Những mùa quả trên bãi phù sa

04/09/2013 09:24

(Baonghean) - Hàng năm, nước sông Lam thường dâng cao làm ngập lụt trên vùng đất bãi huyện Nam Đàn. Song, đối với bà con vùng Năm Nam - huyện Nam Đàn, vùng đất bãi luôn được xác định là tiềm năng lớn, sản phẩm sản xuất trên vùng đất bãi không còn mang tính tự cung, tự cấp mà đã vươn lên sản xuất theo hướng hàng hóa...

Thời điểm này, bà con nông dân xã Nam Tân, Nam Lộc (Nam Đàn) đang vào cuối mùa thu hoạch đậu tằm trên bãi. Theo bà con, đậu tằm không phải là cây trồng mới, song nếu nắm bắt thời vụ chuẩn xác, đây chính là cây cho thu hoạch "bở ăn" trên vùng đất bãi ven sông. Cây đậu vốn dễ trồng, dễ thu hoạch. Hàng năm, sau mùa thu hoạch ngô xuân, lạc xuân, đến tháng 5 Âm lịch bắt đầu ra giống trồng đậu. Sau gần 2,5 tháng là có thu hoạch. Đặc biệt, kinh phí đầu tư trồng đậu không nhiều, chỉ khoảng 200 ngàn đồng/sào.

Chị Lê Thị Hương - xóm 5 có 2 sào đậu trên đất bãi, phấn khởi cho biết: "Trồng đậu tranh thủ được thời vụ. Năm nay năng suất đậu nhà tôi đạt 0,4 tạ/sào. Giá đậu bán ra cho tư thương 18 ngàn đồng/kg, gia đình tôi lãi ròng gần 2,5 triệu đồng/sào". Hiện nay, toàn xã Nam Tân có trên 50 ha/70 ha vùng bãi thấp được đưa vào trồng đậu vụ hè thu. Ông Trần Xuân Hùng - Cán bộ BVTV xã Nam Tân, cho hay: Đậu tằm trở thành cây hàng hóa chủ lực trên đất bãi. Năng suất bình quân đạt 8 tạ/ha, thu nhập trên 14 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, bà con có thể thu nhập lãi ròng trên dưới 9 triệu đồng/ha. Hiệu quả từ trồng đậu gấp nhiều lần so với trồng lúa và các cây trồng khác.



Chăm sóc ớt cay tại xóm 1, Khánh Sơn (Nam Đàn).

Cùng với cây đậu, cây dưa hấu trên vùng bãi Nam Tân, Nam Lộc cũng được xem là loại cây trồng chủ lực, được bà con đưa vào sản xuất ổn định trên đất bãi. Khác với cây đậu, dưa hấu được trồng trên đất bãi cao. Ông Nguyễn Văn Hải - xóm 7 Nam Tân có 2 sào đất bãi, 1sào bãi thấp trồng đậu, 1 sào bãi cao trồng dưa. Anh cho biết: "Mấy năm nay, nhờ đưa vào bộ giống mới Phù Đổng, Hoàn Châu nên dưa quả to, cấn đối và ngọt. Để vừa được mùa, được giá, chúng tôi ra giống theo phương thức rải vụ từ tháng 4 đến tận tháng 6. Mục đích để tránh thu hoạch đồng loạt, không ế ẩm, không bị ép giá".

Để cây dưa có hiệu quả, theo anh Hải, toàn bộ diện tích dưa phải che phủ ni-lon để tránh cỏ, chuột, sâu bệnh phá hoại. Thực hiện quy trình chăm bón trong 4 thời điểm, đó là dưa phát triển 10 - 15 ngày (bón lót), phát triển cành lá (bón thúc), giai đoạn dưa ra trái, quả to (bón quả) và giai đoạn bón quả ngọt. Đặc biệt, anh cùng bà con bỏ tiền đầu tư máy bơm để lấy nước từ kênh tưới của xã phục vụ trồng dưa. Hiện nay, 6/7 xóm của xã Nam Tân đều phát triển cây dưa hấu trên vùng đất bãi với tổng diện tích gần 20 ha. Bình quân mỗi xóm có 60 hộ trồng. Nhiều hộ tại xóm 5, xóm 6, xóm 7 có từ 4 - 5 sào dưa.

Đặc biệt, mỗi xóm đầu tư 7 - 10 máy bơm nước để tưới ẩm cho dưa lúc nắng hạn. Theo tính toán của anh Hải, đầu tư cho dưa hấu mất khoảng 800 ngàn đồng/sào, gấp 4 lần trồng đậu nhưng lợi nhuận từ trồng dưa rất lớn. Sau hơn 2 tháng thu hoạch, tư thương về mua dưa tận ruộng. Sau khi trừ chi phí, anh có lãi gần 5 triệu đồng/sào. Như vậy, mỗi năm trên 2 sào đất bãi ven sông Lam (bãi thấp và bãi cao) anh Hải có thu nhập không dưới 7 triệu đồng/sào từ trồng dưa hấu và đậu. Đây là một nguồn thu nhập đáng kể đối với bà con nông dân vùng Nam Tân, Nam Lộc.

Vùng bãi ven Năm Nam còn khẳng định thế mạnh cây ớt cay trên đất Khánh Sơn với diện tích trên 30 ha. Cây ớt được bà con trồng trong vụ đông xuân, chủ yếu giống ớt lai Trung Quốc, quả dài 20 - 22cm. Hàng năm, vào độ tháng 9 Âm lịch (sau mùa mưa lụt), bà con ra bãi làm đất, đánh luống, tháng 10 mới đưa giống ớt ra trồng. Tùy vào tập quán riêng, giống ớt có thể vãi khô bằng hạt trên luống đất làm sẵn, hoặc ươm cây rồi mới đưa ra bãi trồng. Trồng ớt sau 5 tháng có thu hoạch. Bà con thu hoạch rải vụ kéo dài liên tục tận các tháng 3, 4 và tháng 5 (nếu thời tiết thuận lợi, có thể kéo dài thu hoạch đến hết tháng 8). Dịp này, công tác bảo quản, phơi khô sản phẩm ớt tiện lợi, sau 10 ngày là có bán. Ông Nguyễn Trọng Phúc - xóm 5 - Khánh Sơn 2 trồng hơn 1 sào ớt cay trên đất bãi. Vụ đông xuân 2012, ông thu hoạch được 1,4 tạ ớt khô/sào, giá bán ra thị trường đạt 30-45 ngàn đồng/kg, trừ chi phí lãi trên 5 triệu đồng/sào.

Theo ông Hà Thanh Cường- xóm trưởng xóm 1, Khánh Sơn 1, thì ớt cay là cây trồng hàng hóa mới, có giá trị kinh tế cao nhất trên vùng đất bãi Năm Nam. Vụ xuân 2011, bà con nông dân trong xã đã nhận thầu cả đất bãi của xã Hồng Long và Nam Lộc để trồng ớt cay vụ đông, đưa tổng diện tích ớt của xóm lên 10 ha. Nhiều hộ như ông Phạm Văn Yên, Hà Văn Hòa, Hoàng Văn Thế có từ 5-6 sào ớt/vụ trên đất bãi ven sông, thu nhập khá ổn định...

Toàn huyện Nam Đàn hiện có trên 6.700 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 2.100 ha đất bãi tập trung chủ yếu tại 5 xã vùng Năm Nam và các xã Xuân Hòa, Hùng Long, Xuân Lâm, Hùng Tiến, Thị trấn. Để góp phần tạo nên hiệu quả cây trồng trên bãi, năm 2010 Huyện ủy Nam Đàn đã ban hành Nghị quyết số 09 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí đưa vào ứng dụng các giống cây mới, khai thác triệt để các công thức cây trồng, mùa vụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.

Hàng năm, trên các chân bãi ven sông, huyện tích cực vận động các địa phương bố trí sản xuất 3 vụ với các cây trồng phù hợp. Vụ xuân trồng lạc, ngô. Vụ hè thu trồng đậu tằm, dưa hấu. Vụ đông trồng ớt cay, ngô xen màu. Ngoài các sản phẩm ngô, lạc, rau màu truyền thống thì cây đậu tằm, dưa hấu và ớt cay giống mới được đánh giá là 3 sản phẩm hàng hóa cho thu nhập nổi trội trên vùng bãi. Vấn đề quyết định thành công trong sản xuất vùng đất bãi là tính thời vụ để chủ động lịch ra giống chuẩn xác.

Đặc biệt, Nam Đàn chủ động thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng mô hình cũng như bao tiêu sản phẩm. Đối với cây ớt cay trên vùng bãi Khánh Sơn, Công ty TNHH Tuấn Linh (Bắc Ninh) hỗ trợ 40% giá giống và bao tiêu sản phẩm, Nam Đàn hỗ trợ 60% giá giống. Vụ xuân 2011, bà con nông dân nơi đây đã chủ động mở rộng diện tích ớt cay vụ đông, ký 30 ha ớt trồng theo hợp đồng để bán cho doanh nghiệp. Đặc biệt, theo kế hoạch, vụ đông 2013 này, được sự chấp thuận của huyện, Công ty Stey Á Châu trên đà xây dựng 5,5 ha mô hình trồng cà rốt tại vùng bãi xóm 7 - Nam Tân (đất ngân sách). Phương thức triển khai được giao khoán cho các hộ cá nhân. Các hộ trồng cà rốt được hỗ trợ 30% chi phí vật tư phân bón dựa theo nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Về phía Công ty sẽ đảm nhận khâu bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con. Mức giá theo hợp đồng đối với sản phẩm cà rốt đạt tiêu chuẩn loại 1 là 3 ngàn đồng/kg.

Thời gian tới, huyện Nam Đàn đang có kế hoạch sẽ tiếp tục kêu gọi, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên đất bãi, góp phần đa dạng hóa danh mục cây trồng hàng hóa cho thu nhập cao. Tuy nhiên, để làm được điều này, Nam Đàn cần đưa ra cơ chế ràng buộc trong việc đảm bảo nguồn giống chất lượng, giá cả phù hợp và khung thời gian thu mua sản phẩm. Khuyến khích sản xuất gắn liền với cơ chế hỗ trợ để người dân chủ động hơn trong đầu tư thâm canh.


Bài, ảnh: Lương Mai

Mới nhất
x
Những mùa quả trên bãi phù sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO