Những người không đón giao thừa
Xuyên qua cái lạnh tê người và lặng lẽ trong hương trầm nồng nàn của đêm trừ tịch vẫn là họ, những người công nhân của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị tỉnh Nghệ An Suốt 1 năm qua, họ đã âm thầm gìn giữ cho TP sạch đẹp, đến giao thừa lại không mấy khi được cùng gia đình chờ đón phút sang Xuân. Đã có một thành Vinh lam lũ như thế để có một Vinh hòa hoa cùng ánh ngày rạng rỡ.
(Baonghean.vn) - Xuyên qua cái lạnh tê người và lặng lẽ trong hương trầm nồng nàn của đêm trừ tịch vẫn là họ, những người công nhân của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị tỉnh Nghệ An Suốt 1 năm qua, họ đã âm thầm gìn giữ cho TP sạch đẹp, đến giao thừa lại không mấy khi được cùng gia đình chờ đón phút sang Xuân. Đã có một thành Vinh lam lũ như thế để có một Vinh hòa hoa cùng ánh ngày rạng rỡ.
Giao thừa Tết Quý Tỵ, tôi đã thức cùng họ, nghe tiếng chổi tre đơn côi bên cạnh náo nức của thiên hạ mừng vui chào đón giao thừa để chợt thấy lớn hơn hình ảnh của “chị lao công như sắt như đồng” đã biết từ thủa bé.
Từ chập tối cho đến giờ phút sắp sang canh, không thấy họ ở đâu. Dường như các anh chị đã khiêm nhường ẩn vào cái rộn ràng, náo nức của thiên hạ trước thời điểm đón năm mới. Chỉ đến gần khoảnh khắc kim giờ, kim phút sắp gặp nhau ở số 12, báo hiệu kết thúc một năm. Người người đi chơi tất niên đã yên ổn trong nhà. Lúc đó, tiếng chổi, tiếng xe đẩy rác mới nhẫn nại vang lên, âm thầm qua các dãy phố thưa người. Vẫn biết đây là công việc thường nhật , đêm nào cũng có hình bóng những người lặng lẽ trả lại cho thành phố vẻ sạch sẽ tinh tươm vào sáng hôm sau. Thế nhưng, đêm cuối năm, những dáng hình kia lại gợi lên vẻ hy sinh quá đỗi. Lại nữa, trong thời khắc tháng tận, năm cùng này, nhà nhà đều muốn tống khứ cho hết cái xui xẻo của năm cũ ẩn trong rác rưởi.
Theo kế hoạch số 05 /KH-UBND của UBND TP Vinh về đảm bảo TTATGT, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013 đã phân công nhiệm vụ rõ ràng: Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị tỉnh Nghệ An căn cứ nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo việc thu gom rác thải hàng ngày của các hộ gia đình; thực hiện vệ sinh thu gom rác thải đường phố và nơi công cộng vận chuyển về bãi rác, không để tồn đọng rác thải trong địa bàn Thành phố. Vậy nên Ban lãnh đạo của Đội thu gom rác (Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị tỉnh Nghệ An) bao giờ cũng phải tung hết người ra trong đêm 30 dọn dẹp bằng hết những ưu phiền, đen đủi của thiên hạ để có một ngày đầu năm thật vui tươi và sạch sẽ. Điều này cũng có nghĩa rằng họ rất ít khi được ăn tết cùng gia đình.
Anh Hoàng Văn Hóa, công nhân đội đường 3 (Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị tỉnh Nghệ An) vẫn cần mẫn thu dọn rác trong đêm giao thừa cho một thành phố xanh sạch đẹp vào ngày mùng Một tết.
Anh Hoàng Văn Hóa, công nhân đội đường 3, vừa cần mẫn gom những đống rác to xù lên xe đẩy, vừa rủ rỉ bằng giọng bình thản: “Tôi làm nghề này đã 10 năm, chưa lúc nào được đón giao thừa ở nhà. Tôi cưới vợ được 6 năm, chưa có con, nên càng thương vợ toàn ăn tết cùng ông bà nội ở Võ Liệt (Thanh Chương)! Còn anh bảo chúng tôi có buồn không à? Nghề nào rồi cũng vậy thôi, có lúc vui, lúc buồn. Anh chị em trong đội chỉ nghĩ lúc nào xong việc, đường sá phong quang, sạch sẽ là vui rồi!”. Giao thừa nào cũng vậy, anh Hóa cùng khoảng 20 người trong chi đoàn đội đường 3 đều tạm đón giao thừa...ngoài đường. Năm nào cũng vậy, đoàn TN đội thường trích chút quỹ mua bánh kẹo, hoa quả, ít đồ ăn tập trung anh em lại một góc nào đó để đón Xuân.
Anh Võ Anh Hải, đội trưởng đội trưởng đội 3, vừa đi một vòng đốc thúc anh em về, góp chuyện: “Hôm qua, nhiều rác quá nên mãi đến 8 giờ sáng mới xử lý hết. Đêm nay, bằng mọi giá chúng tôi phải gắng xong trước 5 giờ sáng cho bà con đón năm mới”. Anh Hải cho biết, công ty có 4 đội chuyên thu gom rác trên các tuyến đường và 1 đội dịch vụ xử lý rác tại các bệnh viện và chợ. Riêng đội 3 của anh, phải đảm nhiệm rất nhiều tuyến đường, từ Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong cho đến đại lộ Lê Nin, Nguyễn Văn Cừ... Dạo quanh vài điểm các anh chị làm việc, thấy nhiều chị có con nhỏ, phải để lại cho chồng, cho ông bà để mẹ trần lưng ra giữa rét giá. Chị Phan Thị Loan con mới 5 tuổi, dỗ mãi lúc đầu hôm bé mới chịu ngủ. Nhiều chị khác có người yêu cũng đành lỡ hẹn cuộc đi chơi tất niên như bất kỳ đôi tình nhân nào khác. Quần áo đẹp cũng đành lỡ hẹn để ủng, khăn, găng tay và bộ quần áo phản quang cùng chị đón giao thừa trên đường phố.
Đêm đã sang những giờ phút đầu năm, lại tấp nập những đôi uyên ương, gia đình trẻ đi hái lộc trở về. Ngang qua chỗ chúng tôi, một cành “lộc” to tướng bị ném vèo xuống từ tốp xe máy vụt qua, nhựa hãy còn ứa ra từ thân cây tươi rói. Anh Hóa lắc đầu: “Năm nào cũng vậy anh ạ! Ai đời hái lộc mà cứ bẻ, chặt nguyên cả cành, có khi nguyên cả cây non. Nhiều chỗ bọn em làm xong, lại phải qua dọn lại vì họ vứt lộc lá ra bừa bãi. Ước chi mỗi người nghĩ thêm một tý”.
Chiếc xe chuyên dụng mang dòng chữ “Vì một thành phố xanh sạch đẹp” đã chầm chậm đi tới, chuẩn bị đón rác mới được gom lại. Lái xe Hoàng Khắc Thái nhảy xuống từ cabin với nụ cười rất tươi: “Mình vì mọi người. Nào! Cho rác lên xe!”. Anh Thái cũng đã có thâm niên 19 năm không đón giao thừa ở nhà. Chỉ giữa cung đường vận chuyển, ngang qua cơ quan dừng xe chạy vào làm một ly rượu, ăn chiếc kẹo gọi là mừng năm mới. Để rồi hối hả với những đoạn đường chưa hết tàn dư năm cũ, như 19 năm nay vẫn vậy. Mỗi đêm trực Tết, thường số tiền bồi dưỡng cũng không gọi là nhiều nhặn gì. Mỗi đội thực hiện khoảng 42 công quét dọn, lượng rác đổ lên xe cứ ngang thành 8,7m3/xe. Biết bao công sức đã bỏ ra hằng đêm.
Chia tay mọi người khi đồng hồ đã chỉ sang con số 1 của ngày đầu năm mới. Tôi trở về trong khói trầm ngát thơm khắp phố phường. Đằng sau, các anh chị vẫn lặng lẽ làm nốt công việc của mình khi Xuân đang rộn rã ùa vào tất cả mọi nhà./.
Trần Hải