Những mầm non gieo ở miền sơn cước
Không như các bạn học trò miền xuôi, đi học có bố mẹ đưa đón hoặc nếu tự đi cũng chỉ là quãng đường phố rất gần và nhộn nhịp người lại qua. Học trò vùng cao có khi chỉ mới lớp 5, 6 cũng đã phải xa bố mẹ cả ngày đường đi bộ, trọ học xa nhà cả tháng trời. Vì thế, cũng có nhiều chuyện để kể hơn.
(Baonghean.vn) - Không như các bạn học trò miền xuôi, đi học có bố mẹ đưa đón hoặc nếu tự đi cũng chỉ là quãng đường phố rất gần và nhộn nhịp người lại qua. Học trò vùng cao có khi chỉ mới lớp 5, 6 cũng đã phải xa bố mẹ cả ngày đường đi bộ, trọ học xa nhà cả tháng trời. Vì thế, cũng có nhiều chuyện để kể hơn.
Theo chị vào lớp 1
Nhớ có lần, trong bài viết về học trò trường cấp 1,2 Na Loi (Kỳ Sơn), chúng tôi đã chứng kiến cảnh các bạn người Khơ Mú đến trường bằng đôi chân trần, ngập trong bùn nhão và giá lạnh, nhưng nụ cười vẫn sáng rỡ trên mỗi khuôn mặt trong veo. Có nơi, trường của các bạn nhìn xuống chỉ bé như một nắm ngô vàng vãi bên sườn núi. Dưới đó, trong những căn lều lợp lá tí hon do bố mẹ dựng tạm, rất dễ bắt gặp 3, 4 bạn quây quần bên nồi cơm và cuốn sách trên tay. Dưới suối vọng lên là tiếng trêu đùa của các bạn trai và mấy bạn gái thì đang bận bịu với đống quần áo giặt dở. Học trò vùng cao đã tự làm quen với cuộc sống tự lập từ khi còn rất nhỏ như vậy.
Giờ đọc báo của học sinh trường THCS dân tộc nội trú Kỳ Sơn
Cuối tuần, giờ sinh hoạt lớp thường được các em học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú Nậm Càn tham gia rất nghiêm túc
Bây giờ, được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành, trường lớp của các bạn đã được xây dựng khang trang hơn nhiều lần. Nhưng đi trọ học xa nhà hàng tuần, có nơi đến cả tháng trời vẫn là câu chuyện riêng của học trò miền núi. Như em Già Y Hoa, học sinh lớp 6D, Trường THCS dân tộc nội trú Kỳ Sơn, đến từ xã Đoọc Mạy xa xôi đã thẹn thùng tâm sự: “Cháu nhớ nhà nhiều lắm, nhưng đến trường có bạn nên quen dần thôi”.
Giờ tan trường ở trường phổ thông dân tộc bán trú Nậm Càn
Ở trường phổ thông dân tộc bán trú Nậm Càn có 211 học sinh thì có tới 139 em phải trọ học. Bởi nơi đây, từ những bản như Thăm Hín, Nậm Khiên, Huồi Nhao... đến được trường, mỗi bàn chân nhỏ học trò phải vượt qua bao cung đường dốc ngược, thường xuyên lầy lội. Và bởi thế, những mái nhà vách gỗ tuy nhỏ nhưng ấm áp của trường, chụm bếp lợp lá tranh...là nơi các em trọ học chữ và học cách sống tự lập, xa gia đình. Tại trường, riêng bản Nậm Khiên có đến 43 học sinh bán trú, trong đó có 14 em nữ. Mỗi tuần, các bạn lại rủ nhau cùng về bản để lấy gạo, chút thức ăn cho cả tuần kế tiếp. Đường xa mờ sương và lầy lội vẫn không lấp nổi tiếng cười trong vắt của tuổi học trò.
“Hành trang” mang tới trường cho một tuần học tập gồm gạo, chút thức ăn và một chú gà để nuôi.
Em Lầu Bá Chùa, học sinh lớp 8A trên đường về trường vẫn còn kịp cắp nách 1 con gà đen, cười phô hết mấy chiếc răng sứt “Con gà này bố mẹ cho em để mang lên trường nuôi thôi, không ăn mô! Đi học có nhiều bạn thế này, bọn em đi xa cũng thấy vui mà”. Còn em Và Bá Nênh, học sinh lớp 9 thì trầm ngâm hơn: “Đến trường được học chữ, được thầy cô quan tâm. Học xong, biết ơn thầy cô nhiều, em muốn được học thêm nhiều lớp cao hơn nữa, rồi về dạy chữ cho các bạn nhỏ người Mông quê em mà!”.
Tranh thủ ôn bài trước giờ lên lớp của các em học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú Nậm Càn tại khu nhà bán trú.
Thầy giáo Nguyễn Công Danh, hiệu trưởng nhà trường không dấu nổi tự hào: “Tôi đã gắn với nghiệp dạy chữ ở Kỳ Sơn đã trên 22 năm, qua rất nhiều trường lớp với biết bao nhọc nhằn, vất vả. Nhưng như ngay tại trường Nậm Càn đây, cho dẫu còn nhiều bề bộn, thầy cô cho đến các em học trò đều thực sự tận tâm gắn bó với trường, với lớp”.
Học trò vùng cao, giống như hoa mộc miên mọc lưng chừng núi, sẽ nở ra những bông hoa thơm ngát, trong trẻo như trời đất miền Tây xứ Nghệ. Rồi các em sẽ tung cánh bay xa, để rồi một ngày cánh đủ sẽ quay lại giúp đỡ nơi mình đã ra đi cho lớp đàn em không còn phải vượt đèo dốc xa xôi đến trường.
Trần Hải