Những tấm gương lao động, sáng tạo

30/04/2014 14:46

(Baonghean) - Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, đội ngũ công nhân lao động luôn nỗ lực để phát huy tối đa năng lực, tinh thần năng động, sáng tạo. Thực tiễn lao động, sản xuất đã xuất hiện không ít những điển hình tiên tiến với những sáng kiến, giải pháp thiết thực, làm lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.

(Baonghean) - Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, đội ngũ công nhân lao động luôn nỗ lực để phát huy tối đa năng lực, tinh thần năng động, sáng tạo. Thực tiễn lao động, sản xuất đã xuất hiện không ít những điển hình tiên tiến với những sáng kiến, giải pháp thiết thực, làm lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.

Tôi gặp công nhân Cao Văn Huệ vào một ngày cuối tuần, khi anh đi dò đường ống tại khu vực đường Héc-man-giơ-me-nơ. Anh cho biết: “Công việc của chúng tôi phải nhanh, kịp thời nên bất kể ngày hay đêm, phải làm sao đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân”. Thường ngày, khi mọi người đi ngủ thì các anh lại cần mẫn làm việc trên các nẻo đường của thành phố, “bởi khi đó, không gian yên tĩnh, mới lắng nghe được những rò rỉ rất nhỏ của đường ống dẫn nước”.

Là công nhân có gần 10 năm gắn bó với công việc quản lý mạng và dò tìm (phòng Kế hoạch kỹ thuật, Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Nghệ An), anh Huệ đã “thuộc nằm lòng” hệ thống đường ống dẫn nước toàn thành phố. Nhờ vậy, anh đã có những sáng kiến góp phần quan trọng trong việc tiết kiệm nguồn nước sạch của nhà máy. Trước đây, hệ thống đường ống dẫn nước toàn thành phố thường xả nước ở các vị trí giữa tuyến, gây thất thoát nước. Với kinh nghiệm thực tế, anh Huệ đã nghiên cứu và đề xuất với lãnh đạo cơ quan xả nước theo chu kỳ và xả ở vị trí cuối nguồn. Nhờ vậy, tránh lãng phí được khối lượng nước không cần thiết, làm lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho nhà máy.

Thấy người dân các xóm Trung Tiến, Trung Thành, Yên Bình (xã Hưng Đông) sống khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt, anh Huệ đã mày mò tìm cách để nối mạng ống dẫn nước cho người dân. Vào các buổi chiều, anh Huệ tự tìm đến các gia đình ở khu vực này để tìm hiểu nguyên nhân mất nước. Sau thời gian tìm hiểu, năm 2013, anh đã đề xuất với công ty nối tiếp khoảng ống D150 đường Nguyễn Trường Tộ từ Trường cấp I Hưng Đông hòa vào mạng ống D90 tuyến đường Nguyễn Chí Thanh. Nhờ vậy, đến nay, cả 3 xóm Hưng Đông đã có đủ nước sạch sinh hoạt.

Là tổ trưởng tổ quản lý mạng đường ống dẫn nước, trong suốt những năm qua, tổ đã luôn điều tiết, vận hành kịp thời, dẫn đến không mất nước cục bộ. Anh luôn tìm tòi phương án sửa chữa những tuyến ống nước bị hư hỏng mà không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy. Anh chia sẻ: “Tôi luôn học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tự mình đúc rút kinh nghiệm từ công việc thực tế để hiểu biết toàn bộ mạng lưới, đường ống dẫn nước và hệ thống van khóa… với mong muốn đóng góp ngày càng nhiều hơn những sáng kiến, sáng tạo góp phần nâng cao hiệu quả công việc cũng như làm lợi cho nhà máy”. Nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm với công việc nên nhiều năm liền anh Cao Văn Huệ được khen thưởng Chiến sỹ thi đua cơ sở; năm 2012, anh vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Anh Lê Doãn Lệ (thứ hai, trái sang) cùng đồng nghiệp bảo trì máy tách dịch gấc.
Anh Lê Doãn Lệ (thứ hai, trái sang) cùng đồng nghiệp bảo trì máy tách dịch gấc.

Công nhân trẻ Lê Doãn Lệ - Nhà máy Chế biến rau quả xuất khẩu - Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An luôn quan niệm lao động là không ngừng sáng tạo. Mặc dù mới làm việc tại bộ phận kỹ thuật của nhà máy gần 4 năm nhưng anh luôn trăn trở xây dựng phương án nâng cao năng suất lao động. Khi nhận thấy máy tách dịch gấc của nhà máy bộc lộ những nhược điểm như: năng suất thấp, chất lượng thành phẩm chưa đạt yêu cầu. Anh tìm cách cải tiến kỹ thuật cho loại máy này. Sau 3 tháng nghiên cứu, tìm tòi các tài liệu, kết hợp tìm hiểu thực tế, anh đã sáng tạo ra công trình “máy tách dịch và thanh trùng sản phẩm Gấc puree”. “Tôi hướng tới loại máy với cấu tạo đơn giản, vận hành dễ dàng, dễ tháo lắp, vệ sinh”. Sau khi mày mò, nghiên cứu, anh đã ứng dụng công nghệ mới với lưới sàng đường kính lỗ lưới 0,5 mm loại sàng tròn, kết hợp với sử dụng hệ thống dao gạt inox và dao chà bằng chổi cước đảm bảo tỷ lệ thu hồi tăng cao.

Từ tháng 9/2012, công trình được đưa vào sử dụng tại nhà máy. Thay vì cần 7 công nhân để tách dịch 1 tấn gấc thì với công nghệ mới này, chỉ cần 3 người để thực hiện. Chỉ sau một mùa vụ sản xuất, nó đã làm lợi cho công ty trên 1,6 tỷ đồng. “Sáng tạo cải tiến kỹ thuật máy tách dịch và thanh trùng Gấc puree của công nhân trẻ Lê Doãn Lệ không chỉ nâng cao được năng suất mà còn góp phần cải tiến chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công cho công ty. Công trình nghiên cứu của anh Lê Doãn Lệ đã được giải 4 sáng tạo khoa học công nghệ năm 2013 và đang được công ty ứng dụng sản xuất hiệu quả” - ông Ngô Sỹ Mạnh - Quản đốc phân xưởng sản xuất - Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu - Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An cho biết.

Từ tháng 11/2011 đến nay, Công ty Mía đường Sông Lam đã đưa vào sử dụng thiết kế băng chuyền khổ rộng 1m. Trước đây, mỗi băng chuyền mía chỉ ép được khoảng 60 nghìn tấn mía (tương đương với một vụ ép) thì nay, băng chuyền được thiết kế khổ rộng 1 m đã sử dụng trong vụ ép được 280 nghìn tấn mía (tương đương 3 vụ ép). Từ khi đưa băng chuyền mía mới vào sản xuất, mỗi năm làm lợi cho công ty gần 300 triệu đồng. Tác giả của công trình nghiên cứu này là một cán bộ phòng kỹ thuật của công ty - anh Lê Văn Minh.

Thiết kế băng chuyền máy khổ rộng 1m của anh đạt giải Ba sáng tạo khoa học công nghệ năm 2013. Không ngừng học hỏi và sáng tạo trong công việc, anh Lê Văn Minh đã đóng góp được nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có tính ứng dụng cao. Anh còn là tác giả của công trình “Thay đổi thiết kế xích băng cào máy ép” đang được sử dụng hiệu quả trong sản xuất mía đường; mỗi năm làm lợi cho công ty trên 162 triệu đồng. “Nhận thấy hệ thống thanh cào bã mía chưa hợp lý, vật liệu bị mòn nhiều, kết cấu tai thanh cào không phù hợp nên thường xẩy ra sự cố. Tôi đã đề xuất thay thế một số kết cấu, vật liệu, nhằm tăng tiết diện chịu lực. Bởi vậy, mỗi hệ thống băng cào trước đây chỉ sử dụng trong vụ ép được 23.000 tấn mía, thì nay đã sử dụng trong vụ ép được 54.000 tấn mía” - anh Minh cho biết.

Với những sáng kiến, sáng tạo cải tiến kỹ thuật, đội ngũ công nhân lao động đang không ngừng cống hiến trí lực góp phần vào sự phát triển của các đơn vị, doanh nghiệp; nỗ lực khẳng định vị trí xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

Đinh Nguyệt

Những tấm gương lao động, sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO