Những nước cờ ngoại giao lão luyện của Tổng thống Nga Putin

12/11/2013 15:18

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giành danh hiệu Nhân vật quyền lực nhất năm 2013 theo Forbes bình chọn, từ tay Tổng thống Mỹ.

Đây có thể coi là một cuộc soán ngôi ngoạn mục của ông Putin nếu biết rằng ông Obama đã liên tục được bầu là Nhân vật quyền lực nhất thế giới kể từ khi lên làm Tổng thống Mỹ năm 2009, chỉ trừ năm 2010 khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào được bầu.

Thành công trong một năm đầy sóng gió với rất nhiều biến động trên chính trường quốc tế có thể tác động mạnh mẽ đến vị thế của Nga đã khắc họa rõ nét dấu ấn ngoại giao đầy bản lĩnh của nhân vật số một tại điện Kremlin và cả trên toàn thế giới.

Tổng thống Nga Putin (Ảnh: AFP)
Tổng thống Nga Putin (Ảnh: AFP)


Sự bình tĩnh, cẩn trọng khi cân nhắc thiệt hơn nhưng lại đầy quyết liệt và táo bạo khi hành động đã giúp ông Putin ghi điểm với cộng đồng quốc tế, đẩy đối thủ lớn nhất của Nga là Mỹ vào thế bị động trong vấn đề Syria và khiến “thanh danh” của siêu cường hàng đầu này bị hủy hoại nghiêm trọng trong vụ Edward Snowden.

Ván cờ Syria

Syria, đồng minh thân cận và duy nhất của Nga ở Trung Đông, đã chìm trong bạo lực của cuộc nội chiến kéo dài trong suốt 2 năm qua khiến hàng trăm nghìn người phải thiệt mạng.

Tình trạng nội chiến này có thể kéo dài thêm nhiều năm nữa bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng này. Bước ngoặt căn bản phá vỡ thế cân bằng trên bàn cờ Syria nổ ra hôm 21/8 khi quân chính phủ bị cáo buộc là đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường ở ngoại ô thủ đô Damascus khiến 200 người thiệt mạng trong đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Ngay lập tức, Mỹ và các đồng minh đã ráo riết bằng lời nói và hành động đe dọa một cuộc tấn công quân sự trừng phạt Syria vì đã vượt “lằn ranh đỏ”. Tổng thống Mỹ Obama ngày 22/8 đã yêu cầu Bộ Quốc phòng cung cấp hàng loạt các lựa chọn về giải pháp quân sự và dịch chuyển các lực lượng hải quân tiến gần hơn tới Syria nhằm chuẩn bị cho khả năng Tổng thống Obama có thể đưa ra quyết định triển khai quân sự tại nước này.

Cảnh thương vong vẫ hiện diện tại Syria (Ảnh: Getty images)
Cảnh thương vong vẫ hiện diện tại Syria (Ảnh: Getty images)

Trong lúc tình hình đang “nước sôi lửa bỏng” và Mỹ dường như đang nắm thế “thượng phong” để có thể ra đòn quyết định với Syria như cách mà nước này đã thực hiện đối với Afganistan và Iraq, cả thế giới lại đổ dồn con mắt về phía Nga và chờ đợi Nga có những phản ứng mạnh mẽ tương tự hoặc thậm chí là hơn nữa để tránh một thảm kịch lặp lại.

Tuy nhiên, trái với thái độ sục sôi “quyết chiến” của Mỹ và các đồng minh, Tổng thống Nga Putin lại chọn một cách phản ứng có vẻ “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều.

Nga chỉ bày tỏ sự lo ngại sâu sắc của mình đối với tuyên bố mà một số quan chức Mỹ cáo buộc chính phủ Syria đứng sau vụ việc “sử dụng vũ khí hoá học” ở al-Ghouta hồi tuần trước và thúc giục các nước phương Tây không nên tạo những áp lực quân sự đối với Syria và tạo “điều kiện bình thường” cho các chuyên gia của Liên Hợp Quốc tiến hành một cuộc điều tra cụ thể và công bằng tại Syria.

Quan điểm này của Nga khiến nhiều nước trên thế giới cảm thấy Nga đang mất dần sức ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế và có khả năng “buông xuôi” trước sức ép mạnh mẽ của các nước phương Tây đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự vào Syria.

Tuy nhiên, ngay trong tâm bão, khả năng quan sát nhạy bén, sự kiên nhẫn và chịu đựng sức ép mạnh mẽ, ngoan cường của Tổng thống Nga Putin lại càng được thể hiện rõ rệt. Những tính toán của ông sau đó đã làm gió đổi chiều và thế trận chủ động ngay lập tức lại được ông thiết lập.

Tổng thống Nga Putin đã quyết định không vội vã hành động mà chờ đến khi Mỹ và các đồng minh bộc lộ rõ những hạn chế của mình. Quyết định này đã cho thấy “nhãn quan” chiến lược sắc bén của ông khi tình hình thế giới diễn biến gần như đúng với những gì mà ông đã đoán định.

Mặc dù thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của mình với Mỹ song Thủ tướng Anh đã không được Hạ viện thông qua đề xuất của Chính phủ nước này hôm 30/8 kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ hành động can thiệp quân sự vào Syria và ông Cameron cũng không có cách nào khác là phải hành động một cách phù hợp theo quyết định của Quốc hội.

Mỹ ngay sau đó cũng tỏ thái độ “hạ nhiệt” bằng một tuyên bố mang tính “giữ thể diện” của Tổng thống Obama một ngày sau đó rằng ông đang cân nhắc một hành động "có quy mô hạn chế" vào Syria bằng việc sử dụng tên lửa hành trình phóng từ các tàu chiến, nhằm vào các mục tiêu chỉ huy của Syria.

Trước sự do dự của Mỹ, Tổng thống Nga Putin đã tiến thêm một bước đẩy Mỹ vào thế khó xử khi thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, coi đó là những lời lẽ "vô lý" đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ đưa ra bằng chứng.

Tổng thống Mỹ đã trình lên Quốc hội Mỹ bản dự thảo nghị quyết cho phép tiến hành can thiệp quân sự nhằm vào chính phủ Syria. Bản dự thảo nghị quyết này dễ dàng được Thượng viện do đảng Dân chủ của ông Obama chiếm đa số thông qua nhưng lại bị “ách lại”ở Hạ viện do đảng Cộng hòa đối lập chiếm đa số.

Dù lớn tiếng cho rằng “sẽ tấn công Syria ngay cả khi Quốc hội không chấp thuận” nhưng tuyên bố trên của ông Obama không được nhiều người đón nhận vì họ cho rằng ông không thể liều lĩnh đến như vậy.

Thanh sát viên Liên Hợp Quốc thanh sát vũ khí hóa học tại Syria (Ảnh Reuters)
Thanh sát viên Liên Hợp Quốc thanh sát vũ khí hóa học tại Syria (Ảnh Reuters)

Trong tình thế ấy, Mỹ đã buộc phải chấp nhận đề xuất của Nga đưa toàn bộ số vũ khí hóa học của Syria đặt dưới quyền kiểm soát của Liên Hợp Quốc nhằm “hạ nhiệt” không khí sôi sục trước cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Syria. Không những thế, đề xuất của ông Putin còn được coi là giải pháp giúp Tổng thống Obama và Mỹ "giữ thể diện" bởi trên thực tế, một cuộc tấn công quân sự vào Syria sẽ "trái với ý muốn của người dân Mỹ" cũng như ít nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Sau khi Mỹ chấp thuận kế hoạch của Nga, tình hình Syria vốn đang cực kì căng thẳng đã gần như ngay lập tức được giải tỏa khi Syria tuyên bố sẵn sàng đặt kho vũ khí của mình dưới sự giám sát của quốc tế và tham gia vào Công ước quốc tế về vũ khí hóa học.

Những quan ngại về việc Nga và đồng minh của mình là Syria sử dụng kế hoạch này như một biện pháp để “câu giờ” đã hoàn toàn tan biến khi Syria thể hiện thái độ hoàn toàn hợp tác và tiến trình thanh sát các kho vũ khí hóa học của Syria đã nhanh chóng hoàn thành trước ngày 1/11, hạn chót để Syria thực hiện cam kết của mình.

Những biến chuyển tích cực trong vấn đề Syria đã giúp ông Putin nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Tổng thống Nga sau đó còn được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2013.

Tuy danh hiệu này đã được trao cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học nhưng đối với nhiều người thì ông Putin mới là nhân vật then chốt, là người chủ động nhất, tích cực nhất trong vấn đề Syria và chính vì vậy lẽ ra là xứng đáng nhất với giải thưởng này.

Lá bài Snowden

Vị thế của Tổng thống Nga Putin trước người đồng cấp nước Mỹ Barack Obama cũng thể hiện rõ rệt hơn trong việc xử lý vấn đề của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden một cựu trợ lý kỹ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Ngày 9/6, Snowden đã tiết lộ thông tin Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã lén thu thập thông tin về những người sử dụng Internet.

Snowden đã tuyên bố mục đích tiết lộ chương trình thu thập thông tin về những người sử dụng Internet của anh là muốn người dân Mỹ biết về chương trình giám sát khổng lồ này, nhằm bảo vệ quyền tự do của mọi công dân và không muốn Chính phủ Mỹ hủy hoại tính cá nhân và sự tự do của Internet, gọi tắt là PRISM. Cựu nhân viên CIA tiếp tục gây sửng sốt cộng đồng thế giới khi tiết lộ các cơ quan tình báo Mỹ trong nhiều năm qua đã và đang tiếp tục tấn công vào mạng máy tính của nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau khi trốn sang Hong Kong (Trung Quốc) và tiết lộ vụ việc “động trời” này, Snowden tiếp tục bay sang Nga và dự tính sẽ đáp một chuyến bay khác từ Moscow đến Cuba và sau đó sẽ đến Venezuela xin tỵ nạn.

Tuy nhiên, Nga đã nhanh chóng thể hiện tầm ảnh hưởng của mình bằng việc thay đổi hoàn toàn kế hoạch ban đầu của Snowden và “giữ chân” anh này lại một sân bay tại Moscow.

Snowden được coi là lá bài của Nga (Ảnh: Getty Images)
Snowden được coi là lá bài của Nga (Ảnh: Getty Images)

Dù chưa rõ thái độ của Snowden trong việc liệu có ở lại Nga hay không khi anh này vẫn liên tục nộp đơn xin tị nạn tại nhiều nước khác nhau nhưng Tổng thống Nga Putin đã “ghi điểm” với Snowden khi mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ Snowden: “Việc dẫn độ Snowden về Mỹ để xét xử không phải cá nhân ai đó muốn là được. Hơn thế nữa Snowden chưa làm thủ tục nhập cảnh vào Nga và giữa Nga và Mỹ vẫn chưa ký kết Hiệp định dẫn độ tội phạm. Do vậy, không thể dẫn độ Snowden vào Mỹ ”.

Tình thế lại càng có lợi cho Nga trong việc trói chân Snowden khi một loạt các nước như Ba Lan, Na Uy, Ấn Độ và Đức hoặc từ chối, hoặc dè dặt trước lời đề nghị của Snowden do những nước này cũng “chùn bước” trước quyết tâm của Mỹ nhằm chặn hết các "con đường" tị nạn của Snowden.

Bị đẩy đến đường cùng và chỉ còn Nga là lựa chọn duy nhất, Snowden đã quyết định trú ẩn tại Nga và từ đây, nhưng tiết lộ bí mật của Snowden đã khiến nhân vật này trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi của Mỹ.

Liên tiếp các tiết lộ về việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do thám thông tin của Brazil, Argentina, Bolivia, Trung Quốc, Đức, và một loạt các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia… đã khiến cho mối quan hệ của Mỹ với các nước này sứt mẻ nghiêm trọng.

Cuộc khủng hoảng niềm tin của cả những nước đối địch cũng như đồng minh của Mỹ về chương trình do thám của nước này khiến Mỹ buộc phải thừa nhận chính quyền nước này đã “đi quá xa” trong vấn đề này.

Với Snowden, giờ đây Nga đã nắm trong tay một lá bài cực kì quan trọng có thể gây sóng gió với Mỹ và khiến nước này lao đao bất cứ khi nào mình muốn. Những tính toán chặt chẽ, hợp lý và sắc sảo của ông Putin trong vấn đề Snowden lại một lần nữa cho thấy tầm nhìn và cách xử lý vấn đề của ông “vượt trội” như thế nào.

Judo hay còn gọi là Nhu Đạo là môn võ mà Tổng thống Nga Putin ưa thích và đã tập luyện nhiều năm khi còn nhỏ. Môn võ này đề cao khả năng phòng vệ chủ động, khả năng phản xạ linh hoạt và nhận định tình huống để có thể nương theo những đòn tấn công của đối thủ và phản công để dành ưu thế. Những gì được rèn luyện trong Judo đã được ông Putin thể hiện xuất sắc về khía cạnh ngoại giao quốc tế.

Dù không “đao to búa lớn”, không “hành động rầm rộ” để “phô trương thanh thế” nhưng những gì ông Putin đã làm được trong 2013 đã để lại dấu ấn sâu sắc trong con mắt nhiều quốc gia trên thế giới và giúp Nga lấy lại vị thế siêu cường hàng đầu của mình./.

Theo VOV

Mới nhất

x
Những nước cờ ngoại giao lão luyện của Tổng thống Nga Putin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO