Những người vợ đảm

14/08/2015 14:47

(Baonghean) - Không chỉ giỏi việc nhà, những người phụ nữ ở Nam Cát (Nam Đàn) còn đảm đang tay cày, tay cuốc ngoài đồng ruộng, phát triển kinh tế gia đình khi chồng vắng nhà...

Là một trong những gia đình được xếp vào hộ khá giàu của xã Nam Cát, thế nhưng không ai biết được để có được cơ ngơi nhà cửa khang trang, hai con học giỏi, ruộng vườn, ao cá, chăn nuôi phát triển, chị Nguyễn Thị Hồng (xóm Đại Thắng) đã phải vất vả, khó nhọc khi một mình lo toan hết mọi việc nội ngoại trong gia đình để chồng yên tâm đi làm ăn ở Hàn Quốc.

Rót mời khách bát nước chè xanh, chị Hồng tâm sự: Ngày hai vợ chồng lấy nhau gia tài nhìn vào 6 sào ruộng lúa. Nếu không phải thuê mướn nhân công, thời tiết thuận hòa thì cũng coi như đủ cái ăn, còn nếu muốn mua sắm, rồi sách vở, quần áo cho con học hành thì nhìn vào chừng ấy không bao giờ đủ được. Hai vợ chồng còn trẻ (chị sinh năm 1976, anh sinh năm 1974), sức dài vai rộng chẳng lẽ cứ luẩn quẩn quanh xóm biết đến bao giờ mới mở mày, mở mặt với bà con, rồi lấy gì mà đầu tư cho hai con ăn học. Tính đi tính lại, năm 2007, anh đồng ý cho chị đi XKLĐ ở Malaysia, chị đi được 1 năm thì ở nhà anh cũng làm hồ sơ đi Hàn Quốc. Anh bảo mình là đàn ông, mình phải đi ra kiếm tiền, chị về nước để chăm sóc hai con, rồi ông bà nội ngoại... Chị thấy có lý và đồng ý, thế là anh đi đến nay đã hơn 4 năm.

Mô hình trang trại ao cá kết hợp nuôi vịt đẻ của chị Hoàng Thị Biển ở xóm Quy Đức, xã Nam Cát (Nam Đàn).
Mô hình trang trại ao cá kết hợp nuôi vịt đẻ của chị Hoàng Thị Biển ở xóm Quy Đức, xã Nam Cát (Nam Đàn).

Từ ngày anh đi làm xa, một tay chị Hồng cũng chừng ấy ruộng, ngày đại mùa ba mẹ con làm không kịp thì thuê thêm người. Nhưng chủ yếu vẫn ba mẹ con tự bươn chải. Hai con chị biết nghe lời mẹ, ngoan học giỏi nên chị cũng thấy được an ủi phần nào. Hiện hai con của chị Hồng đều học lớp chọn của Trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên). Chị Hồng bảo ngày anh còn ở nhà những việc nặng nhọc chị không bao giờ biết đến, thế mà nay việc gì chị cũng làm được từ sửa máy bơm nước, bóng điện hỏng, đến cầu chì cháy… Nhưng điều mà chị Hồng phấn khởi nhất là từ đồng tiền mồ hôi của chồng gửi về, chị đã tính toán, xoay xở mở rộng quy mô chăn nuôi lợn (mỗi năm 4 lứa), rồi gà, vịt, sửa lại ao thả cá... làm lại được ngôi nhà khang trang và tập trung đầu tư cho hai con ăn học.

Cũng giống như chị Hồng, chị Hoàng Thị Mai (xóm Thuận Mỹ), chị Nguyễn Thị Thủy (xóm Mỹ Thiện)... đều có chồng đi xuất khẩu lao động. Các chị ở nhà vừa ruộng đồng một năm hai vụ, vừa phát triển kinh tế, vừa đầu tư cho các con ăn học thành đạt như chị Thủy hiện hai con đều học đại học ở Vinh và Hà Nội, chị Mai có con học Trường THPT chuyên Phan Bội Châu...

Tuy nhiên, việc đàn ông vắng nhà thường xuyên, phụ nữ phải “một gánh hai vai” vừa việc đồng ruộng, chăn nuôi, vừa nuôi con học hành, vừa phát triển kinh tế khiến chị em gặp rất nhiều khó khăn.

Như trường hợp chị Phan Thị Lan (SN 1976) chồng đi xuất khẩu lao động 3 năm nay. Ở nhà một mình xoay xở chăm sóc 2 con nhỏ (con thứ hai mới được hơn 3 tuổi), cộng với 6 sào ruộng khoán. Chị bảo: Từ ngày anh đi làm ăn xa, mỗi năm cũng tích cóp được vài ba chục triệu đồng nhưng một mình ở nhà vất vả lắm.. Đừng nghĩ chồng đi làm có đồng tiền gửi về là cứ thế mà tiêu, vì nếu không làm gì ngồi mà ăn thì biết chừng nào cho đủ. Phụ nữ nhà nông nói nhiều việc hay ít việc là do ở mình, như bản thân chị, hết mùa cấy hái, chị còn tranh thủ đi bắt cua đồng về nhập. Nếu siêng năng, chăm chỉ, chịu khó mỗi tháng cũng kiếm thêm khoảng 3 triệu đồng, chừng ấy tiền ở nông thôn cũng đủ để chị mua thêm cho con hộp sữa, đóng tiền điện... Những ngày mưa gió, con lớn ốm, con nhỏ khóc, lại nghĩ: Gọi điện cho chồng về, ở nhà có gì ăn nấy miễn là gần nhau để còn nương nhờ những lúc ốm đau... Nhưng rồi lại nghĩ: Ở nhà biết bao giờ mới có đồng ra đồng vào, rồi các con lớn lên, tiền ăn học tốn kém...

Khoảng 5 năm lại nay, Nam Cát là một trong những xã có tỷ lệ đi xuất khẩu lao động nhiều nhất nhì huyện Nam Đàn. Chỉ tính riêng trong Hội phụ nữ, với tổng số 1.046 hội viên thì có đến 70% số chị có chồng đi xuất khẩu lao động ở các nước Ăng-gô-la, Hàn Quốc, Đài Loan... Đây cũng là điều đáng mừng bởi nhờ xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình đã thoát nghèo, không những xây nhà cửa to đẹp mà con có điều kiện chăm sóc con cái, vợ ở nhà có vốn phát triển kinh tế. Khi đời sống ngày càng cải thiện thì việc chăm sóc sức khỏe cũng được chị em chú trọng hơn. Mỗi năm, Hội phụ nữ phát động 4 đợt khám sức khỏe định kỳ thì hầu như đạt 100% kế hoạch đề ra. Cũng nhờ xuất khẩu lao động, kinh tế ổn định nên những cuộc phát động của hội như “quỹ mái ấm tình thương”, tổ chức phường hội giúp nhau không lấy lãi... được chị em chú trọng và tham gia tích cực.

Chị Nguyễn Thị Thanh An, Chủ tịch Hội Phụ nữ Nam Cát cho biết: Số người đi lao động ở nước ngoài đã tác động tích cực tới nhiều mặt xã hội, nhận thức của người dân nâng lên. Thu nhập nhờ xuất khẩu lao động ổn định, không những đời sống của gia đình được cải thiện mà chị em còn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của xã, thôn, như: ủng hộ xây mới nhà văn hóa, nhà đa năng, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm. Bộ mặt nông thôn của Nam Cát so với các xã khác có nhiều thay đổi: có nhiều nhà cao tầng, nguồn thu của xã cao nhờ những người đi lao động nước ngoài. Hầu như trong tất cả các cuộc họp phụ nữ từ xã đến chi hội đều chú trọng tuyên truyền những cách làm hay của chính chị em trong xã để các chị em khác học tập. Cũng từ cách làm này mà đến nay gần100% chị em có chồng đi xuất khẩu lao động đã biết phát huy đồng vốn: người thì mở mang chuồng trại, người thì mở cửa hàng buôn bán, gửi ngân hàng... Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ khá giàu ở Nam Cát ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 43 hộ/1.700 hộ toàn xã.

Thanh Thủy

Mới nhất
x
Những người vợ đảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO