Những người thức trắng đêm Giao thừa cho người dân vui Tết

Đặng Nguyễn 24/01/2020 23:49

(Baonghean.vn) - Trong thời khắc mọi người đoàn tụ chuẩn bị đón giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới… thì các chiến sỹ Cảnh sát 113, Cảnh sát cơ động vẫn phải tập trung cao độ cho nhiệm vụ “thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”.

“Trực chiến” ở 113

Có mặt tại Đội Cảnh sát 113 vào tối 30 Tết, trong không khí đón xuân đang rộn ràng ở khắp các phố phường, thì ở đây tất cả cán bộ, chiến sĩ luôn ở trong tình trạng sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Theo Trung tá Nguyễn Thành Lê, Phó phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội: Ngày lễ, Tết là thời điểm bận rộn nhất đối với lực lượng Công an, trong đó có lực lượng Cảnh sát 113, bởi đây là thời điểm mà các loại tội phạm và tệ nạn xã hội gia tăng hoạt động, nhiều vụ xích mích dễ dẫn đến gây gổ đánh nhau.

Ảnh: Đ.C
Trực tiếp nhận tin báo của người dân tại Đội cảnh sát 113. Ảnh: Lê Thắng

Với vai trò là lực lượng thường trực tác chiến bảo đảm trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó trọng tâm vẫn là TP Vinh và vùng phụ cận, song do lực lượng còn mỏng nên anh em phải làm việc hết công suất, phải sắp xếp, chia ca trực một cách khoa học, để đáp ứng được yêu cầu của người dân mọi lúc, mọi nơi...

Theo đó, từ 20h trở đi câu chuyện giữa chúng tôi và các anh em trong đội liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại gọi đến. Theo Trung tá Lê, cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận tin báo của người dân qua điện thoại không đơn thuần là nắm thông tin, mà qua đó còn phải nhận định được sự việc nghiêm trọng đến mức nào, ước tính phải điều bao nhiêu CBCS đến hiện trường. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nếu chưa quen thì rất lúng túng.

Ảnh: Đ.C
CBCS cảnh sát 113 trước khi lên đường đều được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ. Ảnh: L.T

“A lô, tại đường Phan Chu Trinh có một đối tượng say rượu đang gây rối trật tự công cộng, làm mất an ninh khu phố” - một người dân gần đó thông báo. Qua công tác sàng lọc thông tin, nhanh như cắt, lực lượng Cảnh sát 113 tức tốc lên đường và chúng tôi cũng nhập cuộc. Vừa đến hiện trường, các chiến sĩ 113 không lưỡng lự, lao tới khống chế, trong khi đối tượng giằng co, chửi bới, không hợp tác... Sau khi bàn giao cho công an phường, các chiến sỹ Cảnh sát 113 lại quay về đơn vị.

Ngồi chưa kịp “nóng ghế”, các chiến sĩ trong kíp trực đã bật dậy lao vút đi khi tổng đài tiếp tục nhận được tin báo tại đường Kim Đồng giao Lê Hồng Phong một đối tượng gọi nhóm bạn đến gây khó dễ sau khi va quệt giao thông, làm náo loạn cả khu phố; tại khu vực cổng Công viên trung tâm đang có vụ xích mích giữa 2 nhóm thanh niên...

Lực lượng Cảnh sát 113 trước giờ lên đường tuần tra. Ảnh: L.T

Thiếu tá Đặng Minh Chí, đội phó Đội 113 cho biết: Do đặc thù công việc, Cảnh sát 113 luôn phải duy trì chế độ thường trực 24/24h. Bình quân mỗi ngày, trực ban 113 tiếp nhận, xử lý hàng chục tin báo.

Từ những vụ gây rối trật tự công cộng đến đánh nhau giữa các băng nhóm, thậm chí vợ chồng cãi vã... Trung tâm chỉ huy sẽ đánh giá thông tin thật hay giả, tính chất, mức độ như thế nào, để phân công lực lượng đến hiện trường nhanh nhất.

"Nhanh nhất, mạnh nhất, hiệu quả nhất” là phương châm của các chiến sĩ Cảnh sát 113. Ảnh: L.T

Trong tâm niệm của các chiến sĩ Cảnh sát 113 thì bất cứ một tin báo nào cũng là tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân. Vì vậy, ngoài trách nhiệm ra như còn có một lực hút vô hình nào đó kéo chúng tôi đi với mong muốn làm sao đến nơi có tin báo một cách nhanh nhất, giải quyết an toàn hiệu quả nhất, để đem lại bình yên cho nhân dân.

Và cũng chính vì vậy mà Đại úy Phan Đức Thắng xác định “Đã làm Cảnh sát 113 thì chuyện đang ăn cơm phải bỏ dở để lên đường khi nhận được tin báo đánh nhau, gây rối trật tự… là chuyện bình thường và anh em hầu như không có khái niệm ăn Tết”.

Cơ động “căng mình” thâu đêm suốt sáng

Cùng với Cảnh sát 113, lực lượng Cảnh sát cơ động cũng “căng mình” thâu đêm suốt sáng. Theo Thượng tá Hồ Nam Long, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động: Ngoài đảm bảo tuần tra như thường lệ, gồm 2 ca (mỗi ca gồm 12 người chia làm 2 tổ), ca thứ nhất tuần tra từ 20h - 0h, ca thứ 2 từ 0h - 4h sáng.

Trong đêm Giao thừa, còn bố trí thêm một tổ tuần tra bằng ô tô, ngoài ra 38 đồng chí được tăng cường về địa bàn xã Nghi Phú, Nghi Đức - những xã thường xảy ra tình trạng đốt pháo.

Ảnh: Đ.C
Cảnh sát cơ động trên đường tuần tra, kiểm soát. Ảnh: L.T

Sau thời khắc Giao thừa, kết thúc màn pháo hoa, bước sang năm mới, mọi người sẽ đồng loạt rời khu vực trung tâm thành phố để cùng đi hái lộc đầu xuân cũng là lúc ca thứ 2 lên đường. Tất cả đều được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, gồm: áo chống đạn, súng bắn đạn cao su, bộ đàm... Mỗi tổ đều có một tổ trưởng, một tổ phó và 4 tổ viên thường xuyên liên lạc với nhau.

Ngồi sau xe cảnh sát, hình như tôi cũng nhìn đường phố với một đôi mắt khác. Không phải là cái nét thong thả ngắm người, ngắm phố nữa. Thượng úy Võ Minh Tú, tổ trưởng tổ tuần tra nói với tôi, khi thực thi nhiệm vụ thì những chiến sỹ như anh phải là con người của công việc.

Ảnh: Đ.C
Giúp người dân qua đường. Ảnh: L.T

Quả là vẫn còn những người trẻ tuổi đi ra đường ban đêm không đội mũ bảo hiểm, chở ba, rồi vượt đèn đỏ... Tú phải mấy bận dừng xe lại để gọi người vi phạm nhắc nhở. Có bạn thanh niên, nhác thấy bóng cảnh sát cơ động mới vội vàng gỡ mũ bảo hiểm đang treo trên xe để đội lên đầu. “Nhưng không đơn thuần là vi phạm an toàn giao thông đâu anh, bọn em còn phải tinh hơn để phát hiện nguy cơ đến trật tự an toàn xã hội”, Tú cho hay.

Quả nhiên, khi Tú vừa dứt lời, thì các chiến sỹ tổ này đã dừng lại đột ngột. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì, đã thấy Thượng úy Tú nhảy khỏi xe chặn chiếc xe máy mang BKS 37B1- 976xx chở 2 thanh niên, trong đó 1 người không đội mũ bảo hiểm. Qua kiểm tra, phát hiện dưới cốp xe có 1 con dao, những thanh niên này mặt vẫn lạnh băng và tỏ thái độ không hợp tác.

Các chiến sỹ CSCĐ sau khi phân tích lỗi vi phạm đã yêu cầu cả hai cùng tổ tuần tra đưa phương tiện về trụ sở tại 43 đường Hồ Tùng Mậu để giải quyết. Sau khi bàn giao cho bộ phận xử lý ở nhà, các anh lại khẩn trương lên đường.

Ảnh: Đ.C
Kiểm tra, nhắc nhở một thanh niên đội mũ bảo hiểm trong đêm Giao thừa. Ảnh: L.T

Cứ thế, khi dòng người đã vãn, nhưng các anh vẫn đều đặn tuần tra qua từng con phố, ngõ ngách. Lúc này tôi đã hiểu vì sao trụ sở làm việc chỉ cách nhà chưa đến 5 km mà rất ít đêm anh được về nhà ngủ.

Nghĩ đến đây tôi lại càng thấu hiểu, chia sẻ với những gian nan vất vả của các anh, khi mà công việc buộc phải gắn với màn đêm, nhất là thời điểm đêm Giao thừa, đáng ra được nghỉ ngơi, quây quần sum họp bên gia đình. Nhưng ngược lại, chỉ có chiếc xe phân khối lớn và những tuyến đường tuần tra làm bạn trong đêm.

Ảnh: Đ.C
Người đi đường đã vãn, nhưng CBCS cảnh sát cơ động vẫn đều đặn tuần tra qua từng con phố. Ảnh: L.T

Kết thúc một đêm du xuân cùng với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT đêm giao thừa, dù mệt nhưng trong tôi tràn lên cảm giác phấn khởi, hân hoan. Trong niềm vui riêng còn có niềm vui chung khi được đón một cái Tết trong an lành.

Chợt thấy, đối với các anh, thức trắng đêm Giao thừa không còn là điều gì quá ngạc nhiên mà đã trở thành điều thường trực, bởi đối với các anh, việc “thức cho dân ngủ, gác cho dân vui Xuân đón Tết” là nhiệm vụ lớn và thiêng liêng nhất của mình.

Mới nhất
x
Những người thức trắng đêm Giao thừa cho người dân vui Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO