Những nông dân năng động

20/05/2014 16:04

(Baonghean) - Họ - những nông dân “một nắng hai sương”, lam lũ trên đồng đất, sản xuất cấy hái. Nhưng ở họ, ngoài đức tính cần cù là sự năng động, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kiến thức KHKT vào sản xuất chăn nuôi, làm nên những mùa vàng, làm giàu cho gia đình, quê hương. Họ là những nông dân năng động trong công cuộc xây dựng NTM…

Về xã Tiên Kỳ, một trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Tân Kỳ, với hơn 80% người dân tộc thiểu số, hỏi về trang trại của vợ chồng anh Lê Văn Hào – chị Nguyễn Thị Thành ở xóm 4, Thái Minh thì hầu như ai cũng biết. Người dân trong xã vẫn xem trang trại chăn nuôi của gia đình anh như một mô hình mẫu, vợ chồng anh là tấm gương vượt khó vươn lên… Sức khỏe của anh Hào không tốt do ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông, chị Thành - vợ anh chạy chợ, vất vả bán buôn, kiếm tiền nuôi con, đắp đổi qua ngày. Đời sống gia đình anh chị tưởng chừng như chẳng thể lần hồi, nói gì là khấm khá. Năm 2009, vợ chồng bàn với nhau vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 30 triệu đồng về xây chuồng, mua giống, mua thức ăn.

Trong năm đầu tiên gà vịt, lợn của gia đình bị dịch, phải bán tống bán tháo và lỗ to. Nhận thấy thất bại là do thiếu kiến thức, chăn nuôi tự phát. Năm 2010, anh Hào đăng ký tham gia học lớp sơ cấp thú y nhằm kịp thời phát hiện và chữa bệnh cho vật nuôi. Dựng lại chuồng trại trên 7 sào đất vườn, vợ chồng anh chú trọng việc đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ. Nhờ đó, những con giống đã phát triển tốt và bắt đầu sinh sản. Cuối năm đó, anh Hào và chị Thành đã có tiền để trả nợ ngân hàng, sửa sang nhà cửa và có thêm vốn để tiếp tục đầu tư. Anh Hào chia sẻ: “Trong chăn nuôi, điều quan trọng nhất là cần phải chú ý, theo dõi các triệu chứng bệnh của con vật để kịp thời tiêm phòng, cách ly tránh lây”… Phát huy thành công đạt được, trang trại gia đình anh tiếp tục phát triển. Đến nay, trang trại đã có trên 50 con lợn, gần 2.000 con gà, vịt thịt và đẻ. Sản phẩm từ trang trại chăn nuôi cho anh chị thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Tân (xóm 7, xã Nghĩa Hành) bên vườn thanh long.
Ông Nguyễn Văn Tân (xóm 7, xã Nghĩa Hành) bên vườn thanh long.

Ở Tân Kỳ, không hiếm những tấm gương như thế. Ông Lê Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hành phấn khởi: Ở xã có nhiều mô hình tiêu biểu, siêu lợi nhuận, trong đó có trồng bí xanh và dưa chuột. Tính ra Nghĩa Hành có 20 ha bí thì mỗi ha cho thu nhập 200 triệu đồng, có 20 ha dưa chuột – mỗi vụ cho 500 - 600 tấn quả, thu về trên 3 tỷ đồng… Chuyển đổi táo bạo, hiệu quả trong cây trồng đã giúp các hộ dân ở Nghĩa Hành thoát nghèo.

Ông Sơn đã dẫn chúng tôi về gặp một trong những người khởi xướng việc chuyển đổi cây trồng ở Nghĩa Hành và là “điển hình làm kinh tế” - ông Nguyễn Văn Tân, 63 tuổi, cựu chiến binh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm 7. Vốn là người thích sưu tầm, đọc sách báo, từ sở thích của mình, ông đã phát hiện những bài báo nói về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Tìm thấy những kinh nghiệm trồng trọt, mô hình phù hợp để có thể áp dụng vào điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất mình, ông triển khai ngay. Chính ông là người tiên phong trồng thử dưa chuột, bí xanh trên đồng đất Nghĩa Hành.

Khi hiệu quả mô hình được phát huy, ông Tân phổ biến kinh nghiệm trồng trọt của mình cũng như kinh nghiệm học tập kiến thức khoa học kỹ thuật cho bà con trong xóm. Gia đình ông Tân hiện nay ngoài trồng dưa chuột, bí xanh còn trồng lúa, nuôi ong, trồng cây ăn quả và trồng rừng lấy gỗ, thu nhập mỗi năm của hai ông bà cũng trên 150 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Tân bày tỏ: “Sản xuất cái gì cũng phải theo nhu cầu của thị trường. Mình phải đọc báo để biết tình hình thị trường, nắm bắt chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, cái gì đang khuyến khích, cái gì cảnh báo hạn chế. Và hơn hết là biết được khoa học kỹ thuật mà làm theo. Sách báo nói đủ cả… Ở xóm 7, nhiều nhà còn làm tốt, mạnh bạo hơn gia đình tôi”.

Bí quyết làm giàu không ở đâu xa mà nó nằm ở ngay trên mảnh đất của mình, xung quanh nhà mình, vấn đề là phải tìm ra, đã tìm được thì phải quyết tâm làm được – Đó là kinh nghiệm của “tỷ phú” Thái Văn Diệu ở bản Đan, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Những năm 1990, trong một lần về quê vợ ở Quế Phong, ông Diệu mê mẩn rồi “bén duyên” với giống vịt bầu Quỳ Châu – giống vịt được Viện Chăn nuôi Quốc gia đánh giá là ngon nhất Việt Nam. Nhận thấy khả năng làm giàu dựa vào việc phát triển giống vịt này, năm 1993, ông đưa vợ con về xã Tiền Phong lập nghiệp. Để nhân giống, gây đàn, hai vợ chồng ông đã lặn lội đến từng thôn bản, đi từng nhà dân, sang tận Lào gom trứng về ấp.

Sau gần 2 năm, gia trại của ông đã có gần 200 con vịt thuần chủng. Việc chăn nuôi của ông thêm thuận lợi khi được huyện Quế Phong hỗ trợ kinh phí để khôi phục giống vịt bầu. Đàn vịt của ông chẳng mấy chốc đã lên đến con số nghìn, vài nghìn... Thấy nuôi vịt bầu Quỳ hiệu quả, bà con quanh vùng và các huyện khác tìm đến mua giống từ lò ấp của ông Diệu. Có thời điểm, mỗi tháng ông xuất được khoảng 1 vạn con vịt giống thuần chủng. Từ việc ấp trứng, bán vịt giống, trang trại của ông mỗi năm thu về gần 700 triệu đồng. Đến năm 2008, ông Diệu thành lập Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu chuyên sản xuất và cung cấp giống vịt bầu Quỳ thuần chủng, chất lượng cao.

Không ngừng tìm tòi, khám phá, gây dựng cái mới, giữa năm 2013, ông Diệu xem tivi thấy có người ở Bắc Giang thuần dưỡng thành công vịt trời. Thấy hay, cuối năm 2013, ông Diệu nhờ người quen mua luôn 1.000 con giống một ngày tuổi với giá 50.000 đồng/con. Đưa đàn vịt về, chăm sóc trong điều kiện khí hậu khác biệt, ông Diệu lo lắm. Nhưng với kinh nghiệm 30 năm chăn nuôi vịt của mình. Ông Thái Văn Diệu đã thành công. Sau hơn nửa năm, trang trại ông Diệu có thêm gần 1.000 con vịt trời vào kỳ xuất chuồng, trọng lượng bình quân gần 2 kg, giá mỗi con là 280.000 đồng. Và so với vịt bầu Quỳ Châu, vịt trời có giá gấp 1,5 lần trong khi chi phí nuôi là tương đương. Ông Diệu cho hay: “Vịt trời nuôi từ nhỏ nên rất dạn, có bay đi đâu lại bay về. Nuôi dễ, ít bệnh tật, chỉ cần biết cách và chịu khó là thành công. Hiện tại gia đình đang cho vịt trời đẻ trứng và ấp, gây đàn”.

Ở Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương từ năm 2005, mô hình nuôi lợn đen, bò nuôi nhốt xóa đói giảm nghèo được nhân rộng. Người Mông vốn siêng năng nên mô hình nhanh chóng phát huy hiệu quả. Trâu bò gầy được mua về, sau 2 tháng nuôi vỗ béo rồi bán đi đem lại cho mỗi hộ dân từ 1,5 - 2 triệu đồng. Bản 61 hộ thì cả 61 hộ đều nuôi, có nhà nuôi tới 9 con. Và lợn đen cũng phát huy hiệu quả. Năm 2006, mô hình trồng bí xanh cũng được đưa vào. Ông Vừ Bá Nênh, trưởng bản cho hay: “Cả bản đều trồng bí xanh. Mỗi năm, mỗi vụ, mỗi nhà được 15-16 tấn, giá bí xanh là 2.500 đồng/kg, tính ra mỗi nhà thu về được trên 30 triệu đồng/vụ… Nhờ nuôi bò, lợn, trồng bí mà nhiều hộ đã thoát nghèo và trở nên khá giả. Người Mông ở Lưu Thông nhận thấy có thể làm giàu ngay trên đất mình, chẳng cần phải di dịch nơi đâu.

Bài, ảnh: Thanh Sơn

Mới nhất
x
Những nông dân năng động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO