Những phiên chợ xuân

24/01/2014 20:23

(Baonghean) - Những ngày cận Tết, chợ Hàu xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) bỗng ồn ào, sôi động hơn thường lệ. Khi màn sương còn phủ mờ lên khu chợ, đâu đó dưới những chiếc nón lá cũ sờn đã nồng ấm hỏi chào cuối năm. Các bà, các mẹ đi chợ từ khi gà vừa gáy sáng, người quảy gánh rau còn đọng những hạt sương sớm, người chở buồng chuối xanh, vài ba con gà, lá dong, gạo, nếp… í ới bán, mua ríu rít. 

(Baonghean) - Những ngày cận Tết, chợ Hàu xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) bỗng ồn ào, sôi động hơn thường lệ. Khi màn sương còn phủ mờ lên khu chợ, đâu đó dưới những chiếc nón lá cũ sờn đã nồng ấm hỏi chào cuối năm. Các bà, các mẹ đi chợ từ khi gà vừa gáy sáng, người quảy gánh rau còn đọng những hạt sương sớm, người chở buồng chuối xanh, vài ba con gà, lá dong, gạo, nếp… í ới bán, mua ríu rít.

Từ ký ức xưa

Mặc dù mới ngoài 20 tháng Chạp nhưng không khí ấm áp của mùa xuân đã ngập tràn khu chợ quê bình dị, xua tan cái lạnh cứa da của ngày đông cuối năm. Hơn 5 giờ sáng đã có nhiều xe thồ hàng hóa, những gánh rau, quả từ các xã lân cận như Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương kĩu kịt về chợ, tấp nập bán, mua. Nhiều người đi chợ để mua sắm Tết, không ít người đi chợ chỉ mong ngắm nhìn, thưởng thức không khí chợ quê ngày cuối năm. Tết đến thổn thức trong tim những người con xa quê hương cũng bởi hình ảnh chợ quê bình dị. Sau chuỗi ngày dài mưu sinh, những người con xa quê đi chợ để cảm nhận không khí ngày xuân đang tràn về. Họ đi chợ để được trở về với những kỷ niệm tuổi thơ, hay chỉ đơn giản là được ngắm nhìn chợ quê muôn sắc rộn ràng. Với tôi, chợ Hàu có một sức hút kỳ diệu, đã gần 30 năm xa cái chợ này từ thuở nhỏ nhưng không thể nào quên được hình ảnh yên ả của những buổi chợ quê ngày áp tết, nhất là mỗi khi nhớ đến ngoại.

Ngày ấy, tôi mới lên 7, 8 tuổi, mỗi dịp nghỉ hè hay tết đều được mẹ cho về quê với ngoại. Quê tôi, một làng quê ven biển hiền hòa, bình bị như cái chợ quê này, bà ngoại thường đem xuống chợ bán những mớ tép, cá, tôm, ốc biển mà ông khai thác được. Những ngày áp Tết, bà đi chợ còn có thêm buồng chuối xanh trong vườn nhà và 5, 7 con gà nuôi dành dụm chờ bán Tết để có thêm chút tiền sắm cho cháu bộ áo mới diện những ngày xuân. Mỗi lần như thế tôi thường lẽo đẽo theo bà, đến chợ tôi luôn bị hút vào những chảo bánh rán, bánh cục thơm ngào ngạt. Sau khi bán xong hàng, bà mua ít cân gạo, nếp, lá dong, củ hành… và thể nào cũng có phần quà cho tôi. Đến tận bây giờ vẫn còn vẹn nguyên trong tôi cái cảm giác ngại ngùng khi đứng giữa chợ ướm thử bộ áo mới, bà mua về giặt sạnh đợi đến đúng chiều 30 Tết mới cho tôi mặc để chuẩn bị đón xuân mới thật sạch sẽ, thơm tho.

Hàng chục năm trôi qua, thời gian có thể làm biến đổi vạn vật nhưng cái chợ Hàu kỳ lạ này vẫn thế, vẫn vài dãy lều quán cũ liêu xiêu, với những hàng xén, hàng khô, hàng tạp hóa, cá, thịt, trầu cau… được trải trên những tấm bạt, ni lông bày bán dưới nền đất hoặc đựng trong các thúng, rổ, thau chậu. Phía sau chợ là dãy hàng hải sản, hàng rau, quả, chổi, chiếu… bán ngoài trời. Đặc biệt, hàng hải sản ở chợ Hàu rất tươi ngon bởi cá, tôm, mực khai thác từ biển về liền được các mẹ, các chị đem đi chợ nên hầu như sáng nào cũng có cá, tôm tươi lấp lánh, chỉ trừ những ngày biển động.

Bà Nguyễn Thị Sáu năm nay gần 70 tuổi, răng đen nhánh, là người dân gốc ở xã Tiến Thủy đã có thâm niên bán trầu cau tại chợ Hàu hơn 40 năm. 40 năm qua, vẫn chỗ ngồi quen thuộc ấy, dãi dầu mưa nắng có lún, sụt vạt đất nhưng cái thúng cau và mẹt trầu vẫn nguyên vẹn. Những ngày áp Tết, nhu cầu tiêu thụ trầu cao tăng cao, bà Sáu nhờ con cháu đi gom thêm hàng ở các địa phương khác để bán. Bà cẩn thận gói ghém từng lá trầu cho khách bằng lá chuối để trầu được tươi lâu trong những ngày Tết. Kế bên là sạp hàng khô của bà Quán 75 tuổi, bán hàng ở chợ hơn 30 năm nay, cũng chỉ những mặt hàng quen thuộc với đời sống hàng ngày của người thôn quê, ít hành tăm, quả bồ kết, nến đất, lạc, vừng, nấm, hành, tỏi, miến dong và cả đồ hàng mã. Bà Quán trải lòng với tôi rằng, cuộc đời bà gắn với cái chợ này, ngày nào bà cũng đến chợ mở hàng từ lúc 6 giờ sáng, chợ Tết thì đi sớm hơn. Chỉ những ngày đau ốm mới phải nghỉ, ở nhà bữa mô là lòng dạ đau đáu để ngoài chợ. Vốn ít, bán hàng vặt, lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng đi chợ bà tìm thấy niềm vui trong cuộc sống từ không khí ấm áp, xôn xao với những gương mặt bán, mua thân quen, bà như được tiếp thêm sinh khí để sống những năm tháng còn lại của tuổi già.

Chợ Hàu ngày cuối năm như rộng lớn hơn, có sức chứa tất cả hàng hóa từ các xã lân cận chuyển về trao đổi, mua bán. Bên cạnh đó vẫn là các sản vật quen thuộc với đời sống hàng ngày của người thôn quê, rau xanh, hành lá, mía, chuối, cam, bưởi,… được hái trong vườn nhà mộc mạc, bởi thế chợ Hàu nổi tiếng với nhiều hàng “sạch”, không hóa chất, phụ gia độc hại trong các sản phẩm tiêu dùng. Có lẽ vì vậy mà chợ luôn thu hút đông khách thập phương, nhiều người sống ở Thị trấn Giát hay các xã khác cách chợ Hàu trên 10 km những lúc rảnh họ đều tranh thủ xuống chợ này để được mua những sản vật đậm chất thôn quê, sạch sẽ. Những ngày này, chợ Hàu có thêm nhiều mặt hàng mới như tranh ảnh, bánh mứt, hoa tươi, những bó lá chuối, lá dong, cam, bưởi, đu đủ… tươi xanh. Một góc chợ xa rực màu hoa cúc vàng, hoa huệ, lay ơn, hồng đỏ, cẩm chướng thi nhau khoe sắc. Các bà, các mẹ đi chợ lo sắm Tết từ củ hành, lá dong, cân thịt, con gà cúng tối 30, rồi bánh, kẹo, hương trầm, hoa trái, hay cái chổi mới để quét nhà, lo sao cho cái Tết được vẹn toàn, mỗi gia đình đều sum họp đầm ấm bên mâm cỗ Tết ngày xuân.

Đến Phiên chợ vùng cao

Trong sắc xuân ngập tràn mọi nẻo đường, giữa cái lạnh buốt của những ngày cuối năm, chúng tôi ngược hơn 30 km về hướng xã Tri Lễ (Quế Phong) để khám phá phiên chợ độc đáo nhất vùng biên này. Dù đã hơn 7 giờ sáng nhưng cung đường từ Thị trấn Kim Sơn lên xã Tri Lễ vẫn chưa rõ mặt người. Chiếc xe khách đã “hết đát” ì ạch chở hơn 5 vị khách và những lô hàng đã được đóng thùng cẩn thận bò lên dốc Chuối. Lâu lâu, xe lại dừng để tiếp nhận thêm những món hàng được người dân gửi lên cho người thân trên này. Khác hẳn với những chuyến xe khách khác, tài xế cũng là “lơ xe” nên khách muốn ngồi ở vị trí nào cũng được. Sau 45 phút ì ạch leo dốc, chuyến xe đầu tiên của ngày mới đến chợ Tri Lễ. Mới bước xuống xe, cái buốt lạnh ngấm vào da thịt khiến chúng tôi không khỏi rùng mình, xuýt xoa. Dù đã được thông báo trước và vận cho mình nhiều lớp áo ấm nhưng vẫn không tránh được cái lạnh nơi miền biên viễn này.

Sản vật địa phương luôn là mặt hàng được ưa chuộng nhất. Ảnh: Phạm Bằng
Sản vật địa phương luôn là mặt hàng được ưa chuộng nhất. Ảnh: Phạm Bằng

Chợ Tri Lễ hình thành từ những năm 1980 do người dân ở các bản lân cận và người từ miền xuôi lên sinh sống. Ban đầu, chợ chỉ là những dãy nhà tranh nứa lụp xụp nhưng dần dà, đời sống của người dân được nâng cao nên nhiều người đã đầu tư xây dựng thành những ki ốt đặt ngay trong nhà để buôn bán. Chợ họp liên tục các ngày trong tháng nhưng đông nhất là khoản thời gian từ 6 giờ đến 10 giờ sáng. Vì thế, nơi đây đã hình thành một xóm chợ với hơn 70 gian hàng với đầy đủ chủng loại... Đặc trưng nhất ở chợ Tri Lễ là các sản vật trong vùng mà người dân đem tới trao đổi, mua bán như măng rừng, khoai sọ, gà đen... Trong khi đó giày dép, quần áo, xà phòng, cá biển... cũng được nhiều người miền xuôi mang đến chợ bày bán và luôn thu hút được sự quan tâm của đồng bào vùng cao. Tâm sự với chúng tôi, chị Lò Y Van, đến từ bản Huồi Sái 1 đã phải thức dậy từ 3 rưỡi sáng, vượt quãng đường hơn 20km để kịp đến chợ. Vẻ chất phác, kham khổ và nụ cười bẽn lẽn trên môi người phụ nữ dân tộc Mông này như làm ấm lại cái lạnh cắt da cắt thịt của buổi sáng mùa đông nơi rẻo cao. Hàng hóa chị mang sang chợ là rau, củ vườn nhà với hy vọng sẽ bán được giá để có tiền mua thêm quần áo mới cho các con và một ít thức ăn cho gia đình chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Xã Tri Lễ (Quế Phong) được xem là “thủ phủ” của sương, của giá lạnh. Bởi chưa đến mùa đông, cách nhau khoảng 10m là không còn nhìn thấy nhau, giá lạnh ở đây có lúc chỉ còn 5 - 7 độ C. Nhưng phiên chợ cuối năm đã xóa nhoà đi những cái đó, nhường lại cho sự ấm áp là nhờ những lời chúc, những cái bắt tay thân tình, những trao đổi buôn bán sản vật do chính bàn tay của người dân hai nước mang đến chợ. Do chỉ nằm cách biên giới Lào chừng 15km nên hàng ngày, người dân Lào vẫn thường xuyên qua trao đổi, mua bán hàng hoá với người dân bản địa. Người Lào chủ yếu là sang mua thực phẩm và quần áo là chủ yếu.

Anh Chăn Bon, cụm bản Phăn Thoong (huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào) phải dậy từ tờ mờ sáng để đi xe máy sang chợ Tri Lễ để mua ít vật dụng cho gia đình. Vòng quanh chợ, anh Bon chọn cho mình nhiều dụng cụ như cuốc xẻng, chiếc đài cát sét và một ít quần áo cho con. Anh Bon cho biết: “Từ khi đường sá đi lại thuận tiện, tôi thường xuyên qua bên này để mua sắm. Người Việt Nam rất gần gũi, cởi mở và hàng hoá lại nhiều nên tha hồ lựa chọn. Người bán, người mua như anh em trong nhà, không phải trả giá, cứ ưng sản phẩm thì mua thôi. Mỗi lần xuống chợ tôi lại được hòa mình vào không khí tấp nập của phiên chợ, được trò chuyện giao lưu với nhiều người. Thông qua đó tôi học được nhiều kinh nghiệm để về áp dụng tăng gia sản xuất”.

So với những năm trước thì sức mua bán của người dân năm nay có phần e dè, hạn chế hơn. Nguyên nhân là do người dân đã bắt đầu tự sản xuất cho mình được thức ăn, vật dụng trong gia đình. Tuyến đường nối trung tâm xã Tri Lễ với 8 bản Mông đã đi lại thuận lợi, xe máy chạy bon bon khoảng 30 phút là đến chợ nên họ có thể mua sắm bất cứ ngày nào chứ không chờ đến tết như trước. Ông Đàm Thiên Thương - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho biết: Đa phần người dân các bản làng xa xôi về đi chợ vừa là dạo chơi và mua sắm một ít vật dụng cá nhân. Thực phẩm thì họ đã cơ bản tự cung, tự cấp được nên không tốn thời gian đi lại nữa. Bà con đi chợ còn có điều kiện giao lưu, học tập, trao đổi những nét văn hoá, kiến thức sản xuất cho bản thân mình. Nhưng chính nhờ có chợ mà đời sống của người dân xóm chợ nói riêng và các bản của xã Tri Lễ nói chung ngày càng khấm khá hơn. Những loại nông sản mà bà con sản xuất ra khi nào cũng được bán hết, nhiều khách hàng dưới Vinh còn lên đặt trước nhưng không đủ hàng. Đây là những kết quả khả quan mà các mô hình kinh tế như chanh leo, mía, nuôi cá lồng, lúa nước 2 vụ... mang lại cho người dân. Năm nay, người dân sẽ có một cái Tết no ấm và vui vẻ hơn so với những năm trước.

Quỳnh Lan - Phạm Bằng

Mới nhất
x
Những phiên chợ xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO