Những người con trở về
(Baonghean.vn) - Trở về quê cũ, hàng trăm hộ đồng bào Mông ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, bỏ lại sau lưng những tháng ngày mưu sinh vất vả nơi rừng thiêng nước độc ở xứ người. Sau 3 năm, hạnh phúc đã đâm chồi nảy lộc trên đất mẹ yêu thương.
Tháng ngày du cư
Năm 1999 chị Vừ Thị Xòng (42 tuổi) cùng chồng là Lỳ Xia Tu (42 tuổi), hiện ở Khu kinh tế mới Minh Châu, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An), rời mảnh đất chôn nhau cắt rốn ở bản Huồi Mới 1 (xã Tri Lễ) di cư tự do sang Lào tìm cuộc sống mới. Lúc vợ chồng, con cái dắt díu nhau vượt biên sang Lào dựng chòi làm rẫy, sống cuộc đời như những người "du mục", Vừ Thị Xòng không tưởng tượng được con đường mưu sinh của gia đình lại gập ghềnh, chông gai đến vậy. "Qua đó, nhà mình khai hoang đất rừng làm rẫy. Mỗi rẫy làm một, hai mùa là chuyển vì đất bạc màu. Cuộc sống nay đây mai đó, không ở chỗ nào cố định cả", chị Xòng ngượng nghịu kể bằng vốn tiếng Việt bập bẹ.
Anh Lỳ Chia Ninh (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về cuộc sống tại Khu kinh tế mới Minh Châu, xã Tri Lễ (Quế Phong)
Suốt thời gian đó, gia đình làm lúa, làm ngô, nhưng vì giống chất lượng kém, trồng lúa chọc lỗ tra hạt chủ yếu trông vào thời tiết nên năng suất không cao, cuộc sống bấp bênh. Phận "ăn nhờ ở đậu" ở nước bạn nên quyền lợi thiết thân của một công dân, gia đình Vừ Thị Xòng không được hưởng. Đó là chuyện học hành của các con, là nhu cầu được chăm sóc y tế... chưa kể những chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Đảng và Nhà nước như lúc ở trong nước cũng không còn. Hệ quả là, mấy đứa con của chị dù đã đến tuổi đi học nhưng không được cắp sách đến trường. Chưa hết, lúc trái gió trở trời, người lớn và trẻ nhỏ ốm đau cũng không được chạy chữa, tất cả trông vào may rủi của số phận. Chị nhớ lại: "Có lần con mình đau nặng lắm! Vợ chồng phải bỏ cả nương rẫy đưa cháu về nước chạy chữa mới lành bệnh được".
Cũng như bản Huồi Mới I, ở bản Huồi Mới II có hàng chục gia đình di cư sang Lào làm ăn. Tâm sự với chúng tôi, nhiều gia đình vẫn chưa quên được những ngày tháng khốn khó trên đất người. Như gia đình ông Xồng Pa Dờ (52 tuổi) chẳng hạn, cả nhà có 10 người di cư trái phép sang bản Na Miêng, xã Phăn Thong, huyện Sầm Tẩy, tỉnh Hủa Phăn (Lào) để kiếm đất làm rẫy suốt nhiều năm liền. Ông Dờ tâm sự: "Cả nhà mình cứ di chuyển làm rẫy hết nơi này sang nơi khác, đông con nên làm mấy cũng không đủ ăn. Chuyện tương lai cũng không có gì đảm bảo khi cả gia đình không có giấy tờ gì cả. Cả nhà khổ lắm, đói no tự chịu lấy thôi!"
Gia đình ông Lỳ Chông Cự ở bản Huồi Mới I, xã Tri Lễ (Quế Phong) cũng từng một thời di cư trái phép. Như nhiều người Mông khác trong bản, ông Cự đem vợ và 6 người con sang bản Huổi Phay, xã Phăn Thông, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) làm ăn từ năm 1999. Bốn năm ở Lào, ông Cự không còn nhớ mình đã qua bao nhiêu mùa rẫy, ở bao nhiêu cái chòi trên đất Triệu Voi. Chỉ biết, giờ đây khi về quê cũ, thứ duy nhất đọng lại trong ông về những ngày tháng đó là hai chữ "thiếu thốn". Ông nói: "Qua bên đó, sống du canh du cư, thiếu thốn nhiều lắm! Thiếu nhất không phải là cơm gạo mà chính là tình cảm gia đình, bản làng. Không đâu bằng quê hương!" Trải nghiệm từ những năm tháng sống cuộc đời "du mục" nơi đất khách quê người, giờ ông Cự kể lại với con cháu trong bản làng để "khuyên chúng nó biết tu chí làm ăn trên mảnh đất ông bà, tổ tiên".
Gia đình Vừ Thị Xòng, Xồng Pa Dờ hay Lỳ Chông Cự chỉ là 3 trong số hàng trăm gia đình người Mông ở miền rẻo cao Tri Lễ di cư tự do sang Lào. Theo số liệu của UBND huyện Quế Phong, từ năm 1995 - 2011, cả xã Tri Lễ có 164 hộ với 905 khẩu di cư tự do sang Lào mà nguyên nhân là do kinh tế, quan hệ dòng tộc, họ hàng hoặc do kẻ xấu xúi giục...
Đổi thay dưới chân Pha Cà Tủn
Đỉnh Pha Cà Tủn (cao 2.452m) - nóc nhà của vùng rẻo cao Quế Phong đã từng chứng kiến cảnh bao người Mông rời bỏ quê hương đi tìm vùng đất mới ở bên kia biên giới vào những năm cuối của thế kỷ trước. Hôm nay, dưới chân Pha Cà Tủn, màu xanh bạt ngàn của cây, màu nâu ấm bền của đất đang đâm chồi nẩy lộc từ đôi bàn tay của những đồng bào hồi cư.
Khu kinh tế mới Minh Châu được xây dựng tại xã Tri Lễ (Quế Phong) dành cho những hộ đồng bào người Mông thuộc diện khó khăn nhất, trong đó có cả những hộ đồng bào người Mông hồi cư từ Lào về chưa có đất sản xuất. Tất cả những hộ thuộc diện này đã, đang và sẽ được chuyển về định cư tại Minh Châu. Năm 2009, cả nhà 6 người của gia đình Vừ Thị Xòng chuyển về nhận đất tại Minh Châu. Ở nơi ở mới, gia đình chị được chính quyền hỗ trợ kinh tế, được cán bộ của Ban Phát triển nông thôn - miền núi huyện Quế Phong giúp khai hoang, dạy cách trồng lúa nước. "Mình phấn khởi lắm, vì được cán bộ chỉ cho cách trồng lúa nước. Sắp tới có thu hoạch ổn định, không bấp bênh như khi làm lúa rẫy nữa", chị Xòng nở nụ cười thật tươi.
Các em nhỏ ở các bản Mông - Tri Lễ được đến trường, học cái chữ Bác Hồ.
Câu chuyện vui với bao dự định của chị Xòng bị cắt ngang bởi tiếng con trẻ ê... a... đánh vần vọng ra từ căn nhà nhỏ ấm cúng. Đó là tiếng học bài của 2 con chị là Lỳ Pó Ly (lớp 2) và Lỳ Y Giống (lớp 1) tại Trường tiểu học Tri Lễ II. "Từ ngày hồi cư, các cháu được học cái chữ Bác Hồ. Nếu còn du canh, du cư bên Lào thì không biết đời nào các cháu mới biết đến cái chữ", mắt chị Xòng ánh lên niềm hy vọng.
Hay như gia đình Xồng Pa Dờ hồi cư về bản Huồi Mới II năm 2009, được bản làng, chính quyền và bộ đội biên phòng giúp đỡ nay có nhà cửa, ruộng nương. Cả nhà Dờ đã biết thâm canh lúa nước nên no đủ lắm! Hỏi chuyện Dờ xung quanh cuộc sống gia đình ở quê hương, ông cười nói không ngớt: "Nhà mình làm được hơn 2.000 m2 lúa nước, nuôi thêm mấy con bò, con dê nên cuộc sống ổn định rồi. Tết năm nay chắc chắn sẽ vui hơn".
Năm 2009, xã Tri Lễ có 111 hộ với 922 khẩu hồi cư, năm 2010 là 4 hộ với 24 khẩu hồi cư. Những gia đình này đều được hỗ trợ gạo ăn trong 3 tháng mỗi năm (15kg/người/tháng), 50 hộ chưa có nhà được vay tiền làm nhà, hỗ trợ dụng cụ sinh hoạt, cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh... Chính cách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã giúp những gia đình hồi cư ổn định, hòa nhập cộng đồng nhanh chóng, chăm lo sản xuất nên cuộc sống ngày càng tốt lên.
Ông Lô Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (Quế Phong) cho biết: Cuộc sống của đồng bào hồi cư bây giờ ổn định, khá lên nhiều. Tại bản Huồi Mới II, các gia đình khai hoang làm được ruộng lúa nước, trung bình mỗi nhà từ 2.000 đến 5.000 m2 với năng suất 40 - 45 tạ/ha. Nhưng bà con mới chỉ làm được một vụ mùa sớm, còn vụ khác thời tiết lạnh quá vẫn chưa làm được. Chúng tôi đang tìm phương án giúp bà con tăng vụ.
Ông Lương Sỹ Cường- Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quế Phong cho biết thêm: "Đồng bào người Mông còn mang nặng nếp nghĩ, cách làm theo hình thức du canh, du cư, nhận thức về quốc gia, biên giới còn nhiều hạn chế. Chúng tôi đang kết hợp giữa tuyên truyền và thực hiện lồng ghép nhiều chính sách hỗ trợ giúp bà con ổn định cuộc sống, làm cho nếp nghĩ, cách làm của bà con thay đổi, từ đó mới có thể chấm dứt tình trạng du canh, du cư, vượt biên trái phép trên địa bàn huyện".
Tri Lễ vẫn là xã nghèo của huyện Quế Phong, có 8 bản người Mông với hơn 2.500 khẩu nằm tiếp giáp với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Với hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và bà con, cuộc sống của đồng bào các dân tộc tại Tri Lễ ngày càng ổn định. Di cư tự do sẽ chỉ còn lại trong câu chuyện kể của những thế hệ người Mông đi trước cho lớp con cháu của mình.
"Mình cũng đã gần 60 tuổi, sinh ra, lớn lên dưới chân Pha Cà Tủn, mình cũng đã một lần rời bỏ nó ra đi. Giờ trở về rồi, mình và con cháu sẽ không đi nữa, sẽ gắn bó trọn đời với quê hương", ông Lỳ Chông Cự quả quyết.
Nguyễn Thành Duy