Chuyển đổi số

Những mẹo hữu ích giúp trẻ em bớt lạm dụng màn hình

Phan Văn Hòa 09/04/2025 06:36

Nghiên cứu cho thấy, việc lạm dụng màn hình có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, giấc ngủ và hành vi của trẻ. Nếu bạn lo lắng vì con mình dành quá nhiều thời gian trước màn hình, đừng bỏ qua những mẹo hữu ích trong bài viết này.

Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ có xu hướng sử dụng thiết bị điện tử như một giải pháp “đa năng” trong việc chăm sóc con cái, từ việc giữ trẻ ngồi yên khi cần hoàn thành công việc, đến việc sử dụng các video giáo dục như một công cụ hỗ trợ học tập. Màn hình dần trở thành “người giữ trẻ” bất đắc dĩ trong nhiều gia đình hiện đại.

Tuy nhiên, việc lạm dụng màn hình, dù với mục đích tốt lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Việc trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết bị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ, bao gồm khả năng giao tiếp, phát triển vận động, thị lực, thói quen ngủ và cả khả năng tự điều chỉnh cảm xúc.

Ảnh minh họa1
Ảnh minh họa.

Thay vì tương tác với thế giới thật, trẻ dễ bị cuốn vào môi trường ảo thụ động, từ đó hình thành sự phụ thuộc vào thiết bị để giải trí, thay vì học cách tự chơi hoặc tương tác xã hội.

Để hỗ trợ phụ huynh trong hành trình giúp con cân bằng thời gian sử dụng màn hình, dưới đây là một số gợi ý về những hoạt động thay thế vừa thú vị, vừa có giá trị giáo dục.

Những hoạt động này không chỉ giúp trẻ giải trí lành mạnh mà còn góp phần phát triển các kỹ năng quan trọng như tư duy sáng tạo, vận động tinh, kỹ năng giao tiếp và khả năng tự lập.

Trong bữa ăn

Thay vì đưa cho trẻ một thiết bị điện tử để giữ chúng ngồi yên, phụ huynh có thể thử một cách đơn giản nhưng hiệu quả hơn bằng cách chuẩn bị một túi đồ chơi.

Theo cô Rowena Mark Ramos (37 tuổi), Trưởng phòng Chương trình giảng dạy tại Trung tâm giáo dục Babilou Family Singapore, chiếc túi nhỏ này có thể chứa các món như nam châm, sách tô màu hay những món đồ chơi mini.

Những hoạt động này không chỉ giúp trẻ giải trí mà còn kích thích sự sáng tạo, từ việc tạo hình với nam châm, tô màu bằng bút sáp, đến việc hóa thân vào thế giới tưởng tượng với những chú khủng long nhỏ xíu.

Cô Amelia Jaishree, giảng viên tại Viện Phát triển trẻ thơ quốc gia Singapore cũng gợi ý một trò chơi đơn giản mà thú vị: “Bạn muốn gì hơn?”, với những câu hỏi vui vẻ như “Bạn muốn ăn một quả dâu tây khổng lồ hay một quả dưa hấu tí hon?”. Cách này không chỉ tạo không khí vui vẻ mà còn giúp trẻ luyện khả năng ngôn ngữ và giao tiếp.

Và thay vì để trẻ xem hoạt hình khi ăn, cô Jaishree khuyên phụ huynh nên cùng con trò chuyện trong bữa ăn. Hãy hỏi trẻ về món ăn hôm nay, cảm nhận của chúng về hương vị, hay đơn giản là kể cho nhau nghe những câu chuyện nhỏ trong ngày.

Hoặc cho trẻ sắp xếp thức ăn thành hình mặt cười hay một cảnh vật nhỏ trên đĩa để tạo sự hứng thú. Phụ huynh cũng có thể chơi trò chơi như bịt mắt trẻ và để trẻ đoán món ăn qua mùi vị hoặc mùi hương, một cách vừa vui vừa giúp phát triển giác quan.

Khi cha mẹ bận rộn với việc nhà

Thay vì dùng màn hình để “giữ chân” trẻ khi bạn bận rộn với việc nhà, hãy thử biến những công việc hàng ngày thành cơ hội cho trẻ tham gia và học hỏi.

Cô Rowena Mark Ramos gợi ý rằng, việc để trẻ cùng bạn gánh vác một phần trách nhiệm gia đình không chỉ giúp con bận rộn mà còn nuôi dưỡng tính tự lập. Bạn có thể đưa trẻ đi mua sắm, nhờ con chuyển quần áo từ giỏ vào máy giặt, gấp quần áo, hoặc đưa cho con một cây chổi nhỏ để quét nhà trong lúc bạn hút bụi.

Trong bếp, trẻ cũng có thể phụ giúp những việc đơn giản như trộn nguyên liệu, chuyển thực phẩm hay rắc muối, những công đoạn nhỏ nhưng khiến trẻ cảm thấy mình là “trợ lý đầu bếp” thực thụ.

Còn theo cô Amelia Jaishree, việc dọn dẹp cũng có thể biến thành trò chơi. Hãy thử thách trẻ bằng những câu như: “Con có thể cất hết đồ chơi vào đúng chỗ trong vòng 2 phút không?”, cách này vừa vui, vừa giúp trẻ rèn kỹ năng tổ chức một cách tự nhiên.

Khi đi du lịch

Thay vì để trẻ dán mắt vào màn hình trong những chuyến đi dài hay khi chờ đợi quá lâu trong lúc bạn làm việc, cô Amelia Jaishree gợi ý một số hoạt động đơn giản nhưng đầy sáng tạo để biến khoảng thời gian "chết" thành những khoảnh khắc thú vị và bổ ích.

Biến mọi thứ xung quanh thành trò chơi: Cùng trẻ đếm số xe buýt, xe đạp hoặc cây bên đường, biến đó thành một cuộc thi nhỏ: “Ai nhìn thấy 10 cái cây trước tiên nào?”

Chơi trò “Tôi đoán là…”: Hãy miêu tả một đồ vật có màu sắc, hình dáng hoặc công dụng để trẻ đoán xem đó là gì. Đây là cách tuyệt vời để rèn luyện khả năng quan sát và tư duy của trẻ.

Chuẩn bị đồ chơi cho trẻ nhỏ: Với trẻ mới biết đi, bạn có thể mang theo những món đồ chơi nhẹ nhàng như con quay fidget, bóng mềm hoặc các món đồ có bề mặt thú vị để kích thích giác quan và giữ bé bận rộn một cách tích cực.

Thử thách trẻ lớn bằng trò đoán thông minh: Với những bé lớn hơn, hãy chơi trò “20 câu hỏi” để rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi, suy luận và phát triển ngôn ngữ.

Ảnh minh họa3
Nghiên cứu cho thấy, việc lạm dụng màn hình có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, giấc ngủ và hành vi của trẻ. Ảnh: Internet

Ngoài ra, cô Amelia Jaishree cũng gợi ý một cách tiếp cận sáng tạo và gần gũi hơn để giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ vào ban đêm thay vì sử dụng các ứng dụng kể chuyện trước giờ đi ngủ.

Theo đó, phụ huynh hãy tắt thiết bị, bật đèn pin và cùng con tạo nên những màn rối bóng trên tường khi kể chuyện. Ánh sáng dịu nhẹ cùng trí tưởng tượng bay bổng không chỉ khiến câu chuyện trở nên sống động hơn, mà còn giúp trẻ dễ dàng thả lỏng và đi vào giấc ngủ một cách tự nhiên.

Trong khi đó, chuyên gia hướng dẫn nuôi dạy con và giáo dục kỹ năng số Carol Loi đưa ra một lời cảnh báo quan trọng đó là không nên dùng màn hình như phần thưởng cho việc hoàn thành bài tập hay hành vi tốt.

Việc dùng game hoặc video như “phần thưởng” có thể vô tình làm giảm động lực học tập nội tại của trẻ, khiến trẻ học chỉ để được chơi, chứ không còn thấy giá trị thực sự của việc học. Thậm chí, trẻ có thể làm bài một cách qua loa, chỉ để sớm được “thưởng” bằng thiết bị, thay vì thật sự hiểu bài và rèn luyện tư duy.

Nhằm giúp cha mẹ định hướng rõ ràng hơn trong việc quản lý thời gian sử dụng màn hình như điện thoại thông minh, máy tính bảng, TV,…ở trẻ nhỏ, Bộ Y tế Singapore đã ban hành bản hướng dẫn cập nhật vào ngày 21 tháng 1 vừa qua.

Hướng dẫn này đặc biệt nhấn mạnh đến các khuyến nghị dành cho trẻ dưới 12 tuổi, bao gồm:

- Không cho trẻ sử dụng màn hình trong giờ ăn hoặc trong vòng 1 giờ trước khi đi ngủ.

- Trẻ dưới 18 tháng tuổi nên tránh hoàn toàn việc sử dụng màn hình, ngoại trừ khi gọi điện video với người thân.

- Trẻ dưới 7 tuổi cũng không nên tiếp xúc với màn hình hoạt động ở chế độ nền, tức là màn hình vẫn mở khi trẻ đang làm việc khác.

Theo Straitstimes
Copy Link

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Những mẹo hữu ích giúp trẻ em bớt lạm dụng màn hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO