Những người 'giữ lửa' cho bản sắc văn hóa vùng cao

Đình Tuân 02/10/2022 06:47

(Baonghean.vn) - Trước sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một. Để gìn giữ và phát triển vốn văn hóa tốt đẹp của dân tộc, các cụ ông, cụ bà vùng cao xứ Nghệ đang ngày đêm âm thầm, nỗ lực trao truyền với mong ước bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa cho muôn đời sau.

Trong hơi thở sôi động của nhịp sống hiện đại, đâu đó khắp các bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, ở đó, vai trò của người mẹ, người bà rất quan trọng. Mỗi người phụ nữ, đặc biệt là cụ bà dân tộc Thái vẫn ngày đêm cần mẫn thêu dệt để giữ nghề truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Đình Tuân

Nghề dệt vải thổ cẩm là một trong những nét văn hóa có từ lâu đời của dân tộc Thái. Bà Vi Thị Liên, trú tại bản Can, xã Tam Thái cho biết: “Trước đây, người phụ nữ dân tộc Thái ngay từ lúc còn nhỏ đã được các mẹ, các bà dạy cách thêu, dệt. Cứ thế, dệt vải, thêu thổ cẩm trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng được duy trì qua nhiều thế hệ. Và được xem là tiêu chí đánh giá sự khéo tay, giỏi giang của người phụ nữ khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng. Ngày nay, các cháu gái không còn mặn mà với nghề dệt, nên dù đã lớn tuổi những chúng tôi vẫn cố gắng gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại”. Ảnh: Đình Tuân

Dân tộc Khơ mú, dân tộc Thái cũng có truyền thống đan lát từ lâu đời. Với họ đan lát đã ngấm vào máu thịt từ nhỏ cho đến giờ. Bởi vậy, việc đan lát không hẳn chỉ là để kiếm thêm thu nhập, mà còn là để giữ nghề, giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc. Ảnh: Đình Tuân

Ơ đu là một trong những dân tộc ít người nhất của Việt Nam, hiện đang sống tại huyện Tương Dương. Bên cạnh một số phong tục truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thì dệt, nhuộm vải và may trang phục đặc trưng vẫn đang được gìn giữ. Đáng chú ý ở công đoạn nhuộm vải, người Ơ đu vẫn làm theo phương thức thủ công độc đáo. Hiện bà Lo Thị Nga, ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương là một trong số ít người còn biết nhuộm và may trang phục dân tộc Ơ đu cho biết: “Để có một nồi nước nhuộm, trước đó tôi phải vào rừng sâu để lấy các loại vỏ cây mang về cho vào nồi đun sôi và cho vào một ít vôi bột. Cứ thế, đun khi nào nước ra màu thì cho vải vào để nhuộm”. Ảnh: Đình Tuân

Góp phần làm nên vẻ đẹp say đắm trong các làn điệu Tơm của người dân tộc Khơ Mú chính là Pí, đây là nhạc cụ rất độc đáo. Trong hệ thống nhạc cụ vốn rất phong phú của người Khơ Mú thì có tới 90% được làm ra từ chất liệu tre, nứa, với những âm sắc độc đáo lúc trầm, lúc bổng. Trước nguy cơ ngày càng bị mai một, người cao tuổi bản Côi, xã Lượng Minh đã xây dựng CLB Bảo tồn văn hóa truyền thống của người Khơ Mú. Ảnh: Đình Tuân

Đồng bào dân tộc Thái là một trong những dân tộc thiểu số sở hữu nhiều loại nhạc cụ truyền thống độc đáo và không thể không nhắc tới khắc luống. Đây là một dụng cụ dùng để giã gạo của người dân, đặc biệt, khi chày được đánh vào lòng máng tạo ra âm thanh rất vui nhộn. Vì vậy, khắc luống trở thành nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Trong các ngày lễ, Tết của người dân vùng cao, đặc biệt là các cụ bà lớn tuổi đều tổ chức vui hội khắc luống. Ảnh: Đình Tuân

Trước thực trạng là người Thái nhưng lại không biết viết, đọc được chữ Thái. Nghệ nhân Ưu tú Vi Khăn Mun (SN 1946), trú tại xã Yên Hòa, huyện Tương Dương là một người yêu văn hóa của dân tộc mình, nên ông đã mày mò tìm hiểu, sưu tầm rồi cùng với một số người nữa biên soạn giáo trình dạy chữ Thái Lai Pao để dạy cho con cháu. Với mong muốn giúp cho con cháu biết đọc, biết viết chữ của dân tộc. Ảnh: Đình Tuân

Người cao tuổi khắp các bản, làng vùng cao đã và đang tích cực, chủ động phát huy tốt vai trò trong kế thừa, phát triển bền vững những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp công, góp sức không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: Đình Tuân

Những người 'giữ lửa' cho bản sắc văn hóa vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO