Những ký ức tuổi thơ

07/09/2014 21:49

Nhớ tò he

Nhớ tò he

Tôi vốn là đứa trẻ suốt ngày chúi mũi vào truyện tranh và vi tính, nên tôi không biết ông già nặn tò he ngồi trước chung cư xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết rằng, một ngày mùa thu, mẹ tôi bắt tôi bỏ kính cận, bỏ quyển truyện đang đọc dở xuống để ra phố dạo chơi. Khi xuống đến những bậc thang cuối cùng, tôi thấy ông già ngồi đó, bên cái hộp gỗ và thế giới màu sắc của ông. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những con tò he là như vậy đấy.

Ông già hiền từ lắm, dường như ông không ngẩng lên khi nào, mà chỉ mải mê với thế giới kỳ diệu của ông. Một bát bột nhiều màu sắc để dưới chân, những chiếc que tre, một mảnh sành nhỏ, cái hộp gỗ để ông kê nặn và cắm các con tò he đã hoàn thành… Tôi đứng ngây người nhìn ông. Dưới đôi bàn tay xù xì ấy, chỉ một loáng thôi, ông đã làm thành bao nhiêu con vật, bao nhiêu nhân vật mà tôi nhìn là nhận ra ngay: kia là Tôn Ngộ Không, kia là cô Tấm, đây là chú trâu có cái sừng nghênh nghênh, và đây bông hoa hồng…

Tự bao giờ, tôi đã rời tay mẹ, sà xuống bên gánh hàng nhỏ của ông nặn tò he. Một vài bạn nhỏ cũng tò mò xúm lại như tôi. “Mẹ ơi, con muốn có bông hoa hồng, à không, cả cô Tấm kia nữa…”- Tôi vòi mẹ. Mẹ tôi dịu dàng, ngồi xuống bên tôi và ông nặn tò he, xin phép ông: “Xin phép ông cho cháu ngồi xem ông nặn một lát ạ”. Ông già hơi ngẩng lên nhìn tôi, khẽ mỉm cười: “Ồ, cháu cứ xem đi”

Tôi đã ngồi bên để xem ông nặn. Ông giống như một ông tiên với bàn tay có phép thần mở ra cả một thế giới cổ tích. Tôi như nghe tiếng Tôn Ngộ Không múa gậy, tiếng mở cánh của bông hoa muốn uống sương… Tôi bắt chuyện cùng “ông tiên” có bàn tay phù phép, được biết ông ở mãi tận Hà Tây cũ vào Thành phố Vinh làm nghề. Ông nói, ông đi nhiều lắm, trên chiếc xe đạp cũ của mình. Ông chọn góc chợ, góc chung cư hoặc bên cạnh trường học để ngồi bán tò he. Ông làm nghề nặn tò he từ khi 15 tuổi, bố của ông cũng làm nghề này và truyền lại cho ông. Nghề này đơn giản lắm, chỉ có bột, phẩm màu và những thanh tre nhỏ. Nhưng cũng phải có bí quyết nấu bột, bí quyết làm ra màu sắc đấy. Làm nghề như ông nghèo lắm, ông nói, nhưng ông yêu nghề và cũng chẳng làm được nghề nào khác cả. Bây giờ người ta bán nhiều đồ chơi đẹp, đồ chơi bằng điện tử cho trẻ em nên người ta chủ yếu đến xem ông nặn vì tò mò thôi. Với lại, bây giờ cái điện thoại cũng đã chứa trong nó bao nhiêu trò chơi rồi. Trẻ em lại mê chơi trò trong điện thoại…

Mấy ngày sau đó, ngày nào ông già nặn tò he cũng đều ngồi trước chung cư nhà tôi. Ngày nào, lúc đi học về tôi cũng ra hỏi chuyện và xem ông nặn. Một hôm ông nói với tôi, có lẽ mai ông phải ra chỗ khác làm việc. Ông hẹn tôi năm sau, đến mùa Trung Thu sẽ quay trở lại Vinh…

Mùa Trung Thu năm sau, tôi vẫn nhớ lời ông hẹn. Tôi đi theo mẹ xuống phố là cứ ngong ngóng cái chỗ ông ngồi hôm nào. Nhưng chẳng thấy ông đâu. Hay là ông ốm rồi? Hay ông đi nơi khác bán được nhiều tò he hơn…?

Đến Trung thu này đã là 2 năm. Tôi đã lớn hơn, biết thêm nhiều trò chơi hơn, nhưng lâu lắm rồi không nhìn thấy người nặn tò he nào ở thành phố. Tôi vẫn thầm mong được thấy lại ông già bán tò he, được mua một món quà thú vị bằng bột với đầy màu sắc ấy. Thế nhưng, đến hôm nay vẫn chưa thấy ông già trở lại…

Ông nặn tò he ơi, ông ở đâu rồi?

Vân Trinh

(Lớp 7D, Trường THCS Lê Mao)

Chim chào mào

Ở nơi nào có vườn cau, ở đó sẽ gọi được chim chào mào về làm tổ. Loài chim tinh khôn bí mật tha những cọng rác từ đâu đó bay vèo qua không gian lót ổ tít ngọn cây cau. Tuổi thơ tôi thân thiết vườn cau của mẹ, mải mê nhìn lên những ngọn cây, phán đoán tổ chim. Tôi áp tai vào cây, lắng nghe tiếng chim mới nở lích chích trên cao. Tiếng chim non kêu rối rít là lúc mẹ chúng kiếm mồi về. Tiếng kêu to dần theo thời gian, rồi đến một ngày hình thành tiếng hót. Khi tiếng kêu biến thành tiếng hót cũng là lúc chim ra ràng. Chúng rời tổ bay đi gieo tiếng hát đặc trưng vào không gian và đáp xuống cành xoan rung động chùm quả chín. Chúng tập hợp thành bầy đàn, vút cánh bay theo định hướng từ tiềm thức siêu nhạy, tìm nơi bí ẩn mùa màng.

Bên sân nhà tôi, có cây cau vượt quá nóc nhà. Một lần, cũng được tiếp đón đôi chào mào về làm tổ. Mẹ tôi đứng dưới góc cau, canh chừng mùa chúng nuôi con.

Chim chào mào chung sống với tuổi thơ tôi như một chương trong tiểu sử. Đó là câu chuyện về quả cau được chim chào mào thả xuống tiến cha tôi sáng đầu xuân năm ấy. Quả cau tròn đầy, no đủ, còn tươi nguyên tỉa ra từ buồng cau mẹ. Cha tôi nhặt lên hân hoan như quà tặng của trời cao. Cũng từ đó, chim chào mào như từ trong cổ tích bay ra. Cũng từ đó, tiếng hót của chim cũng rơi theo quả xoan khi mùa xuân về nhú xanh mặt đất.

Seo cờ báo mưa

Từ lâu rồi chim seo cờ không xuất hiện ở làng quê, trong lùm cây rậm rạp bên dòng nước chảy qua. Chim seo cờ mang trên mình màu xanh thẫm loáng bóng, chỉ một lông dài thành đuôi màu đỏ như cờ nên đã thành tên gọi. Nó vừa bay vừa kêu như thoi đưa từ cành này sang cành cây khác. “Sắp mưa! Seo cờ ra rồi!”, Dân làng tôi thường nói thế để nhắc nhau thu xếp công việc đồng áng.

Ngày nay, không ai biết đến nó. Cả cái tên cũng không ai nhắc đến nữa. Chim seo cờ xuất hiện đã lâu và biến mất cũng đã lâu. Loài chim ấy là bạn của nhà nông và được chào đón tôn trọng như một vị khách quý!

Thời hiện đại, có máy móc theo dõi hoạt động của vũ trụ để dự báo thời tiết, đã quên hẳn một loài chim mang khí tượng sinh học, biết lắng nghe sự chuyển dịch của trời đất để báo cho con người điều tiết công việc làm ăn. Chim seo cờ đại diện tiếng nói khẩn thiết, cấp bách vì cuộc sống muôn loài. Nó báo thời tiết chuẩn xác và tin cậy. Không biết từ đâu, seo cờ bay về mỗi khi nhận được tín hiệu của bầu trời đã kêu vang giục giã trong những lùm cây.

Chim seo cờ, chỉ một lông đuôi dài màu đỏ, tự nó là một sáng tạo độc đáo. Thời gian đang rời xa tiếng kêu của nó và hình ảnh truyền vào lịch sử cũng mờ dần...

Tôi tìm về một thời xa, tưởng nhớ loài chim seo cờ đã xuất hiện trên mặt đất này, mang sứ mệnh thiêng liêng thông báo cho con người sự thất thường mưa nắng trong cuộc chuyển giao của vũ trụ!

Phan Quốc Bình

(TP. Vinh)

Mới nhất
x
Những ký ức tuổi thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO