Những ngọn đèn dầu

26/02/2012 15:20

(Baonghean)- Nhà có bảy người. Bố - mẹ và năm đứa con. Mấy đời, nhà chẳng ai làm quan, gốc nông dân “xịn”. Người bố tuy là nông dân, nhưng da ông trắng mịn màng như là con gái. Người lạ gặp chẳng ai nghĩ ông là người lao động chân tay. Mẹ cao lớn, nhưng da đen trũi. Năm đứa con, chỉ hai thằng em sinh đôi có nước da trắng và cái mũi dọc dừa của Bố. Còn ba đứa chị đều mũi tẹt, da đen của mẹ. Nhà đông người, mẹ thường bảo... cả một bầy người như bầy chim há miệng chờ ăn. Lao động chính vẫn là bố và mẹ.


Năm chị em đều được bố mẹ khuyến khích tới trường. Nhưng chị cả, rồi chị hai lần lượt từ giã trường lớp vì những khoản tiền nộp mỗi khi vào năm học mới quá lớn so với sức gánh vác và thu nhập của gia đình. Các chị chẳng hề than oán. Cả làng ai chẳng vậy, nhà nào cũng cho con đi học, khi chúng biết viết tên mình rồi thôi.


Ba chị em còn lại được ưu tiên đến trường. Người mẹ đêm đêm kéo sợi, chị cả và chị hai được mẹ dạy cho cách thêu thùa, dệt vải. Rồi các chị thêu những chiếc váy hoa trên khung cửi với hình những bông hoa, con thú thật đẹp mắt.


Có hôm được nghỉ học, hai thằng em sinh đôi theo chị cả và chị hai vào nhà ngoại hái lá dâu cho tằm. Cái chòi nhỏ của ngoại lọt trong rừng dâu bạt ngàn trên núi, có cả những cây cọ xoè tán rộng với những chùm quả màu xanh lúc lắc. Những cây chè xanh cao quá đầu người. Rau má, rau mùi tàu mọc lan man dưới đất... Vườn đầy tiếng chim hót, có cả tiếng của những con hoẵng lạc đàn oang oác, khắc khoải vọng từ những quả đồi. Hai thằng em thích thú trèo lên những cây dâu để bẻ cong cành cho các chị dễ hái lá, chúng còn lùng sục tổ chim trên những ngọn cây rồi tranh nhau tổ nào của thằng anh, tổ nào của thằng em... Cứ hễ hôm nào được nghỉ học chúng đều theo các chị tới những khu rừng. Khi hái dâu, khi hái măng, khi chặt củi.




Đứa con gái thứ ba thì chúa sợ đỉa, vắt, rắn nên toàn được phân công ở nhà nấu cơm. Nó sáng dạ, mới đi học lớp một đã biết cầm tờ báo đọc vanh vách. Bố mẹ vui, thầy cô yêu quý nó. Nhưng, đầu năm học, tiền xây dựng trường lại làm bố mẹ đau đầu - mẹ bảo bỏ học đi thôi, con gái học nhiều chữ làm gì? Nó khóc, bỏ ăn. Bố mẹ thương quá lại bấm bụng bán gà bán qué. Đêm đêm, khi mẹ và các chị dệt vải, kéo sợi, bố đi uống nước chè xanh với hàng xóm thì ba chị em nó chụm đầu học bài. Ngọn gió lách qua tấm liếp bằng nứa thổi phất phơ khiến ngọn đèn dầu đôi khi làm sém đôi mày của mấy đứa trẻ.


Rồi chị cả, chị hai lần lượt lấy chồng. Bố mẹ vẫn không quên để phần các chị mỗi khi nhà có nồi canh ngon. Ba đứa em vẫn được đến trường trong sự bao bọc, giúp đỡ của hết thảy những người xung quanh chúng. Bố và mẹ suốt ngày nai lưng trên những thửa ruộng, trên những nương ngô, rẫy sắn. Thu nhập chính cho các con đi học là từ rừng tre và rẫy sắn bạt ngàn.


Những ngày nghỉ, ba đứa kéo nhau lên rừng, khi thì cùng bố mẹ làm cỏ cho vườn tre, chăm chút vuốt ve từng búp măng mũm mĩm để chúng mau lớn. Khi thì dắt bò dẫm vòng quanh những thửa ruộng bậc thang để mẹ cấy kịp vụ mùa; khi lại vào tận rừng sâu chặt cây chuối, lá ngòn cho lợn rồi xuôi bè về... Việc gì chúng cũng làm được hết.


May mắn thay, ba chị em chúng đều học hành đâu ra đấy. Vì lời răn của bố: “Đứa nào cảm thấy không học nổi thì bỏ sớm, mà đã học thì phải nên người”. Chúng cưỡi trên lưng hổ rồi, không xuống được nữa. Đứa nào cũng ráng hết sức mình để là những học sinh được thầy cô, bạn bè yêu mến bởi thành tích học tập. Hai thằng học xong lớp 12 vào lúc chị ba của chúng đang chuẩn bị bước sang năm cuối của trường Sư phạm. Một thi vào đại học, một phải đợi chị nó ra trường...


Mẹ bệnh nặng! Bệnh viện trả mẹ về, thằng út tức tốc bám theo chuyến xe khách cuối cùng về đến quê khi mà mẹ chẳng nhận ra nó nữa. Cũng có thể, mẹ vẫn nhận ra nó nhưng mẹ không thể mở mắt, không thể giơ tay lau những giọt nước lăn dài trên khuôn mặt nó. Các chị, các anh, tất cả mọi người đều nhìn mẹ bằng ánh mắt tuyệt vọng. Bố ngồi cạnh mẹ luôn tay xoa bóp hai bàn tay mẹ, rồi áp tay mẹ vào má mình.


Mẹ trút hơi thở cuối cùng... Sau tiếng kẻng báo tang của bản, ngôi nhà sàn tấp nập người đến chia buồn và chung tay lo việc tang ma.


Những tấm vải trắng phủ lên, này là vải của chị cả, này là vải của chị hai, này là vải hai anh rể, này là vải của chú, của cô, của cậu, của dì, này là vải của bố, của thầy mo... Ba chị em nó chưa kịp lập gia đình nên chưa được đắp lên người mẹ những tấm vải trắng!


Người ta cắt những tấm vải trắng thô thành quần áo để tang cho mẹ, riêng thằng út thì thầy mo bảo: “Cháu thôi đừng mặc, phong tục dân tộc mình... nếu một trong hai bố mẹ mất, thì các con sẽ trừ lại một đứa không phải mặc đồ tang, coi như đứa con ấy sau này sẽ là đứa để tang chính cho người bố hoặc mẹ, cháu mà cũng mặc đồ tang nữa thì sau này tội bố cháu”. Bố đã đứng bên cạnh thầy mo từ lúc nào. “Thầy ơi, con nào cũng là con của vợ chồng tôi, thầy hãy để cháu được mặc đồ tang cho mẹ, tôi không quan trọng vấn đề sau này tôi mất”.


Thi thể mẹ bọc trong màu trắng và được đặt ở gian nhà ngoài. Bảy chiếc đèn dầu được thắp lên quanh mẹ sáng lay lắt trước những cơn gió đêm. Dường như những ngọn đèn đang cố hết mình bừng lên sưởi ấm tấm thân lạnh của mẹ. Một ngọn đèn trong đó rồi sẽ được cất lên bàn thờ cho mẹ


Một lát cắt lạnh lùng chĩa vào trái tim những đứa con.


Ngọn đèn lớn tắt, phải vì sự vô tình của chúng? Có phải vì không ai để ý ngọn đèn của mẹ đang cạn dầu, nếu biết, kịp đổ dầu vào thì ngọn đèn sẽ còn sáng rất lâu? Hay chỉ tại bấc đèn không thể tự sáng lên được nữa, dẫu đèn vẫn đầy dầu?!


Kha Thị Thường

Mới nhất
x
Những ngọn đèn dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO