Những mô hình kinh tế hộ ở Chiêu Lưu
(Baonghean) -Bằng những cách làm hay, sáng tạo trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế đất rừng, đất đồi phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả nên cuộc sống của bà con các dân tộc Thái, Khơ Mú trên địa bàn xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) đang đổi thay từng ngày.
Đến giờ hẹn, ông Lương Thịnh Vượng - Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu sẵn sàng với “ngựa sắt” chờ ở đầu bản Xiêng Thù để dẫn chúng tôi đi thăm quan những mô hình kinh tế tổng hợp của các gia đình. Đón chào chúng tôi với nụ cười phấn khởi, ông Vượng khoe: “Dân bản nơi đây vui lắm, nhất là giữa tháng 3 vừa qua, trong chuyến công tác tại Kỳ Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã vào thăm một số mô hình kinh tế thoát nghèo bền vững của xã và ghi nhận, khuyến khích nhân rộng ra ở các thôn bản…”. Nói rồi, ông cưỡi xe dẫn chúng tôi vào phía những cánh rừng xanh ngát. Con đường xuyên qua bản Xiêng Thù đã được rải nhựa, tạo thuận lợi cho 147 hộ dân đi lại phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng cường thông thương với các vùng khác. Những vườn cây, đồi rừng trồng hai bên đường được người dân đổ cọc bê tông, giăng dây thép gai bảo vệ cẩn thận. Điều đó cho thấy đồng bào nơi đây ý thức cao trong đầu tư phát triển sản xuất, canh tác và bảo vệ thành quả lao động.
Ở Chiêu Lưu, phong trào trồng cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu, phát triển chăn nuôi tập trung đã được hình thành cách đây dăm năm. Khởi nguồn của phong trào này được chính ông Vượng thực hiện khi ông còn là Bí thư Đoàn xã. Lúc ấy, được sự hỗ trợ cây giống của huyện và tỉnh, anh cán bộ Đoàn đã nhận đất, trồng trên 120 gốc xoài, 100 gốc nhãn. Nhiều người lúc ấy còn nghi ngại về khả năng thành công. Nhưng sau 3 năm, xoài, nhãn cho thu hoạch, kinh tế gia đình của ông Vượng ngày càng khấm khá, ông lại mạnh dạn nhận đất trồng mấy ha rừng nguyên liệu và đầu tư chăn nuôi đàn bò trên 30 con. Nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ rừng trồng và đàn bò đã giúp gia đình ông có điều kiện nuôi con ăn học và dựng lại nhà mới khang trang. Bởi vậy, rất nhiều hộ dân trong bản, trong xã đã mạnh dạn làm theo.
Đến nay, cả xã có hàng chục mô hình kinh tế tổng hợp như mô hình của ông Chủ tịch xã. Ông Vượng tâm sự: “Hồi đó, mình đi bộ đội về, hoạt động phong trào Đoàn sôi nổi nhưng cứ băn khoăn vì sao đất đai bản làng mình rộng hơn nhiều nơi khác nhưng dân bản còn nghèo. Thế rồi, mình bàn các thành viên trong gia đình cùng ra sức trồng các loại cây ăn quả, đẩy mạnh chăn nuôi gà, vịt, bò, dê theo hướng để bán cho thương lái. Mấy năm đầu còn có những khó khăn vì đường đi lại khó khăn và doanh nghiệp chưa vươn tới vùng này. Nhưng vài ba năm nay, đường đi lại thuận lợi, doanh nghiệp họ vào tận nơi thu mua, khỏe lắm…”.
Chị Lương Thị Phím chăm sóc đàn lợn. |
Trước năm 2010, gia đình chị Lương Thị Phím và anh Lương Văn Xó (bản Xiêng Thù) là một trong những hộ nghèo nhất của xã. Nhưng đến cuối năm 2013, gia đình anh chị đã xây được nhà mới kiên cố và chính thức thoát nghèo. Quá trình thoát nghèo của gia đình chị Phím được khởi động bằng sự hỗ trợ của Quỹ xóa đói giảm nghèo đầu tư cho 2 con bò, 10 con lợn, 50 con gà con và một số kinh phí đào ao thả cá. Với sự giúp sức của cộng đồng và học tập một số mô hình kinh tế thành công ở xã, gia đình chị Phím, anh Xó tăng cường lao động, chăn nuôi theo kỹ thuật được hướng dẫn. Sau 3 năm kiên trì, gia đình nghèo này đã xuất được nhiều lứa lợn thịt, gà và cá, đồng thời nhân đàn bò lên 7 con. Chị Phím hiện nay còn là một trong những người “mát tay”, nắm chắc kỹ thuật chăm lợn nái để chủ động con giống trong chăn nuôi. Chia sẻ với chúng tôi, chị Phím cho biết: “Có được như bựa ni là nhờ các cấp hỗ trợ nguồn vốn, giúp đỡ về kiến thức, kỹ thuật. Với lại, mình cũng phải mày mò học theo những người làm giỏi, rút kinh nghiệm trong chăn nuôi để đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình”.
Còn với gia đình ông Tương Văn Dương và bà Lương Thị Xuân mới được vận động chuyển từ trong khe ra bản Xiêng Thù từ năm 2010. Căn nhà sàn của ông bà còn dựng tạm bợ bên bìa rừng, nhưng với sự hỗ trợ ban đầu của Quỹ xóa đói, giảm nghèo, từ 10 con bò, đến nay, đàn bò đã tăng lên 25 con lớn nhỏ. Ông Dương dự tính đến cuối năm 2014 sẽ bán hơn nửa đàn bò để làm nhà kiên cố hơn. “Mấy chục năm qua, gia đình tui loay hoay với vạt rẫy trong khe. Có lúc đủ ăn, nhưng nếu hạn hán lại đói. Cái nghèo vì thế cứ theo mãi. Giờ được chuyển ra gần đường hơn và được giúp đỡ con giống, cách chăn nuôi, đàn bò phát triển tốt, gia đình tui vui lắm…”- Ông Dương tâm sự. Với đà phát triển như vậy, có thể trong vài năm nữa, gia đình ông Dương cũng như hàng chục hộ khác đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa sẽ thoát nghèo.
Thống kê của UBND xã Chiêu Lưu, đến nay, trên địa bàn đã có 30 mô hình phát triển chăn nuôi hàng hóa với quy mô hàng trăm con gà, lợn, trâu, bò. Riêng đàn bò của xã có trên 5.000, con sẵn sàng cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đồng bào trên địa bàn xã còn tập trung trồng cây ăn quả, nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng rừng nguyên liệu. Đến nay, các đồi núi trọc đã phủ xanh rừng tràm, xoan đâu 3 năm tuổi và nhiều diện tích được trồng các loại cây gỗ bản địa có giá trị kinh tế cao. Sự chuyển biến tích cực của dân bản trong sản xuất, chăn nuôi đã góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 70% thì đến nay đã giảm xuống còn 49,4%.
Đời sống từng bước được nâng lên, đồng bào ở 11 bản làng của xã cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn này, cùng với sự hỗ trợ xi măng của tỉnh và một số kinh phí của huyện, đồng bào các bản Tạt Phong, Lưu Thắng, Hồng Tiến, Khe Nằn, bản Lăn… đang sôi động với phong trào góp sức, góp của xây dựng các tuyến đường nội bản, liên bản bằng bê tông. Trước những đổi thay của bản làng, ông Kha Văn Việt, một trong những người cao tuổi ở bản Lăn chia sẻ: “Nhìn thấy con cháu ta hôm nay được học hành đến nơi đến chốn, bản làng đi lại thuận lợi, nhiều nhà có xe máy, mở rộng giao lưu với các vùng… những người già như ta thực sự vui mừng trước sự phát triển đi lên của dân bản”.
Tạm biệt chúng tôi, ông Lương Thịnh Vượng - Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Cấp ủy, chính quyền và đồng bào của xã đang ra sức nhân rộng những mô hình kinh tế hộ hướng tới sản xuất, chăn nuôi hàng hóa. Đây được xem là giải pháp xuyên suốt để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống dân bản. Chúng tôi hy vọng công cuộc này sẽ đạt nhiều kết quả hơn nữa, bởi trong nhận thức và hành động của dân bản đang chuyển biến theo định hướng đó…”.
Nguyên Nguyên