Những người "nghệ sỹ nông dân"

28/05/2012 14:59

(Baonghean) - Họ là những người dân chất phác, hiền lành, bàn chân còn lấm bùn, bàn tay còn vương hương lúa mới, vừa chia nhau miếng trầu cay, vừa ngân nga tiếng hát. Có người ở tuổi 70 vẫn say mê kéo nhị, có người ở tuổi 60 còn kiên trì hàng đêm tập đánh đàn bầu, người vừa qua cơn bạo bệnh, phải hóa trị, xạ trị rụng hết tóc, vẫn đội tóc giả để đi... hát. Họ đã cho tôi thấy niềm tin ở cuộc sống, sức mạnh của sự đam mê, lạc quan, niềm tự hào về cái tên: Đội văn nghệ Hồng Sơn lừng danh một thuở.

(Baonghean) - Họ là những người dân chất phác, hiền lành, bàn chân còn lấm bùn, bàn tay còn vương hương lúa mới, vừa chia nhau miếng trầu cay, vừa ngân nga tiếng hát. Có người ở tuổi 70 vẫn say mê kéo nhị, có người ở tuổi 60 còn kiên trì hàng đêm tập đánh đàn bầu, người vừa qua cơn bạo bệnh, phải hóa trị, xạ trị rụng hết tóc, vẫn đội tóc giả để đi... hát. Họ đã cho tôi thấy niềm tin ở cuộc sống, sức mạnh của sự đam mê, lạc quan, niềm tự hào về cái tên: Đội văn nghệ Hồng Sơn lừng danh một thuở.


Hội trường nhỏ của Nhà văn hóa xóm 10 (Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu) chiều ấy ngập tràn tiếng đàn, lời hát. Gần 30 thành viên của Câu lạc bộ Đàn hát dân ca Hồng Sơn đang tích cực luyện tập cho Liên hoan dân ca, ví dặm. Bác Nguyễn Yết Niêm- chủ nhiệm CLB cho hay: "Chúng tôi vừa mới rời tay liềm, tay cuốc là tới đây ngay. Có mấy người đang còn gặt dở, nhưng việc luyện tập cũng khá gấp rút rồi. Bây giờ hát thế này, chứ một lát nữa là... hát trên ruộng. Chúng tôi hầu hết làm nông mà. Cũng có tới 11 cựu chiến binh-nông dân, trong đó có 2 thương binh đấy. Người cao tuổi nhất ở câu lạc bộ trên 70, người ít tuổi nhất là 39. Anh em chúng tôi đều là những người đam mê ca hát ở các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch, sau này thêm Quỳnh Xuân, Quỳnh Văn. Có những người đạp xe gần chục cây số để đến đây luyện tập. 10 nhạc công của câu lạc bộ chủ yếu tự mày mò học. Người mê nhị, người mê đàn bầu, người mê trống..., tự mua nhạc cụ về luyện sau giờ đồng áng. Anh em giúp đỡ nhau mà nên giai điệu, tựa vào nhau mà hoạt động, mà thành câu lạc bộ thôi."



CLB Đàn hát dân ca Hồng Sơn (Quỳnh Hậu - Quỳnh Lưu) trong buổi tập luyện


Chỉ sang một bác gái có dáng vẻ gầy guộc, ngồi bên cửa sổ, đang chia trầu cho một bà bạn, bác Niêm kể: "Bà Huấn ấy năm ngoái phát hiện căn bệnh ung thư. Vậy mà vừa dứt đợt xạ trị, đầu còn chưa mọc tóc, khi về nhà vẫn đội tóc giả đi hội diễn đấy. Ra Hà Nội chữa bệnh mà vẫn tìm mua cho câu lạc bộ bộ trống và cái đàn. Bà Xoan ngồi bên cạnh kia có con cũng đang bị bệnh hiểm nghèo. Bà ấy nói: Tìm đến đây và được hát là thấy nguôi ngoai nỗi buồn trong lòng. Còn người đang kéo nhị lặng lẽ với mái tóc bạc kia là ông thương binh một mắt Hồ Sỹ Phú. Ông ấy ở Quỳnh Hồng, là một trong những thành viên cao tuổi nhất của câu lạc bộ, bữa trước lóc cóc đạp xe đi tập, chẳng may bị tai nạn. Câu đầu tiên mà ông ấy hỏi khi người ta đỡ ông ấy dậy là: "Cái nhị của tôi đâu?". Còn bà Mệnh đang ngồi chăm chú với cây đàn bầu ấy ở tuổi 60 mới làm quen với nó. Bà ấy chăm lắm, tập cả đêm để có thể thành thục đến vậy. Tự mua đàn, tự mày mò học, rồi nhờ anh em bày vẽ thêm. Con cái cũng ngạc nhiên nhưng rồi vẫn ủng hộ nhiệt tình...


Tôi hỏi bác Niêm: "Thế câu lạc bộ hoạt động được nhờ nguồn kinh phí nào?" Bác Niêm cười: "Thì bằng niềm đam mê. Tất cả chúng tôi đều yêu ca hát, đặc biệt là dân ca. Được hát, đã là hạnh phúc". Các thành viên CLB góp tiền tự hoạt động dựa trên sự quản lý về mặt chuyên môn của Trung tâm Văn hóa huyện. Đôi khi, CLB có thêm chút tiền thưởng khi đạt giải tại các hội thi, hội diễn, tiền bồi dưỡng ở những buổi giao lưu, hay sự đóng góp của một vài người hảo tâm. Nhưng phần lớn vẫn là nguồn... tự túc.

Ngay cả đạo cụ, nhạc cụ cũng là của mỗi thành viên tự mua sắm. Vậy mà hàng tháng, CLB vẫn hoạt động đều. Tuần nào cũng có buổi sinh hoạt, trước đây là ở nhà một thành viên, còn bây giờ thì được Trung tâm Văn hóa huyện đặt vấn đề để mượn địa điểm tại nhà văn hóa xóm. Khi sắp có hội diễn, giao lưu... là các bác, các anh chị lại chụm lại để luyện tập. "Có một điều không thể thiếu để giúp anh em hăng hái hoạt động, tôi nghĩ, ấy là niềm tự hào về đội văn nghệ Hồng Sơn ngày nào"- bác Niêm chia sẻ và tôi nhận thấy nhiều cái gật đầu đồng tình. Trong những đôi mắt đã mờ dần, những mái tóc bạc vì tuổi tác, những vầng trán xếp dày nếp nhăn... như bỗng vụt trở về năm tháng thanh xuân. Bác Huấn, bác Ân, bác Xoan, bác Ngũ... những năm 1976-1977 là những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi. Họ hoạt động hăng say ở Xí nghiệp Hồng Sơn (lúa gạo) và là thành viên trong đội văn nghệ (CLB) quy tụ 31 diễn viên của 3 xã. Thuở ấy, lời ca tiếng hát của họ đã góp phần động viên phong trào hăng hái sản xuất, dựng xây quê hương. Những điệu dân ca xứ Nghệ đã được đội văn nghệ đem biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc. Đài Tiếng nói Việt Nam đã từng thu âm những chương trình biểu diễn của CLB. CLB cũng đã 3 lần tham gia liên hoan thông tin cổ động toàn quốc những năm 1976-1980, đã có 2 cá nhân đoạt huy chương vàng, tập thể đoạt 1 huy chương Vàng...


Cùng với năm tháng và sự thăng trầm của đơn vị thời ấy, đội văn nghệ đã tan rã. Nhưng niềm đam mê được hát, được đàn, tình yêu với những giai điệu tha thiết của quê hương thì không mất đi. Nó nung nấu trong tấm lòng những thành viên đội văn nghệ Hồng Sơn xưa. Bác Niêm bàn với vợ là bác Ân, rồi 2 cặp vợ chồng nữa đã từng chung một sân khấu ngày ấy là bác Ngũ, bác Huấn và bác Luyện, bác Xoan... đứng lên để quy tụ lại Hồng Sơn một thời vang bóng. Thế là từ 3 cặp vợ chồng say mê ca hát, mỗi ngày lại có thêm thành viên mới... Những người nông dân chân lấm tay bùn trên đồng ruộng bỗng trở thành nghệ sỹ trên sân khấu. Họ hát, họ đàn cho mọi người cùng nghe, và còn để cho chính mình có được niềm vui, sự an ủi, để mạch nguồn dân ca chảy mãi. Hát để "giận thì giận mà thương lại càng thương", để "lên thác xuống ghềnh" vẫn thấy "nước non là nghĩa là tình "... Không quản ngại nhọc nhằn để đến cùng nhau dưới một mái hiên nhà, sẻ chia với nhau những buồn vui, những giọt mồ hôi trong giờ luyên tập. Khi tiếng hát cất lên, tiếng đàn, tiếng sáo... hòa âm, mọi lo toan đã nhường lại cho niềm say mê.


Bác Huấn đã thôi nhai trầu khi "người nhạc trưởng" Nguyễn Yết Niêm phân vai diễn vừa hát vừa gánh củi. Bác Xoan vén lại tóc cho bác Huấn, không quên nhắc: "Đừng để mệt quá nhé!". Rồi ngày mai, họ lại ra đồng, mồ hôi lại đổ xuống cho cây lúa trĩu bông. Vậy mà trong những bài ca do bác Niêm, bác Lịch đặt lời vẫn náo nức, rộn ràng đến thế.


Tôi tạm biệt những người nông dân- nghệ sỹ ấy để nhận về cho mình rất nhiều niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống.


Thùy Vinh

Mới nhất
x
Những người "nghệ sỹ nông dân"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO