Những lần cộng tác với Báo Nghệ An
Ngày còn đi học, tôi rất mê nghề báo và yêu thích văn học. Thế nhưng do hoàn cảnh khách quan, tôi không có điều kiện thực hiện ước mơ của mình. Tuy vậy, dù công tác ở lĩnh vực nào, ở đâu thì viết báo, làm thơ đều là niềm đam mê của tôi.
Năm 1971, tôi đi dự lớp bồi dưỡng đảng viên Hồ Chí Minh do huyện mở ở xã Quỳnh Dị. Khi ấy, Huyện ủy Quỳnh Lưu cũng đóng tại đây. Ngày nghỉ, tôi lên thăm anh Hồ Đình Tư, Bí thư Huyện ủy, người cùng xã. Tôi vừa đến nơi thì thấy 4 người khách làm việc với anh Tư vừa ra về. Anh cho biết đó là đoàn cán bộ Báo Nghệ An về mở lớp đào tạo cộng tác viên báo. Như mở cờ trong bụng, tôi mạnh dạn đề đạt ý kiến với đồng chí Bí thư Huyện ủy cho tôi đi dự lớp bồi dưỡng cộng tác viên báo đợt này. Tôi thấy anh không nói gì và thoáng chút suy nghĩ. Có lẽ anh nghĩ với trình độ như tôi hiện tại mà giới thiệu đi dự sợ tòa báo không chấp nhận, nên anh im lặng.
Nhưng thật không ngờ, hai tháng sau tôi có giấy mời đi dự lớp bồi dưỡng cộng tác viên này. Tôi hồ hởi đi dự trại. Trại mở tại xã Quỳnh Thuận. Hồi ấy Quỳnh Lưu có 5 người đi dự trại là anh Hồ Đức Thuật xã Quỳnh Lương, anh Nguyễn Trung Nam xã Quỳnh Dị, chị Nguyễn Thị Hoa và chị Nguyễn Thị Luyên ở UBHC huyện.
Báo Nghệ An tổ chức gặp mặt các cộng tác viên cao tuổi ngày 28/2/2003. Ảnh: Sỹ Minh
Lớp học do nhà báo Phan Đình Sung phụ trách, cùng các anh trong tòa báo như nhà báo Quốc Bảo, NS nhiếp ảnh Hồng Sơn... Anh Nguyễn Thanh Tiên (sau này là Tổng Biên tập Báo Nghệ An) làm lớp trưởng. Trong thời gian 15 ngày, lớp học đã được nghe Nhà báo Hữu Thọ, ở Báo Nhân dân nói chuyện về nghiệp vụ báo chí; nghe nhà sử học Trần Thanh Tâm, Phó Giáo sư Ninh Viết Giao nói chuyện đất nước con người xứ Nghệ và các anh chị trong tòa báo hướng dẫn kinh nghiệm đi thực tế, lấy tin, viết bài. Ban lãnh đạo lớp đã cho các trại viên đi thăm XN muối Vĩnh Ngọc, đi tàu thủy 2 giờ liền trên vùng biển Lạch Quèn.
Sau khi ở trại viết về, có được một số kiến thức về lĩnh vực báo chí, được quen biết một số anh em trong cơ quan báo, nên tôi tự tin hơn. Thế rồi, tên tôi đã được xuất hiện trên báo Nghệ An vào cuối năm 1971. Một tin vắn diện tích bằng bao thuốc lá mà tôi sung sướng vô cùng. Thế là dần dần tôi trở thành cộng tác viên của Báo. Từ viết tin vắn, tiến lên viết bài theo các chuyên mục kinh tế, văn hóa, xã hội, viết về các điển hình. Có những số báo tôi được đăng 3 bài. Rồi tin bài của tôi cũng được sử dụng trên Đài phát thanh Nghệ Tĩnh, Đài tiếng nói Việt Nam.
Có thời điểm tôi được tòa báo coi như một phóng viên thường trú tại Quỳnh Lưu, được chế độ trợ cấp của báo. Trong thời gian tham gia viết báo, tôi có hai bài báo đã để lại kỷ niệm đáng nhớ. Sau trận bão năm 1987, tôi cùng anh Hồ Phi Phục, Bí thư Huyện ủy đi kiểm tra ở xã Quỳnh Phương. Nghe xã báo cáo về tình hình lũ lụt, đặc biệt ngôi Đền Cờn bị hư hỏng nặng.
Lại được nghe về việc trước đó do chống mê tín mà đền bị tàn phá. Sau khi về huyện, tôi ngẫm nghĩ và viết bài: Đền Cờn một di tích văn hóa đang kêu cứu. Bài báo ra đời trong giai đoạn đất nước ta tiến hành đổi mới đánh động ngành văn hóa tỉnh nhà. Sở văn hóa đã cho cán bộ về nghiên cứu và từ đó Đền Cờn được Nhà nước đầu tư, nhân dân ủng hộ để khôi phục, tôn tạo to đẹp như hôm nay.
Bài thứ hai là tôi viết về hợp tác xã Thủ công nghiệp Đại Nghĩa xã Tiến Thủy với cái tên: Trái tim làng dệt. Đại Nghĩa, một hợp tác có nghề truyền thống dệt vải và khi thực hiện đổi mới đã mạnh dạn mở thêm các ngành nghề mới như mành trúc, đồ sứ, gạch, ngói... Sau khi bài báo đăng, Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy cử cán bộ về nghiên cứu để tuyên truyền nhân ra diện rộng.
Tháng 6-2011
Trần Ngưỡng