Những năm đầu thành lập Đảng và vụ án Hồng Kông

06/05/2011 09:58

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, cao trào đấu tranh cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng phát triển mạnh, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.

Phong trào bùng nổ từ đầu năm 1930 nhưng phát triển đến đỉnh cao ở Nghệ An, Hà Tĩnh vào các tháng 8, 9, 10 và kéo dài sang đầu năm 1931. Trước sự phát triển của phong trào, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư, báo cáo cho Quốc tế Cộng sản và Quốc tế Nông dân, đề nghị giúp đỡ các nạn nhân bị thực dân Pháp khủng bố, đồng thời nhấn mạnh việc phải làm cho nông dân hiểu rõ: Cần tiến hành kết hợp đấu tranh kinh tế với chính trị, làm cách mạng ruộng đất "chứ không phải để tiến hành một cuộc khởi nghĩa địa phương".(1)

Bên cạnh đó, Người cũng nhấn mạnh việc phải ra sức củng cố và phát triển Đảng. Ngày 20-4-1931, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, yêu cầu phải tăng cường phát triển lực lượng của Đảng đều khắp cả Bắc - Trung - Nam, chú trọng phát triển các tổ chức Công hội, Nông hội, Mặt trận...


Trong các bức thư gửi Quốc tế Cộng sản và các bài viết kêu gọi ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Xô viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu tóm tắt tình hình địa lý, nhân văn, hành chính và phong trào cách mạng của hai tỉnh, tố cáo những thủ đoạn đàn áp dã man của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều. Không chỉ làm hết sức mình để kêu gọi các tổ chức quốc tế, các đảng anh em có những hình thức đấu tranh phối hợp ủng hộ, giúp đỡ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh về mọi mặt, góp phần ngăn chặn sự đàn áp đẫm máu của bọn đế quốc đối với phong trào, Người còn nhấn mạnh: "Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu "đỏ".(2)


Thông qua những báo cáo của Người, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đánh giá cao cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta, (đặc biệt là Xô viết Nghệ Tĩnh) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời đánh giá công lao, uy tín của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ này.

Tại phiên họp ngày 11-4-1931, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản nhất trí quyết nghị: Công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương từ nay là một chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản.


Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng Đông Dương, bọn đế quốc ra sức khủng bố, đàn áp. Nhiều nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam ở trong và ngoài nước bị bắt và giam cầm (Trần Phú, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng...) và Nguyễn Ái Quốc trở thành một nhân vật quan trọng trong kế hoạch lùng bắt của thực dân Pháp, kèm theo một án tử hình vắng mặt của toà Đại hình Vinh theo phán quyết số 115 (10-10-1929).

Trong bối cảnh đó, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng báo cáo về Văn phòng Ban Phương Đông, đề nghị được chuyển công tác lên Thượng Hải. Nhưng đề nghị chưa được thực hiện thì ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc (tên gọi khi đó là Tống Văn Sơ) bị mật thám Anh bắt tại số nhà 186, phố Tam Kung (Cửu Long, Hồng Kông).


Nhà tù Hồng Kông - nơi giam giữ Nguyễn Ái Quốc năm 1931.
Ảnh tư liệu: L.Y

Biết Nguyễn Ái Quốc bị bắt, Quốc tế Cộng sản thông qua Quốc tế cứu tế đỏ đã yêu cầu luật sư Lôdơbai (F.H. Loseby), một luật sư tiến bộ người Anh, khi đó là Chủ tịch công ty luật gia ở Hồng Kông giúp đỡ.

Thời gian Tống Văn Sơ bị giam giữ cũng đồng thời là khoảng thời gian nước rút của cuộc đua giữa một bên là gia đình luật sư và những người bảo vệ Tống Văn Sơ, một bên là sự cấu kết có điều kiện của mật thám Anh và Pháp muốn hãm hại Người.

Dưới sức ép của dư luận và những tác động của luật sư Lôdơbai, vụ án Tống Văn Sơ được đưa ra xử trước Pháp viện tối cao. Lần đầu tiên trong lịch sử thuộc địa, Toà án tối cao phải xét xử công khai một bản án chính trị.

Vụ xét xử kéo dài tới 9 phiên, diễn ra trong không khí căng thẳng, quyết liệt từ phiên thứ nhất (31-7-1931) đến phiên cuối cùng (12-9-1931), nhưng việc đòi trả tự do cho Tống Văn Sơ không được giải quyết dứt điểm.

Luật sư Lodơbai cùng cộng sự đã quyết định chống án lên Viện Cơ mật Hoàng gia Anh. Tiền án phí và những thủ tục bắt buộc cho việc kháng án đã được chính luật sư lo liệu đầy đủ. Nhờ những nỗ lực đầy vô tư và chí tình đó, Toà án Viện Cơ mật Hoàng gia Anh đã đồng ý trả tự do cho Tống Văn Sơ.


Ngày 28-12-1932, Tống Văn Sơ được tự do. Song khi đi đến Singapore, Tống Văn Sơ lại bị buộc quay trở lại Hồng Kông và ngày 19-1-1933, Người lại bị bắt giam. Một lần nữa, gia đình luật sư Lôdơbai lại bênh vực và cứu Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù.

Ngày 22-1-1933, với sự giúp đỡ của gia đình luật sư cùng những người bạn và Thống đốc Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ đã bí mật rời Hồng Kông đi Hạ Môn (Phúc Kiến, Trung Quốc).


Khoảng mùa hè năm 1933, khi tình hình về vụ án Tống Văn Sơ có dấu hiệu lắng xuống, Nguyễn Ái Quốc quyết định rời Hạ Môn lên Thượng Hải, tìm cách bắt liên lạc với những đồng chí của mình.

Mùa xuân năm 1934, Nguyễn Ái Quốc rời Thượng Hải đi Vlađivôxtốc (Liên Xô), trở về với quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Người muốn bắt tay ngay vào công việc, nhưng các đồng chí lãnh đạo Quốc tế Cộng sản đề nghị Người đi an dưỡng một thời gian để phục hồi sức khoẻ...

(1).Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 567.

(2).Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 71.


M.Q-C.K

Mới nhất
x
Những năm đầu thành lập Đảng và vụ án Hồng Kông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO