Những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm

16/07/2014 10:54

Hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn, chờ đến bao giờ?

Kỳ họp lần thứ 11 này, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nghe các ý kiến cử tri kiến nghị về việc bàn giao lưới điện nông thôn, tình trạng điện yếu không nấu nổi nồi cơm, giá điện cao, vấn đề hoàn trả đầu tư lưới điện chậm thực hiện.

Được biết, tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh, Sở Công Thương đã trả lời chất vấn và hứa trước đại biểu và cử tri tỉnh nhà sẽ chỉ đạo, phối hợp với ngành Điện tiếp nhận toàn bộ lưới điện của các hộ cán bộ, công nhân, nông dân vùng dân cư các nông trường, lâm trường, Tổng đội thanh niên xung phong và dân cư sống xen kẽ ở những vùng này để có biện pháp giảm tiền điện cho đối tượng này vì họ đang chịu mức đóng với giá điện kinh doanh. Về vấn đề này, Công ty Điện lực Nghệ An giải trình là “đang” và “sẽ” tiến hành trong tháng 6, tháng 7/2014.

Theo Công ty Điện lực Nghệ An, để thực hiện việc bán điện trực tiếp đến các hộ dân đang mua điện qua trạm biến áp của các Tổng đội TNXP, nông, lâm trường… trước hết phải tiếp nhận tài sản để quản lý vận hành. Đối với Tổng đội TNXP1 và Tổng đội TNXP2 ( Anh Sơn), hiện tại đang làm việc với chủ tài sản về chủ trương giao nhận tài sản. Nếu thống nhất bàn giao công ty sẽ thực hiện bán điện đến tận hộ trong tháng 6/2014 . Đối với Tổng đội TNXP 4 (Tân Kỳ), công ty đang làm việc với chủ tài sản để tiếp nhận, nếu thống nhất xong sẽ thực hiện bán điện trong tháng 7/2014.

Vấn đề về việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn, cử tri kiến nghị nhiều lần và nay vẫn chưa được hoàn trả theo quy định của Nhà nước. Công ty Điện lực Nghệ An cho rằng công ty đã có Công văn số 1386/PCNA-P2 ngày 14/8/2013 và Công văn số 1183/PCNA-P2 ngày 11/7/2013 gửi UBND các huyện về việc đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ thực hiện hoàn trả vốn. Đến thời điểm hiện nay, Công ty Điện lực Nghệ An mới chỉ nhận được 8 bộ hồ sơ và đã trình Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, nhưng do hồ sơ trình không hợp lệ (không phải là hồ sơ gốc) nên chưa được phê duyệt, còn lại 35 xã chưa trình hồ sơ đề nghị hoàn trả. Do vậy, chưa có cơ sở để thực hiện công tác hoàn trả.

Trên thực tế nhiều xã không thể nào có đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu trên, bởi thời gian đã gần 20 năm, qua bao nhiêu nhiệm kỳ, thay bao nhiêu Chủ nhiệm HTX. Thế nhưng, nhiều chủ tài sản đã nộp hồ sơ nhưng ngành Điện lực bảo không đủ. Mới đây, Sở Tài chính có công văn hướng dẫn các huyện cung cấp hồ sơ để thẩm định lại, gây khó khăn cho các xã, bởi hồ sơ và tài sản đã bàn giao từ lâu, nay đã thất lạc. Vậy là cứ vòng quanh, dân thì đòi thoái vốn, Công ty Điện lực thì bảo do các chủ tài sản chưa bàn giao, chủ tài sản thì khiếp với các yêu cầu hồ sơ, thủ tục, nên dân đành chịu cảnh “ bắc thang lên hỏi ông trời”!

Bảo vệ nghiêm đất trồng lúa

Cử tri một số địa phương ở các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu phản ánh: Thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang sử dụng mục đích khác mà không xin phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trái với quy định của Luật Đất đai nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Việc tự ý chuyển đổi đất lúa không theo quy hoạch đã dẫn đến không đem lại hiệu quả kinh tế, tác động tiêu cực đến môi trường, gây mất ổn định an ninh trật tự.

Cử tri kiến nghị, các cấp chính quyền cần kiểm soát chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, gắn với quy hoạch nông thôn mới và các lĩnh vực khác để hướng đến phát triển hài hòa nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Cần quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của chính quyền các cấp trong việc quản lý đất trồng lúa theo quy hoạch. Việc vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai phải được xử lý nghiêm minh, công bằng và kịp thời. Bên cạnh đó, để ổn định diện tích đất trồng lúa, cần có chính sách hỗ trợ cho người sản xuất lúa ở vùng khó khăn, thường xuyên thiếu lương thực, hỗ trợ theo diện tích gieo trồng để mua giống, phân bón sản xuất, mức hỗ trợ cụ thể theo từng đối tượng và từng vụ…

Mất đất trồng lúa vĩnh viễn không thể phục hồi là nguy cơ lớn nhất đe dọa an ninh lương thực. Do đó, loại đất sản xuất lúa tốt nhất phải được bảo vệ nghiêm ngặt, lâu dài, không chuyển đổi sang bất cứ mục đích sử dụng nào khác. Cần phải xác định đất 2 lúa là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất, có ý nghĩa nhất trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo...

Đất hai lúa bị chuyển nhượng, san lấp trái phép tại xóm 4, xã Nghi Đồng, Nghi Lộc.
Đất hai lúa bị chuyển nhượng, san lấp trái phép tại xóm 4, xã Nghi Đồng, Nghi Lộc.

Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đã nêu rõ: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở quy hoạch đất lúa cả nước được phê duyệt, xác định diện tích đất lúa cần giữ trên địa bàn, nhất là đất lúa hai vụ cần được bảo vệ nghiêm ngặt, lập bản đồ sử dụng đất lúa đến cấp xã và hộ sử dụng”.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trọng Hải, Trưởng văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự cho biết: “Trong quan hệ pháp luật về đất đai, những hành vi như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất trái phép… là những hành vi vi phạm pháp luật. Xử lý vi phạm pháp luật đất đai là việc áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lý đối với người vi phạm.

Điều 206, Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai vừa có hiệu lực từ ngày 1/7/2014 quy định rất cụ thể về hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm đất đai “Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại”. Hình thức và mức xử phạt được cụ thể hóa trong Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Xử lý vi phạm nhằm ngăn ngừa những vi phạm pháp luật đất đai nói chung, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật nói riêng là để duy trì trật tự kỷ cương và nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý đất đai là cần thiết”.

Cần minh bạch trong tuyển sinh mầm non

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Vinh, hiện tại trên địa bàn thành phố có 15.467 cháu từ 0 đến 2 tuổi (sinh vào các năm 2014, 2013, 2012) và 17.166 cháu từ 3 đến 5 tuổi (sinh vào các năm 2011, 2010, 2009).

Theo kế hoạch phát triển ngành học mầm non của Thành phố Vinh do Sở GD & ĐT ký duyệt, năm học 2014 - 2015, Thành phố Vinh phải huy động 14.694 cháu trong độ tuổi mẫu giáo vào học ở 434 lớp và 3.394 cháu trong độ tuổi nhà trẻ vào học ở 166 nhóm (trong đó có 24 lớp mẫu giáo với 632 cháu và 59 nhóm trẻ với 808 cháu thuộc 59 cơ sở nhóm lớp gia đình).

Không tính các cơ sở nhóm lớp gia đình, hiện tại, Thành phố Vinh có 50 trường mầm non (28 trường công lập, 5 trường dân lập, 17 trường tư thục). Trong năm học tới, theo kế hoạch, các trường này sẽ có tổng cộng 410 lớp mẫu giáo với 14.062 cháu và 106 nhóm trẻ với 2.586 cháu. Những con số này tuy chưa đáp ứng được yêu cầu chung của cả tỉnh (nhiệm vụ của Nghệ An trong năm học 2014 - 2015 là huy động 22% đến 25% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 88% đến 90% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường), nhưng dù sao cũng đã bớt căng thẳng, đỡ “nóng” so với những năm trước đây. Nhưng trêm thực tế, cách thức tuyển sinh của các trường mầm non ở TP.Vinh đã làm nóng thêm tình hình, mà lẽ ra, không đáng có.

Thứ nhất, dù có kế hoạch, mà kế hoạch của Sở giao rất cụ thể cho từng trường (số nhóm lớp, số cháu mỗi lớp, số cháu từng độ tuổi,…), nhưng các trường không minh bạch chỉ tiêu tuyển sinh. Rất nhiều trường chỉ thông báo một con số tròn trĩnh như nhau: năm học này tuyển sinh 50 cháu. Làm sao mà cả chục trường với các điều kiện khác nhau, vùng dân cư khác nhau lại có cùng một chỉ tiêu tuyển sinh như vậy? Chính điều này đã gây bức xúc trong dư luận và đặt dấu hỏi: Các trường cố tình giấu bớt chỉ tiêu tuyển sinh vì một mục đích khác?

Thứ hai, vì điều kiện còn nhiều khó khăn, nên chỉ tiêu tuyển sinh các cháu ở độ tuổi nhà trẻ đang quá ít. Các trường mầm non chỉ tuyển các cháu 2 tuổi (sinh năm 2012). Đáng ra tất cả các cháu 2 tuổi đều có quyền tham gia dự tuyển, nhưng để giảm bớt số lượng đăng ký, các trường mầm non đã khống chế tháng sinh của các cháu. Một số trường thông báo chỉ tuyển các cháu sinh từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2012; thậm chí có trường lại chỉ tuyển các cháu sinh từ tháng 1đến tháng 7 năm 2012. Với cách khống chế tháng sinh của các cháu như vây, những trường mầm non này đã “ngang nhiên” tước bỏ quyền được đến trường, được học tập của các cháu sinh vào các tháng 10, 11, 12 hoặc sinh vào các tháng 8, 9, 10, 11, 12 (tuỳ theo từng trường).

Mong sao việc tuyển sinh của các trường mầm non ở Thành phố Vinh được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch để xoá đi sự căng thẳng không đáng có trong nhiều cha mẹ các cháu mỗi khi mùa tuyển sinh đến.

Ý kiến đại biểu tại kỳ họp

Đại biểu Nguyễn Chí Nhâm - Chánh Thanh tra tỉnh (Đại biểu đơn vị Quỳnh Lưu)

Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư

Trong 6 tháng đầu năm 2014 các cơ quan hành chínhh nhà nước các cấp trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp 2.803 lượt công dân đến KNTC và kiến nghị phản ánh tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng số đơn thư KNTC, kiến nghị phản ánh, tranh chấp đất đai phát sinh trên địa bàn là 3.461 tăng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó, số vụ việc KNTC sai tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm tỷ lệ cao hơn so với các kỳ trước (KN sai chiếm tỷ lệ 76,4%, tố cáo sai chiếm tỷ lệ 69,5%.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan được xác định là do nhận thức của pháp luật của một bộ phận công dân còn hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, GPMB, chính sách xã hội. Đặc biệt một số thủ trưởng đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức chỉ đạo công tác tiếp dân và giải quyết KNTC của công dân; còn tình trạng cán bộ lãnh đạo ngại tiếp dân, đối thoại với công dân, né tránh, đùn đẩy trong việc giải quyết KNTC, tố cáo chưa cao. Một số thành viên Hội đồng tiếp công dân tỉnh tham gia tiếp dân định kỳ hàng tháng tại trụ sở tiếp công dân tỉnh chưa đầy đủ còn tình trạng cử cán bộ tham gia nên chất lượng chưa cao, tham mưu xử lý còn hạn chế...

Thiết nghĩ, để thực hiện tốt việc tiếp công dân và giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các quy định là việc tiếp dân giải quyết KNTC. Nhất là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị trong thực hiện tiếp công dân; tăng cường số lượng, chất lượng cán bộ làm công tác tiếp dân ở các cấp, các ngành; thực hiện phân loại đơn thư, vụ việc KNTC chính xác để chỉ đạo xử lý kịp thời, đúng thẩm quyền. Giám đốc sở, ngành, chủ tịch cấp huyện, cấp xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền của mình. Giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh ngay từ cơ sở, không để bức xúc bất bình trong nhân dân.

Đại biểu Trương Hồng Phúc - Bí thư Huyện ủy Đô Lương

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống

Kỳ họp lần này, các đại biểu HĐND tỉnh đã nghiên cứu, xem xét các tờ trình của UBND tỉnh. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng: Các tờ trình của UBND tỉnh tại kỳ họp lần này được chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng. Trong đó, tôi hoan nghênh và tâm đắc với nội dung Tờ trình số 4278 của UBND tỉnh về “Sửa đổi bổ sung một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Bởi chính sách này có tác động trực tiếp đến từng địa bàn dân cư, địa phương kể cả miền núi và miền xuôi, tác động đến các tổ chức sản xuất, từng hộ gia đình và đến tận người nông dân. Tin rằng, sự ra đời của cơ chế này sẽ góp phần hỗ trợ người dân, các tổ chức sản xuất vượt qua khó khăn hiện nay, mạnh dạn đầu tư, hăng hái sản xuất để tiếp tục tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà và là một giải pháp kinh tế góp phần thúc đẩy quá trình đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM hiện nay.

Phải nói rằng một chính sách ra đời với nhiều nội dung cụ thể và phạm vi đối tượng hưởng lợi rộng lớn, đáp ứng yêu cầu bức thiết hiện nay. Do vậy, tôi đề nghị các sở, ngành cấp tỉnh mà trực tiếp là sở NN&PTNT, sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện, hướng dẫn cụ thể, công khai thủ tục và đơn giản hóa về thủ tục chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là đảm bảo nguồn lực để làm sao cơ chế trên sớm đến với các tổ chức sản xuất và người dân, sớm phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân.

Đại biểu Lê Văn Trí - Anh Sơn:

Thực hiện lời hứa với cử tri

Phiên chất vấn là nội dung thu hút được sự quan tâm theo dõi của cử tri. Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh chọn 2 nội dung: Vấn đề nợ đọng thuế và hậu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ. Đây là hai vấn đề được đại biểu và cử tri tỉnh nhà đặc biệt quan tâm. Qua đó, cho thấy HĐND tỉnh đã chọn nội dung chất vấn đúng người, đúng việc, rõ ràng, cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và tầng lớp nhân dân.

Vấn đề nợ đọng thuế được các đại biểu hết sức quan tâm. Câu hỏi chất vấn của đại biểu cho thấy sự băn khoăn lo lắng trước tình trạng nợ đọng thuế còn cao, đồng thời câu hỏi chỉ ra những tồn tại của ngành Thuế, thông qua các câu hỏi, đại biểu đã góp phần tham mưu các giải pháp cho ngành. Báo cáo giải trình của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh và phần giải trình các câu hỏi chất vấn của đại biểu cho thấy ngành Thuế đã thể hiện rõ quyết tâm của mình trong việc tăng cường biện pháp thu thuế, giảm mức bình quân chung nợ đọng thuế. Điều mà đại biểu chúng tôi và cử tri quan tâm là việc thực hiện lời hứa của ngành Thuế đối với cử tri?.

Nội dung thứ 2 trong phiên chất vấn lần này liên quan đến việc tái định cư của dự án Thủy điện Bản Vẽ. Đây là vấn đề không mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập cần phải xử lý dứt điểm. Đại biểu đề nghị sau phiên chất vấn này, UBND tỉnh phải có trách nhiệm kiểm tra việc xử lý bởi người trả lời chất vấn là UBND tỉnh nhưng đơn vị có trách nhiệm thực hiện ở đây lại là chủ đầu tư phải giải quyết vấn đề một cách dứt điểm.

N.P.V - C.TV (ghi)

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO