Những người viết bài ca giữ nước...

18/12/2014 18:30

(Baonghean) - 1. Bố tôi là một người lính. Ông bước vào cuộc chiến chống Mỹ khi đang là sinh viên của Đại học Tổng hợp. Ngày ấy, những chàng trai “xếp bút nghiên theo việc đao cung” như bố tôi nhiều lắm. Có rất nhiều người đã viết cả huyết thư để được ra trận. Họ đã hòa mình vào đoàn quân điệp trùng ra trận tuyến, tạo nên khí thế sục sôi “ngụy trang reo như rừng gió chuyển”.

Bố tôi, cũng như bao nhiêu đồng đội khác, trong những cánh thư về nhà, đã nói với mẹ mình: “Mẹ ơi, đừng buồn. Con đi rồi con sẽ về với mẹ trong ngày hòa bình, thống nhất. Nếu con không về thì đất nước ta nhất định sẽ có được hòa bình”. Sau này, tôi, một cô bé lớp 3 đã hỏi bố mình: “Sao bố lại không đi học mà lại chọn ra chiến trường chiến đấu?”, bố tôi đã trả lời giản dị: “Không ai muốn chọn chiến trường con ạ. Nhưng nếu bố và các chú bộ đội không ra trận tuyến, thì bầu trời trên kia không phải là của con. Con sẽ không có giờ chào cờ, hát Quốc ca “Đoàn quân Việt Nam đi” mỗi đầu tuần, và có thể trên bản đồ thế giới, không có 2 chữ: Việt Nam”. Sau này, tôi càng hiểu, chính “người lính là người cầu nguyện cho Hòa Bình nhiều hơn bất cứ ai”. Bố tôi, trong những câu chuyện cuộc đời đã luôn nhắc về đồng đội đã ngã xuống, cả những người không còn lành lặn trở về. Ông có thể quên đi nhiều thứ, nhưng những gương mặt đồng đội và bộ quân phục thì không bao giờ ông quên.

Ngày bố tôi nằm xuống, nhiều đồng đội cũ đã đến tiễn đưa ông. Họ khoác lên mình bộ quân phục, đứng nghiêm giơ tay chào theo khẩu lệnh. Ôi là màu áo xanh, như một thứ tín hiệu, không, hơn cả thế, đó là niềm tin, tình thương yêu đã kết lại, rưng rưng tình đồng chí, đồng đội truyền đến nhau, cho tới tận cái chết.

Cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn xe tăng 215 duyệt đội ngũ nhân ngày truyền thống. Trần Hải
Cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn xe tăng 215 duyệt đội ngũ nhân ngày truyền thống. Trần Hải

2. Mỗi khi nghĩ về người lính, tôi không thể không nhẩm đọc bài thơ “Ngày về”. Người lính trong thơ của Chính Hữu là những chàng trai giản dị như bao người ta đã gặp trên đời, nhưng ở họ toát lên vẻ đẹp của những con người mang trong mình lý tưởng cao cả. Họ xông pha vào trận mạc, mặc cho bom rơi đạn lửa, mặc những đôi giày lấm bùn đen, mặc chiếc áo phủ bụi trường chinh… “Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/ Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/ Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa/ Mái đầu xanh thề mãi đến khi già/ Phơi nắng gió hoa ngàn cỏ dại”.

Tôi biết, những chiếc áo khi hết màu hào hoa ấy, sẽ bị “rách vai” hay “có vài mảnh vá”, thậm chí “áo bào thay chiếu anh về đất”, những người lính với mái đầu xanh sẽ có thể trở thành “đoàn binh không mọc tóc”, cũng có thể gục ngã “trên dây thép ba từng”…, nhưng khi đã mang trong mình dòng máu anh Bộ đội Cụ Hồ, họ luôn ngời lên cái khí thế của người “một bàn tay chưa rời báng súng”. Không hiểu sao tôi luôn nghĩ về họ như thế, giản dị mà hào hoa, mộc mạc chân chất mà cao đẹp. Họ giống như những cánh lá buổi sớm, xanh mướt mát đại ngàn, nhưng với ngọn lửa rừng rực trong lòng, họ sẵn sàng cháy lên cho một buổi bình minh tươi đẹp của dân tộc. Họ chính là những ngọn đuốc luôn được ủ để cháy sáng... Từ ngàn xưa cho mãi đến mai sau...

3. Đã bao nhiêu năm nay, màu áo xanh thân thuộc của anh bộ đội đã trở thành biểu tượng của khát vọng Hòa Bình, biểu tượng bền gan vững chí trước thử thách sống - còn. Giữa cuộc sống hiện đại, nhìn thấy màu xanh ấy lòng ta chợt ấm lại. Thật kỳ lạ, khi giản dị là thế mà màu xanh ấy khiến ta thấy xung quanh mình đâu đâu cũng là hồn sông nước linh thiêng. Tôi vẫn giữ cho mình vẹn nguyên cảm xúc ấy, khi mỗi mùa xuân, đứng trước những chàng trai trẻ măng vẫy những bàn tay ra ngoài cửa kính ô tô tạm biệt người thân lên đường tòng quân. Những chàng trai ấy, mang gương mặt như từ xưa xa của cha, của ông mình tiếp nối một chặng đường giữ nước.

Những gương mặt, những trái tim “chẳng làm đau một chiếc lá trên cành”, nhưng khi đối diện với kẻ thù tàn bạo họ lại trở thành những người gan góc nhất. Gương mặt ấy, sẽ sạm đi trước mũi tàu tuần tra, sẽ rắn lại trên những đỉnh đèo cao đầy sương muối. Cánh tay ấy, sẽ vững chãi giơ lên trên vành mũ giờ chào cờ nơi cột mốc đường biên heo hút vùng sâu, hay nơi đảo xa muôn trùng sóng vỗ, nơi gió và nắng chỉ ít ngày thôi đã bạc phếch màu cờ. Những người quyết một lời thề: “Trung với nước, hiếu với dân” vượt qua hết thảy gian nan, sẵn sàng ôm lá cờ đỏ sao vàng ngã vào lòng đất mẹ trước mũi súng quân xâm lược. Và chính họ, đã cho chúng ta nhìn rõ hơn Tổ quốc mình!

Nghệ An cuối tuần

Những người viết bài ca giữ nước...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO