Những vấn đề đặt ra
(Baonghean) - Sau 2 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Nam Đàn đã đạt nhiều kết quả khả quan, công tác dồn điền đổi thửa bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét. Tuy nhiên, mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) - hướng tổ chức sản xuất phù hợp chương trình xây dựng NTM, đến nay vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Một ngày đầu tháng Tư, chúng tôi về xã Nam Xuân, trên cánh đồng Khuyến của xã, bà con đang chăm sóc lúa vụ xuân. Cùng với diễn biến thuận lợi của thời tiết, trên những cánh đồng lúa xanh màu mạ non. Cán bộ xã giới thiệu, đây là vụ sản xuất đầu tiên của thửa ruộng vừa được dồn điền đổi thửa. Sau chuyển đổi lần 2 (lần đầu chuyển đổi vào năm 2003) đã giảm bớt được manh mún, phân tán. Trước chuyển đổi ruộng đất năm 2012 toàn xã bình quân có 4,6 thửa/hộ đợt chuyển đổi lần này giảm xuống còn 2,2 thửa/hộ. Theo đó, bờ vùng bờ thửa, hệ thống giao thông thủy lợi được quy hoạch lại thuận tiện hơn cho sản xuất và quan trọng hơn, việc tích tụ ruộng đất lần này là bước quan trọng để xã xây dựng nhiều cánh đồng mẫu, các vùng sản xuất chuyên canh và trang trại cho thu nhập cao.
Hiện Nam Đàn đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất ở 2 xã là Nam Giang và Khánh Sơn. Lãnh đạo huyện cho biết, trong năm 2013 này chỉ đạo hoàn thành dứt điểm việc chuyển đổi tại 20 xã còn lại. Tuy vậy, hiện huyện vẫn còn nhiều việc phải làm để tiến tới mục tiêu xây dựng cánh đồng mẫu. Ông Nguyễn Hữu Nhuần - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện băn khoăn: Theo Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 04/02/2012 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2012-2015, thì các cơ sở sản xuất có xây dựng cánh đồng mẫu được UBND tỉnh hỗ trợ 30% giá trị các loại vật tư đầu tư theo quy trình sản xuất hiện hành và kinh phí hội thảo, tuyên truyền, tham quan học tập với mức 15 triệu đồng/cánh đồng mẫu.
Vụ xuân 2013, Nam Đàn đã liên kết với 3 doanh nghiệp là Công ty CP VTNN Nghệ An, Công ty TNHH Vĩnh Hòa và Công ty CP giống cây trồng T.Ư triển khai mô hình CĐML tại 3 xã là Nam Giang, Nam Thanh và Nam Lộc, mỗi xã làm 50 ha với các giống lúa AC5, Khang dân 18 và DT68. Tuy nhiên, vì có sự thay đổi trong cơ chế chính sách, người dân tham gia chương trình hiện không được hỗ trợ như quyết định đã phê duyệt trước đó.
Lý do huyện không nhận được sự hỗ trợ của tỉnh khi triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn (CĐML), là vì những mô hình này chưa có tổ hợp tác và cũng chưa dồn điền đổi thửa, mặc dù quy mô diện tích đã đáp ứng. "Bà con thực hiện mô hình trước khi có tiêu chí, do đó, không được hưởng hỗ trợ, người dân nghi ngờ cán bộ không giữ lời hứa" – ông Nhuần nói.
Người dân Nam Trung (Nam Đàn) chăm sóc lạc vụ xuân
Phải khẳng định rằng, Nam Đàn là huyện đồng bằng có nhiều tiềm năng lợi thế để triển khai CĐML. Đó là đất đai màu mỡ với khoảng 3000 ha đất bãi phù sa ven sông Lam phù hợp với sự phát triển của các loại cây màu, nhất là cây lạc; nhiều cánh đồng bằng phẳng; lao động dồi dào, nhưng đến nay huyện vẫn chưa thực sự phát huy được.
Tại Nam Trung - xã có diện tích đất bãi ven sông Lam khá lớn, trên vùng bãi, gặp chị Nguyễn Thị Liên ở xóm 3, đang nhổ cỏ cho lạc vụ xuân; chị cho biết: Vụ này chị làm 2 sào giống L26. Trước nay vẫn mạnh ai nấy làm, từ giống đến chăm sóc hầu như theo kinh nghiệm bản thân. Doanh nghiệp cung ứng giống hầu như chỉ biết bán hàng, thu tiền ngay chứ không biết sau thu hoạch năng suất đạt được bao nhiêu. Các sản phẩm vật tư nông nghiệp phải qua nhiều cấp, nhiều khâu trung gian phân phối khiến giá thành quá cao khi tới tay bà con. Nhà nông cứ theo kinh nghiệm mà làm: tự ý để giống, tự ý gieo cấy và bón phân, phun thuốc… Vì thế sản xuất thường khó tránh sự ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Hỏi chị có biết đến CĐML, có muốn tham gia vào mô hình sản xuất này không, chị nói ngay: “Tui đã nghe nói nhiều đến CĐML, giảm sức lao động, tạo nguồn hàng hóa lớn, hiệu quả hơn hẳn, nhưng một mình thì không làm được mà phải có sự tham gia của cả nhóm người, rồi sự vào cuộc của doanh nghiệp. Muốn tham gia nhưng không có người “cầm chịch” triển khai thì cũng chịu".
Về với bà con, chúng tôi ghi nhận nhiều băn khoăn, dù ruộng đất liền vùng liền thửa đấy, nhưng quan trọng hơn là phải tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những diện tích nhỏ lẻ thành một diện tích chung rộng lớn, tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật và công nghệ mới, giải quyết đầu ra ổn định cho bà con nông dân, thì vẫn chưa thực hiện được. Theo ông Từ Trọng Kim – Trưởng phòng Trồng trọt – Sở Nông nghiệp & PTNT, để phát triển nhanh và hiệu quả hơn mô hình CĐML trong điều kiện xây dựng NTM ở Nam Đàn, ngoài việc hoàn tất công tác dồn điền đổi thửa, cần thực hiện tốt hơn nữa mối liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân – doanh nghiệp – nhà khoa học, đặc biệt là giữa nông dân, các tổ chức của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. "Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình CĐML ở Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương và vụ xuân 2013 là ở Nam Đàn. Ở những mô hình hầu hết mới đảm bảo được yếu tố diện tích, kỹ thuật, còn tính gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm - vấn đề quan trọng nhất của CĐML thì vẫn chưa được quan tâm chỉ đạo. Thực tế cho thấy hầu hết doanh nghiệp mới chỉ tham gia để bán giống, phân bón còn việc thu mua, chế biến sản phẩm thì rất ít doanh nghiệp làm được, thậm chí có nơi còn xảy ra hiện tượng ép giá sản phẩm" - ông Kim cho biết.
Ngoài ra, Nam Đàn cũng cần nhà nước hỗ trợ các bên tham gia xây dựng CĐMLnhư việc đào tạo nâng cao trình độ cho các hộ nông dân tham gia CĐML; khuyến khích nhà khoa học tích cực nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, chế biến nông sản và sống tốt bằng các sản phẩm khoa học của mình...
Bài, ảnh: Thu Huyền