh hiện đại tại khu vực này, gắn với chuỗi chế biến ở cụm công nghiệp Mai Hùng (cũ), Quỳnh Xuân (cũ).

Trên địa bàn phường Quỳnh Mai hiện có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh, như đền Xuân Úc, đền Phùng Hưng, đền Xuân Hòa, đền Kim Lung, đền Ngọc Huy, chùa Càn Môn..., đặc biệt là Đền Cờn - ngôi đền nằm trong “tứ linh” của xứ Nghệ “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Cùng với chiều dài bờ biển đẹp, nhiều cụm dân cư sống với nghề truyền thống đánh bắt và chế biến hải sản… Đây là những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, địa phương mong muốn tỉnh hỗ trợ kêu gọi, thu hút đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng, kết nối phát triển du lịch biển gắn với du lịch văn hóa tâm linh, làng chài truyền thống và các trải nghiệm đánh bắt, chế biến nước mắm đặc trưng địa phương. Đây là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển, tạo sinh kế ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân ven biển Quỳnh Mai.

danghuuhanh.png

Xã Hạnh Lâm hiện nay được sáp nhập từ 2 xã Hạnh Lâm và Thanh Đức (huyện Thanh Chương cũ). Mặc dù trước khi sáp nhập, năm 2023, xã Thanh Đức đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và xã Hạnh Lâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Song, sau sáp nhập, với diện tích tự nhiên rộng tới 278 km², chúng tôi xác định cần phải rà soát lại toàn bộ các tiêu chí nông thôn mới trên phạm vi toàn xã mới, đối chiếu với bộ tiêu chí hiện hành để xác định mức độ đạt được, từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể. Mục tiêu chúng tôi hướng tới là đưa xã Hạnh Lâm sau sáp nhập sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

 Hạnh Lâm 6
Một tuyến đường giao thông mới được đầu tư, đưa vào sử dụng tại xã Hạnh Lâm. Ảnh: Mai Hoa

Tuy nhiên, thực tiễn đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, địa bàn rộng, dân cư phân tán, nhiều xóm cách trung tâm xã hàng chục cây số, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Thứ hai, hạ tầng lưới điện, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hoá… đang thiếu đồng bộ trước yêu cầu phát triển mới, trong khi nhu cầu đầu tư rất lớn mà nguồn lực địa phương lại còn hạn chế. Thứ ba, việc huy động xã hội hóa khó khăn do địa phương ít doanh nghiệp, điều kiện kinh tế của đại đa số người dân còn khó khăn, chưa có điều kiện đóng góp nhiều cho xây dựng nông thôn mới.

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí sớm để xã có thể triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trước mắt là đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của xã sau sáp nhập, đáp ứng yêu cầu làm việc của cán bộ, công chức và phục vụ nhân dân. Qua đó, tạo điều kiện cần thiết để địa phương ổn định tổ chức, nâng cao hiệu quả điều hành, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả bền vững. Tỉnh cũng cần ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế để người dân thực sự được hưởng lợi từ việc sắp xếp bộ máy.

 gt
Tuyến đường vào vùng nguyên liệu tại xã Hạnh Lâm. Ảnh: Mai Hoa

Ngoài ra, Hạnh Lâm là xã biên giới với tổng chiều dài đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào gần 24 km và có 6 cột mốc. Thời gian qua, công tác tổ chức tuần tra đường biên, mốc giới, bảo vệ an ninh biên giới và bảo vệ, phòng chống cháy rừng, thời gian qua được các lực lượng chức năng và địa phương ưu tiên tập trung. Hiện nguồn ngân sách cấp chỉ đảm bảo khoảng 60 – 65%, chúng tôi kiến nghị tỉnh tăng nguồn phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ này đối với các xã biên giới như xã Hạnh Lâm, góp phần giữ gìn và bảo vệ an ninh biên giới.

ledinhhieu.png

Tôi cảm nhận rõ sự đổi mới trong tổ chức, vận hành bộ máy chính quyền mới sau khi phường Cửa Lò được thành lập và hoạt động theo mô hình chính quyền hai cấp. Trực tiếp đến Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường làm thủ tục đăng ký bảo hiểm y tế bắt buộc cho hộ kinh doanh cá thể, tôi thấy đội ngũ cán bộ, công chức làm việc rất trách nhiệm, chuyên nghiệp, tận tình hướng dẫn người dân. Đó là một thay đổi rất tích cực, đáng ghi nhận.

Chúng tôi kỳ vọng tinh thần làm việc của cán bộ phường khẩn trương, hiệu quả và lấy người dân làm trung tâm như lời của Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND phường Cửa Lò - ông Ngô Đức Kiên phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, HĐND phường khoá I, nhiệm kỳ 2021–2026: “Cán bộ phường nỗ lực để mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không lãng phí cơ hội phát triển”.

 Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Cửa Lò giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Cửa Lò giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Mai Hoa

Để Cửa Lò phát triển mạnh mẽ, bền vững, ngoài đổi mới bộ máy, rất cần những chủ trương, chính sách sát thực tế. Cử tri và nhân dân mong muốn tỉnh quan tâm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và các dịch vụ theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, cần có những chính sách cụ thể để khuyến khích người dân tham gia sản xuất, kinh doanh, mở rộng sinh kế trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển và đồng hành cùng phát triển du lịch, góp phần tăng cơ hội việc làm, thu nhập và nâng chất lượng sống của người dân.

 Cử tri phường Cửa Lò kiến nghị cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng kè biển trước đền Vạn Lộc, chống sạt lở. Ảnh Mai Hoa
Cử tri phường Cửa Lò kiến nghị cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng kè biển trước đền Vạn Lộc, chống sạt lở. Ảnh: Mai Hoa

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Những kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO