Những măng non tiêu biểu của Nghệ An
(Baonghean) - Những điển hình “búp măng non tiêu biểu” đại diện cho thanh, thiếu niên Nghệ An ra Thủ đô tham dự đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc mà chúng tôi gặp gỡ là những tấm gương con ngoan, trò giỏi, nhiều đam mê và hoài bão về một ngày mai tươi sáng.
“Yêu quê mình càng yêu những khúc hát dân ca”
Em Hà Lưu Giang, lớp 4C, Trường Tiểu học Làng Sen, huyện Nam Đàn được mọi người quý mến, ngợi khen về năng khiếu nổi trội kể chuyện, thuyết minh về tuổi thơ của Bác Hồ tại Hoàng Trù quê mẹ và Làng Sen quê cha. Ban Giám đốc Khu di tích Kim Liên từng đề nghị: Nếu có đoàn khách của các tỉnh bạn mà thành phần là thiếu niên, nhi đồng đến thăm thì nhờ Giang làm thuyết minh nhé!
Giang kể: Từ lúc em còn nhỏ, thường vào khu di tích nghe các dì thuyết minh cho khách, kể về thời niên thiếu của Bác Hồ gắn liền với ngôi nhà tranh đơn sơ nơi Làng Sen, thế rồi em thuộc làu những câu chuyện đó. Và, em đã thử thuyết minh cho các dì nghe, cho bố mẹ nghe, ai cũng khen, động viên phát huy! Ước mơ làm thuyết minh viên giới thiệu về Bác Hồ được em nuôi dưỡng. Từ đó em quyết tâm học giỏi tất cả các môn. Để phấn đấu trở thành một thuyết minh viên tại Khu di tích Kim Liên, Giang tìm đọc nhiều sách lịch sử viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những câu chuyện kể về Bác đã ngấm sâu trong em tự lúc nào.
Thế rồi, khi nhà trường tổ chức cuộc thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”, Hà Lưu Giang đã mạnh dạn chọn câu chuyện “Bác Hồ với câu hát dân ca”. Những cảm xúc trong câu chuyện mà em mang đến hội thi đã khiến các thầy, cô giáo, các bạn học sinh Trường Tiểu học Làng Sen xúc động nghẹn ngào và dành cho em những tràng vỗ tay không dứt. Giang chia sẻ: “Em thực sự xúc động khi kể về hình ảnh trước lúc Bác Hồ đi xa, Người muốn nghe một câu hát dân ca. Bác cũng từng dạy: “Muốn yêu Tổ quốc mình phải biết yêu những khúc hát dân ca”. Là thành viên trong đội văn nghệ của Trường Tiểu học Làng Sen, em phấn đấu học thật nhiều làn điệu dân ca, cùng các bạn viết những lời dân ca mới, ca ngợi quê hương, đất nước…”. Bằng cách kể chuyện cảm động cùng với thành tích học tập tốt, Giang được chọn là 1 trong 5 gương mặt thiếu niên tiêu biểu của tỉnh Nghệ An tham dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc.
“Phải gìn giữ văn hóa chín bản, mười mường ”
Đối với Vừ Y Mỵ, Trường PTDT NT – THCS Kỳ Sơn, đã vươn lên đạt nhiều thành tích khi quê em, Mường Lống vẫn còn đói nghèo, khó khăn... Mỵ đã được bố mẹ ưu ái cho học cái chữ. Và học đến bậc học phổ thông là điều phi thường đối với em, bởi đồng bào nơi em sinh sống còn mang nặng tư tưởng: Con gái chỉ cần biết cái mặt con chữ là được. Bởi vậy, việc theo học của Vừ Y Mỵ là cả chặng đường gian nan, vất vả, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc. Thế nhưng, càng học em càng say, càng nỗ lực hết mình để vượt qua những bữa cơm chỉ có rau rừng với muối, chong đèn dầu để học bài, đêm muỗi đốt sưng vù cả bắp chân. Thành tích chứng minh là em luôn dẫn đầu tất cả các môn học.
Để đạt thành tích cao trong học tập, Mỵ tự lập cho mình một thời gian biểu khoa học, ôn luyện những kiến thức thầy, cô truyền đạt và đọc thêm sách. Với em môn Văn được đầu tư nhiều nhất. Theo Mỵ, em muốn giỏi Văn để tả được cái đẹp, sinh động và phong phú của cuộc sống nơi chín bản, mười mường quê em. Đó là những niềm vui của cha bên ché rượu cần sau mỗi mùa vàng bội thu và nỗi buồn của mẹ khi tiễn con gái đeo gùi xuống núi; cả những điệu nhuôn, xuối nồng nàn, nơi con trai và con gái gọi bạn mỗi phiên chợ vùng cao… Từ những quan sát đó em đã chuyển tải vào bài văn của mình với hình ảnh cuộc sống nơi núi rừng chứa chan tình người, tình yêu cuộc sống. Bài văn đó thực sự gây bất ngờ cho thầy, cô giáo và đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi.
Không chỉ học giỏi, Vừ Y Mỵ còn là một liên đội trưởng đa năng, hát hay, có năng khiếu kể chuyện. Trong câu chuyện, em thể hiện ước mơ trở thành một người tích cực trong công tác bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của bản mường…
“Rèn luyện tính tự lập, tự chủ trong cuộc sống”
Từ nhỏ, bố mẹ đã rèn luyện cho Trần Thị Cẩm Ly (Trường Tiểu học Phong Thịnh - huyện Thanh Chương) tính tự lập, tự chủ trong cuộc sống. Suốt 5 năm học tiểu học Ly luôn được thầy, cô giáo biểu dương vì sự sáng tạo, tính gương mẫu và là học sinh giỏi toàn diện. Năm 2014, em đạt giải Nhất giải Toán qua mạng. Để có thành tích đó, khi gặp bài Toán khó, Cẩm Ly luôn tìm nhiều cách giải khác nhau để tìm ra cách giải đơn giản, dễ hiểu hơn. Em cũng luôn chia sẻ cho bạn bè để cùng nhau học giỏi. Còn nhớ, có lần có một bạn nam trong lớp vì nghỉ ốm nên không thể theo kịp bài mới, Cẩm Ly quyết định kèm bạn sau mỗi giờ lên lớp, giảng lại bài mới, đồng thời ôn tập và củng cố những kiến thức cũ. Chỉ sau 1 tuần bạn đã nắm vững toàn bộ kiến thức...
Cẩm Ly được ví như là người chị cả của các bạn, ai có khó khăn gì đều tìm đến em để chia sẻ giãi bày, vì thế trong mỗi phong trào của chi đội, liên đội mà em làm “chủ chòm”, các bạn đều tham gia bằng cả niềm say mê, thích thú. Với cương vị là liên đội trưởng, Cẩm Ly càng cố gắng nhiều hơn, em cùng giáo viên Tổng Phụ trách Đội tích cực phổ biến cho các bạn những trò chơi dân gian, các bài múa dân vũ… Bên cạnh thành tích học giỏi, liên đội trưởng đa năng, Cẩm Ly còn là một vận động viên bóng bàn xuất sắc của huyện Thanh Chương, được chọn làm hạt giống phong trào thể dục, thể thao với giải Ba toàn huyện bộ môn bóng bàn năm 2014. Bí thư Huyện đoàn Thanh Chương, Lê Đình Thọ cho biết: “Cẩm Ly hội tụ cả đức, trí, thể, mỹ. Bên cạnh tinh thần tự lập, em luôn nêu cao tinh thần vì tập thể, sẵn lòng giúp đỡ mọi người”.
Thanh Nga