Những nhạc sỹ của núi rừng

25/09/2014 15:49

(Baonghean) - Mỗi lần lên bản làng miền Tây vui hội, hòa mình trong tiếng nhạc ngân vang, trong tiếng hát rộn ràng, chúng tôi được nghe bà con nhắc nhiều về những “nhạc sỹ của núi rừng”. Danh hiệu ấy, dân bản dành cho nhạc sỹ Trần Vương, cố nhạc sỹ Lương Tuyển và sau này có thêm tác giả Lê Hoàng... Người viết bài này có may mắn từng được gặp gỡ chia sẻ với họ...

Phong cảnh núi rừng  và bản làng ở Kỳ Sơn.
Phong cảnh núi rừng và bản làng ở Kỳ Sơn.

Những ngày giữa tháng 9 vừa qua, hơn 300 diễn viên và nghệ nhân của các huyện miền núi - vùng cao có dịp hội ngộ tại Thành phố Vinh trong chương trình Hội diễn văn nghệ các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ 3. Tại đây, những ca khúc quen thuộc hát về núi rừng, bản làng lại có dịp được ngân vang, lan tỏa. Những “nhạc sỹ của núi rừng” tiếp tục được nhắc đến với niềm biết ơn và kính trọng. Một điều không biết do sự tình cờ, ngẫu nhiên hay có một sự sắp đặt nào đó, các tác giả Trần Vương, Lương Tuyển và Lê Hoàng đều là những con người gắn bó máu thịt với mảnh đất Con Cuông. Rồi từ đây, tâm hồn rộng mở và đậm tư chất nghệ sỹ của họ vươn xa để thâu nhận vẻ đẹp tinh tế của con người, bản làng, núi rừng và sông suối miền Tây đất Nghệ. Có người khẳng định, dòng sông Lam thơ mộng, con sông Giăng trong xanh, cánh đồng Mường Qụa tươi tốt, đại ngàn Pù Mát kỳ vĩ đã nuôi dưỡng và hun đúc nên tâm hồn nghệ sỹ của những người con gắn bó với quê hương.

Người đầu tiên chúng tôi muốn được nói đến là nhạc sỹ Trần Vương (sinh năm 1942). Trần Vương không phải là người sinh ra và lớn lên ở đất Con Cuông, quê ông ở xã Nam Cường (Nam Đàn). Nhưng rồi “bàn tay cuộc đời” đã đưa ông lên với núi rừng miền Tây, và mảnh đất này thực sự đã thành máu thịt. Có lẽ, cuộc đời sinh ra ông là để dành cho núi rừng. Từng giảng dạy bộ môn Âm nhạc tại Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, rồi Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông, sẵn có tư chất nghệ sỹ và bề dày vốn sống, vốn văn hóa, ông đã gặt hái được cho mình những “quả ngọt”. Gia tài âm nhạc của ông khá bề thế, trong đó có những ca khúc “để đời” như “Cây đa Cồn Chùa”, “Trăng ngàn”, “Cây khèn bè”, “Em đi chăm vườn rừng”, “Rừng xuân nhớ Bác”, “Miền Tây quê ta”,...

Niềm say mê và khát vọng sáng tạo đã trở thành động lực giúp nhạc sỹ Trần Vương vượt qua bao đèo cao, suối sâu để đến với các bản làng xa xôi, nơi đồng bào các dân tộc đang lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. Có lẽ vì thế mà ca từ, giai điệu và tiết tấu của những ca khúc do ông sáng tác đều gần gũi, giàu hình ảnh, dễ nhớ, dễ thuộc và được bà con đón nhận nồng nhiệt. Nhạc sỹ Trần Vương thường ca ngợi vẻ đẹp và quá trình vươn lên làm chủ núi rừng quê hương của đồng bào các dân tộc miền Tây. Với người nhạc sỹ, mỗi câu chuyện, mỗi sự tích dân gian đều có thể khơi gợi thành những đề tài cho các ca khúc. Cùng với đó, những sinh hoạt đời thường của bà con như xuống suối, lên nương, dệt vải hay các sinh hoạt văn hóa như nhảy sạp, múa khèn, thổi sáo đều có thể trở thành nguồn cảm hứng và chất liệu cho các ca khúc. Trong nhạc phẩm “Cây khèn bè”, ông hết lời ca ngợi bàn tay khéo léo, tài hoa của người nghệ nhân đã chế tác ra loại nhạc cụ độc đáo này. Chỉ với chất liệu chính là cây nứa, chiếc khèn bè lại “chở đầy âm thanh”, lúc rộn ràng như ngày hội mường, lúc êm ái như dòng suối nhỏ, lúc bay vút lên suốt cánh rừng xanh. Âm thanh ấy còn là tiếng lòng của trai gái vùng cao: “tiếng khèn của lòng anh”, “tiếng khèn của tình em” và “tiếng khèn của nỗi nhớ vấn vương”. Trong tiếng khèn bè, còn có cả “lời ngày xưa vọng lại” cùng “lời tương lai dang cánh tay vãy gọi”...

Cố nhạc sỹ Lương Tuyển (1955-2008) sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Môn Sơn - Mường Quạ, một miền quê với bản làng trù phú, đồng ruộng mướt xanh. Chàng trai người dân tộc Thái ấy từng tham gia quân ngũ và có thời gian hoạt động nghệ thuật ở Đoàn 559 (Trường Sơn). Trở về quê hương, con người tài hoa ấy tiếp tục tham gia các phong trào văn hóa - văn nghệ, là cán bộ văn hóa huyện, rồi làm Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Nghệ An. Từ thuở còn nằm nôi, Lương Tuyển đã được nghe những câu lăm, điệu xuối, khúc hát ru của bà và mẹ. Tuổi thơ của ông gắn với những ngày hội bản, hội mường, với những câu nhuôn, điệu khắp; với tiếng cồng rộn vang; với tiếng khèn, tiếng pí du dương, trầm bổng. Những làn điệu dân ca, dân vũ và dân nhạc cổ truyền của quê hương đã trở thành bầu sữa tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sỹ của Lương Tuyển. Để rồi, khi lớn lên, người con ấy đã tìm cách trả nghĩa tổ tiên và quê hương bằng những ca khúc mang đậm âm hưởng của dân ca Thái, thể hiện đậm nét đời sống tâm hồn, tình cảm của đồng bào và mang nặng hơi thở của cuộc sống bản làng hôm nay.

Nói đến cố nhạc sỹ Lương Tuyển, chúng ta không thể không nhắc tới những “đứa con tinh thần” ấn tượng như: “Ngày hội Xăng khan”, “Lời ru đầu tiên”, “Tiếng khèn lạc nhịp”, “Xên bản, xên mường”, “Ngày hội” và “Âm điệu Tăng boang bu”. Đặc biệt, người dân các bản, làng miền Tây chắc không bao giờ quên giai điệu rộn ràng, vui tươi và rất đỗi thiết tha trong ca khúc “Hội cầu mùa” (Tặng thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, năm 2000). Ở đó có niềm vui của trai gái, bản mường trong ngày mừng mùa lúa chín; có tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang; có những điệu hát múa xôn xao cả rừng núi. Phải thực sự gắn bó, thực sự là người trong cuộc, Lương Tuyển mới viết được những âm điệu, lời ca vừa chân thực, giàu chất nhân văn, mà không kém phần trau chuốt, lãng mạn đến thế! Tiếp đến là âm điệu tha thiết và tự hào trong ca khúc “Huyền thoại thác Sao Va”. Ở đây, tác giả ví mình như một vị tiên lạc bước xuống miền Tây xứ Nghệ chờn vờn sương giăng, để rồi: “Ngẩn ngơ thấy thác đổ tưởng mình xông chốn Bồng Lai”. Còn trong ca khúc “Trên đỉnh Pù Pom”, nhạc sỹ đã tìm cách trở về với nguồn cội, với truyền thuyết về “Chín bản, mười mường”, nơi có bến Tả Tảo, có đền Chín Gian. Và rồi, không lâu sau khi bài hát này ra đời, đền Chín Gian đã được phục dựng để con dân chín bản, mười mường tìm về mảnh đất Quế Phong chiêm bái...

Cũng sinh ra và lớn lên ở vùng quê Môn Sơn - Mường Quạ, được nuôi dưỡng từ bầu sữa tinh thần dân ca, Lê Hoàng (1957) sớm ý thức được vai trò của âm nhạc đối với đời sống tâm hồn của cộng đồng làng, bản. Tròn 20 tuổi, người thanh niên dân tộc Thái ấy rời bản theo học nghề y. Mấy năm sau trở về, Lê Hoàng công tác tại Bệnh viện huyện Con Cuông. Ông thường xuyên về tận các bản làng xa xôi để khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân. Với tư cách là một cán bộ y tế, Lê Hoàng nhận thấy không ít đồng bào của mình vẫn bị trói buộc bởi mê tín dị đoan, chưa tin vào sự tiến bộ của khoa học- kỹ thuật. Để làm thay đổi nhận thức, trước tiên phải tác động tới đời sống tâm hồn, tình cảm. Điều đó trở thành động lực thôi thúc ông sáng tác ca khúc. Với niềm đam mê và năng khiếu sẵn có, cùng vốn sống và kinh nghiệm tích lũy được, ông quyết định gửi tâm tình vào những nốt nhạc, để nhận về tình yêu mến và cả niềm tin. Đồng bào vùng cao luôn thể hiện sự kính trọng và ghi nhớ công ơn Bác Hồ. Vì lẽ đó, qua các ca khúc của mình, Lê Hoàng thường nói hộ tình cảm của đồng bào đối với vị Cha già dân tộc. Trong đó, phải kể đến những ca khúc như “Bản mường ơn Bác”, “Lời Bác còn ngân trong lòng mường”, “Lời ca ơn Bác”, “Suối ngàn nhớ Bác”. Ca từ hết mực giản dị, trong sáng, chân thành, tha thiết. Đó là cách sống, cách ứng xử của đồng bào vùng cao.

Giờ đây, Trần Vương sắp bước vào độ tuổi 73, tuổi già và bệnh tật không cho phép ông đi khắp các bản, làng như thời trai trẻ. Lương Tuyển đã 6 năm về với cõi Mường Trời. Lê Hoàng cũng đã xấp xỷ tuổi 60. Nhiều người đã nhận ra “khoảng trống” phía sau các “nhạc sỹ của núi rừng”. Còn ít người tâm huyết với đời sống và bản sắc âm nhạc của cộng đồng các dân tộc vùng cao, kể cả những người con ra đi từ các bản mường. Trong khi đó, cuộc sống bản làng đang không ngừng biến chuyển. Đây chính là điều để ngành Văn hóa, những người làm công tác chính sách dân tộc và các địa phương suy ngẫm, tìm tích “tiếp sức” và “tiếp lửa”!

Bài, ảnh: Tường Anh

Mới nhất
x
Những nhạc sỹ của núi rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO