Những lớp xóa mù chữ ở vùng cao

24/06/2015 15:46

(Baonghean) - Tháng 6, khi học sinh bắt đầu nghỉ hè thì những lớp học xóa mù chữ lại vào thời kỳ cao điểm, bắt đầu tăng giờ, tăng buổi. Từ những lớp học này, mỗi năm có thêm hàng nghìn người biết chữ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ dân trí…

Năm nay cô giáo Hoàng Thị Loan đã bước sang tuổi 51. Tuy đã thuộc thế hệ “cây đa cây đề”, nhưng chị vẫn rất vui mừng khi được ban giám hiệu Trường Tiểu học Bình Sơn (Anh Sơn) phân công dạy lớp xóa mù chữ cho bà con bản Giáp Gát. Từ ngày nhận được quyết định này, chị cũng dành nhiều thời gian hơn để đọc các tài liệu về xóa mù chữ bởi chị hiểu rằng đối tượng học sinh của mình không phải là những cô cậu học trò lên sáu lên bảy mà là những người nhiều tuổi, thậm chí đã lên chức ông, chức bà. Chị phải học thêm tiếng Thái, tiếng Thanh của dân bản để những giờ lên lớp hiệu quả hơn. Vất vả, nhưng hơn hai mươi lăm năm đứng trên bục giảng đây là những ngày trải nghiệm đáng nhớ nhất của chị. Và lần đầu tiên chị cảm nhận được ý nghĩa của công tác xóa mù chữ, cảm nhận được niềm vui của bà con khi biết đọc, biết viết...

Lớp học xóa mù chữ ở bản Giáp Gát, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn.
Lớp học xóa mù chữ ở bản Giáp Gát, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn.

Bản Giáp Gát nằm ở nơi xa xôi nhất của xã Bình Sơn, một bên giáp xã Thọ Sơn, một bên giáp với huyện Tân Kỳ. Quãng đường từ ngã ba cây Chanh vào đến xã tuy không xa, chỉ chừng hơn 20 km nhưng chúng tôi cũng phải chật vật lắm mới vào đến trung tâm do tuyến đường 7B đang trong giai đoạn thi công, nhiều nơi còn dang dở. Thầy giáo Nguyễn Đình Đồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Sơn chia sẻ: Cuộc sống của bà con xã Bình Sơn đỡ vất vả và khổ cực được vài năm nay, sau khi đã có cầu bắc qua sông Con. Còn trước đây, phần vì đường sá khó khăn, phần vì đường đi cách trở, phải qua sông qua suối nên bà con ở các xóm thuộc vùng sâu, vùng xa đều không được tới trường. Vào đến Giáp Gát mới hiểu rõ hơn về nỗi khó khăn, cơ cực của bà con nơi đây. Không chỉ dân bản người Thái, người Thanh mà nhiều người quê gốc Hưng Nguyên, Nam Đàn lên đây làm kinh tế mới từ những năm cuối 60 cũng có hàng chục người thất học, không biết chữ. Chị Hồ Thị Sinh (47 tuổi) là một trong số đó. Chị cho biết, ngày lên đây làm kinh tế, vì nghèo nên chỉ biết cắm cúi làm, ăn còn chưa no nên nói gì đến học chữ. Cực khổ là thế nên trong gia đình chị không chỉ vợ chồng mà cả hai con chị (đứa sinh năm 1993, đứa sinh năm 1994) đều không biết chữ. Bà Lô Thị Niệm, 66 tuổi thành viên cao tuổi trong lớp chia sẻ: Không biết chữ khổ lắm, thiệt thòi lắm. Tham gia lớp học, biết đọc, biết viết, mở mang ra nhiều điều. Đơn giản nhất, xuống bệnh viện đọc cái chỉ dẫn còn biết đường mà đi… Từ ngày mở lớp xóa mù chữ ở bản Giáp Gát, cứ 2 - 3 ngày Phó Chủ tịch xã Hồ Văn Thân lại đến lớp để động viên các thành viên cố gắng học chữ. Xã cũng đã trích kinh phí để mua sách, vở, bút hỗ trợ thêm cho chị em. Nói về ý nghĩa của công tác xóa mù chữ, Phó Chủ tịch xã Bình Sơn cho rằng: Bình Sơn đang chú trọng phát triển kinh tế vườn đồi. Dù có rất nhiều chương trình nhằm hỗ trợ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con nhưng vì tỷ lệ người dân chưa biết chữ còn đông nên hiệu quả của các chương trình không cao. Hơn thế không biết chữ, bà con mỗi khi lên xã ký giấy tờ chỉ biết điểm chỉ nên rất phiền phức. Muốn vay vốn ngân hàng để làm kinh tế cũng khó…

Xóa mù chữ là một trong những giải pháp để nâng cao dân trí và giúp người dân tiếp thu được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Tuy đây là việc hết sức cần thiết nhưng đến nay công tác xóa mù chữ ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền. Như ở huyện Con Cuông, theo dõi mảng xóa mù chữ nhiều năm nay, chị Đặng Thị Mai - chuyên viên phòng giáo dục tâm sự: Để dạy chữ cho bà con, các thầy cô giáo không bao giờ ngại khó, ngại khổ. Chỉ lo không vận động được bà con theo học. Có lẽ cũng bởi vì thế nên phòng Giáo dục huyện Con Cuông năm nào vận động mở được từ 2 - 3 lớp xóa mù chữ đã xem là thành công rồi. Hơn thế, chỉ cần có lớp thì dù học sinh yêu cầu sáng, trưa hay tối giáo viên đều sẵn sàng đứng lớp, không nề hà vất vả. Hôm chúng tôi vào Lục Dạ thấy lớp học xóa mù chữ của bản Mới được dạy bắt đầu từ 12 giờ trưa. Còn hôm nào bà con bận đi rẫy, vào rừng hái măng thì lại chuyển sang buổi tối. Trò chuyện với phóng viên, cô giáo Lê Thị Năm, Trường Tiểu học Lục Dạ 2 cho biết: Học viên của lớp xóa mù chữ vì đã quá nhiều tuổi nên việc định hình chữ cái rất khó. Muốn học sinh tiếp thu bài nhanh, giáo viên vừa phải kết hợp chương trình công nghệ mới, vừa phải thường xuyên tổ chức các trò chơi, phải đặt những câu hỏi gắn liền với thực tế…Bên cạnh đó, việc vận động chủ yếu mới chỉ dừng ở đối tượng là nữ giới. Còn học viên nam, đa phần vì mặc cảm nên chưa hào hứng với việc đến lớp. Cũng rất may là dù việc nhận thức có nhiều hạn chế nhưng khi đã đi học thì các chị học rất say sưa, cố gắng để hoàn thành hết chương trình xóa mù.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện ở tỉnh ta vẫn còn khoảng 4% bà con người dân tộc thiểu số ở độ tuổi từ 15 - 60 chưa biết chữ. Trong khi đó, đối tượng này một phần do phong tục tập quán, một phần do ở rải rác, không có nhu cầu học chữ và cập nhật kiến thức sau khi biết chữ nên gặp nhiều khó khăn trong vận động duy trì, tổ chức các lớp học. Để khắc phục tình trạng này, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị điều tra, thống kê số lượng người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu mở các lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ để giảm số người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi, nâng cao tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ trên địa bàn, nhất là tập trung ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về phía các địa phương, ban chỉ đạo các cấp đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội như: Mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội khuyến học, bộ đội biên phòng, các già làng, trưởng bản nhằm vận động con em trong độ tuổi đến trường, duy trì sỹ số các lớp phổ cập. Bên cạnh đó, các hội còn lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, giúp các học viên xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, thông qua nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình, cộng đồng; gắn kết tuyên truyền chống mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập và phong trào thi đua của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm tạo các điều kiện để hỗ trợ sách vở, bút mực cho các học viên; có chính sách hỗ trợ cho người vận động, cho giáo viên đứng lớp. Nhờ đó, riêng trong năm 2015 toàn tỉnh đã mở được 106 lớp xóa mù chữ cho hơn 2300 học viên ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Châu. Bên cạnh đó, nhiều lớp học nâng bậc cho học sinh cũng đã được tiếp tục mở giúp các học viên nâng cao trình độ. Đánh giá về công tác xóa mù chữ hiện nay, ông Nguyễn Huy Cao - Phó Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ rằng: Những lớp học mù chữ có ý nghĩa nhân văn rất lớn, cái chữ đã giúp các chị em tự tin hơn trong cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và giúp cho các địa phương thuận tiện hơn trong công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…

Mỹ Hà

Mới nhất

x
Những lớp xóa mù chữ ở vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO