Những người vẽ bức tranh hòa bình
(Baonghean) - Tôi biết ông từ ngày tôi đang học đại học. Một người đàn ông từ quê lên phố, hàng ngày cần mẫn đạp xích lô, tối đến lại ghé qua chỗ cậu con trai trọ học để đưa cho cậu bé chút tiền ăn uống và đóng học phí.
![]() |
Ảnh CCB Nghệ An - niềm vui gặp mặt tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh). (Trần Cảnh Yên) |
1. Tôi biết ông từ ngày tôi đang học đại học. Một người đàn ông từ quê lên phố, hàng ngày cần mẫn đạp xích lô, tối đến lại ghé qua chỗ cậu con trai trọ học để đưa cho cậu bé chút tiền ăn uống và đóng học phí. Ông ở đâu, cả tôi và cậu con ông không hay biết. Ông nói, ông không đến ở với con được vì công việc có thể gọi ông bất cứ lúc nào, hơn nữa, phòng trọ của con ông đã chật lắm rồi, sợ ảnh hưởng đến các bạn ở trọ cùng. Ngày ấy, tôi đã luôn nói với cậu bạn: Cậu có một ông bố vĩ đại. Cậu bạn tôi không nói gì, dường như có chút xót xa trong lòng, nhưng càng ngày, quyết tâm học tập của cậu càng lớn. Ra trường, cậu được nhiều cơ quan chào mời và đến giờ thì đã trở thành giám đốc của một công ty có uy tín. Mới đây, khi được tin bố cậu bệnh nan y, tôi đã ra thủ đô ghé thăm.
Lúc này, bố của bạn tôi đã mệt lắm, ông nằm thiêm thiếp trên giường, khi thấy tôi đến ông mở mắt và cố nở nụ cười. Mọi người nói rằng, ông đau đớn lắm. Đã hơn 2 năm nay, ông chiến đấu với bệnh tật một cách kiên cường, không một lời kêu than. Ông luôn động viên tất cả mọi người trong gia đình không gục ngã. Tôi ngồi với ông, kể lại chuyện xưa, chuyện tôi đã nhìn ông đầy kính trọng và gọi ông là “ông bố vĩ đại”, nói với ông niềm cảm phục sự kiên cường của ông bây giờ. Ông nói với tôi: “Cháu ơi, trước khi làm bố, bác đã là một người lính. Một người lính không bao giờ được buông súng”. Ồ, hóa ra, cái chất “lính Cụ Hồ” đã làm nên ông của ngày trở về: không đầu hàng trước bất cứ thử thách nào và luôn nuôi trong mình lòng quyết tâm, niềm tin lớn lao ở ngày chiến thắng, ở hòa bình.
2. Người đàn ông cúi xuống nhặt gọn gàng những chiếc đinh ốc và đồ phụ tùng xe đạp cho vào một chiếc túi. Mái tóc đã phần bạc nhiều hơn phần xanh, chiếc áo bộ đội cũ kỹ ngày nào cũng được ông khoác lên người rồi ra ngồi góc phố. Một chiếc bơm xe, chút đồ sửa chữa giản tiện, vậy là ông bình thản ngồi từ sáng sớm cho đến tận lúc bóng tối đã hòa vào các ngõ ngách con phố, mọi người ngược xuôi trở về nhà.
Lần nào đi ngang qua, tôi cũng hướng con mắt về góc phố ấy. Có lẽ bởi gương mặt của người đàn ông sửa xe toát lên vẻ gì đó bình thản, cho ta cảm giác an tâm và dịu dàng, giữa nhịp sống xô bồ, chen chúc của cuộc sống hiện đại. Có lần ngồi trò chuyện với ông, tôi hỏi tại sao ông cần mẫn như vậy với công việc này, ông chỉ mỉm cười, vẫn là nụ cười ấy, giản dị, ấm áp. Nhưng một lần khác ông tâm sự rằng, khi đang còn là một anh bộ đội thuộc trung đoàn pháo xạ năm nào, có lần sau cuộc chiến đẫm máu, nhìn những đồng đội hy sinh, ông đau xót và căm hận chiến tranh. Ông chỉ ước, giá như được chầm chậm tận hưởng một chiều êm ái ở bên góc phố nhỏ, khi xung quanh không còn bom rơi đạn lửa, không còn nỗi sợ hãi, chết chóc, căm hờn... Với ông, hạnh phúc biết mấy một buổi chiều như thế!
3. Có người nói với tôi, viết những mẩu chuyện về cựu chiến binh, sao không chọn biết bao nhiêu người giã từ chiến trường giờ đã rất thành danh trên thương trường. Có người đã trở thành doanh nhân, thành những ông chủ trang trại lớn. Họ đã góp sức rất nhiều cho quê hương đổi mới. Họ cũng góp sức để tri ân những đồng đội ngã xuống, giúp đỡ những đồng đội còn nhiều vất vả...
Vâng, tôi và biết bao nhiêu người rất hiểu điều ấy. Ngoài lòng biết ơn, chúng tôi còn dành cho họ sự ngưỡng mộ. Nhưng tôi đã chọn 2 người cựu binh rất giản dị mà chúng ta luôn gặp ở quanh mình. Vì, đôi khi, chỉ lắng lòng mình một chút thôi, ta sẽ “nhìn” thấy họ lấp lánh giữa cuộc đời này, mang đến cho ta những bài học bất ngờ.
Như ông bố của bạn tôi kia, sự ấm áp, vững chãi, đầy tin cậy của ông mang lại là vô cùng lớn lao cho gia đình ông, tỏa bóng cả xuống những người xung quanh nữa. Hay người cựu binh mà tôi vẫn nhìn thấy nơi góc phố, hóa ra tôi không hay biết ông đang tận hưởng những tháng ngày hạnh phúc của mình. Bấy lâu nay, tôi cũng như bao người khác, thấy cuộc sống quanh mình nhiều khi quá chật hẹp, thấy tháng ngày nhàm tẻ, và muốn bứt phá, muốn trốn chạy, muốn “nổi loạn”. Ta quên không nhìn bông hoa dại vừa hé nở dưới ánh nắng mai, quên tiếng chim ríu rít đầu nhà, quên cái yên bình ấm áp cảnh từng đoàn người đổ về mái ấm của mình khi hoàng hôn vừa trút những ánh nắng cuối ngày, quên tiếng xao xác của heo may vào chiều thu nơi góc phố... Chúng ta sống mà không biết rằng, một chiều như bất cứ chiều nào chúng ta đang được tận hưởng, là niềm mong ước, khát khao của bao con người thời chiến, là cứu cánh của những cuộc chiến tranh bảo vệ dân tộc, là hy vọng và nỗi an ủi của những chiến binh năm nào.
Hóa ra, điều kỳ diệu gần gũi như thế, có thể ở ngay bên ta, ở trong chính ta, mà chúng ta thường bỏ qua, thường không quen cảm nhận. Chúng ta đã vô tình bỏ lỡ hạnh phúc của mình mà không hề hay biết.
Mỗi sáng, đi ngang qua góc phố ấy, tôi lại quay sang nhìn ông, người vá xe với gương mặt bình thản, ung dung, với ánh mắt như lúc nào cũng đang cười ấm áp. Rồi tôi chìm vào dòng người trên phố, thấy vui vui vì mình cũng góp phần trong bức tranh của ông, bức tranh mà bao nhiêu năm về trước, ông từng khao khát được nhìn. Tôi chợt nhận ra, chính ông là một trong những họa sỹ đã vẽ lên bức tranh ấy, bức tranh mang tên Hòa Bình...
Nghệ An cuối tuần