Những lặng thầm của mẹ

23/10/2015 14:00

(Baonghean) - Mẹ có 8 người con, vì loạn lạc và chiến tranh nay chỉ còn 4. Bao đau thương dồn nén, đọng thành nỗi khắc khoải triền miên suốt cuộc đời. Nay đã tuổi 94, Mẹ vẫn không thôi đợi chờ và hy vọng...

“HAI LẦN TIỄN CON ĐI”

Mẹ ngồi trước cửa, mắt hướng về phía con đường như ngóng chờ ai đó trở về, cho dù ánh mắt đã nhuốm màu sương khói. Cơn gió lạnh đầu mùa thổi đến, đôi bàn tay run run, những nếp nhăn như hằn sâu hơn trên khuôn mặt... Đó là Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thông, ở xóm 7, xã Khai Sơn (Anh Sơn). “Gần 50 năm qua, bà luôn giữ thói quen ngồi trước cửa nhìn về phía trước để chờ các con trở về”- bà Nguyễn Thị Ngãi, con dâu của mẹ Thông chia sẻ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thông
Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thông

Càng về chiều, cơn gió càng buốt lạnh, mẹ gượng đứng dậy, với tay cầm chiếc gậy rồi dò dẫm từng bước vào nhà. Lưng mẹ đã còng rạp, những bước đi chậm chạp, nặng nề. Có cảm giác như trên vai mẹ đang có một gánh nặng vô hình đè trĩu xuống, mẹ cố dồn chút sức lực còn lại để trụ lại giữa cuộc đời. Đó chính là gánh nặng thời gian, gánh nặng cuộc đời, chất chứa bao lo âu, phiền muộn, đau thương, day dứt và cả niềm hy vọng.

Mẹ vẫn nhớ mình sinh năm 1921, tuổi thơ cơ cực, gian nan. Khi ấy, cả làng đều đói khổ, củ sắn, củ khoai thay hạt gạo, hạt cơm. Cùng năm, may chăng mới có được bữa cơm trắng hoặc xôi, đó là ngày giỗ hoặc tết. Cái áo vá chằng vá đụp, ước có được chiếc áo mới lặn vào cả trong những giấc mơ. Năm 18 tuổi, có người trong làng đến dạm hỏi, thế là mẹ sang nhà họ làm vợ, làm dâu. Năm sau, mẹ sinh con trai đầu lòng, gặp phải cái tao đoạn đói kém, hầu hết các gia đình trong làng đều quay quắt vì đói, nhiều nhà phải vào rừng đào củ mài, củ chuối cầm hơi.

Không ít gia đình rơi vào cảnh bất hạnh và ly tán, con mất cha, vợ mất chồng. Gia đình mẹ cũng vậy, trong cảnh tao loạn ấy, người con trai đầu lòng không may đã bị thất lạc. Mẹ thật sự không muốn nhắc đến câu chuyện đau lòng này, cho dù thời gian đã trôi qua hơn 70 năm.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là nơi thử thách tình cảm, ý chí và bản lĩnh của mỗi con người, từng gia đình và toàn thể dân tộc Việt Nam. Với mẹ Trần Thị Thông cũng vậy, mẹ gồng mình lên dưới bom đạn kẻ thù để làm ra hạt lúa, củ khoai nuôi đàn con đang tuổi ăn tuổi lớn. Chồng mẹ - ông Nguyễn Danh Tình từng tham gia dân công hỏa tuyến những năm đánh Pháp, gùi lương, tải đạn lên chiến trường Tây Bắc. Khi bom Mỹ liên tục dội xuống quê hương, ông lại cùng mọi người sản xuất và chiến đấu, việc gia đình do một tay mẹ Thông đảm trách.

Năm 1966, cuộc chiến tranh bước sang giai đoạn cam go, ác liệt, nhu cầu chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam ngày một lớn. Con trai thứ hai của mẹ - anh Nguyễn Danh Thế (SN 1949) vừa rời ghế nhà trường đã tình nguyện lên đường đánh giặc. Ngày tiễn anh vào quân ngũ, mẹ nấu một bữa cơm trắng nhưng anh chỉ ăn mấy củ khoai, nhường phần cơm cho đàn em nhỏ. Lúc từ biệt, anh chỉ nói: “Chào bố mẹ, khi nào đất nước thống nhất con sẽ trở về”. Mẹ đứng giữa sân nhà dõi theo cho đến khi bóng anh khuất sau rặng tre...

Mấy tháng sau, anh Thế biên mấy dòng thư về gửi thăm gia đình và cho biết mình và các đồng đội được giao nhiệm vụ điều khiển đoàn xe chở hàng và vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Đó là lá thư đầu tiên, cũng là lá thư cuối cùng anh Nguyễn Danh Thế gửi về cho bố mẹ. Hàng ngày, tin tức từ chiến trường bay về dồn dập, nhưng tin tức của con trai mẹ vẫn bặt tăm. Rồi một ngày giữa năm 1968, mẹ nhận được giấy báo tử ghi con trai mẹ đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ. Mẹ như chết lặng. Ôm tấm dù và bộ quần áo của con trai do đơn vị gửi về, mẹ xỉu ngay giữa nhà. Nhưng rồi, với thời gian, mẹ quyết gượng dậy, phải tiếp tục sống, sống để nuôi đàn con thơ, sống để đợi ngày thống nhất.

Anh Nguyễn Danh Thế nhập ngũ chừng một năm, em trai là Nguyễn Danh Kỷ cũng đăng ký lên đường. Mẹ Thông kể: “Lúc đó, thằng Kỷ chưa đủ tuổi đi bộ đội, phải khai thêm tuổi mới được đi. Khi ấy, nó vừa mới học xong cấp 2, nó hiền lắm...”. Cũng như người anh trai, anh Nguyễn Danh Kỷ chỉ gửi về một lá thư rồi từ đó biền biệt. Trong thư, anh không nói mình đang chiến đấu ở đâu, chỉ nói đồng bào ở đó rất tốt, các bà mẹ thương các anh bộ đội như con mình. Đọc thư anh, mẹ Thông thấy ấm lòng vì con trai mình đã lớn, không phải trẻ người non dạ như lâu này mình nghĩ.

SUỐT ĐỜI “KHÓC THẦM LẶNG LẼ”

Công việc ngày một bộn bề, nhu cầu của chiến trường miền Nam ngày càng lớn, mẹ Thông cùng mọi người hối hả lao động sản xuất với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai”. Hằng đêm, khi công việc đã xong, mẹ dành thời gian để nhớ về đứa con ngoài chiến trường đang góp phần chiến đấu cho ngày thống nhất non sông. Miền Nam rộng lớn, con đường chiến đấu trải dài, không biết con trai mình đang ở nơi đâu. Mẹ chỉ biết cầu mong trời phật, tổ tiên phù hộ cho con trai mình được chân cứng đá mềm, tránh được hòn tên mũi đạn để trở về trong ngày thống nhất. Nhưng rồi, cuối năm 1970, vào một ngày Đông lạnh giá, mẹ Trần Thị Thông nhận được giấy báo tử thứ hai báo tin anh Nguyễn Danh Kỷ đã anh dũng hy sinh. Cũng là lần thứ hai mẹ chết lặng, nỗi đau buốt tận tim gan, lặn sâu vào tận xương tủy. Nỗi đau chồng lên nỗi đau.

Mẹ Trần Thị Thông bên người con trai thứ 3 Nguyễn Danh Luật.
Mẹ Trần Thị Thông bên người con trai thứ 3 Nguyễn Danh Luật.

Nỗi đau của gia đình mẹ Thông chưa dừng lại ở đó. Bố mẹ chồng mất sớm, mẹ phải cưu mang, nuôi nấng người em trai út của chồng là Nguyễn Danh Huân. Lớn lên, anh Huân vào bộ đội và chiến đấu khắp các chiến trường. Hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê một thời gian, anh lại đăng ký nhập ngũ lần thứ hai. Và lần này, anh mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, để lại nỗi đau cho những người thân yêu, ruột thịt.

Chiến tranh lại tiếp tục giáng nỗi đau thương và bất hạnh xuống cuộc đời mẹ Trần Thị Thông. Trong một loạt bom Mỹ rải thảm xuống làng quê, một quả đã rơi gần cạnh hầm trú ấn của gia đình Mẹ. Người con trai thứ 7 là Nguyễn Danh Bảy mới 3, 4 tuổi đã chết ngay dưới hầm vì sức ép. Chứng kiến cảnh đứa con thơ bị đất đá vùi lấp, mẹ chỉ biết ngửa mặt kêu trời, rồi đứng như bị chôn chân dưới đất. Những đứa con ngã xuống ngoài chiến trường đã đành, đứa con thơ chập chững tập đi lũ giặc cũng chẳng tha.

Từ độ mất những đứa con, mỗi chiều hôm mẹ Trần Thị Thông hay ra ngồi bậu cửa, mắt dõi về con đường phía trước như chờ đợi điều gì. Đó là lúc mọi người trở về nhà sau một ngày làm việc, cũng là lúc đàn trâu, đàn gà về chuồng sau một ngày kiếm ăn. Những lúc như thế, nỗi nhớ thương lại quay quắt trong lòng mẹ, và mẹ không nguôi hy vọng một ngày các anh sẽ trở về. Lâu dần trở thành thói quen, từ thuở mắt còn tỏ, tóc còn xanh, nay mắt đã mờ đục, tóc nhuốm màu sương và mặt đầy vết chân chim, mẹ vẫn giữ thói quen ấy...

Hòa bình đã được lập lại hơn 40 năm nhưng dường như cái bóng của chiến tranh vẫn còn phảng phất trên khuôn mặt của mẹ Trần Thị Thông, nỗi đau vẫn luôn thường trực trong trái tim của mẹ. Hai con của mẹ nằm lại ở chiến trường, đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Mẹ kể: “Có những đêm, tôi thấy thằng Thế, thằng Kỷ về nhà gõ cửa. Chúng nhìn mẹ một lúc rồi lại khoác ba-lô đi ngay”. Bao năm qua, mẹ được nhà nước quan tâm, được các tổ chức, đoàn thể sẻ chia, giúp đỡ nên nỗi đau phần nào nguôi ngoai. Đầu năm 2015 này, mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày mẹ nhận danh hiệu ấy, đến đêm mẹ lại thấy các anh trở về, nhìn mẹ một lúc rồi lại khoác ba-lô lên đường...

Nhìn nét khắc khoải hằn sâu trên khuôn mặt Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Thông, chúng tôi nhớ tới một nhà báo nước ngoài từng viết: “Tôi có thể khẳng định không có bất kỳ ai trên thế giới cầu mong mình được nhận danh hiệu Bà Mẹ anh hùng, bởi đó chắc chắn là những người phụ nữ đau khổ nhất trần gian. Nhưng lịch sử Việt Nam đã tạo ra những người mẹ như vậy”.

CÔNG KIÊN

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Những lặng thầm của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO