Những "mầm non" miền sương giá
(Baonghean)- Tiết trời sang Xuân nhưng mảnh đất nơi miền biên giới xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) vẫn trong giá lạnh cắt da thịt. Thương nhất là những em nhỏ trong độ tuổi mầm non, ngày ngày "xé mây trắng" chống chọi với cái rét để đến trường.
Hơn 9h sáng, chúng tôi có mặt tại một điểm trường mầm non ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn. Mây trắng vẫn giăng mờ núi rừng, gió rít từng hồi kèm khí lạnh cắt da khiến chúng tôi mặc dù đã có sự chuẩn bị mặc đủ ấm nhưng vẫn "run bần bật". Dẫn chúng tôi vào trường, cô giáo Dương Thị Anh - Hiệu phó nhà trường nói: "Vào phòng uống cốc nước ấm đã, không quen khí hậu này là dễ ốm lắm".
Tay cầm cốc nước nóng còn bốc khói, nhưng dường như giá rét thấm vào tận da thịt làm cho bàn tay không còn cảm giác hơi nóng. Cô giáo Anh cho biết thêm: "Thời tiết trên này vào mùa Đông đến tháng 11 là rét đậm qua hết tháng 2 mới đỡ lạnh. Nhiệt độ thường dưới 100C, có khi xuống dưới 50C, nhà nào cũng phải có bếp củi giữa nhà sưởi ấm. Thương nhất là các cháu nhỏ hàng ngày đội sương rét đến trường".
Chiếc mũ len của cô giáo Lầu Y Xư tiếp thêm hơi ấm cho bé Lầu Y Nhìa.
Trường mầm non xã Nậm Cắn có 4 điểm trường, điểm trường ở bản Trường Sơn có 4 lớp với 102 cháu và 5 cô giáo. Là điểm trường ở gần trung tâm xã nên thuận lợi hơn nhiều. Lớp học đóng kín cửa, phòng học chỉ le lói ánh sáng bên ngoài từ một ô nhỏ trên mái nhà, ban ngày nhưng lúc nào cũng phải bật điện, ánh đèn cứ nhòa nhạt trong mù sương.
Ngày thường các em nhảy múa vui chơi nhộn nhịp lắm, nhưng vào những ngày lạnh, trường học trong không khí ìm lìm, em nào em nấy ngồi co ro. Tiếng đánh vần, giọng hát thu nhỏ hơn vì giá rét. Nhiều em nhỏ chỉ phong phanh manh áo mỏng, khuôn mặt, chân tay bầmtím. Ngày lạnh, nên các lớp học có khoảng một nửa số cháu đến lớp mà thôi.
Ở khu vực miền núi xa trung tâm như xã Nậm Cắn cái ăn lắm khi còn quan trọng hơn cái chữ. Hầu hết gia đình các em đều khó khăn, bố mẹ suốt ngày ở trên nương rẫy, nhà có mấy đứa con, đứa lớn chưa đầy 10 tuổi nhưng tự chăm sóc mình và các em. Ở cái tuổi biết ăn biết ngủ trong khi các em ăn chưa no cái bụng, mặc chưa đủ ấm, vậy mà nhiều em phải lo những công việc của người lớn. Những đứa trẻ nhiều ngày thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, tiếng Kinh chữ được, chữ mất, nhưng tấm lưng của nhiều em thì đã nặng trĩu lo toan.
Hoàn cảnh nhất là hai chị em Lầu Y Tồng và Lầu Y Nhìa cùng họcchung lớp mẫu giáo 4 tuổi, nhưng nhìn hai chị em chỉ như trẻ lên hai. Gia đình quá khó khăn, bố bị bệnh tật, tính tình không như người bình thường. Ngôi nhà các em đang ở trống không, tềnh toàng, không có vật dụng gì có giá trị. Ngày giá lạnh, hai chị em tự dắt nhau đến trường với manh áo mỏng, chân đất. Có hôm rét quá cô bé Lầu Y Nhìa chỉ biết ngồi khóc. Thấy hoàn cảnh của các em, thương quá cô giáo Lầu Y Xư mua cho em cái mũ len để giúp các em có thêm hơi ấm chống chọi giá lạnh. Thấy các em đến trường là niềm vui lớn của các cô giáo nơi đây.
Điểm trường mầm non ở bản Trường Sơn có 102 cháu nhưng chỉ có 32 cháu học bán trú, theo hình thức bán trú dân nuôi. Nhà trường có bếp ăn tập thể cho các em. Có em sáng sớm đi học mang cơm ở nhà đến lớp. Các cô giáo chăm sóc cho học sinh ăn ngủ tại trường, động viên bố mẹ cho các em đến lớp nhưng không giữ chân được hết các em. Hầu hết gia đình các em điều kiện đều khó khăn đến trường bữa có bữa không. Các cô giáo cùng chính quyền xã, bản đến vận động các gia đình có con em trong độ tuổi đến lớp.
Sau một ngày kiếm tìm cái chữ, những đứa trẻ lại lên, xuống những con dốc để trở về nhà mình. Bố mẹ đi rẫy dài ngày, nên mỗi bữa cơm, giấc ngủ nhiều em đều phải tự lo toan. Những bước chân có thể còn lúng túng, mỗi tấm quần, manh áo của các em còn biết bao khốn khó nhưng điều quan trọng là các em đã đến trường. Đó cũng là kết quả của sự nỗ lực của các cô giáo mầm non. Đưa các em đến trường, hướng dẫn cho các em mỗi bước đi, từng câu, từng chữ là niềm hạnh phúc mà những giáo viên vùng cao đã và đang nỗ lực thực hiện.
Lê Thanh