Thời sự

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An lưu ý tránh tư duy chủ quan khi nhận thức về vai trò của chỉ số PCI

Thành Duy 10/07/2025 12:13

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình lưu ý, cần tránh tư duy cho rằng dù PCI thấp nhưng Nghệ An vẫn thu hút FDI tốt, tăng trưởng cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu. Nhận thức này dễ dẫn đến suy nghĩ “doanh nghiệp cần tỉnh hơn là tỉnh cần doanh nghiệp”, trong khi ngược lại, chính quyền phải cầu thị, kiến tạo môi trường thuận lợi, lấy sự phát triển của doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

HĐND tháng 7 2025-119
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Sáng 10/7, Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về vai trò của Chỉ số PCI

HĐND tỉnh tiến hành chất vấn việc thực hiện các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục các hạn chế và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Thay mặt chủ tọa điều hành nội dung này, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu kết luận, đánh giá những kết quả đạt được của tỉnh đối với thực hiện Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số PCI; đồng thời điểm lại những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là những nội dung được chỉ ra thông qua chất vấn.

HĐND tháng 7 2025-133
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh kết luận chất vấn nhóm vấn đề về thực hiện các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục các hạn chế và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ảnh: Thành Cường

Theo đó, tổng điểm PCI của Nghệ An thời gian qua có chuyển biến nhưng thứ hạng không ổn định. Năm 2021, tỉnh đạt 64,74 điểm, xếp thứ 30 cả nước; Năm 2022 đạt 66,60 điểm, xếp thứ 23 cả nước, tăng 1,86 điểm, tăng 7 bậc so với năm 2021; Năm 2023 đạt 65,72 điểm, xếp thứ 44 cả nước, giảm 0,88 điểm, giảm 14 bậc so với năm 2021; Năm 2024, đạt 66,48 điểm, xếp thứ 44 cả nước, tăng 0,76 điểm, giữ nguyên thứ hạng so năm 2023.

Chỉ số PCI của tỉnh Nghệ An năm 2024 còn khoảng cách tương đối xa so với các tỉnh, thành tốp đầu cả nước: thấp hơn Hải Phòng (top 1) 8,36 điểm, Bà Rịa - Vũng Tàu (top 5) 4,69 điểm, Hưng Yên (top 10) 3,76 điểm…

HĐND tháng 7 2025-104
Các vị đại biểu HĐND tỉnh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh đó, tỉnh còn thiếu mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, còn khoảng cách lớn với các trung tâm kinh tế lớn, nhất là về cảng nước sâu, logistics. Môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng, chi phí không chính thức còn cao. Đặc biệt, tiêu chí về thời gian thanh kiểm tra thuế trung bình lên tới 56 giờ/cuộc, cao hơn gấp đôi mức trung bình cả nước. Lao động vẫn chưa có sự ổn định về chất lượng, trong những năm gần đây thiếu hụt về số lượng, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp FDI tăng.

Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về vai trò của Chỉ số PCI.

Đây không chỉ là “thước đo sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, mà còn là kênh cung cấp thông tin để chính quyền cải thiện quản trị và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với các chỉ số như: PAR Index, SIPAS, PAPI hay Chỉ số tăng trưởng xanh, PCI hợp thành bức tranh toàn diện về năng lực điều hành của chính quyền và chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương.

“Nâng cao được PCI thì chúng ta cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nói và lưu ý thêm, đây cũng là chỉ số mà các nhà đầu tư quan tâm đầu tiên khi tìm hiểu về môi trường đầu tư của mỗi địa phương; cho nên cần nâng cao chất lượng, thứ hạng Chỉ số PCI để thu hút được nguồn lực đáp ứng mục tiêu phát triển tỉnh.

Đồng chí cũng lưu ý, cần tránh tư duy chủ quan cho rằng Chỉ số PCI dù thấp nhưng mấy năm qua Nghệ An vẫn thu hút FDI tốt, thu ngân sách vượt chỉ tiêu đề ra; giải ngân đầu tư công, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn cao.

Nhận thức này dễ dẫn đến tư tưởng “doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tỉnh nhiều hơn tỉnh cần doanh nghiệp, nhà đầu tư”; trong khi thực tế cần ngược lại, chính quyền luôn cần phải cầu thị, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển; đặc biệt trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó xác định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

Nuôi dưỡng, hỗ trợ để doanh nghiệp nội tỉnh phát triển, trưởng thành, vững mạnh

Mặt khác, từ thực tiễn hiện nay và với tầm nhìn dài hạn hướng tới phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình tiếp tục nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cải thiện Chỉ số PCI một cách thực chất và hiệu quả, nhằm nâng tầm và tạo động lực phát triển cho khối doanh nghiệp nội tỉnh, vốn đang có tới 95% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đồng chí chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế không thể mãi chỉ dựa vào đầu tư công hay vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khi chi phí sản xuất tăng lên, dòng vốn FDI hoàn toàn có thể dịch chuyển sang địa bàn khác có lợi thế cạnh tranh hơn.

Lúc đó, chính doanh nghiệp trong tỉnh mới là lực đỡ quan trọng giúp duy trì và ổn định nền kinh tế địa phương. Vì vậy, cần phải chủ động đặt ra bài toán nuôi dưỡng, hỗ trợ để doanh nghiệp Nghệ An từng bước phát triển, trưởng thành, vững mạnh lên.

HĐND tháng 7 2025-107
Các vị đại biểu HĐND tỉnh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành bám sát các nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế - xã hội để cụ thể hóa và chỉ đạo các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện; nhất là các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trực tiếp tác động tăng điểm và tăng thứ hạng của Chỉ số PCI như: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư, quản lý tài nguyên, đất đai, khoáng sản; nâng cao hiệu lực, hiệu quả cải cách hành chính…

Trong đó, đồng chí đề nghị đặc biệt quan tâm các giải pháp để nâng cao các Chỉ số thành phần có trọng số lớn nhưng thứ hạng đang thấp như: Tính minh bạch (xếp thứ 59), Chi phí thời gian (xếp thứ 59), Cạnh tranh bình đẳng (xếp thứ 58); Đào tạo lao động (xếp thứ 55).

Việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ này cần quyết liệt hơn trong bối cảnh chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp. Yêu cầu đặt ra là phải làm cho chính quyền 2 cấp trở nên gần dân hơn, đồng hành hiệu quả hơn với người dân, doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình, khi các nhà đầu tư đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh, họ nhìn trên bình diện cả nước chứ không chỉ xem xét riêng một địa phương. Do đó, các tỉnh có Chỉ số PCI ở nhóm dẫn đầu thường là điểm đến được ưu tiên lựa chọn.

Từ thực tế trên, đồng chí nhấn mạnh: Nghệ An cần định vị rõ thứ hạng Chỉ số PCI của tỉnh trong tương quan với 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh, thành ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Cùng với đó, UBND tỉnh cập nhật lại hệ thống tiêu chí và phương pháp đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), bảo đảm phù hợp với cơ cấu tổ chức mới sau khi hợp nhất các sở và chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2cấp.

Đây là căn cứ quan trọng để tiếp tục đánh giá đúng thực chất năng lực điều hành, hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và người dân của từng đơn vị, từ đó có giải pháp cải thiện phù hợp, kịp thời.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An lưu ý tránh tư duy chủ quan khi nhận thức về vai trò của chỉ số PCI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO