Những tấm lòng vì trẻ thơ

24/06/2013 18:19

Một ngày của các thầy cô thường bắt đầu bằng tiếng chào rộn rã của các em học trò mến yêu. Họ lại mở đầu với vất vả, mệt nhọc khi uốn nắn từng bước đi cho trẻ khuyết tật, là những tha thiết khơi mở cho tâm hồn của những em nhỏ tự kỷ. Đó là công việc của những người đang công tác tại Trung tâm phục hồi chức năng - Quỹ bảo trợ Trẻ em tỉnh.Nâng cánh chim non

(Baonghean) - Một ngày của các thầy cô thường bắt đầu bằng tiếng chào rộn rã của các em học trò mến yêu. Họ lại mở đầu với vất vả, mệt nhọc khi uốn nắn từng bước đi cho trẻ khuyết tật, là những tha thiết khơi mở cho tâm hồn của những em nhỏ tự kỷ. Đó là công việc của những người đang công tác tại Trung tâm phục hồi chức năng - Quỹ bảo trợ Trẻ em tỉnh.

Nâng cánh chim non

Cô giáo Tôn Thị Trí vẫn còn nhớ mãi hình ảnh về một em nhỏ mà cô được giao chăm sóc ngày đầu mới ra trường. Ngày đó (năm 2008), cô thạc sỹ tâm lý học trẻ tuổi vẫn không nghĩ rồi mình sẽ gắn bó với các em nhỏ bị mắc căn bệnh tự kỷ. Cô Trí cho biết, ngày đó, cô Trí gặp em Bảo Hoàng (9 tuổi) bị mắc chứng tăng động, giảm chú ý kèm tự kỷ dạng nặng, chậm phát triển trí tuệ.

Đây quả thực là một nhiệm vụ tưởng chừng như quá khó khăn với cô thạc sỹ trẻ. Bảo Hoàng không nghe lời, không hiểu điều người khác muốn nói, thậm chí không ý thức được nguy hiểm. Em sống thu mình, cách xa mọi người, rất ngại tiếp xúc. Trong quá trình giúp đỡ Bảo Hoàng, dẫu chỉ mới 3 tháng, nhưng bằng tất cả tình thương, trách nhiệm của mình, cô Tôn Thị Trí đã cố gắng hết sức để dần dần đưa cánh chim nhỏ Bảo Hoàng trở lại cuộc đời tươi sáng của tuổi trẻ. Ngày chia tay, dẫu vẫn chưa hoàn toàn khỏi bệnh, nhưng Bảo Hoàng đã biết bập bẹ “Chào c.. cô. Lúc đó, biết Bảo Hoàng còn phải điều trị rất nhiều, nhưng tôi đã bật khóc vì vui mừng, vì mình đã gieo được vào lòng Hoàng những nhận thức đầu tiên”. Cô tâm sự.

Sau này, trong mái nhà chung của Trung tâm phục hồi chức năng - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, cô và 10 đồng nghiệp khác đã gặp rất nhiều hình ảnh như Bảo Hoàng, chỉ có điều các em bộc lộ ra nhiều dạng khác nhau. Có những em sẵn sàng nhảy lầu, đấm tay vào gương (vì không ý thức được nguy hiểm), có những em tự dưng đến xoắn tóc, kéo áo cô và... khóc mà không vì một lý do nào cả. Những em bị chứng tự kỷ thường ít nơi dám nhận điều trị, không chỉ bởi cần những phương pháp điều trị khoa học công phu mà còn phải bằng tất cả tình thương, trách nhiệm.

Tại khu vực dành cho trẻ tự kỷ của Trung tâm phục hồi chức năng - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hiện nay có 11 cô với trên 50 cháu. Mỗi cháu được một cô kèm 1 tiếng/ngày, mỗi cô kèm 5 cháu/ngày. Đây là công việc hết sức vất vả, rất cần sự kiên trì của cả cô lẫn trò. Tại đây, các cháu được điều trị về tâm lý, chơi trò chơi, nhận biết hình ảnh, màu sắc... bằng hệ thống phần mềm Kirsmark (Mỹ). Mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới bí ẩn riêng, và tâm hồn các em đã bị giam cầm trong thế giới đó. Các cô chính là người khơi mở, kết nối lại những tâm hồn đó với xã hội.

Tại khu điều trị tự kỷ của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, cháu nhỏ nhất mới 21 tháng tuổi, lớn nhất đã 13 tuổi. Theo lời các cô thì các cháu càng lớn, càng khó dạy bởi phần nào tính cách đã định hình, đã “đóng băng” lại, nên việc mở ra cần rất nhiều thời gian và công sức. Cô Trí còn nhớ trường hợp em Nguyễn Văn Tùng, ngày mới vào, mặc dầu Tùng biết tự phục vụ, biết đọc (nhưng không hiểu là đọc cái gì) em thường xuyên nói lặp đi lặp lại, không hiểu các câu ghép đơn giản. Sau hơn 1 năm được các cô kèm cặp, nay Tùng đã biết dùng các từ “xin, cho”, biết người trước mặt mình, hiểu được những điều đã đọc...

Nếu như ở khu tự kỷ là nơi của những em nhỏ bị ẩn ức về não bộ, sống riêng biệt trong thế giới tâm tưởng thì khu phục hồi chức năng lại là nơi của các trẻ em bị tật nguyền, thiệt thòi trong vận động. Nơi đây, các cô phải hàng ngày chăm chút từng tý cho mỗi bước đi, từng dáng đứng bình thường cho các cháu.



Các cô tại bộ phận phục hồi chức năng (Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh) đang trị liệu cho các em bị khuyết tật vận động.

Cô Phạm Thị Thùy Trinh, một người có nhiều năm gắn bó với công việc này đã cho biết, cơ bản vào đây chủ yếu là các em bị khuyết tật vận động, bị bại não nên cần điều trị dài ngày và cần sự hợp tác thực sự tích cực giữa gia đình và bệnh nhân. Có cháu Lữ Văn Phấn, hơn 2 tuổi từ Thạch Ngàn (Tương Dương) xuống điều trị trong tình trạng chỉ nằm bất động một chỗ, không thể chủ động được bản thân, sau 4 đợt điều trị (2-3 tháng/đợt) nay đã có thể đi lại được.

Nhiều cháu khác như Nguyễn Thị Hà, Phạm Bảo Lan cũng đều trong tình trạng như vậy, bằng sự kiên trì điều trị cộng với tình thương của các cô nay đã có thể bắt đầu hòa nhập cùng bạn bè. Cô Trinh cho biết: Bộ phận phục hồi chức năng ngoài việc xoa bóp vận động, còn sử dụng các phương pháp trị liệu bằng ánh sáng, từ trường, điều trị kỹ thuật cao. Có trường hợp như cháu Nguyễn Hải Anh (4 tuổi ở TP Vinh) bị tê liệt thần kinh cánh tay, phải dùng điện xung cao áp cực cao để phục hồi chức năng; cũng còn nhớ những cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, gia đình nghèo chỉ lo ăn từng bữa đã quá vất vả, nên đưa con về đây là gần như phó thác cho các cô; lại có những cháu bị bại não, nhìn oặt ẹo, yếu cơ nên dãi rớt thường xuyên chảy lòng thòng, người bình thường nhìn đã muốn tránh xa. Nhưng cảm nhận và thấu hiểu tất cả những điều đó, các cô đã đến với các cháu bằng tất cả tình thương. Mỗi bàn tay các cô khi xoa bóp vận động, khi dìu từng bước đi là tất cả nâng niu cho mỗi cánh chim non đi về phía cuộc đời.

Niềm vui cho mỗi cuộc đời nhỏ

Để có một mái ấm cho những cánh chim non còn thiệt thòi, nhiều năm qua, những người làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em ở Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã dồn hết tâm sức để vận động nguồn lực giúp các em có một cuộc sống bình thường như biết bao bạn khác.

Từ năm 2006 đến nay, Quỹ đã vận động được hơn 100 tỷ đồng, nhờ đó đã tổ chức khám bệnh cho trên 10.000 trẻ, phẫu thuật xơ hóa cơ delta cho gần 1.000 em, gần 1.000 ca khuyết tật về mắt, hàng trăm ca khuyết tật về tim, hở môi, vòm miệng, khuyết tật vận động. Tặng hàng nghìn xe lăn cho trẻ em khuyết tật, hàng nghìn suất học bổng cho trẻ em khó khăn học giỏi.

Năm 2013 này, nhiều bàn tay nhân ái vẫn sẵn sàng đến với những cuộc đời thiệt thòi của các em. Tính từ đầu năm đến nay, các cán bộ của Quỹ đã trực tiếp vận động tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tổng số tiền và các thiết bị chuyên môn kỹ thuật quyên góp được gần 4 tỷ đồng. Những địa chỉ “đỏ” như Hội góp một bàn tay (Ôxtraylia), Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential, Quỹ Hiểu trái tim (TP Hồ Chí Minh), quỹ VinaCapital, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (TP Hồ Chí Minh)... thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh thiệt thòi tại Nghệ An.

Nhờ những nguồn tài trợ từ các tấm lòng nhân ái đó, Quỹ đã có điều kiện để liên tục tổ chức các chương trình hướng tới các em. Ngoài việc điều trị phục hồi chức năng thường xuyên cho 20 - 30 cháu, điều trị hội chứng tự kỷ cho trên 50 cháu/ngày tại Quỹ, trong Tháng hành động Vì trẻ em năm nay (6/2013), cũng đã có nhiều hoạt động được tổ chức như trao tặng 20 chiếc xe đạp cho trẻ em nghèo học giỏi và 20 suất quà (trị giá 10 triệu đồng) cho trẻ em khó khăn, tổ chức hoạt động vui chơi và tặng quà cho trên 100 cháu tại Làng trẻ SOS (Vinh)…

Còn rất nhiều những hoạt động của Quỹ thông qua các tấm lòng hảo tâm để vì những mảnh đời nhỏ. Như ông Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Quỹ đã tâm sự “Bản thân chúng tôi không ngại khó, ngại khổ. Chỉ mong muốn làm sao những tấm lòng của các nhà hảo tâm chúng tôi vận động được giúp cho các em khỏe mạnh trở lại là niềm hạnh phúc, niềm vui của mỗi người làm nhiệm vụ cầu nối cho các em về lại với cuộc đời”.


Trần Hải

Mới nhất
x
Những tấm lòng vì trẻ thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO