Những người yên nghỉ ở Nghĩa trang cụ Phan

12/11/2013 19:14

(Baonghean) - Nằm lặng lẽ trên đồi Quảng Tế, gần dốc Nam Giao (nay thuộc phường Trường An, Thành phố Huế) là khu nghĩa trang mang tên nhà yêu nước Phan Bội Châu. Nghĩa trang này do cụ Phan lập ra cùng với bản quy ước về tư cách của những người được chôn cất ở đây. Có thể coi đây là “Nghĩa trang liệt sỹ đầu tiên” của nước ta trước Cách mạng tháng 8…

Trong khoảng thời gian bị giam lỏng tại Bến Ngự (Huế), cụ Phan Bội Châu luôn giữ trọn phẩm giá cao khiết của một chí sỹ yêu nước và dù không trực tiếp hoạt động ở bên ngoài, cụ vẫn không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước thương nòi. Khi ấy, đồng bào trong nước quyên góp được số tiền khoảng 2000 đồng để giúp cụ. Hai cụ Võ Liêm Sơn và Huỳnh Thúc Kháng bèn dùng số tiền ấy mua một mảnh vườn trên dốc Bến Ngự dựng một ngôi nhà tranh nhỏ cho cụ Phan và mua tiếp một mảnh đất khác nằm trên đồi Quảng Tế, gần khu vực Đàn Nam Giao. Ban đầu, cụ Phan định thành lập một Cô nhi viện để nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Ý định này không thực hiện được bởi do chính quyền thực dân ngăn cản. Cụ Phan đành chuyển sang thành lập một khu nghĩa trang làm nơi yên nghỉ cho những chiến sỹ cách mạng và nhà yêu nước.

Nhà cụ Phan Bội Châu tại Bến Ngự (Huế).
Nhà cụ Phan Bội Châu tại Bến Ngự (Huế).

Do “vườn chật, đất hẹp khó dung tất cả” (lời cụ Phan) nên cụ Phan lập ra một bản “ước quy”, cho khắc thành văn bia dựng tại nghĩa trang. Trên bia ghi rõ “ba hạng người có tư cách” theo như ý cụ Phan mới được yên nghỉ ở nơi này. Tấm bia hiện vẫn được đặt tại nghĩa trang, gồm 10 dòng với 167 chữ, toàn văn chữ Hán, chúng tôi xin được tạm dịch như sau:

QUY ƯỚC Ở NGHĨA ĐỊA PHAN BỘI CHÂU

“Châu trước khi sắp mất, kính đem vườn này đặt làm nghĩa địa, tức như ý người xưa nói rằng: “bạn bè chết đi mà không có chỗ chôn thì hãy chôn ở đất của ta” vậy. Nhưng vì vườn chật đất hẹp khó dung tất cả, nên đặc biệt định ra một quy nước như sau:

Một, người từng là đồng chí đồng sự với Châu, đến chết vẫn không thay đổi.

Hai, người tuy không đồng sự với Châu nhưng chắc chắn là đồng chí của Châu, đến chết vẫn không thay đổi.

Ba, người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa của Châu mà sẵn sàng hy sinh chịu đựng đau khổ, đến chết vẫn không thay đổi.

Có tư cách của ba hạng người trên mà không may qua đời xa quê ở thành Thuận Hóa, kính xin đem di hài đến an táng ở nghĩa địa này. Còn nếu không có tư cách của ba hạng người như trên, nhất quyết khước từ.

Phan Bội Châu tự tay định ra.

Nam lịch năm Giáp Tuất, ngày…, tháng…

Tây lịch năm 1934, ngày…, tháng…”

Năm 1941, viên Tri huyện Hương Thủy đến đây là ra lệnh lật úp tấm bia xuống đất nhằm dần xóa bỏ dấu tích. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, tấm bia lại được đưa lên và đặt vào vị trí cũ. Ngày 15 tháng 9 năm 1939, đồng chí Nguyễn Chí Diểu - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương qua đời vì bệnh lao phổi sau thời gian dài bị giam lỏng và cô lập tại Huế. Bọn mật thám ra lệnh cho gia đình đồng chí phải chôn tại nơi chúng quy định với mục đích để theo dõi và khủng bố các chiến sỹ các mạng khác khi đến viếng. Xứ ủy Trung kỳ lúc bấy giờ nhất quyết không chấp nhận yêu sách đó nhưng lại chưa tìm được địa điểm nào thích hợp. Đồng chí Phan Đăng Lưu đem chuyện này nói với cụ Phan, ngay lập tức cụ Phan nói: “Rứa thì đem mai táng Diểu ngay chính giữa khu nghĩa địa của tôi ở Nam Giao đi. Có chi rắc rối tôi chịu”. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu chính là người đầu tiên được an táng tại nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu. Sau này tại đây là nơi yên nghỉ của hơn 20 chiến sỹ cách mạng và nhà yêu nước khác như: nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn), nhà thơ Thanh Hải (Phạm Bá Ngoãn), Liệt sĩ Lê Tự Nhiên, Liệt nữ Ấu Triệu (Lê Thị Đàn)… Đặc biệt trong số này có nhiều nhà yêu nước người Nghệ “không may qua đời xa quê” cũng yên nghỉ tại đây, như cụ Nghè Nguyễn Huy Nhu (quê tại Nghi Tân, Cửa Lò) nguyên Giáo sư Hán học tại Viện Đại học Huế và Hội trưởng Hội Cổ học Việt Nam kiêm Chủ bút Cổ học quý san; cụ Phan Thiệu Tường (quê tại Nam Đàn), cụ Võ Thành Minh nguyên Tổng ủy viên Hướng đạo sinh Đông Dương (quê tại Hoa Thành, Yên Thành)…

Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu, trong đó có khu nghĩa trang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, theo Quyết định số 875/QĐ – VH ngày 14/5/1990. Đây có thể xem là “Nghĩa trang liệt sỹ” đầu tiên của nước ta trước Cách mạng tháng 8/1945 và là một di tích lưu niệm chiến sỹ cách mạng và người yêu nước có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử và văn hóa.

Bài, ảnh: Trần Tử Quang (Thư viện tỉnh Nghệ An)

Mới nhất
x
Những người yên nghỉ ở Nghĩa trang cụ Phan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO