Những ngọn đèn trong đêm

(Baonghean) - Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc Vàng” lần thứ 3 do Báo Nghệ An phối hợp với Hội Nhà báo Nghệ An tổ chức vừa khép lại. 11 tác phẩm đoạt giải là 11 câu chuyện có vui, có buồn gắn với những kỷ niệm, những khoảnh khắc bấm máy đáng nhớ của các tác giả. Cùng với đó là biết bao nhiêu cảm xúc mà mỗi bức ảnh mang lại cho người xem.

Nhận xét về bức ảnh “Phụ nữ bản Tùng Hương xã Tam Quang (Tương Dương) đi xúc cá ban đêm” của tác giả trẻ Hồ Phương đạt giải Nhất “Khoảnh khắc Vàng” năm nay, nhà báo - NSNA Sỹ Minh cho biết: “Bức ảnh hoàn hảo ở bố cục, màu sắc và đường nét. Chủ đề của bức ảnh, nhờ vậy mà hết sức nổi bật. Nó khiến cho bức ảnh với các nhân vật trong khuôn hình trở nên mềm mại và ấm áp”.
Đó là nhận xét trên góc độ của một nhà chuyên môn. Còn tôi, cũng như nhiều người xem, muốn nói về nỗi xúc động của mình khi đứng trước bức ảnh. Trên cái nền đen của bao la đêm tối, bóng những người đàn bà mải miết xúc cá trên dòng suối xiết chảy với tất cả vẻ tảo tần, nhẫn nại. Các chị là những người phụ nữ Thái của bản Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương) đời nối đời gắn với con suối Nậm San. Con suối không chỉ mang đến nguồn nước mát mà còn mang rêu, mang cá đến cho những bữa cơm đạm bạc. Trên những đôi tay ấy là những chiếc vinh (dụng cụ bắt cá) mà người dân nơi vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát sáng tạo ra để bắt cá đã hàng trăm năm nay với phần lưới thõng dài theo dòng nước chảy. Nó giản đơn, mộc mạc như chính người vùng cao và cuộc sống của họ. Dưới đáy lưới, những vũng sáng được phản chiếu bởi ngọn đèn pin được buộc trên đầu người bắt cá, nơi chân họ dòng nước duềnh lên lấp lánh lân tinh. 
Tôi đã cảm thấy rất rõ, như thể mình chính là tác giả Hồ Phương trong cái đêm mưa lạnh run người tháng 12 năm trước, đến với bản xa Tùng Hương. Đó cũng là một chuyến đi trong vô vàn chuyến trải nghiệm ở cơ sở mà một cộng tác viên mảng ảnh miền núi của Báo Nghệ An như Hồ Phương đã từng trải qua. Anh nhà báo, sau một ngày rong ruổi, ngồi bó gối trong căn nhà sàn, nghe tiếng gió rít lẫn tiếng mưa bay ngoài trời đọng trên cây lá và ngắm màn đêm dày đặc đang buông. Cái bản cổ này thật là yên tĩnh, yên tĩnh đến phát buồn lên được. Hẳn rằng, anh sẽ nghĩ thế và dần chìm vào trong giấc ngủ nếu không chợt thấy phía xa kia những đốm sáng như những con đom đóm đang lập lòe bay.
Tiếng hỏi cất lên, và ông chủ nhà rổn rảng trả lời rằng, anh không biết sao, đó là ánh sáng những ngọn đèn mà đàn bà, con gái bản này đi bắt cá đó. Lập tức, phản xạ của một nhà báo khiến cho anh bật dậy, cuống cuồng xỏ dép và lao ra. Nhưng trời thật lạnh. Và không thể “đóng bộ” mà đi bắt cá được. Thế là, anh nhà báo ngỏ ý mượn chủ nhà đôi dép nhựa bộ đội, chiếc quần đùi cũ cùng với tấm áo khoác mỏng. Và, anh đã hòa vào bước chân những người phụ nữ trên dòng Nậm San ấy, chứng kiến một buổi bắt cá với tất cả sự háo hức.
Những người phụ nữ xếp thành hàng ngang, đi cùng nhau theo hướng dòng nước chảy. Mỗi người đi xúc đều đeo lên đầu mình một chiếc đèn pin dùng để soi cá trong chiếc vinh của mình xúc được để bỏ vào oi (giỏ). Hồ Phương kể lại: “Vì trời mưa, ánh sáng của chiếc máy ảnh Nikon D3000 của tôi không thể đủ sáng. Nếu tôi dùng chiếc đèn flat to trong chiếc ba lô đeo sau lưng thì sẽ làm mờ đi ánh sáng của những chiếc đèn pin của các chị đang xúc cá. Trong một khoảnh khắc, nhờ hai chiếc đèn pin của hai người đang xúc cá bên cạnh đứng sau lưng, tôi đã lấy được ánh sáng mình cần. Lúc đó tôi phải quỳ xuống dòng nước để giữ thật chặt máy ảnh, đồng thời tránh cho nước mưa rơi vào ống kính”.
l Phụ nữ bản Tùng Hương (xã Tam Quang - Tương Dương) đi xúc cá ban đêm - Tác phẩm của tác giả Hồ Phương đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” năm 2014.
 Phụ nữ bản Tùng Hương (xã Tam Quang - Tương Dương) đi xúc cá ban đêm - Tác phẩm của tác giả Hồ Phương đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” năm 2014.
Cái khoảnh khắc anh nhà báo quỳ xuống dòng nước xiết đã làm nên bức ảnh với bố cục và ánh sáng tuyệt vời. Nó ghi lại chân thực, xúc động cái vẻ đẹp của người phụ nữ vùng cao trong lao động. Nó xứng đáng với giải Nhất ở nhiều tiêu chí, trong đó có cả sự dấn thân, sự sẻ chia của một nhà báo. Bức ảnh này còn là “bức ảnh lịch sử” với tác giả Hồ Phương, vì sau khi đoạt giải ảnh này, anh được chính thức đứng chân trong đội ngũ nhà báo của Báo Nghệ An mà đối với anh thì “đó là niềm vui ngỡ chỉ có trong mơ” và “ đó cũng là động lực buộc tôi phải đi nhiều, phải dấn thân hơn nữa trong nghề”.
Còn tôi, tôi muốn gọi tên bức ảnh là “những ngọn đèn trong đêm”. Ngọn đèn ấy, không chỉ là ngọn đèn trên mái đầu những người phụ nữ Thái kia, mà còn chính là ngọn đèn trong lòng họ tỏa rạng ánh sáng của niềm vui lao động, niềm vui được nhìn thấy chồng, con mình có thêm một món ngon trong bữa cơm đạm bạc, là ánh sáng của sự tảo tần, chịu thương, chịu khó, và nữa, còn là ánh sáng của lửa nghề trong lòng nhà báo trẻ mà vì nó người ta có thể quên đói, quên rét, quên cả những hiểm nguy.
Thùy Vinh

tin mới

Báo chí dữ liệu

Báo Nghệ An: Bước chuyển từ báo in truyền thống đến báo chí dữ liệu

(Baonghean.vn) - Ngày 15/3 tại TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ chương trình Hội Báo toàn quốc 2024, Diễn đàn Báo chí được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đóng góp vào diễn đàn, Báo Nghệ An đã có video trình chiếu với nội dung "Báo Nghệ An: Bước chuyển từ báo in truyền thống đến báo chí dữ liệu".